Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Pháp: Những họa sĩ ghi dấu thời gian tại Quảng trường Tertre đồi Montmartre

Đăng ngày:

Một chút lãng mạn trong vòng tay người tình ngắm hoàng hôn trên bậc thềm dẫn lên Nhà thờ Thánh Tâm Sacré-Coeur trên đồi Montmartre. Một nụ cười thán phục trước màn trình diễn dạo trước sân nhà thờ. Một phút sống như người Paris với một tách cà phê hay ly vang đỏ nhâm nhi bên thềm. Một khoảnh khắc dừng lại trên những nét vẽ của họa sĩ ở Quảng trường Tertre...

Họa sĩ trên Quảng trường Tertre, Montmartre, Paris.
Họa sĩ trên Quảng trường Tertre, Montmartre, Paris. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Nằm ngay cạnh Nhà thờ Thánh Tâm, Quảng trường Tertre (Place du Tertre) có lẽ được đặt tên theo vị trí « đỉnh đồi » cao khoảng 130 mét. Đây là khu vực công cộng của làng Montmartre được thành lập năm 1790, nổi tiếng với ngôi nhà đầu tiên được xây cùng năm dành làm thị chính, hiện là số nhà 3, hay nhà số 6 là nhà hàng Mère Catherine nổi tiếng, được khai trương ngay năm 1793, trong thời kỳ Cách Mạng Pháp.

Trong cuộc chiến Pháp-Phổ, quảng trường trở thành trận địa pháo để cản bước kẻ thù vào năm 1870. Mười bẩy năm sau, Quảng trường Tertre là nơi đánh dấu sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi Pháp. Ngày 24/12/1898, Louis Renault đích thân lái một chiếc ô tô lên đỉnh đồi để chứng minh khả năng leo dốc của dòng xe do ông sản xuất.

Từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu Thế Chiến Thứ Nhất, quảng trường Tertre là điểm hẹn của giới nghệ sĩ phiêu lãng (bohème) Montmartre. Van Gogh, Renoir, Pissaro hay Utrillo (với ngôi nhà Hồng nổi tiếng) đều có những khoảng thời gian sống trong làng. Edith Piaf thường xuyên lui tới nhâm nhi ly vang đỏ ngoài hiên quán bar. Còn Gainsbourg từng mơ màng trong khói thuốc ngắm những bức tranh ngọt ngào của Pissarro. Ngày nay, những nghệ sĩ, họa sĩ, họa sĩ vẽ chân dung và các quán cafe tiếp tục thổi hồn cho Quảng trường Tertre, nơi thu hút hơn 11 triệu du khách mỗi năm.

Nhà thờ Thánh Tâm Sacré-Coeur, trên đồi Montmartre, Paris.
Nhà thờ Thánh Tâm Sacré-Coeur, trên đồi Montmartre, Paris. RFI / Tiếng Việt

Gần 300 nghệ sĩ tự do…

« Thế giới thuộc về những người dậy sớm » (Le monde appartient à ceux qui se lèvent tôt) như một câu ngạn ngữ Pháp. Từ 8h-8h30 sáng, những họa sĩ đầu tiên bắt đầu dựng giá vẽ. Với họ, đây mới là khoảnh khắc thật của Quảng trường Tertre của ngôi làng cổ với không gian tĩnh lặng, thanh bình, không chút bon chen. Họ trầm tư theo hương cà phê, thả hồn theo làn khói thuốc và lặng lẽ lật từng trang báo trước khi bắt đầu một ngày rộn rã với dòng người thăm quan. Một số khác nói chuyện phiếm với nhau và không quên bàn về thời tiết trong ngày. Cũng như các thủy thủ, trời đẹp, trời xấu quan trọng với họ đến nhường nào !

Chừng 298 họa sĩ, trong đó có khoảng 4 đến 5 họa sĩ gốc Việt, chia nhau 149 chỗ ngồi rộng 1m2 trong « Khu vực dành cho nghệ sĩ » (Carré aux artistes). Hầu hết nghệ sĩ tại đây có thâm niên hơn 30 năm trong nghề, vì khi được cấp giấy phép, họ gắn bó đến chừng nào sức khỏe còn cho phép, như tâm sự của họa sĩ vẽ chân dung Natacha Carillo (nhật báo Les Echos, 23/03/2016) :

« Tôi ở đây được 30 năm rồi và có thẻ hành nghề. Hàng năm chúng tôi phải gia hạn, nghĩa là phải làm lại hồ sơ để nhận được giấy phép làm việc tại quảng trường này. Năm đầu tiên tôi làm việc ở đây, còn chưa có chỗ cố định, phải tranh giành nhau và phải đến thật sớm để có một chỗ làm việc. Đáng tiếc là vì chúng tôi bị xếp sát nhau, người này chạm vào người kia, nên không tốt lắm cho công việc và gây căng thẳng giữa đồng nghiệp với nhau.

Tôi không thể đến đây làm việc hàng ngày. Tôi chung chỗ này với một đồng nghiệp khác. Hiện giờ, tôi làm cách nhật. Chúng tôi trả tiền thuê chỗ khoảng 800 euro mỗi người mỗi năm ».

Cả khu vực giữa lòng quảng trường như một xưởng vẽ lớn ngoài trời, đầy mầu sắc, giá vẽ xếp san sát nhau, lỉnh kỉnh những chổi vẽ hay khung vải và những tấm áo choàng lâm thâm mầu vẽ. Vào mùa đông, các nghệ sĩ được phép sử dụng toàn bộ khu vực và chỉ cần tôn trọng ranh giới giữa một bên là họa sĩ và bên kia là nghệ sĩ vẽ chân dung hoặc tranh biếm họa lấy ngay. Còn mùa hè, một số nhà hàng, quán cafe bên cạnh được phép sử dụng một phần khu vực, khiến không gian làm việc của các họa sĩ đã hẹp lại càng gò bó hơn.

