Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Một phần dân Pháp: Macron và Le Pen chỉ là “Thổ tả” và “Dịch hạch”

Thất bại của hai ứng viên tổng thống, Jean Luc Melenchon – thuộc phe cực tả, chủ trương chống tự do thương mại và François Fillon - cánh hữu có tư tưởng bảo thủ trong vòng một bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật 23/4 để lại trong tâm khảm một bộ phận cử tri của họ nỗi cay đắng khó nuốt trôi. Giờ đây, đối với họ, việc phải chọn giữa hai ứng viên Macron và Le Pen ở vòng hai chẳng khác nào như bị bắt buộc phải chọn giữa “Dịch hạch” và “Thổ tả”, những lựa chọn mà họ từ chối.

Hai ứng viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen.
Hai ứng viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen. RFI
Quảng cáo

Ngay hôm sau vòng một bầu cử, thứ Hai 24/4, hashtag #SansMoile7mai (tạm dịch là Không có tôi ngày 7/5), lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Đông đảo cử tri ủng hộ Jean-Luc Melenchon bày tỏ sự căm ghét cay đắng đối với ứng viên cực hữu Marine Le Pen cũng như ứng viên cánh trung phong trào Tiến Bước!, Emmanuel Macron.

Đối với họ, “giữa dịch hạch tóc nâu và thổ tả tài chính, hai kẻ phát xít” chẳng ai đáng được chọn. Họ cáo buộc, chính chủ trương ủng hộ tự do thương mại của Macron sẽ còn tiếp tục làm tăng số phiếu ủng hộ ứng viên Mặt Trận Quốc Gia.

Một phần ba cử tri ủng hộ Melenchon dự định hoặc bỏ phiếu trắng hoặc vắng mặt, theo như một thăm dò do Viện Thống Kê Ifop công bố hôm thứ Ba 25/4. Trong khi chính bản thân lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất, cho đến ngày hôm nay, 27/04, cũng từ chối kêu gọi bỏ phiếu chống Le Pen và không cho biết ý định ủng hộ ai ở vòng hai.  Theo phân tích của AFP, mặt trận chung chống Marine Le Pen như lời kêu gọi của đông đảo chính khách Pháp lần này không còn mạnh mẽ và vững chắc như từng có cách đây 15 năm, nhắm vào ông Jean-Marie, cha của bà Le Pen.

Đối với những cử tri đã ủng hộ ứng viên cánh hữu François Fillon, lời kêu gọi bỏ phiếu cho Macron ở vòng hai cũng gặp phải sự kháng cự. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử vòng một, Macron thường xuyên bị tấn công là người kế thừa của François Hollande, vị tổng thống mãn nhiệm mất uy tín. Do đó, theo thăm dò của Ifof, hơn một phần tư cử tri cánh hữu (27%), vẫn còn cảm thấy cay đắng về thất bại của Fillon, dự định vắng mặt hay bỏ phiếu trắng.

Với phong trào công giáo bảo thủ Sens Commun (Lẽ thường), chiếm đa số trong phe ủng hộ Fillon, thì giá trị truyền thống về gia đình đã bị đảo lộn trong suốt nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ cánh tả Xã Hội với việc thông qua đạo luật Hôn nhân đồng tính. “Chọn thế nào đây giữa một bên là sự bất ổn do Marine Le Pen gây ra và bên kia là sự thối nát chính trị của Emmanuel Macron?”, như lời chất vấn của ông Christophe Billan, chủ tịch phong trào công giáo.

Trên bình diện kinh tế, rất nhiều cử tri cánh hữu cảm thấy chẳng có gì khác biệt giữa một người muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Le Pen) với một người ủng hộ châu Âu theo kiểu “Juncker” (Macron) với việc di dời nhà xưởng đến những nước thành viên khác trong khối vì có giá nhân công rẻ hơn tại Pháp từ 2-3 lần.

Nhiều người cho rằng, chọn lựa hợp lý nhất là “lá phiếu trắng”. Họ đã mất niềm tin vào các chính khách. “Tất cả đều như nhau. Người dân chỉ có dịp thấy họ 5 năm một lần, và tất tất đều hứa như nhau cả”, như lời nhận xét của một nhà buôn tại chợ đầu mối thực phẩm Rungis.

Hiện tại, các thăm dò đều dự đoán tỷ lệ vắng mặt là 27% trong ngày bỏ phiếu vòng hai 7/5, và Emmanuel Macron sẽ giành phần thắng với 61% số phiếu, trước đối thủ là Marine Le Pen, với 39% số phiếu. Thế nhưng, tính khả tín của các thăm dò dư luận vẫn là chủ đề tranh luận.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.