Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Tranh cử tổng thống Pháp : Truyền thông đoàn kết chống tin giả

Đăng ngày:

Trong thời đại đa nguyên về quan điểm như hiện nay, liệu có còn những tiêu chuẩn chung để xác định đâu là thông tin thật, đâu là giả ? Câu hỏi sâu xa những tưởng chỉ dành riêng cho giới chuyên gia, đột ngột trở nên vấn đề nóng với cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cuộc tranh cử để lại nhiều ấn tượng xấu với hàng loạt vụ tung tin giả, nhằm lôi kéo cử tri. Khởi đầu mùa tranh cử tổng thống Pháp, hai tập đoàn Google và Facebook phối hợp cùng nhiều phương tiện truyền thông lớn của Pháp chống nạn tin giả.

Tin giả về một thông báo của Vatican về giáo hoàng Phanxicô ủng hộ ông Donald Trump ứng cử tổng thống được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội ít tuần trước cuộc bầu cử tháng 11/2016.
Tin giả về một thông báo của Vatican về giáo hoàng Phanxicô ủng hộ ông Donald Trump ứng cử tổng thống được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội ít tuần trước cuộc bầu cử tháng 11/2016. Ảnh chụp màn hình Facebook
Quảng cáo

Cũng trong lĩnh vực truyền thông, tình trạng tự do ngôn luận ngày càng bị bóp nghẹt ở Nga và chủ trương độc tôn tiếng Ukraina trong lĩnh vực văn hóa là hai đề tài khác được giới thiệu trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây. Tạp chí tuần này khép lại với bộ phim mới rất được trông đợi của Martin Scorsese, tác giả phim « Cám dỗ cuối cùng của Chúa Giê-Su ». « Silence » (tạm dịch là : « Im lặng của Chúa »), kết quả của một phần tư thế kỷ thai nghén, đưa công chúng đến với cuộc truy tầm sự thật của lòng người.

***

Trước hết về chủ đề mối họa tin giả. Hình ảnh nước Mỹ, với tổng thống tân cử Donald Trump và cộng sự, nổi tiếng là không ngần ngại tung các tin đồn thất thiệt, để gây chú ý và tranh thủ công luận đang gây lo ngại lớn, đặc biệt với những quốc gia như Pháp, trước thềm hai cuộc bỏ phiếu tổng thống và Quốc Hội. Để kịp đối phó, hai tập đoàn Google và Facebook thỏa thuận phối hợp cùng nhiều phương tiện truyền thông lớn của Pháp.

Ngày thứ Hai, 06/02/2017, tám cơ quan truyền thông Pháp đã quyết định cộng tác với mạng xã hội Facebook, nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch. Tám cơ quan trên gồm hãng thông tấn AFP, các báo Le Monde, Libération, 20 Minutes, tuần báo L’Express, tập đoàn truyền hình France Télévisions, tập đoàn truyền thông France Médias Monde.

Dự án sẽ triển khai tại Pháp một biện pháp tương tự như đã được lập ra ở Mỹ hồi tháng 12/2016, với sự cộng tác của năm phương tiện truyền thông (ABC News, AP, FactCheck.org, Politifact et Snopes). Dự án này tiếp theo đó, đã được khởi sự tại Đức với ban biên tập báo Corrective (một hiệp hội phóng viên điều tra Đức, được thành lập năm 2014). Sau Pháp và Đức, Facebook sẽ tiếp tục mở rộng dự kiến loại trừ thông tin sai lạc tại nhiều quốc gia khác.

Cùng với Facebook, Google cũng nhập cuộc. Trang « CrossCheck », do mạng First Draft News và Google News Lab chủ trì, có nhiệm vụ giúp các cơ quan truyền thông Pháp « thẩm định nội dung các thông tin lưu hành trên mạng, bao gồm thông tin thời sự, ảnh, video hay bình luận ». Chương trình sẽ chính thức sẽ khởi sự ngày 27/02. Ngoài 8 cơ quan truyền thông trên, còn có các báo như Les Echos, Ouest-France, các ấn bản địa phương của trang mạng Rue89…

Những người dùng mạng có thể thông báo với Google và Facebook về tin sai, tin giả. Các thông tin sẽ được chuyển cho các truyền thông đối tác để thẩm định.

