Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nếu bỏ đồng euro, Pháp bị thiệt hại nặng

Đăng ngày:

Phó giám đốc CEPII, Anne-Laure Delatte : Từ bỏ đồng euro, ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu không là phép lạ đem lại tăng trưởng kinh tế, không giúp giải quyết thất nghiệp ở Pháp và không nhất thiết có lợi cho xuất khẩu của nền kinh tế thứ hai trong Liên Hiệp Châu Âu.

Đồng tiền chung châu Âu
Đồng tiền chung châu Âu REUTERS/Toby Melville/File Photo
Quảng cáo

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp trong số bốn người đang dẫn đầu cuộc chạy đua vào điện Elysée có lập trường bài châu Âu rõ rệt nhất là Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (FN) và Jean-Luc Mélenchon phong trào Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise, khuynh hướng cực tả. Nếu như ông Mélenchon đòi thương thuyết lại với châu Âu về chính sách tiền tệ, tài chính và nhất là ngân sách, thì ngược lại bà Le Pen chủ trương từ bỏ đồng euro để quay lại với đơn vị tiền tệ cũ của Pháp là đồng franc.

Với nữ ứng cử viên tổng thống này, ra khỏi eurozone như là liều thuốc diệu kỳ, đồng tiền Pháp sẽ được phá giá, là bàn đạp cho khu vực xuất khẩu. Paris lại có thể thanh toán nợ công cho nước ngoài bằng đồng franc phá giá. Trả lời ban Việt Ngữ RFI phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng Kinh Tế và Thông Tin Quốc Tế của Pháp – CEPII, bà Anne -Laure Delatte lần lượt chứng minh những sơ hở trong lập luận của đảng Mặt Trận Quốc Gia và cả những tiếng nói đòi ra khỏi eurozone.

Thương mại : kẻ được, người thua

Căn cứ vào nghiên cứu mới nhất của trung tâm CEPII, trước tiên chuyên gia kinh tế Anne-Laure Delatte cho rằng không nên vơ đũa cả nắm khi kết luật rằng từ bỏ đồng euro có lợi cho cán cân thương mại của Pháp

Anne-Laure Delatte : Để hiểu rõ hậu quả từ việc Pháp từ bỏ đồng euro để quay trở lại với một đơn vị tiền tệ cũ là đồng franc, trung tâm CEPII đã tập trung vào câu hỏi : nếu như ra khỏi khu vực đồng euro thì đồng tiền của Pháp liệu có bị phá giá hay không ?

Đây là lập luận chính của những phe đòi Frexit- ghép từ hai chữ France và Exit. Nghiên cứu của CEPII cho thấy : trong trường hợp Paris từ bỏ đồng euro, đơn vị tiền tệ sắp tới của Pháp sẽ mất giá so với 4 nước, gồm Đức, Ai Len, Hà Lan và Luxembourg. Ngược lại với 14 đối tác còn lại trong khu vực eurozone, đồng tiền Pháp lại tăng giá.

Ngoài ra CEPII cũng dựa trên giả thuyết Pháp từ bỏ đồng tiền chung Châu Âu eurozone sẽ tan rã, nghĩa là sẽ có những nước khác theo chân Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu.

Từ điểm khởi đầu đó và giả thuyết khu vực đồng euro tan rã, nghiên cứu của chúng tôi cho phép đưa ra những kết luận như sau. Thứ nhất như vừa nói, trong trường hợp Frexit, đơn vị tiền tệ của Pháp tăng giá so với 14 nước còn lại trong eurozone như là Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha … mà đó lại là những thị trường mua vào hàng của Pháp. Điều này có nghĩa là hàng Pháp bán sang các thị trường này sẽ đắt hơn. Từ bỏ đồng euro gây thiệt hại về xuất khẩu cho Pháp đối với những quốc gia này.

Ngược lại, so với Đức, Hà Lan hay Ai Len và Luxembourg, tiền Pháp lại mất giá. Cán cân thương mại giữa Pháp và Đức cho thấy Pháp nhập hàng của Đức nhiều hơn là xuất khẩu sang nước này. Đồng tiền mất giá, có nghĩa là chúng ta phải mua vào hàng của Đức với giá đắt hơn.

