Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Truy tìm nguồn gốc một tin đồn

Trong đợt vận động tranh cử tổng thống Pháp 2017, tung tin đồn trên internet là một trong những chiến thuật để bôi nhọ đối thủ và việc truy tìm nguồn gốc tin đồn không phải là dễ. Kênh truyền thông Franceinfo có bài giải mã một trong những tin giả này : « Macron có tài khoản ngân hàng giấu ở Bahamas : Tin đồn từ đâu ra ? »

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa REUTERS/Kacper Pempel/Files
Quảng cáo

Tin đồn được đưa ra từ một diễn đàn trao đổi trên mạng và nhanh chóng lan tỏa, thậm chí được ứng viên cực hữu Marine Le Pen nêu ra trong cuộc tranh luận với Emmanuel Macron, tối thứ Tư 03/05. Ứng viên tổng thống của phong trào Tiến Bước ! (En Marche!) đã đệ đơn kiện.

Đơn kiện này xuất phát từ hai sự kiện diễn ra cùng một lúc. Trong cuộc tranh luận giữa hai vòng bầu cử, ứng viên Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN) nhắc đến việc ứng viên Emmanuel Macron thuộc phong trào Tiến Bước ! có tài khoản ngân hàng ở Bahamas, đồng thời trên mạng xã hội lưu truyền những tài liệu cáo buộc ông Macron trốn thuế, giấu tiền ở thiên đuờng thuế khóa vùng Caraibes.

Nguồn gốc của tin đồn

« Tôi hy vọng là người ta sẽ không biết rằng ông đã có một tài khoản ở Bahamas… ». Vào lúc gần như kết thúc cuộc tranh luận hôm thứ Tư 03/05 trên truyền hình, bà Marine Le Pen, bị chỉ trích có dính líu đến các vụ bê bối tài chính, đã nhả ra câu nói bóng gió này. Thế nhưng, câu nói này lẽ ra chỉ được coi như một trong số các thông tin sai lệch, đã được đưa ra trong bối cảnh từ vài giờ trước đó, trên mạng internet, có nhiều tài liệu được lưu truyền, cáo buộc ông Emmanuel Macron có quan hệ với một công ty đặt tại thiên đường thuế khóa vùng Caraibes, giúp ông trốn thuế.

Nhóm phụ trách vận động tranh cử của ông Macron cho rằng đã nhận diện được nguồn gốc của tin đồn này : đó là một kênh thông tin được gọi là « chính trị » trên website 4chan, một diễn đàn thảo luận rất lớn. Tác giả nặc danh của tin đồn đã tung lên mạng vào khoảng 19 giờ, hôm thứ Tư, 03/05, các « tài liệu chứng minh ông Macron bí mật trốn thuế ». Trong tin đồn được viết bằng tiếng Anh, tác giả nặc danh này khẳng định đã gửi những tài liệu nói trên đến « hàng trăm nhà báo Pháp » và khuyến khích cư dân mạng sử dụng các tài liệu này « trong lúc diễn ra cuộc tranh luận », nhằm « làm nản lòng các cử tri đã bỏ phiếu cho Macron ».

Tin đồn đã nhanh chóng được phát tán trên mạng xã hội Twitter qua tài khoản có tên là Nathan Damigo. Theo các thông tin đăng trong tài khoản này, thì đây là một người hoạt động ủng hộ Donald Trump và gần gũi với giới đấu tranh đề cao bản sắc châu Âu.

Theo ông Nicolas Vanderbiest, chuyên gia Bỉ về những hiện tượng gây ảnh hưởng trên các mạng xã hội và qua tìm kiếm trên Twitter, thì đường kết nối với website 4chan đã được các tài khoản của những người ủng hộ Donald Trump loan tải rộng rãi, rồi sau đó đến lượt các tài khoản được đánh giá là « mến mộ nước Nga ». Chuyên gia Vanderbiest giải thích với đài truyền hình Franceinfo : « Tỷ lệ trùng hợp về nội dung lên tới hơn 40% giữa các tài khoản loan truyền tin đồn này và các tài khoản mà tôi đã nhận diện được vốn thường xuyên đăng những thông tin của hai hãng thông tấn Nga Russia Today và Sputnik ».

Ngay trong tối thứ Tư, 03/05, các tài liệu nói trên cũng xuất hiện trên diễn đàn trao đổi Discord, qua kênh « quán giải khát của những người ái quốc ». Theo quan sát của báo Huffinton Post, thì Discord là diễn đàn trao đổi của các cư dân mạng ủng hộ đảng Mặt Trận Quốc Gia. Vẫn theo báo Huffinton Post, thì nếu như chính các cư dân mạng này cũng nghi ngờ về tính xác thực của các tài liệu, nhưng điều đó không quan trọng, vì một cư dân mạng có bí danh là Hogan, đã bình luận : Đương nhiên đó là tin giả. Vậy thì sao ? Mục tiêu là tấn công Macron, nhắm vào những người tin tưởng ông ta.

Nội dung các tài liệu

Website Disobediant Media, chuyên « thông tin lại », cũng đăng các tài liệu và tuyên bố rằng những tài liệu này « cho thấy ứng viên Emmanuel Macron đã ký một thỏa thuận cho một công ty trách nhiệm hữu hạn trên đảo Niévès, ở quần đảo Caraibes và công ty này đã có được các quan hệ làm ăn với một ngân hàng vốn trước đây có dính líu đến những vụ trốn thuế ở quần đảo Caiman ». Câu này được viết một cách cầu kỳ và tương đối thận trọng, gợi mở ý là ông Macron có thể dính líu đến một công ty thường xuyên trốn thuế. Tuy nhiên, chưa có lúc nào, ông Macron và nhóm cộng sự thân cận lại đặt vấn đề về bình luận này trên Disobediant Media và do chính người sáng lập website này viết, ông William Craddick.

