Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Vòng một bầu cử tổng thống Pháp : Cơn địa chấn chính trị

Đăng ngày:

Lầu đầu tiên kể từ năm 1958, cả hai đảng cánh tả và cánh hữu cầm quyền đều đã bị loại trong vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Cho dù kết quả này đã được các cuộc thăm dự báo từ nhiều tuần qua, đây quả là một cơn địa chấn chính trị, hay nói theo báo chí Pháp là một vụ « big bang » ( vụ nổ nguyên thủy ), trên sân khấu chính trị nước Pháp, mở ra một thời kỳ mới đầy hứa hẹn, nhưng cũng có thể đầy bất trắc.

Bốn ứng cử viên chính trong vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp 2017.
Bốn ứng cử viên chính trong vòng đầu bầu cử tổng thống Pháp 2017. AFP/Eric Feferberg-Joel Saget
Quảng cáo

Từ năm 1958 cho đến nay, tức là kể từ đầu nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, Đảng Xã Hội và đảng cánh hữu vẫn thay phiên nhau cầm quyền ở Pháp. Bây giờ lần đầu tiên họ sẽ đứng nhìn các lực lượng chính trị khác tranh nhau chiếc ghế tổng thống. Không những thế, tổng số phiếu của hai ứng cử viên tả hữu cộng lại chỉ khoảng 26%, mức thấp chưa từng có từ trước đến nay.

Cơn địa chấn này lại càng nặng nề với đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Chưa bao giờ họ thất bại một cách thảm hại như vậy trong một cuộc bầu cử tổng thống. Thất bại này lại càng cay đắng ở chỗ là ban đầu ai cũng nghĩ rằng ông François Fillon sẽ đắc cử một cách dễ dàng. Việc ông dứt khoát không nhường vị trí ứng cử viên cho thị trưởng Bordeaux Alain Juppé, bất chấp vụ tai tiếng tạo việc làm giả cho vợ con, đã khiến cơ may thắng lợi của cánh hữu tan thành mây khói. Vấn đề đặt ra bây giờ là không biết đảng Những Người Cộng Hòa có sẽ giữ được đoàn kết để tranh cử Quốc Hội vào tháng 6 tới, hay là sẽ xâu xé nhau ngay từ tuần này.

Về phần Đảng Xã Hội, vòng một bầu tổng thống hôm qua đã lập lại kịch bản ngày 21/04/2002, khi thủ tướng Lionel Jospin bất ngờ bị loại khỏi vòng một, để cho lãnh đạo đảng cực hữu Jean-Marie Le Pen tranh ghế với đại diện cánh hữu Jacques Chirac. Ứng cử viên của đảng này Benoit Hamon đã không thể đấu được với ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon và cuối cùng đã về hạng 5 với một kết quả thảm hại là chỉ hơn 6%. Nội bộ Đảng Xã Hội vốn đã bị phân hóa sâu sắc, do đã có rất nhiều nhân vật tên tuổi quay sang ủng hộ ứng cử viên Macron, nay lại càng lún sâu vào khủng hoảng. Chiến dịch tranh cử Quốc Hội sắp tới của đảng này sẽ lại càng khó khăn.

Thật ra không thể đổ lỗi hết cho ông Hamon hoặc ông Fillon, cái chính là dân Pháp nay không còn tin tưởng vào các chính đảng truyền thống cả tả lẫn hữu, như nhận định của nhà báo Nguyễn Văn Huy ở Paris :

« Hai đảng lớn, Đảng Xã Hội và Những Người Cộng Hòa đã không thích ứng với những trào lưu mới hiện nay, mà vẫn tiếp tục con đường cũ, trong lúc nước Pháp đang đối diện với những vấn đề mới như toàn cầu hóa làm tăng thất nghiệp, nhập cư gây lo ngại, khiến dân chúng bất mãn, không chấp nhận những người cũ, mà muốn những ứng cử viên mới, những người ngoài hệ thống, hoặc chống hệ thống (anti-système). Xu hướng này đang phát triển tại Pháp cũng như tại những nước châu Âu khác. »

Chính ông Macron đã tuyên bố tối hôm qua : « Rõ ràng là chúng ta đang lật qua một trang mới trong đời sống chính trị nước Pháp ». Nếu đúng theo kết quả các cuộc thăm dò được thực hiện ngay sau vòng đầu hôm qua, trong vòng hai ngày 07/05 tới, ứng cử viên cánh trung Emmanuel Macron sẽ đánh bại ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, để đắc cử tổng thống Pháp.

Nhưng sau bầu cử tổng thống sẽ là bầu cử Quốc Hội, vấn đề đang đặt ra là liệu cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp sẽ có được một đa số ở Quốc Hội mới, hay sẽ phải chung sống với một chính phủ đối lập ? Nhà báo Nguyễn Văn Huy nhận định :

« Việc ứng cử viên Macron, một cựu bộ trưởng của chính phủ cánh tả, về đầu trong vòng một bầu cử tổng thống lần này đang đặt ra một số câu hỏi, mặc dù có nhiều người ủng hộ ông.