Trên thực tế, kiểm chứng tính xác thực của thông tin về sự kiện vốn là nguyên tắc căn bản của nghề làm báo lâu nay. Tuy nhiên, giám đốc thông tin của AFP, Michèle Léridon, nhấn mạnh : một khi nguyên tắc này bị tấn công từ nhiều phía như hiện nay (đặc biệt từ quan điểm tương đối chủ nghĩa hay chủ trương nhào nặn thông tin nhằm mục đích riêng), thì toàn bộ giới truyền thông phải đoàn kết lại.

Tổng giám đốc First Draft News tin tưởng là các nỗ lực chung này có thể « giảm bớt luồng tin tức sai lạc vào một thời điểm rất hệ trọng cho nước Pháp ».

Nga : Internet là « chiến trường », người phê phán là « kẻ thù »

Trong lúc Phương Tây lo lắng và nỗ lực tìm cách hạn chế tác hại của nạn tin giả, trong bối cảnh nhiều cử tri mất niềm tin vào các phương tiện truyền thông chủ lưu (các thế lực chính trị truyền thống), mỗi người có xu hướng truy cầu « sự thật » theo cách của riêng mình, quan niệm về giá trị và mang tính cảm xúc nhiều khi che lấp thực tại của sự kiện, thì điều đáng sợ hàng đầu của xã hội Nga là tình trạng chính quyền bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Agora, tổ chức tranh đấu cho nhân quyền tại Nga, ngày 07/02, công bố tại Matxcơva một bản báo cáo tổng kết về năm 2016. Thông tín viên Muriel Pomponne từ Matxcơva thuật lại :

« Đối với Agora, chính quyền Nga đang tiến hành một chiến dịch chống quyền tự do trên mạng. Đối với chính quyền, internet là một chiến trường. Các chỉ trích chính quyền, các hoạt động của chính quyền, dù là ‘‘ngây thơ nhất’’ cũng có thể bị coi như một hành động ‘‘tấn công vũ trang’’. Quan niệm này được thể hiện qua việc kiểm duyệt gia tăng, và các áp lực ngày mạnh hơn nhắm vào người sử dụng internet.

Một loạt điều luật được thông qua hồi tháng 7 năm ngoái, gia tăng kiểm soát internet, buộc các nhà quản lý mạng phải lưu trữ dữ liệu trong vòng sáu tháng, còn thông tin về dữ liệu, hay ‘‘các siêu dữ liệu’’ (metadata), phải được giữ trong ba năm. Tất các cơ sở dịch vụ internet sử dụng kỹ thuật mã hóa phải cung cấp cho cơ quan an ninh quốc gia FSB phương tiện cần thiết để giải mã thông tin.

Một số dự luật đang được chuẩn bị cho việc tách internet của nước Nga ra khỏi phần còn lại của thế giới vào năm 2020 ».

Nhà báo Muriel Pomponne cho biết thêm về mức độ trừng phạt nhắm vào dân mạng:

« Nhiều người dùng net ở Nga hiện đang bị giam giữ, vì tội đưa bài lên mạng. Blogger Alexey Kungurov bị phạt tù hai năm, vì đăng bài phản đối Matxcơva can thiệp quân sự tại Syria. Kỹ sư Andrei Boubeïev cũng bị phạt tương tự, vì có bài tỏ thái độ thân Ukraina.

