Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Bầu cử tổng thống Pháp : Cuộc đọ sức kinh tế Le Pen-Macron

Đăng ngày:

Emmanuel Macron hay Marine Le Pen đắc cử tổng thống, đời sống của 67 triệu dân Pháp sẽ dễ thở hơn ? Công việc làm vững chắc hơn với ứng cử viên phong trào tập hợp tả hữu Tiến Bước! hay với đại diện của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia ? Ai sẽ đại diện cho nước Pháp tại những thượng đỉnh quốc tế như G7 hay G20 ? Đó là những câu hỏi cử tri đang đặt ra trước khi đến phòng phiếu vào ngày 07/05/2017.

Áp phích vận động bầu cử tổng thống Pháp: Hai ứng viên Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen.
Áp phích vận động bầu cử tổng thống Pháp: Hai ứng viên Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen. REUTERS/Robert Pratta
Quảng cáo

Tạp chí kinh tế hôm nay xin điểm lại một vài nét chính về hai cách nhìn khác nhau của hai ứng cử viên tổng thống Pháp 2017 về cùng một vấn đề : tình trạng kinh tế, xã hội của Pháp, về những thách thức mà nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới phải đối mặt. Châu Âu, chính sách nhập cư và ngân sách Nhà Nước, ba hố sâu ngăn cách trong số rất nhiều bất đồng giữa hai ứng viên tổng thống Pháp Macron-Le Pen. Cả hai đã vượt qua thử thách của lá phiếu ở vòng 1 hôm 23/04/2017

Cựu bộ trưởng Macron chủ trương “một nước Pháp vững mạnh trong Liên Hiệp Châu Âu bền vững và thịnh vượng”. Nghị viên châu Âu Le Pen xem bà là tiếng nói đại diện cho thành phần lao động, chống tiến trình toàn cầu hóa, chống sự lệ thuộc của Pháp vào châu Âu.

Châu Âu : Hố sâu ngăn cách hai ứng viên

"Liên Hiệp Châu Âu sẽ chết, vì nhân dân không còn muốn Liên Hiệp đó nữa. Nhân dân sẽ có tiếng nói quyết định cuối cùng. Tôi muốn dành một chỗ đứng xứng đáng hơn cho nước Pháp. Tôi mà cầm quyền, sẽ không có chuyện người nhập cư vào Pháp tiến hành khủng bố. Chúng không thể xâm nhập vào đất nước của chúng ta". Trên đây là lập trường của ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen như chính bà tuyên bố trong các cuộc mit-tinh. Khai tử Liên Hiệp Châu Âu, đồng hóa người nhập cư với những kẻ khủng bố, là những lá bài mà đảng Mặt Trận Quốc Gia -Front National, liên tục khai thác.

Về phần Emmanuel Macron, sáng lập viên phong trào Tiến Bước! khẳng định rõ lập trường : "Tôi đứng về phía Liên Hiệp Châu Âu, tôi sẽ bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu và xúc tiến cải tổ, để công dân châu Âu được che chở. Châu Âu là một công trình xây dựng chung mà chúng ta đã cùng quyết định vì tự do và thịnh vượng và hòa bình".

Trong suốt nhiều tháng vận động tranh cử, Emmanuel Macron khẳng định quyết tâm đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Liên hiệp Châu Âu theo lý tưởng tự do mà ở đó thị trường đóng một vài trò trọng yếu. Phóng viên nhật báo kinh tế Les Echos, bà Marie Bellan, phân tích về tầm nhìn của ông Macron với châu Âu như sau :

"Có thể nói Emmanuel Macron là một trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất Liên Hiệp Châu Âu trong số 11 ứng cử viên tổng thống Pháp. Lập trường của ông khá đơn giản : Đức là đối tác chính của Pháp trong đại gia đình châu Âu, là đầu tàu của Liên Hiệp. Do vậy Paris cần thuyết phục Berlin về khả năng cải tổ và hiện đại hóa guồng máy kinh tế của nước Pháp, để từ đó Pháp và Đức cùng nhau xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh hơn. Thậm chí Emmanuel Macron còn đề nghị một ngân sách chung cho châu Âu, với một bộ Tài Chính chung cho toàn khối, một nghị viện của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đức có chấp nhận mô hình đó hay không, đấy là một chuyện khác. Nhưng điều này cho thấy ông Macron rất gắn bó với châu Âu".

