Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Rodin, người thổi hồn cho nghệ thuật điêu khắc

Đăng ngày:

Từ Nụ hôn (Le Baiser) đến Người suy tư (Le Penseur) hay Cổng địa ngục (La Porte de l’enfert)... chỉ nhắc đến những tác phẩm này, người ta nghĩ ngay đến Auguste Rodin (12/11/1840 - 17/11/1917). Bên cạnh một Rodin nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX, là một Rodin họa sĩ, nghệ sĩ lắp ráp-cắt dán, ít được đề cập hơn khi nhắc đến sự nghiệp của ông.

Chân dung Auguste Rodin chụp năm 1909.
Chân dung Auguste Rodin chụp năm 1909. BNF/Agence de presse Meurisse
Quảng cáo

Giới thiệu trọn vẹn sự nghiệp của Rodin trên các loại hình nghệ thuật khác nhau là mục đích của triển lãm cùng tên diễn ra tại Grand Palais (Đại Điện) ở Paris, từ ngày 22/03 đến 31/07/2017 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của nghệ sĩ người Pháp. Đặt Rodin vào bối cảnh thế kỷ XXI, ban tổ chức cũng muốn chứng minh rằng, qua phong cách sáng tạo mang tính tiên phong, nhà điêu khắc vẫn còn khiến nhiều nghệ sĩ ngày nay ngạc nhiên và thán phục trước tính táo bạo trong những tác phẩm của ông.

Khoảng 170 tác phẩm được trưng bày trong ba khu vực triển lãm : Rodin theo trường phái biểu hiện, Rodin nhà thí nghiệm và làn sóng ảnh hưởng của nghệ sĩ sau năm 1945. Mỗi khu vực trưng bầy lại được bài trí theo cùng một kiểu : tác phẩm của Rodin, những tác phẩm được ưu ái khi ông còn sống và cách nhìn nhận về ông của thế hệ nghệ sĩ sau này, cũng như sự tiếp thu một số phương diện từ tác phẩm của ông.

L'Âge d'airain (Thời đại đồng thau, 1877), Aguste Rodin, Triển lãm "Rodin" tại Grand Palais, Paris.
L'Âge d'airain (Thời đại đồng thau, 1877), Aguste Rodin, Triển lãm "Rodin" tại Grand Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt

Rodin, cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc hiện đại

Rodin được coi là cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc hiện đại, như nhận xét của bà Catherine Chevillot, giám đốc bảo tàng Rodin và là người phụ trách triển lãm :

« Dấu ấn sáng tạo chính của Rodin chính là mặt thực nghiệm. Rodin là một nghệ sĩ điêu khắc luôn tìm cách tái hiện sự sống qua tác phẩm nặn tượng hay điêu khắc của mình. Ông từng nói chẳng có gì là thái quá trong điêu khắc. Chính ông là người sáng tạo ra loại hình biểu hiện này vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đối với mọi lời phê bình, mọi bài báo vào thời kỳ đó, Rodin là người đã mang lại sự sống cho nghệ thuật điêu khắc ».

Cơ thể con người, hoàn toàn khỏa thân, là chủ đề chính trong các tác phẩm của Rodin. Ông muốn để cơ thể lên tiếng vì với ông, « Cơ thể là một khuôn đúc nơi đam mê hằn sâu ». Vì thế, Rodin đề cao nét tự nhiên của cơ thể, loại bỏ mọi quy chiếu lịch sử hay văn hóa ra khỏi các tác phẩm Quý tộc Calais (Les Bourgeois de Calais, 1895) hay Cổng địa ngục (La Porte de l’enfer, 1880-khoảng 1890).

Bức tượng Đứa con hư trở về (L’Enfant prodigue, 1905) nằm trong khối Cổng địa ngụcGiấc ngủ (Le Sommeil, khoảng 1894) luôn là hai tác phẩm quyến rũ bà Marie-Madeleine Lardoux và bà Brigitte Mouterde, hai khách thăm quan triển lãm :

« Tác phẩm Đứa con hư trở về làm chúng tôi say mê. Cậu bé có hành động, vừa giống như đang mở rộng với thế giới, vừa như đang thỉnh cầu, rất xúc động nhưng đồng thời cũng tràn đầy sinh lực. Tác phẩm Giấc ngủ là một khối đá, chỉ có mỗi khuôn mặt phụ nữ đang thiu thiu ngủ lộ ra, nhưng lại mang một nét trong trắng và giản dị tuyệt vời.

