Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Emmanuel Macron : Từ "vô danh" thành tổng thống Pháp

Đăng ngày:

Emmanuel Macron, 39 tuổi, đã trở thành tổng thống thứ 8 của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, với 66,1 % phiếu bầu ở vòng hai bầu cử tổng thống ngày 07/05/2017. Không chỉ là một tổng thống trẻ nhất trong lịch sử chính trường Pháp, Emmanuel Macron còn là người đã xây dựng một sự nghiệp chính trị « tiến bước » kỳ diệu đến đỉnh cao quyền lực trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron mừng chiến thắng tại điện Louvre, Paris, 07/05/2017.
Tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron mừng chiến thắng tại điện Louvre, Paris, 07/05/2017. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

Emmanuel Macron mới chỉ thực sự bước chân vào con đường chính trị cách đây 5 năm, khi được ông François Hollande mời làm cố vấn kinh tế năm 2012, rồi được bổ nhiệm làm bộ trưởng Kinh Tế năm 2014. Hơn 4 năm phục vụ chính quyền François Hollande, ông Macron đã nhanh chóng nhận ra những bất cập, gò bó của một hệ thống chính trị khuôn phép cổ điển làm cản trở sự phát triển của đất nước.

Có thể gọi là một quyết định liều lĩnh hay quá tham vọng khi tháng 04/2016 ông tự mình thành lập phong trào chính trị với  tên gọi En Marche ! (Tiến Bước !). Phong trào của Macron không tả mà cũng chẳng hữu, ban đầu chỉ tập hợp các tổ chức xã hội dân sự đấu tranh vì sự « tiến bộ » của nước Pháp. Không mang màu sắc chính trị nào, thế nhưng En Marche ! đã nhanh chóng thuyết phục được khá đông các chính trị gia dày dạn kinh nghiệm của các đảng phái tả hữu tham gia. Đến lúc này đã có 270.000 người bước cùng En Marche !

Tháng 08/2016, ông rời chính quyền của đảng Xã Hội, để sau đó 3 tháng chính thức ra ứng cử tổng thống cường quốc kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Bước vào cuộc đua khốc liệt, Emmanuel Macron một mình đương đầu với cả một hệ thống chính trị cổ điển tả - hữu thay nhau cầm quyền, các xu hướng cực đoan bên tả cũng như hữu đang nổi lên mạnh mẽ do những thất bại của liên tiếp các chính quyền nối tiếp nhau lãnh đạo nước Pháp từ hàng thập kỷ qua.

Cuối cùng, cuộc lội ngược dòng của nhà chính trị trẻ tuổi, chưa một lần tham gia một cuộc tuyển cử nào đã thành công ngoạn mục : Ở vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron dẫn đầu với 24,01% số phiếu bầu, hai tuần sau ở vòng chung kết, ông giành 66,1% phiếu bầu, gần gấp đôi số phiếu của đối thủ của Mặt Trận Quốc Gia (Front National, 33,9%).

Macron đã trở thành một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử chính trị Pháp. Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư Trịnh Văn Thảo (từng giảng dạy tại đại học Aix-Marseille, Pháp) giải thích « hiện tượng » Macron :

« Thứ nhất là ông tượng trưng cho xu hướng trẻ trong hàng ngũ trí thức Pháp. Họ bắt đầu chán nản hệ thống chính trị của xứ Pháp càng ngày càng cằn cỗi và không trả lời một cách linh động những đòi hỏi mà tình thế bắt buộc.

Theo ý tôi, sở dĩ họ bầu cho ông Macron, vì họ tin rằng Macron sẽ tiếp tục đường lối của tổng thống Hollande với những phương tiện khác, với cách thông tin khác, với quan niệm khác về liên hệ giữa lãnh tụ với dân chúng, ngoài hệ thống của đảng phái theo lưỡng cực bây giờ mà mình thấy hoàn toàn lỗi thời.

