Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Thách thức công nghệ số và các ứng cử viên

Đăng ngày:

Công nghệ kỹ thuật số, internet, mạng xã hội chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017. Thời đại digital đặt ra nhiều thách thức cả về mặt xã hội lẫn kinh tế. Năm trong số 11 ứng cử viên từ tả sang hữu trong cuộc chạy đua vào điện Elysée lần này có tầm nhìn như thế nào những chuyển biến công nghệ số đem lại, về chính sách thuế doanh nghiệp với các công ty giao dịch trên mạng, về chính sách tài trợ để phát triển công nghệ số ?

Ứng viên phong trào En Marche ! trình bày về kế hoạch "digital" hóa kinh tế Pháp. Ảnh ngày 28/03/2017.
Ứng viên phong trào En Marche ! trình bày về kế hoạch "digital" hóa kinh tế Pháp. Ảnh ngày 28/03/2017. Martin BUREAU / AFP
Quảng cáo

Trả lời ban Việt ngữ đài RFI giáo sư Benjamin Coriat, giảng dậy tại đại học Paris 13 và cũng là thành viên của tập hợp Les Economistes Atterrés, bao gồm các chuyên gia, các nhà trí thức thiên tả, đối chiếu lập trường của 5 trong số 11 ứng cử viên tổng thống Pháp về cùng một vấn đề.

Năm ứng cử viên tổng thống đó gồm đại diện của đảng Xã Hội, Benoit Hamon ; lãnh đạo phong trào cực tả La France Insoumise- Nước Pháp Bất Khuất, Jean-Luc Mélenchon ; chủ tịch đảng cựu hữu Mặt Trận Quốc Gia bà Marine Le Pen ; sáng lập viên phong trào độc lập En Marche- Tiến Bước ! ông Emmanuel Macron và đại diện đảng Những Người Cộng Hòa - François Fillon.

Theo giáo sư Coriat, hai thách thức lớn công nghệ kỹ thuật số đem lại là quy chế của người lao động làm công ăn lương, và chính sách đánh thuế doanh nghiệp.

Với hai gương mặt tiêu biểu của cánh tả ra tranh cử tổng thống Pháp năm nay là Benoît Hamon của đảng Xã Hội và Jean-Luc Mélenchon thuộc phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất, công nghệ số, internet, trước hết là những cơ hội để cải thiện cuộc sống của con người. Nhưng mô hình kinh tế trong thời đại digital với những khoản giao dịch ảo từ mua bán (e-commerce) đến tài chính, ngân hàng (e-banque) từ ứng dụng thuê bao taxi của Uber đến dịch vụ thuê nhà của tư nhân … không được đe dọa đến quyền lợi của người lao động, hay chủ quyền của một quốc gia.

Trong mắt cựu bộ trưởng Giáo Dục Pháp của tổng thống Hollande, ông Benoît Hamon, internet phải là đòn bẩy để thu hẹp những bất công xã hội.

Với cựu bộ trưởng thuộc đảng Xã Hội Emmanuel Macron, sáng lập viên phong trào Tiến Bước ! với tiêu chí huy động được cả cánh tả lẫn cánh hữu trên bàn cờ chính trị Pháp, thì để gặt hái được những thành quả kỹ thuật số đem lại trong tương lai, nước Pháp cần đầu tư 15 tỷ euro cho 5 năm sắp tới. Thời đại intrenet là cơ hội bằng vàng để thực hiện những bước tiến rất dài trên phương diện kỹ thuật mà ở đó Pháp có nhiều lợi thế.

Theo quan điểm của ứng cử viên đảng Những Người Cộng Hòa, cựu thủ tướng François Fillon, internet nói riêng, công nghệ kỹ thuật số nói chung là công cụ để chóng làm giàu : nhờ internet doanh nghiệp và người tiêu dùng thoát khỏi những rào cản trên thị trường lao động, để giảm bớt sưu cao thuế nặng.

Cuối cùng ứng cử viên đang dẫn đầu các thăm dò dư luận về ý định bỏ phiếu là bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia có chủ trương bài ngoại, giáo sư Coriat đánh giá lập trường của nữ ứng cử viên này không rõ ràng. Mời quý thính giả theo dõi phần phỏng vấn sau đây với giáo sư kinh tế Benjamin Coriat – Đại học Paris 13.

RFI : Xin kính chào giáo sư Coriat, thưa ông công nghệ kỹ thuật số ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở Pháp với tất cả những dịch vụ mua bán, những ứng dụng … Vấn đề ở đây là cuộc cách mạng số này đang làm thay đổi cục diện kinh tế …

GS Coriat : « Câu hỏi lớn đặt ra ở đây là kinh tế Pháp đang trên đà Uber hóa tức là công nghệ kỹ thuật số cho phép cung cấp nhiều dịch vụ và các hoạt động khác cho người tiêu dùng, nhưng các công ty này lại đứng ngoài khung pháp lý vốn có liên quan đến vấn đề quản lý doanh nghiệp. Tôi muốn nói là các hãng Uber hay Airbnb cung cấp các dịch vụ như mọi công ty thôi, nhưng lại không hoàn toàn tôn trọng luật lao động, luật thương mại hay đóng thuế như mọi doanh nghiệp khác. Đấy chính là vấn đề mà các ứng cử viên tổng thống Pháp cùng xoáy vào. Chứ còn về căn bản thì ai cũng ủng hộ tiến trình chuyển đổi hướng về công nghệ số, về việc phát triển internet ».