Chúng tôi luôn thích những tác phẩm bằng đá của Rodin hơn là tác phẩm bằng đồng, dù Đứa con hư trở về được làm bằng đồng, đây là trường hợp đặc biệt. Chúng tôi cũng rất thích ngắm những tác phẩm bằng đá cẩm thạch thể hiện bàn tay, bàn chân. Đá cẩm thạch trắng luôn có nét gì đó tinh tế hơn và luôn dễ chịu hơn khi ngắm toàn khối tác phẩm. Ngoài ra, chúng tôi thấy đá cẩm thạch thể hiện sự trong trẻo, thuần khiết và êm dịu hơn là chất liệu đồng ».

Le Baiser (Nụ hôn, 1881-1882), Auguste Rodin, Triển lãm tại Grand Palais, Paris.
Le Baiser (Nụ hôn, 1881-1882), Auguste Rodin, Triển lãm tại Grand Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt

Đá cẩm thạch và đồng là những nguyên liệu sáng tạo chính của Rodin. Nhưng bà Catherine Chevillot còn muốn giới thiệu nhiều tác phẩm được làm từ thạch cao được lắp ghép hay cắt dán, mà ít được công chúng biết đến.

« Đối với những tác được cho là hoàn thiện, như các tác phẩm sẽ được giao cho khách hàng, nhà sưu tầm, có hai vật liệu chính được cho là sang trọng thời kỳ đó mà ông thường dùng, đó là đá cẩm thạch và đồng. Ông sử dụng chúng khá khác nhau : đồng là một vật liệu có vẻ gần hơn với tư tưởng sống, với lớp da ngoài mà ông gắn bó. Còn đá cẩm thạch, người ta nói đến điều gì đó vô cùng hoàn hảo để rộng mở cho những vật liệu thô và không mài dũa trong suốt nhiều thập kỷ qua. Như vậy, người ta có những quan niệm thẩm mỹ khá khác nhau tùy theo các vật liệu được sử dụng.

Kỹ thuật cơ bản của Rodin là nặn đất. Nhưng Rodin cũng nhanh chóng chuyển sang làm việc với thạch cao tươi. Điều này độc đáo hơn. Đó là những kỹ thuật trong xưởng nhưng cuối cùng được biến thành kỹ thuật sáng tạo. Rodin nặn đất và thường xuyên làm thành nhiều mảnh. Sau đó, từ những mảnh này, ông lắp chúng lại với nhau, ông cắt xén, ông chia chúng rồi làm lại. Đó là kiểu phối hình liên tục ».

Ngoài một Rodin nhà điêu khắc nổi tiếng, người xem còn được khám phá một Rodin họa sĩ « ít nổi tiếng hơn, ít hoàn hảo hơn » nhưng vô cùng sáng tạo. Tuy nhiên, hai nữ khách thăm quan Marie-Madeleine Lardoux và Brigitte Mouterde lại không tỏ ra ngạc nhiên khi khám phá tài năng ít được nhắc đến của nghệ sĩ :

« Chúng tôi không ngạc nhiên vì thường xuyên, người nghệ sĩ điêu khắc cũng là những nhà vẽ tranh, họa sĩ, họ thử mỗi thứ một ít vì để chuẩn bị cho công việc điêu khắc của mình. Điều này giải thích việc trưng bày các tác phẩm hội họa của Rodin ở triển lãm. Tuy nhiên, có thể hơi thất vọng ở điểm hội họa so với các tác phẩm điêu khắc. Với chúng tôi, Rodin là nhà điêu khắc hơn là họa sĩ ».