Thành ra tôi nghĩ rằng, đứng về mặt những nguyên tắc căn bản, thì Macron sẽ không thay đổi gì so với ông Hollande trong giai đoạn này. Có thể nói là đó là sự tiếp nối một thế hệ chính trị mà chưa hoàn thành sứ mệnh của nó. Nên là ông cũng sẽ đi theo con đường tự do, trung thành với tinh thần của cộng đồng Âu châu và tiếp tục tôn trọng sự dấn thân của xứ Pháp trong cộng đồng Âu châu mà Pháp và Đức là hai thành viên quan trọng nhất.

Có thể ông Macron trẻ hơn, không có kinh nghiệm, không chịu ảnh hưởng của các đảng nên ông hành động dễ dàng hơn. Tôi nghĩ đó là một ưu điểm của ông tổng thống mới »

Tuy nhiên, trong suốt thời gian vận động tranh cử, ứng viên Macron luôn giữ khoảng cách với đảng Xã Hội và khẳng định không phải là « người tiếp nối » chính sách của tổng thống François Hollande, bị mất tín nhiệm sâu sắc đối với người dân Pháp. Nhưng liệu tổng thống tân cử Macron có « đoạn tuyệt » được với chính sách trước của nước Pháp, đặc biệt trong việc duy trì nước Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu ? Giáo sư Trịnh Văn Thảo giải thích :

« Tôi nghĩ rằng đứng về mặt tuyên bố, thì phải nói thế thôi vì chế độ Đệ Ngũ Cộng Hòa đi tới ngõ bí. Phía bên tả cũng như bên hữu đều bị tài chính tư bản mại bản lũng đoạn một cách trầm trọng. Thành ra không ai ngày nay xem chế độ tổng thống Pháp còn trả lời một cách thích ứng với tình thế.

Ông Macron chống lại những chế độ mà ông gọi là đảng phái, như chống lại một đảng Xã Hội cằn cỗi mục nát, chống lại một đảng Cộng Hòa cũng bị những người nhà giầu, những người làm ăn quá độ ủng hộ.

Theo ý tôi, Macron thắng không phải do ông chứng minh có tài cai trị mà ông thắng vì đằng sau lưng ông là đa số thành phần trung lưu Pháp ủng hộ ông. Và họ không muốn đoạn tuyệt với cộng đồng Âu châu.

Bởi vì ngày nay, muốn đặt lại (xem xét lại) toàn bộ hệ thống liên lạc và hội nhập vào cộng đồng Âu châu như bà Le Pen thì không thể nào tin cậy và tưởng tượng được. Một khi mình đã theo một chính sách từ 40 đến 50 năm rồi, mà chính sách đó cho những kết quả tốt, dù muốn dù không, khi mà cộng đồng Âu châu là một trong những lục địa tiến bộ nhất, dân chủ nhất và tự do nhất trên thế giới. Nhất là so sánh với tình hình của Á châu và của Mỹ châu hay Phi châu, thì thấy Âu châu là một sự thắng lợi lớn của thế giới sau Chiến Tranh Thế Giới thứ hai ».

Mặt Trận Quốc Gia Pháp và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy

Trong bài phát biểu tại trụ sở của phong trào Tiến Bước! tối thắng cử, tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron cam kết « đoàn kết quốc gia ». Trước hết, ông phải thuyết phục được 25,3% cử tri vắng mặt, hơn 9% cử tri bỏ phiếu không hợp lệ hoặc phiếu trắng để « phản đối Macron và chống Le Pen » và cuối cùng là 34,1% cử tri Pháp tham gia bỏ phiếu đã bầu bà Le Pen.

