Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Bầu cử Pháp vòng hai: Hai ứng viên đang mài sắc chiến lược vận động

Từ ngày 24/04/2017, hai ứng cử viên được bầu vào vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp bắt đầu đẩy mạnh hai tuần lễ vận động tranh cử để thuyết phục cử tri. Đỉnh cao cuộc vận động sẽ là buổi tranh luận truyền hình bốn ngày trước cuộc bỏ phiếu. Hai ứng viên Macron và Le Pen tập trung vào việc đả phá chương trình hành động của đối phương để giành thắng lợi.

Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen, ai sẽ là tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ 2017-2022 ?
Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen, ai sẽ là tổng thống Pháp trong nhiệm kỳ 2017-2022 ? MIGUEL MEDINA, Eric FEFERBERG / AFP
Quảng cáo

Từ tối 23/04/2017, sau khi biết kết quả vòng 1, ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron đã cho thấy rõ đường nét chính trong chiến thuật vận động của ông khi đối lập yếu tố yêu nước của ông với tình chất dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi của đối thủ Le Pen.

Trên cơ sơ sở đó, ông Macron sẽ lao vào một cuộc đấu tranh trực diện chống lại bà Le Pen, và chọc thủng quả bóng Mặt Trận Quốc gia  (FN), bị ông cho là đang thổi phồng một cách giả tạo.

Trong cuộc vận động, ứng cử viên của phong trào Tiến Bước tìm cách bẻ gẫy từng lập luận của đối thủ trên ba vấn đề lớn kinh tế, giá trị của nước Pháp và chủ đề châu Âu. Đây là ba điểm đối nghịch chủ chốt trong cương lĩnh chính trị của hai bên.

Một cách cụ thể, ông Macron sẽ cố đến vận động tại những nơi chưa đến trong thời gian qua, những nơi mà cử tri cảm thấy bị lãng quên và đã dồn phiếu cho bà Le Pen. Chẳng hạn như ứng viên Macron hứa đi gặp công nhân hãng Whirlpool tại Amiens, nơi nhà máy này đang bị đe dọa đóng cửa.

Về phía ứng cử viên cực hữu, bà Marine Le Pen và những người ủng hộ bà kể từ hôm qua, đã đồng loạt nã pháo vào ông Macron, trước tiên là trên bình diện kinh tế. Họ mô tả đối thủ như là một người theo chủ nghĩa tự do kinh tế cực đoan, ủng hộ một tiến trình toàn cầu hóa man dại, không một chút ràng buộc. Lập luận này được cho là nhằm chiêu dụ các cử tri thiên tả và đặc biệt là những người đã bỏ phiếu cho ứng viên cực tả Jean-Luc Mélenchon.

Đối với bà Le Pen, ông Macron là người chỉ biết bảo vệ Liên Hiệp Châu Âu, chứ không có chút gì là yêu nước, nhắc lại tuyên bố trước đây của ông Macron về tội ác chống nhân loại của Pháp tại Algéri thời thuộc địa, hoặc câu nhận định của ông hồi tháng Hai tại Lyon về tình trạng thiếu vắng văn hóa ở Pháp. Đòn tấn công này nhằm chính phục các cử tri cánh hữu rất gắn bó với tinh thần dân tộc.

Để chiêu dụ các cử tri cánh hữu này, bà Le Pen sẽ tiếp tục chĩa mũi dùi vào các đề nghị của ông Macron trên vấn đề nhập cư và an ninh. Bà từng để lộ chiến thuật này khi đả kích ông Macron là « yếu đuối » trước quân khủng bố Hồi Giáo.

Để thuyết phục thêm các cử tri thiên hữu, bà Marine Le Pen còn tuyên bố thôi giữ chức chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu để « tập hợp mọi người Pháp » chung quanh một đề án mà bà cho là tượng trưng cho « hy vọng, thịnh vượng, an ninh cho nước Pháp. »

Các cuộc thăm dò cho đến nay đều cho thấy ông Macron sẽ thắng ở vòng hai với hơn 60 % số phiếu, bà Le Pen được gần 40%. Thế nhưng khả năng khoảng cách này bị thu hẹp vẫn có thể xẩy ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.