Tượng bán thân Victor Hugo (mẫu lớn năm1902), Auguste Rodin, Triển lãm "Rodin" tại Grand Palais, Paris.
Tượng bán thân Victor Hugo (mẫu lớn năm1902), Auguste Rodin, Triển lãm "Rodin" tại Grand Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt

« Nếu chọn là nghệ sĩ, phải là người giỏi nhất ! »

Khi còn nhỏ, Auguste Rodin là một học trò xoàng, nếu không muốn nói là tầm thường. Ngoài môn toán, cậu chẳng giỏi chính tả lẫn cú pháp và thường cau có khi phải phát biểu. Cách biểu hiện ưa thích của cậu là đất và cây bút chì. Thế nhưng, dù có khiếu về hội họa, Rodin vẫn ba lần thi trượt vào trường Mỹ Thuật, không được nhận giải thưởng danh giá Roma, được coi là « bảo bối » cho các nghệ sĩ. Không một xu dính túi, Rodin phải làm nhiều việc vặt để kiếm sống và trường đời đã giúp ông trưởng thành.

May mắn là cha mẹ của Rodin ủng hộ cậu con trai khi ông nói muốn trở thành nghệ sĩ. Cha ông chỉ ra một « điều kiện » : « Nếu con muốn là nghệ sĩ, thế thì phải là người giỏi nhất ! ». Tác phẩm đầu tiên của Rodin chính là cha của nhà điêu khắc, Jean-Baptiste Rodin, được hoàn thành vào năm 1860.

Tên tuổi Auguste Rodin trở nên nổi tiếng vào năm 1877 với tác phẩm bằng đồng đầu tiên mang tên Thời đại đồng thau (L’Âge d’airain, 1877). Tác phẩm thật và đẹp đến nỗi trở thành chủ đề tranh cãi : người ta đồn rằng nghệ sĩ đã nặn khuôn trên người mẫu sống. Sau thành công đầu tiên này, Rodin thực hiện nhiều tác phẩm khác làm nên tên tuổi của ông trong những năm 1880 như Người suy tư, Nụ hôn, Cổng địa ngục hay Quý tộc Calais.

Khoảng năm 1884, ông gặp Camille Claudel, cô học trò trẻ trung và xinh đẹp, người sau này trở thành cộng sự, người tình và nàng thơ của ông trong suốt nhiều năm, dù lúc đó ông đã kết hôn với Rose. Cuối cùng, Rodin muốn giữ mái ấm gia đình và phụ tình Camille Claudel. Cô học trò của ông phát điên và phải vào bệnh viện tâm thần năm 1913. Rodin cũng chìm trong đau khổ và giằng xé vì cuộc tình sâu đậm này.

Thành phố Meudon nhỏ bé, thanh bình ở ngoại ô Paris trở thành nơi sinh sống của ông và gia đình từ năm 1895. Đây cũng là nơi yên nghỉ của người đã thổi hồn vào những bức tượng. Sau khi Rodin mất, Judith Claudel, nhà viết tiểu sử đầu tiên của Rodin, đã kiểm kê kho tác phẩm ông để lại, trong đó có khoảng 7.000 bức tranh. Bà cũng tìm thấy một thùng cac-tông, phía trên ghi « Bảo tàng bí mật ». Từ này khiến người ta liên tưởng đến bảo tàng bí mật Napoli, từ năm 1821 là nơi giấu những tác phẩm khiêu dâm được phát hiện ở Herculanum và Pompei.

« Bảo tàng bí mật » của Rodin gồm 121 bức vẽ và tranh mầu nước do chính tay nghệ sĩ vẽ, tập trung chủ yếu vào bộ phận sinh dục nữ và những cảnh ái ân giữa hai phụ nữ đồng tính… Từ lâu được giữ kín ở Meudon khỏi những ánh mắt tò mò, cuối cùng những tác phẩm này đã trở thành chủ đề của một bản công bố khoa học.

Tang lễ Auguste Rodin, ngày 24/11/1917 tại Meudon.
Tang lễ Auguste Rodin, ngày 24/11/1917 tại Meudon. BNF/Agence Rol.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.