Đối thủ của ông, bà Marine Le Pen đã thu được gấp hai lần số phiếu so với cha của bà, Jean-Marie Le Pen, vào năm 2002 khi đối đầu với Jacques Chirac. Trong vòng 15 năm, đảng Mặt Trận Quốc Gia ngày càng lớn mạnh nhờ quan điểm dân tộc, nhưng theo nhận xét của giáo sư Trịnh Văn Thảo, đó là « dân tộc chủ nghĩa lỗi thời từ nửa thế kỷ thứ XX » :

« Font National (Mặt Trận Quốc Gia) xuất thân là phong trào của những đảng phái phản động ngày xưa theo đuổi mộng đế quốc của Pháp. Vai trò của ông Jean-Marie Le Pen trong trận chiến Đông Dương, cũng như trong cuộc giải phóng Algeria, chứng tỏ là họ trước hết xuất thân từ những tổ chức bảo thủ quốc gia, theo nghĩa hẹp của nó là chỉ muốn thôn tính các xứ khác chứ không để các xứ khác thôn tính. Đó là một điều rất hay, ai mà không muốn thế ! Nếu nhìn lại Trung Quốc ngày nay, trên phương diện nào đó, Trung Quốc cũng đi theo con đường đó.

Nhưng con đường đó không thích hợp với hoàn cảnh kinh tế. Nên tôi nghĩ rằng, dù họ ngụy hình như thế nào đi nữa, thực chất chủ nghĩa quốc gia dân tộc của bà Le Pen là tụ hợp lại tất cả thành phần bất bình trong những người có thể gọi là « nạn nhân chính » của phương thức hoàn cầu hóa kinh tế. Họ là những người thất bại đứng về mặt xã hội. Họ có cảm giác càng ngày càng xa cách lý tưởng tự do dân chủ theo thời đại ngày nay. Họ tập hợp những người « chống » hơn là những người « thuận » cho một chương trình cụ thể nào đó ».

Từ khi thành lập năm 1972, đảng Mặt Trận Quốc Gia luôn đóng vai trò đối lập trên chính trường Pháp. Nhưng kể từ những năm 2000, Mặt Trận Quốc Gia trở thành một đảng như những đảng truyền thống tả-hữu tại Pháp. Cử tri Pháp không còn ngại khi bày tỏ quan điểm ủng hộ đảng cực hữu. Điều này phản ánh sự phẫn nộ của một bộ phận người dân Pháp trước những thất bại trong chính sách kinh tế-xã hội của các chính phủ tả hoặc hữu lần lượt cầm quyền.

Tuy nhiên, theo đánh giá của giáo sư Trịnh Văn Thảo, hiện tượng trỗi dậy của đảng Mặt Trận Quốc Gia Pháp hiện nay khác với cuộc khủng hoảng chính trị Pháp trong thập kỷ 1930 :

« Khác về thực chất. Ngày xưa, những năm 1930-1936 là lúc mà chủ nghĩa thực dân đi đến chỗ bế tắc, mà chính chủ nghĩa kinh tế tự do cũng đi tới bế tắc. Đó là hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 1930. Ngày nay, nó là hậu quả của một cuộc hoàn cầu hóa kinh tế trên thế giới. Người dân không nghĩ xa. Họ nghĩ rằng xài, mặc áo quần của Trung Quốc rẻ thì họ khoái, nhưng họ không thấy vấn đề là mình phải trả giá cho thị trường tự do và hoàn cầu theo một cách khác. Tôi nghĩ rằng chính điều đó làm cho một số người vỡ mộng.

Thành thử ra, nói chung, những phong trào dân tộc quốc gia ngày nay có điểm giống và khác với trước : Giống ở chỗ bảo thủ. Nó dựa vào quan niệm nước Pháp là vô địch, dựa vào huyền thoại nước Pháp là số 1, là duy nhất. Trong khi thực tế, nó cho thấy rõ rằng không có một nền kinh tế nào, một xã hội nào ngày nay có thể tồn tại nếu không chịu hòa nhập vào thị trường quốc tế ».

Chiến thắng của Emmanuel Macron được đánh giá là giúp nước Pháp và châu Âu tránh được điều tồi tệ nhất. Thế nhưng, tổng thống tân cử Pháp cũng không được quên « sự giận dữ và lo lắng của dân tộc Pháp ». Mơ ước thành danh trong sự nghiệp văn chương, nhưng định mệnh lại đẩy ông đến chính trường. Năm năm đảm nhiệm vai trò cao nhất của nước Pháp có lẽ sẽ giúp ông viết những trang quan trọng trong sự nghiệp của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.