Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghệ high tech, công cụ sản xuất mới của nông gia Pháp

Đăng ngày:

Giảm bớt công việc nhọc nhằn cho nông gia, cung cấp thông tin chính xác về đất đai - hoa màu, giảm bớt rủi ro mất mùa, tạo diễn đàn trên mạng giữa những nhà trồng trọt, chăn nuôi ở cách nhau nửa vòng trái đất … « Cách mạng công nghệ kỹ thuật số » đã thổi tới nền nông nghiệp của Pháp.

Nông nghiệp thời đại Digital. Ảnh minh họa.
Nông nghiệp thời đại Digital. Ảnh minh họa. Nguồn : bộ Nông Nghiệp Pháp
Quảng cáo

81 % nông dân Pháp ở đầu thế kỷ XXI truy cập vào mạng internet tối thiểu mỗi ngày một lần. Điện thoại di động, máy vi tính, « capteur » phân tích độ màu mỡ của đất, đo sức và hướng gió, drone, một loại máy bay nhỏ không người lái, ảnh vệ tinh … đã trở thành những công cụ không thể thiếu của các nhà chăn nuôi và trồng trọt Pháp thời buổi internet.

Dùng máy gặt high tech có hệ thống định vị, khai thác những ứng dụng điện thoại để tưới ruộng, rải phân bón, đóng chuồng bò với hàng rào có bọ điện tử, kết nối vào các mạng xã hội, giao lưu với người tiêu dùng…Tại triển lãm nông nghiệp Porte de Versailles vừa khép lại, RFI Việt ngữ đã dừng chân tại khu vực có tên gọi « Nông Trại kỹ thuật số- La Ferme Digitale », để tìm hiểu xem một nông trại Pháp trong tương lai hoạt động như thế nào? Nhà nông Pháp ngày nay đang sử dụng những công nghệ cao cho công việc đồng áng, hay chăn nuôi ra sao ? Các phương tiện hiện đại giúp ích cho họ ở những khâu nào ? Công nghệ số, những vật dụng kết nối – connected được phổ biến tới đâu trong lĩnh vực nông nghiệp tại quốc gia được mệnh danh là « kho lương thực » của Liên Hiệp Châu Âu.

« Đỡ tốn nước và phân bón nhờ bọ điện tử và vật dụng kết nối »

Hai ngày trước khi hội chợ nông nghiệp ở khu Porte de Versailles đóng cửa, chúng tôi đã đến gian trưng bày của ông Christophe Grison, một nông gia khai thác 360 ha đất trong vùng Oise, bắc Paris. Nông trại của ông trồng từ lúa mì đến lúa mạch để cung cấp cho các nhà sản xuất bia, từ cải colza hoa vàng để ép lấy dầu đến củ cải đường, từ bắp đến rau, củ, quả. Gần đây ông Grizon đã dành riêng 2 ha để trồng rau tươi, bán trực tiếp cho khách hàng ở thành thị đi ngang qua thửa ruộng của ông.

Christophe Grison vui vẻ tiếp phóng viên của RFI và cho biết ông đã vào nghề từ 27 năm nay, và luôn bị những công nghệ mới áp dụng cho nghề nông lôi cuốn. Trên hành trình đi tìm những hướng đi mới đó, Christophe Grison đã không ít lần thất vọng. Nhưng từ vài năm trở lại đây thì ông hoàn toàn hài lòng về những tiến bộ trong lĩnh vực gieo trồng :

“ Trong lĩnh vực trồng ngũ cốc, đã có nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như là chúng tôi sử dụng máy để gieo hạt, và bây giờ máy này được kết nối vào mạng, với những công cụ khác, như điện thoại di động hay máy vi tính. Để dễ hiểu hơn, tôi đưa ra hai thí dụ cụ thể : hồi xưa khi gieo hạt, chúng tôi cầm một nắm hạt giống rắc vung lên, bây giờ với máy gieo tự động và kết nối vào một ứng dụng, khi gieo, chúng tôi gieo từng hạt một, mỗi hạt cách nhau ở một mức độ quy định một cách rất chính xác. Cây lúa khi mọc lên thẳng hàng, không có chuyện hai ba hạt giống mọc cùng một chỗ để tôi phải nhổ bớt đi.

Thế rồi cũng trong công việc trồng trọt, tôi có trang bị các ứng dụng để canh mức độ ẩm của mặt đất, xem đất có tơi hay không trước khi gieo hạt, xem xem rằng, vụ mùa năm trước, chúng tôi đã bón nhưng loại phân gì và lượng phân bón đó còn đọng lại bao nhiêu trong lòng đất.

Khác với hồi xưa, cứ hai ba ngày tôi lại tưới ruộng một lần tùy theo thời tiết và tưới đều trên khắp cả diện tích trồng trọt. Bây giờ, nhờ có những “capteur” trang bị trong các cột điện tử di động và tất cả các cột đó kết nối vào với điện thoại di động của tôi. Thành thử tôi biết một cách chính xác, cần tưới thêm cho chỗ nào, và tưới chừng bao nhiêu là đủ.