Tài liệu đầu tiên (dưới dạng PDF, bằng tiếng Anh) là một hợp đồng giữa công ty có tên gọi là La Providence LLC, đặt trên đảo Niévès, thiên đường thuế khóa trên quần đảo nhỏ bé Antilles và ngân hàng First Caribbean. Trên tài liệu các chữ ký tắt và chữ ký mang tên Emmanuel Macron, thay mặt cho công ty La Providence LLC.

Tài liệu thứ hai (dưới dạng PDF, bằng tiếng Anh) là một bức thư hoặc bản fax, được coi như bằng chứng về mối quan hệ làm ăn giữa công ty La Providence LTD và ngân hàng First Caribbean, nhưng trong tài liệu này không có tên của ông Macron.

Những lý do nghi ngờ

Được báo động vào tối thứ Tư về việc lưu truyền những tài liệu trên, ngay sau khi kết thúc cuộc tranh luận, ban vận động của Emmanuel Macron đã « nhanh chóng lần ra dấu tích » và bắt tay nghiên cứu các tài liệu, theo như giải thích của một người thân cận của ứng viên với Franceinfo. Nhóm làm việc của Emmanuel Macron đã thức suốt đêm thứ Tư đến sáng thứ Năm phân tích kỹ hai tài liệu được tung trên mạng, được cho là « có nhiều lỗ hổng », trước khi gởi cho báo chí phần « giải mã » của họ khoảng 6 giờ sáng.

La Providence là công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) hay công ty vô danh (LTD) ? Chi tiết mâu thuẫn đầu tiên được nêu ra : Doanh nghiệp có tên gọi La Providence xuất hiện dưới hai dạng công ty có quy chế khác nhau. Một trong hai tài liệu ghi công ty LLC và tài liệu kia ghi công ty LTD. Đây là hai hình thức doanh nghiệp khác nhau, và nếu như đó là hai công ty theo luật của Pháp, thì một là công ty trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp kia là công ty vô danh. Xin nhắc lại là tài liệu thứ hai không thấy ghi tên ông Macron và do vậy không khả tín.

Chữ ký đáng ngờ. Trên một trong các tài liệu có xuất hiện chứ ký được cho là của Emmanuel Macron. Thế nhưng, nhóm cộng sự của ông coi đây là một chữ ký « giả thô thiển ». Theo nhóm cộng sự thì chữ ký của ông Macron có ở khắp nơi, kể cả trên website En Marche ! Do vậy, có thể dễ dàng so sánh, đối chiếu. Trong tài liệu giải mã sự giả dối, nhóm cộng sự đã so sánh chữ ký được cho là của ông Macron đăng trên website Disobedient với chữ ký thật của ông.

Các chi tiết thiếu sót hoặc gây ngạc nhiên. Nhóm cộng sự thân cận với ứng viên Macron lập ra một danh sách những sai lệch khác ví dụ như tài liệu thứ hai có hai trang nhưng chỉ thấy đăng một trang, sử dụng fax, ngày ký tài liệu đầu tiên được ghi một cách nực cười là mồng 4 tháng Năm 2012… Một thành viên trong nhóm thân cận ông Macron nêu tên hai người được ghi trên các tài liệu và cho biết, hai số điện thoại được ghi trên đó để có thể liên lạc với người có tên là Richard Palmer thì không có ai trả lời và dường như người có tên Brian Hayes thì không tồn tại. Vẫn theo cộng sự này thì điều ngạc nhiên là trên tài liệu được coi là thỏa thuận hơp tác làm việc lại chỉ có chữ ký của ông Macron mà không có chữ ký của bên kia.

Phản ứng của đôi bên

Ngay sáng hôm sau cuộc tranh luận, Emmanuel Macron, trên đài France Inter đã phủ nhận lời đồn thổi : « Tôi không có tài khoản ở Bahamas. Đó không những không phải khí chất của tôi, mà còn không phải là bản chất thật sự của tôi ».

Ngày 04/05/2017, ông Emmanuel Macron đã đệ đơn kiện về « tài liệu giả, dùng tài liệu giả và tuyên truyền thông tin sai nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu » bầu tổng thống. Viện Công Tố Paris đã mở một điều tra sơ bộ về vụ việc này.

Về phần mình, khi bị chất vấn về chủ đề này sáng thứ Năm (04/5), sau khi đã đưa ra những ngờ vực về đối thủ, bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia đã lùi bước và khẳng định không có ý định cáo buộc Emmanuel Macron cất giấu một tài khoản tại Bahamas.

Trên đài BFMTV và RMC, bà Le Pen trả lời rằng : « Nếu tôi có muốn làm điều này, thì tôi đã làm hôm qua rồi ». Bà nói thêm là : « Giả như tôi có được những bằng chứng, thì hôm qua, tôi đã khẳng định. Tôi chỉ hỏi ông ấy thế thôi, (…) » trước khi ra vẻ ngạc nhiên hỏi lại phóng viên rằng : « Chẳng nhẽ chúng tôi cũng không được quyền hỏi ông ấy mấy câu nữa hay sao ? ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.