Còn cô giáo mẫu giáo Evgeinia Chuneviev thì bị phạt sáu tháng tù, chỉ vì đưa lên mạng một đoạn video bày tỏ mối lo ngại về những nguy hiểm đối với trẻ em tại các khu nghỉ hè ở Nga. Đoạn video bị chính quyền coi là mang tính khiêu dâm. Bảo vệ trẻ em trước nạn khiêu dâm thường được sử dụng như một lý do để đóng cửa một địa chỉ internet. Chủ nghĩa ly khai, cực đoan, hay cổ vũ cho khủng bố thường là các tội danh được dùng để kết tội những người dùng net.

Theo hiệp hội Agora, số vụ xâm phạm quyền tự do internet tại Nga tăng từ 15.000 năm 2015, lên đến 116.000 trường hợp hồi năm ngoái ».

Độc tôn tiếng Ukraina: Thủ đoạn đánh lạc hướng của chính trị gia

Nhìn sang quốc gia láng giềng Ukraina, ba năm sau chính biến Maidan, với cuộc nội chiến bùng nổ tại miền đông giữa phe ly khai được Nga hậu thuẫn với quân chính phủ, kinh tế Ukraina vẫn chưa thấy đường ra, tình trạng tham nhũng, cát cứ đè nặng lên xã hội hậu cách mạng. Cuối tháng Giêng vừa qua, ngay trước lúc căng thẳng tại miền đông gia tăng, một số phe phái trong Quốc Hội Ukraina nêu trở lại vấn đề đưa tiếng Ukraina trở thành ngôn ngữ duy nhất trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Nhiều nhà văn hóa người Ukraina cho rằng đây chẳng qua chỉ là một âm mưu đánh lạc hướng công luận, trong lúc, phía Nga cảnh báo, nếu luật được thông qua, Kiev sẽ mất hẳn vùng Donbass nói tiếng Nga. Thông tín viên Sébastian Gobert từ Kramatorsk cho biết cụ thể :

« Cho dù giữa các dự luật này có những khác biệt, chúng đều có mục tiêu chung là Ukraina hóa toàn bộ đời sống công cộng tại quốc gia này. Từ khi Ukraina độc lập năm 1991, tiếng Ukraina đã là ngôn ngữ quốc gia chính, nhưng chỉ trong các lĩnh vực chính trị, thể chế, hành chính. Theo các dự luật, toàn bộ các phương tiện truyền thông, truyền hình, đài, báo giấy, điện ảnh và các lĩnh vực khác, sẽ buộc phải sử dụng tiếng Ukraina là chính. Một người diễn đạt bằng một thứ tiếng khác, dù là tiếng Nga, phải được dịch lồng tiếng, hay có phụ đề bằng tiếng Ukraina. Đối với tiếng Nga, thì điều này không cần thiết, vì đa số người Ukraina sử dụng song ngữ.

Nếu vi phạm, sẽ bị trừng phạt. Một trong các dự luật đề nghị lập lực lượng kiểm tra ngôn ngữ. Vi phạm lần đầu bị phạt tiền, tái phạm có thể bị phạt tù. Các dự luật nhìn chung có nhiều điểm rất cực đoan, vì vậy khó mà được Quốc Hội chấp nhận trong tình trạng hiện tại ».

Về vấn đề này, thông tín viên Gobert dẫn nhận định của nhà thơ Serhiy Zhadan, một gương mặt tiêu biểu của văn học Ukraina thời kỳ Độc Lập hậu 1990, « các dân biểu đề xuất các dự luật này muốn chống lại tiếng Nga, nhiều hơn là cổ vũ cho tiếng Ukraina. Theo ông, điều này không có tính xây dựng, và đây chỉ là một thủ đoạn đánh lạc hướng mới của các chính trị gia nhằm che giấu sự bất lực của họ trong việc giải quyết khủng hoảng kinh tế và xã hội. Tình hình hiện nay rất khó khăn cho người Ukraina, và điều này không phụ thuộc vào ngôn ngữ mà họ sử dụng ».