RFI :  Vậy thì cụ thể các ứng cử viên tổng thống Pháp đề nghị những gì để thúc đẩy tiến trình 'số hóa' đó ạ ?

GS Coriat : « Thực ra có hai thái độ rất khác biệt về sự chuyển tiếp theo hướng 'Uber hóa' toàn cảnh kinh tế Pháp. Một bên là những người muốn khuyến khích các công ty đẩy mạnh các dịch vụ trên internet và đây phải là một mảng hoạt động song song với các dịch vụ hay sinh hoạt kinh tế đã có từ trước tới nay. Hai ứng cử viên tổng thống Pháp ủng hộ đường lối này là các ông Fillon và Macron của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa và lãnh đạo phong trào Tiến Bước.

Tuy nhiên có một khác biệt giữa hai ứng viên này, mà ta sẽ nói sau.

Nhưng nét chính ở đây là cả hai ông này cùng chủ trương, internet phải là phương tiện để các hoạt động kinh tế được sinh động hơn, phong phú và đa dạng hơn và đây sẽ là một đòn bẩy quý gia cho tăng trưởng. Một cách cụ thể thì cả hai ông Fillon và Macron cùng quan niệm là các dịch vụ thuê bao taxi vẫn cứ hoạt động bình thường, nhưng không cấm cản Uber phát triển.

Tương tự như vậy dịch vụ thuê khách sạn vẫn có như hiện nay, nhưng không có gì cản trở tư nhân đi thuê nhà qua dịch vụ Aribnb. Hay người ta vẫn có thể mua sách ở các cửa hàng, nhưng cũng có thể đặt mua qua các trung tâm dịch vụ như Amazon … Khi hai lĩnh vực kinh tế thực và kinh tế ảo cùng hoạt động song song như vậy, thì sẽ có nhiều ngành nghề mới nảy sinh và qua đó, nhu cầu tuyển dụng nhân viên sẽ tăng theo.

Vấn đề đặt ra ở đây, là với ứng cử viên cánh hữu François Fillon, internet là một phương tiện tuyệt vời để giới chủ không phải tuyển dụng nhân viên trong những điều kiện gò bó như từ trước tới nay, không phải đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội.

Công nghệ kỹ thuật số cho phép người lao động có một quy chế "độc lập" không có hợp đồng với giới chủ. Ông Fillon rất chú trọng vào điều này. Ngược lại thì người làm công ăn lương không được bảo hiểm y tế, không được bảo hiểm thất nghiệp, và phải tự đóng thuế cho quỹ lương hưu … Với François Fillon, công nghệ số, hay các dịch vụ cung cấp qua internet cho phép xóa bỏ rất nhiều những thụ đắc xã hội mà từ trước tới nay được đề ra trong luật, để bảo vệ giới làm công ăn lương.

Theo tôi thì đây là một sai lầm, vì tình trạng này đẩy người lao động vào thế bấp bênh, thu nhập của họ bị giảm sụt. Một sai lầm thứ hai nữa là tính toán này đặt các doanh nghiệp trong thế cạnh tranh lẫn với nhau : thí dụ như giữa những hiệu sách phải mượn nhân viên, phải thuê mặt bằng thương mại, và những công ty chỉ cung cấp sách báo qua mạng. Một trường hợp khác là sự cạnh tranh giữa những người lao động mà hậu quả là thị trường lao động Pháp sẽ bị lung lay » .

RFI : Vâng thế còn với ứng cử viên Macron và các đối thủ bên hàng ngũ cánh tả thưa giáo sư ?

GS Coriat : « Emmanuel Macron cũng rất ủng hộ tiến trình "số hóa" các hoạt động kinh tế. Chị còn nhớ là trong cương vị bộ trưởng Kinh Tế ông Macron từng chủ trương cởi trói cho thị trường lao động. Tuy nhiên, chương trình tranh cử của ông ta cho thấy, Macron muốn bảo vệ người lao động hơn là ứng viên của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa. Nhìn hẳn về phía hai ứng cử viên tổng thống Pháp của đảng Xã Hội và cực tả là các ông Benoit Hamon và Jean-Luc Mélenchon : cả hai ông này cùng coi việc phát triển công nghệ số là ưu tiên hàng đầu, nhưng họ nhìn vấn đề dưới một khía cạnh khác. Với họ, internet là một phương tiện để phát triển cơ sở hạ tầng đến một số các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như là trong hệ thống bệnh viện.

