Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Bầu cử tổng thống Pháp : Sự phục thù của các viện thăm dò dư luận

Sau chiến thắng của phe ủng hộ Brexit bên Anh và việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, các viện thăm dò dư luận đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Thế nhưng, liên quan đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04/2017, các cơ quan này đã thăm dò dư luận đúng : kết quả cuộc bỏ phiếu phản ánh đúng xu thế được ghi nhận trong những tuần qua.

(Studio Graphique FMM/AFP)
(Studio Graphique FMM/AFP)
Quảng cáo

Kết quả cuộc thăm dò dư luận cuối cùng được công bố hôm thứ Sáu, 21/04, cho thấy Emmanuel Macron có thể thu được từ 23 đến 24% số phiếu, Marine Le Pen 22-23%, François Fillon 19-21%, Jean-Luc Melenchon 18-19,5%. Điều này gần như đúng với các tỷ lệ phiếu được ước tính vào tối ngày 24/03.

Các viện thăm dò dư luận cũng đưa ra các thẩm định về tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng chút đỉnh, trong 10 ngày, từ 65% lên tới 75% và cuối cùng được dự báo là 78%.

Theo nhận định của bà Anne Jadot, giảng viên khoa học chính trị thuộc đại học Lorraine, Pháp, được AFP trích dẫn, « trong những ngày qua, các viện thăm dò đã cảm nhận được sự gia tăng muộn màng về số người đi bầu và họ đã chỉ rõ là Emmanuel Macron về đầu, Marine Le Pen ở vị trí thứ hai ».

Các cơ quan thăm dò đã làm được việc này trong bối cảnh tỷ lệ người chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cao chưa từng thấy, bởi vì trong những ngày cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu, có tới một phần ba dân Pháp còn chưa quyết định hoặc có thể thay đổi sự lựa chọn.

Tình trạng bấp bênh này làm cho công việc của các viện thăm dò trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Bản thân các cơ quan này của Pháp cũng bị « giám sát » chặt chẽ sau những thất bại của các đồng nghiệp Anh, Mỹ không tính tới khả năng đắc cử của Donald Trump, cũng như thắng lợi của phe ủng hộ Brexit bên Anh.

Các viện thăm dò dư luận của Pháp cũng bị chỉ trích sau thắng lợi của ông François Fillon trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.

Ông Pierre Lefébure, thuộc Phòng thông tin chính trị Paris-Dauphine, cho rằng các viện thăm dò, đặc biệt là những cơ quan áp dụng kỹ thuật theo dõi xu hướng dư luận hàng ngày (rolling quotidien) đã nắm bắt được rất tốt các xu hướng và động lực thúc đẩy dư luận. Ông ghi nhận, kết quả các đợt thăm dò này đã tương ứng với những sự kiện trong cuộc vận động tranh cử, ví dụ như cuộc thảo luận trên truyền hình cho thấy xu thế đảo ngược giữa ứng viên Benoit Hamon và Jean-Luc Melenchon, hay việc chính trị gia cánh trung François Bayrou ủng hộ Emmanuel Macron đã cho thấy ứng viên Macron, vào khoảng ngày 20/02, có thêm được từ 3 đến 4 điểm vào lúc ông có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa với ứng viên cánh hữu François Fillon.

Vẫn theo chuyên gia Lefébure, các thăm dò cũng đã nhận thấy tỷ lệ ủng hộ ứng viên Marine Le Pen đã tụt giảm dần dần. Như vậy, có thể là những cử tri còn lưỡng lự không lựa chọn ứng viên này.

Về trường hợp ứng viên François Fillon, các thăm dò dư luận vừa qua tại Pháp cũng không vấp phải vấn đề người được thăm dò dấu ý định bỏ phiếu của mình. Có thể là do cách thức thăm dò dư luận qua internet, cho phép người được hỏi cảm thấy thoải mái hơn, vô danh, không chịu tác động, sức ép như khi hỏi trực tiếp hoặc qua điện thoại.

Nếu như các viện thăm dò dư luận, nhìn trong tổng thể, đã phản ánh đúng xu thế lựa chọn của cử tri, tỏ ra đáng tin cậy hơn, thì giới chuyên gia cũng chỉ trích các cơ quan này đã có ảnh hưởng thực sự đối với các diễn tiến các cuộc vận động tranh cử, đến sự lựa chọn của cử tri, như chủ đề « lá phiếu có ích » ở bên cánh tả.

Ông Lefébure đưa ra ví dụ : trong đợt vận động tranh cử vừa qua, các cử tri, đặc biệt là ở bên cánh tả, đã quá chú trọng đến việc ngăn cản ứng viên cực hữu của Mặt Trận Quốc Gia cũng như ứng viên cánh hữu của đảng Những Người Cộng Hòa, hơn là quan tâm đến nội dung các chương trình tranh cử. Cách tiếp cận này đã sớm có những tác động thuận lợi đối với ứng viên cánh trung Emmanuel Macron và mặt khác, các cử tri cho rằng việc bỏ phiếu cho Benoit Hamon, thuộc đảng cánh tả Xã Hội, không còn hữu ích nữa vì ứng viên này có tỷ lệ ủng hộ quá thấp theo kết quả các cuộc thăm dò.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.