Tóm lại về mặt trao đổi mậu dịch, không hẳn là cứ từ bỏ đồng euro là có lợi cho cán cân thương mại của Pháp.

Thứ hai, nếu như nhìn đến ngành du lịch, với những quốc gia nào mà đồng tiền Pháp bị mất giá, khách du lịch của khu vực đó sẽ dễ quyết định đi Pháp chơi hơn. Thống kê cũng cho thấy khách châu Âu sang Pháp đông nhất là Đức, Hà Lan. Nói cách khách, các dịch vụ du lịch, nhà hàng hay khách sạn ở Pháp sẽ dễ dàng thu hút khách tham quan đến từ các nước « phía bắc ». Tuy nhiên, từ khi 18 rồi 19 nước trong Liên Hiệp Châu Âu sử dụng chung một đồng tiền, qua lại trong khối euro ta không còn gặp khó khăn để đổi tiền, đó cũng là một yếu tố khuyến khích du lịch. Không sử dụng đồng euro nữa, lợi thế đó sẽ không còn.

Điểm thứ ba chúng tôi nêu lên, là từ bỏ đồng euro bất lợi cho nông gia Pháp. Một phần lớn sản lượng nông phẩm làm ra là để xuất khẩu sang các nước châu Âu. Pháp đặc biệt xuất nhiều sang Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha hơn là sang Đức hay Luxembourg.

60 % nợ Pháp do nước ngoài nắm giữ

RFI : Còn đối với ngành tài chính ngân hàng thì sao khi biết rằng, 60 % nợ của các ngân hàng Pháp trong tay các chủ nợ nước ngoài, họ đã cho Pháp vay bằng euro hay đô la. Nếu đồng tiền Pháp mất giá thì gánh nặng nợ nần lại càng lớn hơn ?

Anne-Laure Delatte : Đối với khu vực tài chính, chúng tôi chủ yếu nhìn vào lĩnh vực ngân hàng : Cần biết rằng các nhà băng Pháp chủ yếu vay tiền của nước ngoài. Điều đó có nghĩa là nếu như giá đơn vị tiền tệ của Pháp có thay đổi, nợ của ngân hàng qua đó cũng trồi hay sụt theo. Từ khi sử dụng đồng euro, các khoản giao dịch tài chính của ngân hàng Pháp với quốc tế đã chiếm trọng lượng ngày càng lớn. Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, Frexit là một mối đe dọa, người ta sẽ ngại ngùng hơn khi cho Pháp vay. Hậu quả trực tiếp là Pháp sẽ phải đi vay nợ với lãi suất cao hơn.

Thêm vào đó các ngân hàng Pháp và lĩnh vực tư nhân khi đi vay bằng đơn vị tiền tệ nào thì phải thanh toán cho chủ nợ bằng đơn vị đó. Thí dụ một ngân hàng Pháp vay đồng yen với một đối tác Nhật thì khi trả nợ, sẽ phải trả bằng đồng euro hay yen, chứ không thể chuyển đổi sang franc để hoàn lại cho chủ nợ.

Hiện tại các chủ nợ chính của giới ngân hàng Pháp gồm Mỹ, Nhật và Đức Luxembourg và Thụy Sĩ. Ngoài Đức và Luxembourg, với các chủ nợ còn lại, đơn vị tiền tệ của họ được coi là những thành trì kiên cố. Điều đó có nghĩa là từ bỏ đồng euro, đồng tiền của Pháp sẽ mất giá mạnh so với yen, đô la, hay franc Thụy Sĩ.

Theo nghiên cứu của CEPII, hiện tại chỉ riêng với các định chế ngân hàng và tư nhân Đức, trung bình một người Pháp mang nợ khoảng 1500 euro. Nếu như tiền Pháp bị mất giá 12 %, thì gánh nặng nợ nần đó tăng thêm 300 euro mỗi đầu người. Chỉ một thí dụ vừa nêu đủ cho thấy, từ bỏ đồng euro Pháp sẽ thiệt thòi nhiều.

RFI : Một khác biệt quan trọng giữa khu vực tài chính tư nhân và công : chính phủ Pháp có thể thanh toán nợ bằng đồng franc nếu không còn dùng đồng euro ?

