Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Đường vào điện Elysée : Marine Le Pen tự tin có thể thắng ngược

Đăng ngày:

Hai tuần lễ ngắn ngủi giữa vòng một 23/04/2017 vừa qua và vòng hai bầu tổng thống Pháp Chủ Nhật 07/05 sắp đến là thời gian để hai ứng cử viên còn lại dồn toàn lực đánh trận cuối cùng. Thăm dò ý kiến cho lãnh đạo phong trào Tiến Bước Emmanuel Macron bỏ xa Marine Le Pen của Mặt Trận Quốc Gia từ 20 đến 24 điểm (*). Tuy nhiên, ứng cử viên chủ trương « dân Pháp trước đã » cho rằng đủ sức lật ngược thế cờ, đánh bại đối thủ theo « toàn cầu hóa ».

Bà Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, viếng chợ Rungis, Paris, trong cuộc vận động tranh cử, ngày 25/04/2017.
Bà Marine Le Pen, ứng cử viên tổng thống đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, viếng chợ Rungis, Paris, trong cuộc vận động tranh cử, ngày 25/04/2017. Reuters
Quảng cáo

Ngay buổi sáng hôm sau vòng một với kết quả về nhì, nữ luật sư Marine Le Pen « xuống đường » thăm một khu chợ trời độ 15 phút để chứng tỏ là đại diện của tầng lớp dân nghèo đương đầu với đối thủ Emmanuel Macron, « một kẻ thiếu tình người ».

Chiều lại, trên đài truyền hình Pháp France 2, Marine Le Pen, thông báo « từ chức chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia » để « tập hợp dân chúng chung quanh dự án lãnh đạo quốc gia ». Bỏ vị thế « đối thủ », ứng cử viên cực hữu khẳng định dự án « yêu nước » của bà đang ở thế thượng phong, đè bẹp chương trình tranh cử « rỗng tuếch » của Emmanuel Macron mà bà gọi là « đại diện của giới chính trị bất tài ». Marine Le Pen tuyên bố đủ sức thu ngắn khoảng cách, mà theo bà « chỉ có 10 điểm ».

Trong khi đó, ứng cử viên về nhất Emmanuel Macron liên tục nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía. Hầu hết các đối thủ cũ cho đến tổng thống mãn nhiệm François Hollande, kêu gọi cử tri dồn phiếu để ngăn chận nguy cơ cực hữu nắm quyền.

Trước một « mặt trận cộng hoà » đang được huy động làm rào cản, bà Marine Le Pen chỉ được cựu chủ tịch một đảng nhỏ theo xu hướng Thiên Chúa Giáo ủng hộ, nhưng với lý do là để « làm suy yếu » Emmanuel Macron. Tuy nhiên, đảng Mặt Trận Quốc Gia có cơ sở hạ tầng phát triển, trong khi phong trào Tiến Bước chỉ mới có một tuổi. Nội bộ cánh hữu cũng lủng củng không dứt khoát ủng hộ Macron.

Câu hỏi đặt ra là liệu ứng cử viên chủ trương nước Pháp co cụm, bỏ châu Âu, hội đủ cơ may lật ngược thế cờ ?

Một đảng viên, bi quan, phân tích với AFP : Để đốt ngọn lửa hy vọng, bà Marine Le Pen phải hội đủ hai điều kiện : một là 7 triệu ủng hộ viên của ứng cử viên cực tả Jean Luc Mélenchon ở vòng một, « đi câu cá » ngày Chủ Nhật 07/05, tức là không bầu cho cựu bộ trưởng Kinh Tế Emmanuel Macron. Điều kiện thứ hai là cử tri của cựu thủ tướng François Fillon nghĩ rằng Marine Le Pen chống khủng bố hiệu quả hơn Emmanuel Macron.

Theo AFP, trên thực tế, trong khi lãnh đạo tuyên bố mạnh miệng, nhiều đảng viên của Mặt Trận Quốc Gia cho rằng so với François Fillon, Emmanuel Macron là đối thủ « khó nuốt ».

Để tìm hiểu thêm về chiến thuật và điểm mạnh, điểm yếu của hai đấu thủ, sau đây là phần phân tích của nhà báo Nguyễn Văn Huy, tạp chí mạng Thông Luận (Paris) :

Nhà báo Nguyễn Văn Huy : Theo dõi bầu cử tổng thống, người ta thấy sau vòng một, nước Pháp bị chia thành hai : phe những người cộng sản đứng về phía những người bị thua thiệt, còn phe cộng hòa cũng như xã hội đứng về phía xí nghiệp công ty và những người thành công, có học thức. Sau vòng một, đảng của bà Le Pen nhắm vào thành phần bị thua thiệt đó và cố lôi kéo họ bỏ phiếu cho mình.Trong khi đó, Emmanuel Macron nắm chắc phần thắng trong tay. Nhưng bất trắc là Pháp có câu ngụ ngôn « chưa bắn được gấu thì đừng bán da gấu … ». 

07:20

Phỏng vấn nhà báo Nguyễn Văn Huy (Paris)

(*) Harris Interactive ngày 23/04/2017 : Macron 64%, Le Pen 36%. Theo Ipsos Sopra Steria cùng ngày : Macron 62%, Le Pen 38%

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.