Như vậy tôi tiết kiệm được nước, được thời gian, mà lại bảo đảm là mỗi nhành lúa mì không bị khô, không bệnh tật … Để làm được việc này, tôi thuê drone, tức là một loại động cơ tương đối nhỏ và nhẹ bay trên không với những ống kính camera, chụp ảnh thửa ruộng mà tôi đang gieo trồng. Từ những hình ảnh thu được đó, tôi có rất nhiều thông tin ”

Với ông Grison, chủ tịch hiệp hội nông gia ValFrance lập đi lập lại : điều quan trọng nhất là những công cụ mới cho phép ông sử dụng nước hay phân bón đúng liều lượng và đúng thời điểm. Bởi tiết kiệm nước, hay không sử dụng phân bón quá đà thuộc phạm trù và trách nhiệm của giới canh nông đối với thiên nhiên, môi trường.

Khuyên tai điện tử và ngành chăn nuôi

Đối diện với gia trưng bày của Christophe Grizon, là gian triển lãm của Viện Nghiên cứu Khoa Học Kỹ Thuật vì Môi Trường và Nông Nghiệp IRSTEA. Tại đây, ban tổ chức giới thiệu những trang thiết bị kết nối đã được giới trồng trọt và chăn nuôi sử dụng rộng rãi hàng ngày. Bà Sybille Arbeille, đại diện của IRSTEA giới thiệu cặn kẽ những chiếc khuyên kẹp vào tai bò rất thông dụng trong ngành chăn nuôi từ một vài năm trở lại đây.

" Chị đang trông thấy một cái khuyên với một con bọ điện tử, như khuyên đeo tai vậy, ta kẹp khuyên này vào tai bò. Mỗi con bò trong trại chăn nuôi đều mang một mã số riêng. Trong khuôn viên trại nuôi bò có gắn những cây cột điện tử. Khi bất kỳ một con bò nào đi ngang qua các cột đó, một bộ phận phần mềm, đọc được thông số trong con bọ điện tử của khuyên tai nói trên. Nhờ phương tiện này, một nhà chăn nuôi biết được nào là trong ngày, bò đã ăn bao nhiêu cỏ, sức nặng của nó, bò có bị thiếu nước hay không … Đó gọi là công tác theo dõi chế độ ăn uống của đàn bò, xem có con nào biếng ăn, hay bệnh hoạn gì hay không … Từ đó mình điều chỉnh lượng thức ăn, nước uống cho bò.

Một ứng dụng khác rất tiện lợi cho phép điều khiển từ xa thời gian để vắt sữa bò bằng máy vào buổi sáng sớm. Như chị biết, nhà chăn nuôi mỗi ngày mất khoảng 2 giờ đồng hồ để vắt sữa của một đàn khoảng 70 con bò. Với ứng dụng mới, cứ đến giờ, bò tự động được lùa về phía các máy vắt, thêm vào đó, ta còn biết một cách chính xác, con bò nào cho bao nhiêu sữa ; trong sữa có bị thiếu hay chất vitamine nào hay không. Đỡ được hai tiếng đồng hồ trong công việc vắt sữa là rất đáng kể đối với các nhà chăn nuôi.

Thêm một ứng dụng khác cũng rất cần thiết, đó là một vật dụng kết nối vào mạng có chức năng báo trước khi bò cái sắp sinh con. Nếu như nhà ở xa chuồng bò, mà lại sắp đến thời điểm nhạy cảm này, trước đây nông dân phải ngủ gần với chuồng bò để canh. Bây giờ với kỹ thuật mới, tức với cũng những con bọ điện tử, gần đến lúc sinh, nhiệt độ, nhịp tim, mức độ co thắt của con bò mẹ thay đổi. Lập tức tất cả những thông tin đó được chuyển về máy tính hay điện thoại di động của chủ nông trại, và chỉ khi đó thì nhà chăn nuôi mới phải rời nhà ra chuồng bò ".

Máy gặt có trang bị ống kính camera, sản phẩn của Viện nghiên cứu IRSTEA.
Máy gặt có trang bị ống kính camera, sản phẩn của Viện nghiên cứu IRSTEA. Nguồn : viện nghiên cứu IRSTEA

Tiết kiệm từ thời gian và làm việc hiệu quả

Như bà Sybille Arbeille viện nghiên cứu IRSTEA và ông Christophe Grison, chủ tịch hiệp hội nông gia ValFrance vùng Oise, phía bắc Paris vừa trình bày, công nghệ kỹ thuật số từng bước len lỏi vào đời sống ở các nông trại.