Không tin vào sức mạnh của một nền kinh tế hội nhập, bà Marine Le Pen trước hết là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Tương tự như Donald Trump, bà đặt quyền lợi của người Pháp lên trên hết. Chủ nghĩa bảo hộ, đóng cửa biên giới, đánh thuế hàng nhập khẩu, giới hạn tự do đi lại của người lao động nước ngoài, là những biện pháp "tốt nhất để bảo đảm công việc làm trên đất Pháp, cho người Pháp". Liên Hiệp Châu Âu trong mắt Marine Le Pen là một trở ngại để "hào quang của Pháp sáng chói trở lại". Phóng viên nhật báo Les Echos, Guillaume de Calignon, giải thích về quan niệm của Marine Le Pen với châu Âu, cho dù bà là nghị viên châu Âu :

" Chương trình của Marine Le Pen chỉ tập trung trên một ý : tái lập chủ quyền cho nước Pháp trên nhiều lĩnh vực. Cốt lõi của vấn đề là nước Pháp phải ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, từ bỏ đồng euro. Trên thực tế Marine Le Pen úp mở, bà đòi đàm phán lại với châu Âu và tổ chức trưng cầu dân ý về câu hỏi nên hay không từ bỏ đồng euro. Nhưng thực chất thì ứng viên tổng thống Le Pen muốn thoát khỏi châu Âu. Bà chỉ có thể thực hiện chính sách kinh tế một khi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Bởi lẽ ứng cử viên này chủ trương bảo hộ mậu dịch, đánh thuế vào hàng nhập khẩu, đóng cửa biên giới với người nước ngoài, đòi ưu tiên dành việc làm trên đất Pháp cho người Pháp … Tất cả những biện pháp đó trái ngược với tinh thần của châu Âu".

Ngân sách Nhà Nước

Với ứng cử viên đại diện cho phong trào En Marche !, tuân thủ các chuẩn mực về tài chính của khối châu Âu là một ưu tiên. Ngược lại với bà Le Pen giữ tỷ lệ bội chi ở mức 3 % tổng sản phẩm nội địa không còn là mục tiêu phải đạt được khi nước Pháp ra khỏi eurozone. Bà Le Pen quan niệm, ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu cho phép nước Pháp "tiết kiệm" được những khoản đóng góp vào ngân sách chung châu Âu, cắt được những khoản chi phí đài thọ cho các chương trình đón nhận người nhập cư vào Lục Địa Già. Nhưng ứng cử viên cực hữu này quên hẳn những khoản trợ cấp mà nông dân Pháp, mà các doanh nghiệp Pháp nhận được từ Bruxelles.

Theo thống kê của Liên Hiệp Châu Âu Eurostat, năm 2016 nước Pháp đóng góp 19 tỷ euo cho Liên Hiệp, đứng hàng thứ nhì sau Đức là 24,3 tỷ euro. Đổi lại Paris nhận được 14,5 tỷ euro trợ viện trợ của Bruxelles, chủ yếu qua chính sách hỗ trợ nông nghiệp PAC (9 tỷ). Nhà báo Guillaume de Calignon nhận xét về chính sách thuế khóa mơ hồ của ứng cử viên Le Pen :

"Thực ra, vấn đề ngân sách cũng như chính sách thuế khóa không là những ưu tiên đối với bà Marine Le Pen. Mục tiêu giảm bội chi ngân sách Nhà Nước lại càng không phải là mối quan tâm của ứng cử viên Mặt Trận Quốc Gia. Bà chỉ nói một cách rất hời hợt là cần giảm thuế cho các hộ gia đình, giảm thuế doanh nghiệp. Marine Le Pen cũng lơ lửng không đề cập đến khả năng cắt giảm chi tiêu công cộng, ngoại trừ một biện pháp là dẹp bỏ các chính quyền cấp vùng. Ngược lại ứng viên cực hữu này trông đợi vào các biện pháp như là bắt những người trốn thuế, bắt những người khai gian giấy tờ để nhận trợ cấp xã hội. Bà muốn dùng khoản tiền đó để lấp vào khoản trừ thuế cho dân và doanh nghiệp. Nhưng ở thời điểm này, không ai biết là đảng Mặt Trận Quốc Gia nếu lên cầm quyền thì ngân sách của Nhà Nước sẽ ra sao. Cương lĩnh của Marine Le Pen rất mơ hồ".

Ngược lại ứng cử viên phong trào En Marche ! thông báo những mục tiêu cụ thể như phân tích sau đây của phóng viên báo Les Echos, Marie Bellan :

"Emmanuel Macron đề nghị ngay từ đầu nhiệm kỳ, giữ mức thâm hụt ngân sách dưới ngưỡng 3 % GDP. Giảm chi 6 tỷ euro trong vòng 5 năm, chủ yếu nhờ giảm bớt lực lượng nhân viên Nhà Nước, nhưng tuyệt đối không động đến các lĩnh vực như là tư pháp, an ninh, hay nhân viên y tế. Về chính sách thuế khóa, ứng cử viên phong trào Tiến Bước ! chủ trương giảm thuế cho các doanh nghiệp, điều chỉnh chính sách thuế khóa nhắm vào các tầng lớp giàu có, bãi bỏ thuế gia cư cho 80 % người dân Pháp. Chỉ riêng biện pháp sau cùng này tốn khoảng 10 tỷ euro và đó sẽ là một khoản thiếu hụt mà Nhà Nước phải gánh chịu".

