Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Bầu cử Pháp: Marine Le Pen và ngọn sóng cực hữu

Đăng ngày:

Trong bối cảnh xu hướng mị dân lên điểm tại châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23/04 và 07/05/2017) và quốc hội tiếp theo có thể đưa tổ chức Mặt Trận Quốc Gia (Front National) lên tỷ lệ cao nhất. Chiến thắng của Donald Trump tại Mỹ và phong trào Brexit tại Anh tạo đà cho ứng cử viên Marine Le Pen, hiện đang dẫn đầu các kết quả thăm dò ý kiến, vào vòng chung kết.

Marine Le Pen trong cuộc mít tinh tại thành phố  Nantes, miền Tây Pháp; ngày  26/02/2017.
Marine Le Pen trong cuộc mít tinh tại thành phố Nantes, miền Tây Pháp; ngày 26/02/2017. AFP/Jean-François Monnier
Quảng cáo

Marine LePen là nhân vật như thế nào ? Do đâu mà ứng cử viên cực hữu được gần 30% dư luận ủng hộ bất chấp mọi nỗ lực của các tổ chức chính trị truyền thống tả hữu ? Và vì sao xu hướng cực đoan này đe dọa các nền dân chủ phương Tây ?

« Cha truyền con nối »

Thay cha là Jean-Marie Le Pen làm chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia từ năm 2011, nữ luật sư Marine Le Pen, 48 tuổi, tiếp nối ngọn cờ của một tổ chức chính trị cha truyền con nối. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, đảng cực hữu của Pháp kỳ vọng vào đà thắng lợi của hai phong trào dân túy khác là Brexit tại Anh Quốc, đưa nước Anh quay lưng lại với Liên Hiệp Châu Âu và bên kia bờ Đại Tây Dương, Donald Trump, vào Nhà Trắng với khẩu hiệu « nước Mỹ trước đã ».

Khác với cha với nét mặt hung hãn và luôn giận dữ, bà Marien Le Pen khôn ngoan chọn khẩu hiệu ôn hoà như là « nước Pháp hòa dịu ». Tuy nhiên, chiếc áo không làm nên nhà tu. Trong quyển sách « Dân túy là gì ? », giáo sư Jan-Werner Müller, đại học Princeton, Hoa Kỳ, phân tích vì sao các tổ chức mị dân, cho dù ở Nga, ở Đức, ở Pháp không giống nhau nhưng tất cả đều đe dọa nền dân chủ vì không một đảng dân túy nào « hòa dịu ». Cho dù có không gian chính trị để hoạt động nhưng không đảng nào « có lý do » để bình thường.

« Khai thác nỗi lo của dân Pháp »

Trước hết, vì sao có đến 30% dân Pháp, phần đông là công nhân và nông dân nghe theo luận điểm của bà Le Pen ? Nhà báo Nguyễn Văn Huy ở Paris, phân tích :

« Phe dân túy khai thác khuyết điểm của các chính quyền thay nhau cầm quyền tại châu Âu. Tại Pháp, Mặt Trận Quốc Gia khai thác những lo lắng của người Pháp trước những vấn đề mà cánh tả lẫn cánh hữu không giải quyết được. Thứ nhất là công ăn việc làm, thứ hai là giảm nhập cư và thứ ba là phục hưng kinh tế… »

Theo kết quả thăm dò của viện Kantar Sofres, tỷ lệ cử tri Pháp nghe theo chủ trương của FN tăng từ 25% lúc ông Jean-Marie Le Pen làm chủ tịch lên 30% với Marine Le Pen. Vấn đề là có đến một phần ba cử tri của cánh hữu truyền thống Những người Cộng hoà LR nhìn nhận đồng ý với một số « ý kiến » của Mặt Trận Quốc Gia. Một trong những ý kiến đó, theo nhà báo Nguyễn Văn Huy là « giải pháp » chống di dân nhập cư và ảnh hưởng của Hồi giáo cuồng tín :

« Hiện nay nước Pháp đang đương đầu với khủng bố mà nói thẳng ra đó là khủng bố Hồi giáo và di dân sang Pháp tìm tự do nhưng lại từ từ đề cao tôn giáo không bao dung của họ và điều «(không bao dung) này đụng chạm đến nền văn hóa Thiên Chúa giáo của châu Âu….bà Marine Le Pen nói rằng bầu cho bà lên cầm quyền thì giải quyết được hết tình trạng này tức khắc như là bế quan, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp…điều này hấp dẫn được thành phần người Pháp lo âu trong khi các đảng cánh hữu cũng nói như vậy nhưng bị xem là những bản sao lu mờ ».

Cũng theo thăm dò ý kiến của Kantar Sofres, đa số người Pháp, 58%, xem Mặt Trận Quốc Gia là mối nguy hiểm cho nền dân chủ. Ý thức này tăng thêm 11% kể từ khi bà Le Pen lên thay cha. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, bà Marine Le Pen được 17%, bị loại ở vòng một. Cho dù lần này có vào được vòng hai thì cơ may đắc cử tổng thống Pháp sẽ gần như con số không như trường hợp cha của bà năm 2002 khi đối đầu với Jacques Chirac. Thế nhưng vì sao FN bị xem là nguy hiểm? Người Pháp vẫn còn ghi trong ký ức chiến thuật chính trị của Hitler.

« … Ngay bây giờ lực lượng cực hữu của bà Le Pen chắc chắn sẽ không thể lên cầm quyền nhưng thế lực của họ vẫn còn tiềm tàng trong quần chúng và họ có thể thắng cuộc bầu cử lập pháp, có thêm dân biểu tại quốc hội. Rồi từ từ họ giành các chức vụ ở địa phương, tỉnh thành, làng xã….tạo ra một địa bàn lớn mạnh như thời Hitler hay nói như Mao Trạch Đông, lấy nông thôn bao vây thành thị, lần lần sẽ chiếm đa số tại quốc hội…»

Cho đến nay, tất cả các kết quả thăm dò đều cho bà Marine thua đậm, ít nhất 20 điểm, dù đối thủ là ai : cựu bộ trưởng Tài Chính Emmanuel Macron của phong trào Nước Pháp Tiến Bước hay với cựu thủ tướng François Fillon.
Liệu cơ may đắc cử của lãnh đạo phong trào dân túy Pháp có thật sự là « con số không » hay không ? Đây không phải là ý kiến của ứng cử viên Marine Le Pen mà cũng không phải là dự báo của tổng thống sắp mãn nhiệm. Tổng thống François Hollande đã cảnh báo cử tri :« Rủi ro Marine chiến thắng là có thật ».

Với một phần ba ủng hộ viên của đảng Những Người Cộng Hoà « khá đồng ý » với FN, nếu đại diện của họ là François Fillon, hiện đứng hạng ba trong cuộc đua vào điện Elysée, bị loại ở vòng một, thì những cử tri này sẽ dồn phiếu cho ai ở vòng chung kết vào tháng 5 tới đây ?

Tuy nhiên, trong thời gian qua có hai tín hiệu cho phép giới phân tích và chính giới Pháp cũng như châu Âu lên tinh thần. Đó là trong cuộc bầu cử tổng thống Áo vào tháng 12/2016, ứng cử viên độc lập Alexander Van der Bellen, được phong trào môi sinh ủng hộ, đánh bại đối thủ cực hữu Norbert Hofer với tỷ lệ 53,8%-46,2%. Tín hiệu thứ hai là trong cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan, đảng bài ngoại đã không tạo được « ngọn sóng thần » như dự báo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.