Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Pháp: Macron đắc cử tổng thống, châu Âu thở phào nhẹ nhõm

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, vào tối 07/05/2017, với chiến thắng của ứng viên Emmanuel Macron, thuộc phong trào Tiến Bước! - En Marche!, châu Âu đã trút được nỗi lo lắng.

Tổng thống Pháp tân cử Emmanuel Macron phát biểu tại Paris, tối ngày 07/05/2017, phía sau là cờ Liên Hiệp Châu Âu
Tổng thống Pháp tân cử Emmanuel Macron phát biểu tại Paris, tối ngày 07/05/2017, phía sau là cờ Liên Hiệp Châu Âu REUTERS
Quảng cáo

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson tường trình:

« Không có gì ngạc nhiên khi giới lãnh đạo châu Âu đều thở phào nhẹ nhõm, bởi họ đã rất lo ngại kể từ khi khởi sự cuộc tranh cử tổng thống Pháp. Cuộc đối đầu giữa hai ứng cử viên vào chung kết, giữa hai vòng của cuộc bầu cử, cho thấy rõ : Macron là hiện thân cho sự đổi mới của Liên Hiệp Châu Âu, Le Pen là sự kết liễu được báo trước đối với những gì đã được gây dựng bền bỉ từ năm 1945.

Những lời chúc mừng được tới tấp gửi đến tổng thống tân cử Pháp. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hoan hỉ là lý tưởng về một châu Âu mạnh mẽ, tiến bộ, bảo vệ được tất cả các công dân của mình, kể từ giờ có được nước Pháp gánh vác, trong cuộc thảo luận sắp tới về tương lai của Liên Hiệp Châu Âu. Bởi, ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh : Tiến trình xây dựng Liên Hiệp Châu Âu gắn chặt với lịch sử của nước Pháp.

Tuy nhiên, đảng Xã Hội Châu Âu đã tỏ ra thận trọng với nhận định, chiến thắng nói trên mang vị đắng, bởi ứng cử viên chủ trương phá hủy châu Âu đã thu được sự ủng hộ của đến hơn một phần ba cử tri. Đảng Xã Hội Châu Âu kết luận : Những người tranh đấu vì dân chủ kể từ giờ cần thức tỉnh.

Phản ứng trái ngược duy nhất là của lãnh đạo nhóm nghị sĩ dân tộc chủ nghĩa Anh Quốc tại Nghị Viện Châu Âu, ông Nigel Farage. Theo lãnh đạo dân túy Anh Quốc, nhiệm kỳ Macron sẽ là 5 năm thất bại nữa, nhiều quyền lực quốc gia sẽ được chuyển giao cho Bruxelles, và chính sách mở cửa biên giới vẫn tiếp tục. Theo nghị sĩ Anh Quốc, nếu trụ vững, lãnh đạo cực hữu Pháp Marine Le Pen có thể giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lần tới 2022 ».

Tối 07/05, ngay sau khi thắng lợi của Emmanuel Macron được công bố, thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với người thắng cuộc. Đây là cuộc điện đàm quốc tế đầu tiên của tổng thống tân cử Pháp. Theo người phát ngôn của thủ tướng Đức, thắng lợi của ông Macron là « một chiến thắng của lý tưởng châu Âu mạnh và đoàn kết, của tình bạn Pháp-Đức ».

Về phần mình, thủ tướng Anh cũng « nồng nhiệt chúc mừng » tổng thống tân cử Pháp, và nhấn mạnh là Luân Đôn « muốn trở thành một đối tác mạnh của một Liên Hiệp Châu Âu an ổn và thịnh vượng, một khi thủ tục Brexit được hoàn tất ».

Ngày 08/05, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi lời chúc mừng nguyên thủ tương lai của nước Pháp, và bày tỏ niềm tin là Paris và Bắc Kinh chia sẻ « một trách nhiệm quan trọng đối với hòa bình và phát triển của thế giới ».

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng là một trong những lãnh đạo quốc tế đầu tiên gửi điện chúc mừng tổng thống tân cử Macron. Từ thủ đô Washington, nhà báo Phạm Trần nói về phản ứng mau lẹ của báo chí Mỹ, ca ngợi sự sáng suốt cử tri Pháp :

01:48

Nhà báo Phạm Trần_Washington

Tổng thống Nga hy vọng « vượt qua nghi ngại »

Cùng ngày, tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với lời chúc mừng tân lãnh đạo Pháp, đã bày tỏ lòng mong muốn Matxcơva và Paris « vượt qua những ngờ vực » để cùng nhau chiến đấu « chống lại đe dọa khủng bố gia tăng và chủ nghĩa cực đoan bạo động », « bảo đảm ổn định và an ninh thế giới ».

Thái độ của Matxcơva sau kết quả bầu cử Pháp rất được trông đợi, bởi trong thời gian tranh cử, tổng thống Nga đã có cuộc tiếp bà Marine Le Pen, đối thủ của ông Emmanuel Macron, tại Nga, một hành động mà nhiều người cho là một sự hậu thuẫn đối với lãnh đạo cực hữu Pháp. Nga và Pháp cũng đối đầu trong một loạt hồ sơ quốc tế như Syria và Ukraina.

Kết quả vòng hai bầu tổng thống Pháp

Theo kết quả chính thức loan báo hôm nay, 08/05/2017, ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron đã đắc cử tổng thống Pháp sau vòng 2 cuộc bầu cử hôm qua, 07/05, với trên 66% số phiếu, hơn xa đối thủ cực hữu Marine Le Pen được không đầy 34%. Chiến thắng của ông Macron tuy dứt khoát, nhưng điều đáng lo ngại là số người không đi bầu hay bỏ phiếu trắng đã đạt mức kỷ lục, đặt ra cho tân lãnh đạo Pháp nhiều vấn đề cần giải quyết.

Bộ Nội Vụ Pháp cho biết, dựa trên kết quả 100% số phiếu đã kiểm, ông Emmanuel Macron đắc cử với 66,1% số phiếu, trong lúc đối thủ của ông bà Marine Le Pen chỉ được 33,9%. Nếu tính theo số cử tri, ông Macron được 20.753.797 người tín nhiệm, trong lúc bà Le Pen được 10.644.118 phiếu.

Vấn đề đáng nói là tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu lên đến 25.44%, mức cao nhất từ năm 1969 đến nay. Bên cạnh đó, số phiếu trắng hay phiếu bất hợp lệ cũng tăng vọt, lên đến mức kỷ lục, xấp xỉ 9% cử tri, tức là hơn 4 triệu người, một kỷ lục đối với một cuộc bầu cử tổng thống.

Nếu gộp số người không đi bầu và những người bỏ phiếu trắng hay phiếu bất hợp lệ lại với nhau, thì có hơn một phần ba người Pháp đã từ chối chọn lựa giữa ông Macron và bà Le Pen. Riêng đối với ông Macron, về hình thức, ông chưa được đa số cử tri ủng hộ vì con số gần 21 triệu cử tri bầu không bằng 50% tổng số trên 47 triệu cử tri Pháp.

Thái độ nghi kỵ của một bộ phận không nhỏ người Pháp đối với ông thể hiện qua các số liệu trên đòi hỏi tân tổng thống Pháp phải nhanh chóng giải tỏa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.