Người nước ngoài và quyền lợi của dân Pháp

Emmanuel Macron và Marine Le Pen đưa ra hai cách nhìn trái ngược hẳn về vị trí của kinh tế Pháp trong thế giới mở rộng. Với ông Macron, "kinh tế mở rộng, Liên Hiệp Châu Âu, mô hình kinh tế thị trường" là chìa khóa đem lại thịnh vượng. Ở bên kia đấu trường, Marine Le Pen xem những biện pháp bảo hộ, sự can thiệp của Nhà Nước vào các hoạt động kinh tế, việc đóng cửa biên giới là những thành trì kiên cố.

Vào lúc nhà máy Whirlpool ở Amiens bị đe dọa đóng cửa, hơn ba trăm nhân viên sắp bị sa thải, hai ứng cử viên tổng thống Pháp cùng đến tận nơi để " thẩm định tình hình". Một người thì hứa là ở cương vị tổng thống "sẽ ra lệnh" cấm đóng cửa nhà máy ở Amiens. Người kia thì cam kết tạo điều kiện để những công nhân mất việc dễ tìm được việc làm khác. Hai thái độ nói trên biểu hiện rõ quan điểm của hai ứng viên tổng thống về đời sống xã hội kinh tế, về thế giới bao quanh nước Pháp ngày hôm nay.

Với Marine Le Pen, nguyên tắc tự do đi lại, tự do giao thương là nguyên nhân dẫn tới "thảm họa" kinh tế của nước Pháp hiện nay.

Trong cuộc chạy đua giành lá phiếu của cử tri, ứng cử viên Le Pen có lập trường bài ngoại, mạnh mẽ tuyên bố : nước Pháp đã quá dễ dãi và hào phóng đón nhận người nhập cư, để rồi người nước ngoài cướp đi công việc của người Pháp. Lời tuyên bố đó xuôi tai, trong lúc thất nghiệp tại Pháp vẫn còn xấp xỉ 10 %. Có điều thống kê chính thức của Pháp và châu Âu cho thấy, Marine Le Pen đã đưa ra những kết luận quá vội vàng.

Thứ nhất, trong cả năm 2016 chính phủ Pháp cấp thẻ lưu trú cho 227.500 người. Con số này tăng 4,5 % so với 2015. Dân số của Pháp hiện tại là 67 triệu. Theo thống kê của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế, OCDE, trung bình trong thời gian từ 2002 đến 2004, mỗi năm nước Pháp đón nhận thêm khoảng 200.000 người nhập cư, chỉ bằng phân nửa so với tỷ lệ trung bình trong khối OCDE.

Thứ nữa trong số 227.500 người được vào Pháp sinh sống, có tới gần 50 % là công dân trong Liên Hiệp Châu Âu đến Pháp làm việc, chủ yếu là người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Ý và Đức. Đó là chưa kể 70.000 là sinh viên ngoại quốc vào Pháp du học.

Về ý tưởng người ngoại quốc cướp việc làm của người Pháp, báo cáo hồi tháng 4/2015 của Viện thống kê INSEE chỉ ra rằng, các hãng Pháp cần tuyển dụng 1,7 triệu nhân viên mà không được toại nguyện, vì không tìm được người có kinh nghiệm và không có đúng những chuyên môn cần thiết.

Dù thất nghiệp ở Pháp rất cao, nhưng ngành xây dựng, nhà hàng, … vẫn miệt mài đi tìm nhân viên.

Sau cùng, trung tâm nghiên cứu CEPII trong báo cáo thực hiện năm 2016, chứng minh rằng, trong thời gian từ 1990 đến 2016, sự hiện diện ngày càng đông của người lao động nước ngoài, không làm giảm lương của người Pháp. Trong cùng thời gian, số người lao động có chuyên môn cao đến Pháp làm việc được nhân lên gấp ba. Ngược lại tỷ lệ nhân công ít có kinh nghiệm giảm từ 67 % xuống còn 39 %.

Năm ngày trước lá phiếu quyết định sau cùng khép lại mùa bầu cử tổng thống Pháp 2017, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, sau ba tháng tổng thống Donald Trump cầm quyền, thành phần ủng hộ ông đang thất vọng vì những hứa hẹn mang tính mị dân không dễ thực hiện. Từ dự án xây tường ở biên giới với Mêhicô đến đề xuất đánh thuế vào hàng nhập khẩu, ngay cả kêu gọi "buy America" xoáy vào lòng yêu nước ưu tiên mua hàng của Mỹ tới nay vẫn là chỉ là khẩu hiệu trên giấy tờ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.