Với nhiều họa sĩ, vẽ trên Quảng trường Tertre vừa giúp họ kiếm sống, làm những gì họ thích, vừa giúp họ có thời gian tập trung vào đam mê cá nhân, như với Natacha Carillo là vẽ tranh mầu nước về những điệu tango theo đúng nguồn gốc Achentina của bà hay với một số nghệ sĩ khác là chuẩn bị cho những cuộc triển lãm có quy mô lớn hơn.

Vẽ trên Quảng trường Tertre cũng là sự tự do được làm việc trong không gian mở và tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch. Thế nhưng, để thuyết phục được một khách hàng lại cần một « nghệ thuật » khác : không mời chào vồn vã nhưng cũng không được chần chừ nếu không khách bỏ sang nhà khác. Ngoài những bức tranh mẫu thể hiện phong cách và tài năng cá nhân, mỗi nghệ sĩ ở đây đều biết thêm một vài ngoại ngữ, dù là xã giao, và luôn có sẵn vài câu bông đùa để bắt chuyện với khách... vì sự tương tác giữa người với người có vẻ ngày càng khó hơn !

Với Salim Sekkat, họa sĩ vẽ chân dung biếm họa, không cần bí quyết “gia truyền” nào hết để có được một tác phẩm như ý : « Người vẽ biếm họa nếu muốn thành công phải cần óc quan sát, nhưng trước hết người họa sĩ phải biết thương người. Sau đó, chỉ cần nhấn mạnh vào một điểm trên khuôn mặt và bóp méo nó đi ».

Mỗi ngày lại là một chuyến ra khơi bắt đầu từ con số 0 như tâm sự của họa sĩ vẽ chân dung Marie-Noelle với đài truyền hình France 5 :

« Đó là một cuộc phiêu lưu mới. Hơn nữa, chúng tôi chẳng có chút đảm bảo nào là sẽ làm việc được. Có những họa sĩ cuối ngày về nhà với hai bàn tay trắng. Một số khác thì lại có ngày may mắn. Thế nhưng, chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền với nghề này cả và tình hình ngày càng khó khăn hơn. Chúng tôi cảm thấy rõ ảnh hưởng từ khủng hoảng ».

Đây cũng là tâm sự của bà Natacha Carillo : « Mỗi ngày chúng tôi có thể vẽ 1, 2 hoặc 4 tấm chân dung, nhưng cũng có ngày chẳng vẽ được tấm nào. Nhưng thường thường, chúng tôi đắt hàng vào mùa hè. Giá một tác phẩm giao động tùy theo kỹ thuật. Tôi lấy 30 euro một bức chân dung trắng đen và mầu là 60 euro ».

Họa sĩ trên Quảng trường Tertre, Montmartre, Paris.
Họa sĩ trên Quảng trường Tertre, Montmartre, Paris. RFI / Tiếng Việt

Việc quản lý vị trí làm việc trên Quảng trường Tertre nằm dưới sự điều phối của một ủy ban. Khoảng tháng Hai hàng năm, ủy ban này xét lại hồ sơ của các nghệ sĩ có thẻ hành nghề tại đây. Một kỳ thi tuyển « nghệ sĩ khách mời » cũng được thị chính quận 18 Paris tổ chức hàng năm. Năm thí sinh trúng tuyển sẽ được thử trải nghiệm mới ở quảng trường trong vòng 15 ngày.

Ngoài ra, tùy theo mỗi năm, thông qua rút thăm,  một số chỗ sẽ được dành cho các « tân binh » trong thời hạn một năm. Ví dụ năm 2013, có 6 họa sĩ (trên tổng số 42 thí sinh) đã vượt qua được kỳ thi tuyển kéo dài 1h30 với hai bộ môn : vẽ tranh tĩnh vật (đối với họa sĩ) và hai bức chân dung (đối với họa sĩ vẽ chân dung).

Dù làm tự do, nhưng người họa sĩ phải tôn trọng kỷ luật khi làm việc trên quảng trường nổi tiếng này. Và như mọi nghề tự do khác, họ gặp không ít rủi ro trong công việc, bấp bênh về thu nhập, các khoản đóng góp bảo hiểm và hưu trí cho hiệp hội Nhà Nghệ Sĩ (Maison des Artistes).

Ngoài ra, mối quan hệ giữa các nghệ sĩ và nhà hàng xung quanh ngày thêm căng thẳng vì từ nhiều năm nay, vào mùa hè, khu vực nhà hàng được phép sử dụng một phần lớn diện tích « Khu vực dành cho nghệ sĩ ». Dù khu vực nhà hàng mang lại một khoản thu quan trọng cho thị chính quận 18, nhưng theo bà Natacha Carillo, du khách khắp thế giới đến đây để thăm quan đồi Montmartre và các nghệ sĩ, chứ không vì những nhà hàng xung quanh, trong khi chất lượng của những nhà hàng này chỉ thật sự... dành cho khách du lịch.

Dù sao với du khách, vừa nhâm nhi một ly cà phê vừa được ngắm họa sĩ thể hiện tài năng trên Quảng trường Tertre dưới ánh nắng vàng vẫn là niềm vui nho nhỏ trong phút thư giãn trước khi tiếp tục hành trình khám phá những con phố giấu mình trong ngôi làng cổ Montmartre.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.