Người ta mừng vì ông Macron không chống Liên Hiệp Châu Âu, nhưng cũng là người sẵn sàng phá vỡ khuôn mẫu cũ để tự do hóa nền kinh tế, cho các xí nghiệp quyền tuyển dụng và sa thải dễ dàng hơn hoặc cho công nhân quyền làm việc trong những ngày mà họ muốn, chẳng hạn như ngày Chủ Nhật.

Ông được mô tả là một Kennedy của Pháp, là người có tài, có học, nên hấp dẫn một số cử tri. Ông đã được những người đầu tàu của Đảng Xã Hội, lẫn đảng Những Người Cộng Hòa ủng hộ. Nhưng ông Macron lại là một người quá mới và còn quá trẻ. Còn đảng của ông, En Marche, thì chưa có đủ cán bộ hạ tầng cơ sở để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tới. Nên biết rằng bầu cử tổng thống chỉ là bước đầu, bước thứ hai là bầu cử Quốc Hội. Bầu cử này mới là quan trọng, vì phe nào chiếm đa số ở Quốc Hội thì phe đó sẽ cầm quyền.

Đảng En Marche ! của ông mới được thành lập, chưa có cơ cấu lãnh đạo rõ ràng. Nếu không đủ người để ra tranh cử Quốc Hội, thì sẽ không chiếm được đa số. Mà cho dù có đủ người ra tranh cử thì những người này còn quá mới, dân Pháp chưa quen mặt. Cho nên rất có thể là những gương mặt cũ trong Quốc Hội sẽ được bầu lại. Như thế thì sẽ có một cuộc « chung sống ». Nếu chính sách của ông Macron thích hợp, thì sẽ được sự ủng hộ của tân thủ tướng đối lập, còn nếu chính sách của ông ngược lại với chính sách của phe đa số cầm quyền, thì sẽ gây ra tình trạng bế tắc.

Ẩn số chính là ở chỗ đó. Nhưng tôi tin rằng, là một người trẻ và thông minh như Emmanuel Macron, ông sẽ tìm ra một giải pháp sống chung một cách hợp lý nhất, để đưa nước Pháp ra khỏi khủng hoảng » .

Tất nhiên là chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Marine Le Pen giành chiến thắng ở vòng hai, tuy cơ may của bà ít hơn rất nhiều so với đối thủ Macron. Trong trường hợp lãnh đạo đảng cực hữu lên làm tổng thống thì tương lai của nước Pháp sẽ lại càng có nhiều rủi ro hơn, đặc biệt với chủ trương của bà Le Pen đưa nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, như nhận định của nhà báo Nguyễn Văn Huy :

« Trái với một số dự báo trước đó, bà Marine Le Pen đã về nhì, chứ không phải về nhất ở vòng đầu. Đây là một sự nhẹ nhõm đối với những người quan tâm đến tình trạng chính trị nước Pháp, bởi vì, nếu đắc cử tổng thống, bà Le Pen sẽ vận động rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, đóng cửa biên giới, xét lại lý lịch những người nhập cư nước Pháp, và sẽ chỉ giúp đỡ người Pháp mà thôi. Đây sẽ là một sự bế quan tỏa cảng mà người ta rất lo sợ, đẩy nước Pháp vào tình trạng bế tắc sâu rộng.

Ngoài ra ở Pháp hiện có một phong trào cực tả cũng gay gắt như phong trào cực hữu, nhưng họ được sự chấp nhận dễ dàng của quần chúng Pháp, vì ngày nay họ vẫn còn bị ám ảnh bởi thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến, khi mà phe Quốc Xã gây rất nhiều tội ác. Nếu đắc cử tổng thống, bà Marine Le Pen sẽ gặp một sự phản kháng rất mạnh từ phía cực tả, và sự chống đối này sẽ có sự ủng hộ của một bộ phận dân Pháp, chống lại một quốc gia dưới sự lãnh đạo của phe cực hữu, như thời Đệ Nhị Thế Chiến. »

Cơ may đắc cử của bà Le Pen rất thấp, nhưng cũng cần phải thấy rằng, tuy không về đầu trong vòng một như dự báo của một số cuộc thăm dò, Marine Le Pen đã thu được kết quả cao nhất trong lịch sử của Mặt Trận Quốc Gia, cho thấy là đảng cực hữu này có ảnh hưởng ngày càng lớn ở Pháp và ngày càng bám chặt rễ vào sân khấu chính trị nước Pháp.

Tóm lại, ngày 23/04 như vậy sẽ đi vào lịch sử nước Pháp như là ngày khai mở một thời kỳ mới, nhưng chưa biết nước Pháp sẽ đi theo hướng nào.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.