Vào nội dung chính
BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017

Bầu tổng thống Pháp : Vòng một bắt đầu với nhiều ẩn số

Từ 8 giờ sáng 23/04/2017, 47 triệu cử tri Pháp bầu chọn chủ nhân mới của điện Elysée, thay thế tổng thống mãn nhiệm François Hollande, không tái tranh cử. Trong số 11 ứng cử viên ở vòng một, hai người sẽ vào chung kết. Đây là cuộc bầu cử mà kết quả vừa khó lường vừa ảnh hưởng đến sự tồn vong của Liên Hiệp Châu Âu.

Danh sách 11 ứng viên trước cửa một phòng phiếu ở ngoại ô Paris, ngày 23/04/2017.
Danh sách 11 ứng viên trước cửa một phòng phiếu ở ngoại ô Paris, ngày 23/04/2017. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Tính đến 12 giờ, giờ Paris, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 28,54%.

FMM

Trong số 11 đấu thủ, ứng cử viên trẻ tuổi Emmanuel Macron, thuộc cánh trung và thân châu Âu, dẫn đầu nhưng chỉ hơn đại diện của chủ trương cực hữu và nước Pháp co cụm Marine Le Pen có nửa điểm. Cả hai đều bị hai đối khác, François Fillon cánh hữu bảo thủ và Jean-Luc Mélenchon, cực tả, ngưỡng mộ Fidel Castro, bám sát. Còn ứng cử viên của đảng Xã Hội, Benoît Hamon, bị bỏ xa ở phía sau cùng với 6 ứng cử viên còn lại.

48 tuổi, bà Marine Le Pen hy vọng nương đà làn sóng của Donald Trump ở Mỹ và xu hướng Brexit ở Liên Hiệp Anh để tách rời nước Pháp ra khỏi châu Âu. Trái lại, người trẻ nhất trong cuộc đua vào điện Elysée lần này là Emmanuel Macron, 39 tuổi, muốn cải cách nước Pháp theo một cương lĩnh tự do rõ nét từ kinh tế cho đến xã hội và thân châu Âu. Lãnh đạo phong trào Tiến bước! nhắm vào thành phần cử tri đã mất niềm tin vào các đảng tả-hữu truyền thống.

Theo AFP, vào sáng 23/04, số cử tri đi bầu khá đông. Tỷ lệ vắng mặt cao là mối lo cho các đảng truyền thống. Vào năm 2002, cha của bà Marine Le Pen, sáng lập viên đảng cực hữu vào được vòng hai khi tỷ lệ vắng mặt lên đến 28%.

Một ẩn số khác là cho đến sát ngày bầu cử, tỷ lệ cử tri phân vân chưa biết chọn ai, lên đến 30%. Còn những người đã quyết định, họ hy vọng gì ?

Sau đây là ý kiến của một số cử tri được RFI tiếng Việt đặt câu hỏi trước cửa một phòng phiếu ở ngoại ô Paris :

00:58

Ý kiến hai cử tri Pháp

« Cải thiện điều kiện sống của người Pháp, cũng như tình hình an ninh vì đây là vấn đề của mọi quốc gia. Ngoài ra, cần có những biện pháp cải cách lớn, phải ngừng đưa ra những đạo luật « ngớ ngẩn » mà nên tập trung vào việc mỗi người đều có việc làm, không ai chết vì đói ».

« Về mặt chính trị, tôi phân vân rất nhiều giữa một bên là duy trì Liên Hiệp Châu Âu và khối này phải phát triển lớn mạnh hơn. Nhưng bên cạnh đó là khó khăn trong việc giải quyết làn sóng, tôi không muốn nói là di dân, mà là những vấn đề xã hội ở các nước khác. Tôi có cảm giác là chúng tôi cũng phải tham gia xử lý và chúng tôi không chịu được nữa. Châu Âu phải yêu cầu các nước khác cùng tham gia, tìm cách giải quyết nguồn cội tại các nước có khủng hoảng như Syria, để dân chúng ở lại nước họ ».

Vì lý do địa lý, cử tri ở các lãnh thổ hải ngoại và ở châu Mỹ như Hoa Kỳ và Canada đi bầu sớm hơn cử tri tại Pháp. Do báo động có khủng bố, phòng phiếu của toà lãnh sự Pháp ở New York tạm ngưng trong một tiếng đồng hồ trong ngày thứ Bẩy 22/04.

Kết quả sơ khởi do các viện thăm dò công bố vào khoảng hơn 20 giờ ngày 23/04, sau khi tất cả các phòng phòng phiếu đóng cửa.

Trong bối cảnh khủng bố đe dọa và sau vụ tấn công ở đại lộ Champs-Elysées đêm thứ Năm 20/04 giết chết một cảnh sát, hơn 50.000 cảnh sát và quân nhân được huy động để bảo vệ an ninh bầu cử.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.