Anne-Laure Delatte : Với nhà nước thì khác. Chính phủ Pháp khá khôn ngoan, khi đi vay quốc tế. Paris ký hợp đồng đi vay với một điều khoản cho phép hoàn trả lại chủ nợ bằng đơn vị tiền tệ hiện hành. Nghĩa là nếu quay lại với đồng franc, tiền nợ được tính theo thời giá của chỉ số hối đoái giữa franc với euro, để rồi Pháp thanh toán cho chủ nợ bằng đồng franc.

Đó là về mặt lý thuyết và Pháp có quyền làm như vậy. Nhưng chủ nợ có chấp nhận cầm đồng franc hay không lại là chuyện khác. Theo tôi nếu trường hợp này xảy ra, các bên sẽ lao vào một cuộc đọ sức pháp lý vô cùng nhiêu khê và tốn kém cho phía Pháp. Đấy là chưa kể, nhiều cơ quan thẩm định về mức độ rủi ro tài chính đã báo trước rằng nếu trả nợ bằng đồng franc, thì Paris coi như đơn phương tuyên bố mất khả năng thanh toá.

Trên thực tế, chuyện đi vay bằng euro nhưng trả nợ bằng đồng franc khó có thể chấp nhận được.

Tác động kinh tế không quan trọng bằng hậu quả chính trị

RFI : Nhiều viện nghiên cứunêu lên thiệt hại do Frexit gây nên lên tới hàng trăm tỷ euro. Sau những dự đoán sai lầm từ tác động của Brexit đến hiệu ứng Donald Trump với kinh tế. Liệu rằng viễn cảnh Pháp từ bỏ đồng euro có đáng ngại như là các chuyên gia cảnh báo không thưa bà ?

Anne-Laure Delatte : Để kết luận có lẽ tôi nghĩ là chúng ta nên thận trọng. Công việc nghiên cứu, phân tích là một chuyện. Tác động kinh tế mà chúng ta trông thấy hàng ngày, lại mà một chuyện khác. Thực sự chúng ta đang đứng trước quá nhiều ẩn số, mà có lẽ không ai lường được những gì sẽ xảy ra. Chỉ biết là từ bỏ đồng euro với hy vọng đồng tiền quốc gia giảm giá, qua đó đẩy mức cạnh tranh lên cao hòng chinh phục thị trường quốc tế, chưa hẳn là đã có lợi cho tất cả mọi ngành nghề.

Về phương diện tài chính, Frexit bất lợi cho phía Pháp.

Nhưng sau bài học từ Brexit và 'hiệu ứng' Donald Trump thì quả thực các kinh tế gia cũng nên thận trọng. Đôi khi các viện nghiên cứu, các chuyên gia cũng bất lực vì hiểu biết có giới hạn. Dù vậy tôi nghĩ rằng nước Pháp có ra khỏi khối euro hay không, những tác động về phương diện kinh tế không quan trọng bằng tác động về mặt chính trị.

Từ bỏ eurozone, chúng ta sẽ bước vào một thế giới khác, mà ở đó khu vực đồng euro không còn nữa. Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị suy yếu, để rồi thế giới lại quay về mô hình lưỡng cực, - có thể là Nga-Mỹ, có thể là Nga-Trung hay Mỹ- Trung … nhưng chắc chắn là Pháp, một thân một mình sẽ không đủ sức để áp đặt bất cứ điều gì trong các vòng đàm phán, trên mọi phương diện từ luật tài chính đến các chuẩn mực môi trường … với những nước lớn như Mỹ, hay Trung Quốc và kể cả Nga.

Mô hình châu Âu hiện tại đành là không hoàn hảo, thiếu tính dân chủ. Nhưng dù sao đi nữa, trong một khối với 27- hay 28 nước, chúng ta cũng có tiếng nói mạnh hơn. Đấy chính là lý do vì sao, không một ngày nào mà báo chí quốc tế lơ là với bầu cử tổng thống Pháp. Xã hội dân sự ở Mỹ chẳng hạn theo dõi rất sát những bước tiến của các phe dân túy trên đất nước chúng ta.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.