Hơn 80 % nông dân pháp dùng internet mỗi ngày, khi thì để xem dự báo thời tiết, lúc thì để biết thông tin về giá cả thị trường, hay đơn giản là để giao dịch với ngân hàng từ xa. Theo thống kê của bộ Nông Nghiệp Pháp hiện tại có tới 18.000 nông gia sử dụng ảnh vệ tinh để theo dõi các vụ mùa. Sybille Arbeille nhấn mạnh trên các ứng dụng về dự báo thời tiết rất cần thiết với đời sống của nông dân :

" Cột dự báo thời tiết là những công cụ kết nối rất cần thiết. Nó cho ta biết về thời tiết, về sức gió lớn tới đâu, xem hướng gió để phun nước tưới ruộng, để rải phân bón hay thuốc trừ sâu một cách hiệu quả nhất, ít tốn thuốc, ít tốn nước nhất và nhất là không phun thuốc sang ruộng hay khu nhà ở của hàng xóm chung quanh. Cũng với những cây cột này người ta đo lường được cả độ ẩm của đất, để biết được một cách chính xác khúc ruộng nào cần nhiều nước, khu vực nào trong số mấy trăm hecta cần nhiều phân bón, cần thêm bao nhiêu phân đạm, cần rải thêm bao nhiêu chất phân bón nitrat …

Với tất cả các thông tin đó, nhà nông họ điều tiết lượng nước tưới cho ruộng đồng, hay liều và lượng phân bón.

Bên cạnh cột dự báo thời tiết, người ta thường sử dụng luôn cả các loại drone- ta tạm gọi là máy bay không người lái cỡ nhỏ. Trên mỗi chiếc drone này đều có hàng chục, nếu không muốn nói hàng làng trăm antennes, radar hướng về tứ phía, để thu hình, đôi khi là hình ba chiều, với đầy đủ màu sắc … để cung cấp thông tin về những loại hoa màu. Hình ảnh và màu sắc khá trung thực cho phép kết luận là cây có đang bị thiếu nước hay không. Hay như chị thấy ở mảnh vườn thu nhỏ trong khuôn viên hội chợ nông nghiệp, lúa mì ở đây đang thiếu ánh sáng mặt trời.

Nhờ những cái drone này mà chúng ta có thể dự báo về thời điểm thu hoạch, về sản lượng làm ra … Một lợi ích khác khi dùng drone quan sát các thửa ruộng canh tác, đó là hồi trước nhà nông phải đi vòng vòng, để xem xem cần làm cỏ ở thửa ruộng nào. Với công nghệ kết nối, chỉ cần mở điện thoại hay máy vi tính, nhìn lên màn hình, chưa đầy 5 phút là ta có thể mang xe ra đồng, đúng chỗ cần diệt cỏ, thay vì phải xách xe đi khắp cả mấy trăm hecta ".

Giá đầu tư cho các vật dụng kết nối ?

Vậy để mua các trang thiết bị kết nối- connected có tốn kém lắm không và liệu rằng nông gia nào cũng có điều kiện để sử dụng cụ nhà nông thế hệ công nghệ số hay không ? Christophe Grison hiệp hội ValFrance vùng Oise trả lời, và ông đặc biệt lưu ý trên ứng dụng chia sẻ các công cụ khai thác nông nghiệp mới thời digital :

“ Thú thực là một máy gặt lúa mì cỡ nhỏ là khoảng 100.000 euro, để làm việc có hiệu quả thì tôi cần một máy lớn giá khoảng 300.000 euro. Một mình tôi không đủ sức sắm máy như vậy, nhưng cùng với hai đồng nghiệp trong vùng, chúng tôi chung tiền, mua một cái máy lớn. Mỗi vụ mùa, mỗi nhà chỉ cần dùng có một vài ngày. Điều đó có nghĩa là qua mạng xã hội, chúng tôi bảo nhau gieo hạt cách nhau vài ngày, để không gặt cùng một lúc. Chưa hết, chúng tôi lại dùng facebook để khi không dùng đến máy gặt, thì quảng cáo cho thuê máy, và nhờ vậy mà thu về đến vài trăm euro một ngày.

Bên cạnh đó như mới nói với chị, tôi sử dụng drone để chụp hình và thu thập thông tin về ruộng, về khí hậu, về hoa màu của mình … Giá một chiếc drone thực ra không quá đắt, rẻ nhất là khoảng trên trên dưới 1.500 euro và có thể là lên tới chừng 20.000- 30.000 euro, nhưng các trang thiết bị đi kèm, như camera để thu hình một cách chi tiết nhất, chính xác nhất thì rất đắt.

Bản thân tôi không mua drone mà tôi đi thuê của một hãng cung cấp dịch vụ. Một giờ bay của một chiếc drone như vậy là khoảng từ 8 đến 10 euro cho một hecta, còn nếu muốn chụp luôn cả ảnh vệ tinh thì giá đắt hơn một chút. Nhưng cứ tính mà xem : đắt hơn vài chục hay thậm chí là vài trăm euro đi nữa mà tôi tiết kiệm được bao nhiêu là phân bón, xăng dầu, và thì giờ của tôi trong một ngày… "

Nông dân thế kỷ 21 làm việc không chỉ ngoài đồng mà cả trong văn phòng. Điện thoại di động hay máy tính cũng cần thiết như những chiếc máy cày ở ngoài ruộng. Những con bọ điện tử và ống kính camera là tai, là mắt của những bác nông phu thời buổi kỹ thuật số. Không có gì cấm cản trong tương lai không xa các nhà sản xuất như Christophe Grison đặt máy tự động bán rau quả tươi cho khách qua đường, có dịch vụ giao hoa quả đến tận nhà cho khách hàng ở không quá xa. Đây sẽ là một thách thức với các nhà phân phối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.