Hai ông Hamon và Mélenchon không chấp nhận dùng internet để tạo ra một sự cạnh tranh giữa những người lao động với nhau, ngay trên lãnh thổ Pháp. Họ chống đối việc công nghệ số đẩy người lao động vào thế bấp bênh hơn. Theo hai ứng cử viên tổng thống này, thì máy móc phải nhằm phục vụ con người, tăng trị giá gia tăng của người lao động. Chủ yếu thì cả hai muốn duy trì những phúc lợi xã hội mà giới làm công ăn lương đang được hưởng.

Sau cùng, tôi thấy ứng cử viên tổng thống của đảng cực hữu là bà Marine Le Pen đang thực sự lúng túng trên hồ sơ này. Một mặt thì đảng Mặt Trận Quốc Gia thiên về một mô hình kinh tế thị trường, lấy những quyết định có lợi cho các công ty cỡ vừa và nhỏ, nhưn mặt khác thì bà Le Pen lại luôn khẳng định là ứng cử viên duy nhất bảo vệ công ăn việc làm trên đất Pháp cho người Pháp, bà chủ trương đến 60 tuổi là được quyền nghỉ hưu … Tôi thấy có quá nhiều mâu thuẫn trong cương lĩnh tranh cử của bà » .

RFI : Vậy các ứng cử viên đề xuất những gì để kinh tế Pháp trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm sắp tới thích nghi được với cuộc cách mạng kỹ thuật số đang đem lại thưa giáo sư ?

GS Coriat : « Khuynh hướng không rõ rệt bằng với ông Macron, nhưng lại rất rõ nét nơi ứng cử viên Fillon. Với ông này kinh tế Pháp quá bị trói buộc và do vậy để tạo đà cho tăng trưởng, thì cần xóa bỏ hết những gì gây trở ngại cho giới chủ, cho các doanh nghiệp. Trong mắt ứng cử viên đảng Những Người Cộng Hòa, tạo thêm những nhu cầu mới, những dịch vụ mới trong xã hội là giải pháp tốt nhất để đem lại tăng trưởng và công việc làm. Quan điểm này trái ngược hẳn với cách tiếp cận vấn đề của hai ông Hamon và Mélenchon bên cánh tả. Ngoài ra tôi xin nhấn mạnh tới vế thuế doanh nghiệp liên quan đến các công ty hoạt động qua internet. Tiếc là các ứng viên ít đề cập tới vế này.

Hiện nay những tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ số hay internet, một số thì đặt trụ sở tại những thiên đường thuế khóa, số khác thì bắt rễ vào những quốc gia có tỷ lệ thuế doanh nghiệp rất thấp. Nhưng nhờ internet, họ làm ăn, giao dịch và kiếm lời và có khách hàng ở khắp mọi nơi. Họ không đóng thuế tại Pháp hay chỉ đóng thuế rất ít so với doanh thu, nhưng lại hoạt động tại Pháp. Uber là một trường hợp điển hình. Hay lấy thí dụ của iTunes, công ty mẹ đóng ở Ailen, nhưng lại cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ở Pháp.

Thử hỏi nếu các tập đoàn truyền thống như tập đoàn điện lực EDF hay hãng xe Pháp Renault, Peugeot … không đóng thuế cho Nhà nước, không tham gia vào quỹ an sinh xã hội cho nhân viên thì kinh tế Pháp có thể vận hành được nữa hay không ? Tôi thấy trong chương trình tranh cử, ứng viên Fillon không muốn tăng thuế doanh nghiệp, mà cũng không muốn Nhà nước tài trợ cho các chương trình để phát triển công nghệ kỹ thuật số.

RFI : Vậy ai tài trợ cho bước chuyển mình trong thời đại « digital » đó thưa giáo sư ?

GS Coriat :  « Cần dùng thuế và cả tín dụng vay của các định chế ngân hàng để tài trợ cho công cuộc số hóa đó chứ. Đây là đề nghị của hai ứng viên bên cánh tả. Nhất là vào thời điểm này, lãi suất ngân hàng rất thấp, đồng thời lĩnh vực công nghệ số lại rất chóng kiếm lời, tức là Nhà nước mà đi vay thì rất dễ để trả nợ. Còn ứng viên Fillon thì dứt khoát không muốn tăng nợ của Nhà nước và ông ấy muốn để khu vực kinh tế tư nhân tự đầu tư. Ông Emmanuel Macon thì cố gắng dung hòa những tiêu chuẩn của châu Âu về nợ công, về bội chi ngân sách nhưng chủ trương phải đầu tư để công nghệ số được phát triển mạnh ở Pháp. Ông này dự trù đầu tư 15 tỷ euro trong vòng 5 năm, cho mảng internet. Tuy nhiên theo tôi, nếu chúng ta căn cứ vào các chương trình tranh cử, có lẽ ứng cử viên đảng Xã Hội, Benoît Hamon là người quan tâm đến lĩnh vực này hơn cả. Để chuẩn bị cho giai đoạn mà công nghệ kỹ thuật số, thay thế dần sức lao động của con người, cho nên ông Hamon đề nghị đánh thuế cách dịch vụ trên mạng, vào người máy robot để tài trợ cho các quỹ an sinh xã hội. Đây chính là tâm điểm trong dự án kinh tế của ứng cử viên Hamon ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.