Nhiều người thừa nhận rằng nước Ukraina đã vượt qua giai đoạn khẳng định tiếng Ukraina như ngôn ngữ hành chính chính thức của quốc gia, trong hiện tại đây không còn là vấn đề nóng bỏng. Vấn đề hàng đầu hiện nay của Ukraina là cải thiện đời sống kinh tế đang xuống dốc trầm trọng, mà muốn làm được điều này không có cách nào khác là phải đẩy lùi được nạn tham nhũng trầm kha trong chính quyền, thường bị lên án là gần như không suy giảm, cho dù nhiều lãnh đạo độc tài đã ra đi.

« Im lặng của Chúa » và sự thật lòng người

« Silence » (Im lặng của Chúa) là bộ phim rất được trông đợi năm nay. Sau thành công rực rỡ với bi hài kịch The Wolf of Wall Street (Bố già phố Wall) (2013), vừa đắt khách (với doanh thu gần 400 triệu đô la), vừa được tán thưởng nhiệt liệt tại đấu trường Oscars, Martin Scorsese ở tuổi ngoài 70 lại tiếp tục một dự án đầy riêng tư, mà nhiều người cho là nỗ lực lớn cuối cùng của đạo diễn kỳ cựu gốc Ý.

Phim đã nhận được các phản ứng rất trái ngược trong giới phê bình. Một số nhà bình luận cho rằng Martin Scorsese đã dành quá nhiều thời gian, và quá chú trọng làm nổi bật những cảnh hành hình tàn bạo, và chuyển tải một cái nhìn hết sức thiên kiến, đối lập toàn diện giữa cái Thiện - cái Ác, về giai đoạn vô cùng bi thương trong lịch sử truyền đạo Thiên Chúa tại Nhật Bản hồi thế kỷ 17. Ngược lại, có người đánh giá « Im lặng của Chúa » là « một tuyệt tác ». Nhưng dự án – bị giới điện ảnh Holywood xa lánh –  không dễ được công chúng chia sẻ.

« Silence » dựa trên tiểu thuyết tự thuật cùng tên của một nhà văn Nhật về cuộc hành trình của Rodrigues, nhà truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào Nha, quyết dấn thân vào vòng nguy hiểm để tìm dấu vết ông thầy Ferreira – người vô cùng được kính trọng trong giới, vì công lao đem đức tin Thiên Chúa đến nước Nhật trong những thời điểm nguy nan nhất. Rodirgues muốn xác minh : Liệu tin đồn về thầy Ferreira bỏ đạo do bị tra tấn là có thực...

Trang mạng văn hóa Pháp Inrockuptibles nhận xét : « (…) Dù đề tài của phim về Công Giáo, nhưng vấn đề của phim chạm đến tất cả mọi con người, mọi thời đại. Từ người Thiên Chúa Giáo, người Do Thái Giáo Maranno, người theo đạo Hồi, theo đạo Tin Lành, người Cộng Sản, người ly khai (1)…. Tóm lại, phim liên quan đến tất cả những ai không chấp nhận tuân thủ các chuẩn mực thống trị của thời đại, của địa điểm nơi họ sống ».

« Im lặng của Chúa » là cuộc truy tìm tâm linh trong đơn độc vô cùng, với bạn đồng hành là nỗi hoài nghi, hoài nghi đến tận cùng. Bởi Chúa luôn là « im lặng », cho dù thảm khốc, cho dù tuyệt vọng.

Một điểm khác cũng được nhiều nhà phê bình ngợi ca trong « Im lặng của Chúa », đó là những cảnh đối thoại pha lẫn triết lý, tôn giáo và chính trị vừa căng thẳng, vừa tinh vi, đôi khi điểm xuyết vị châm biếm giữa Rodrigues với những kẻ cầm quyền Nhật Bản có học thức, tuy bị coi là tàn độc, nhưng không phải không có cái lý riêng của họ.

Rodrigues rốt cục đã nối gót người thầy. Có điều khác là ông sống đến cuối đời hoàn toàn trong « im lặng ».

Phim nhiều ẩn nghĩa. Inrockuptiples nhận xét : « Đáng đi xem ‘‘Im lặng’’, dù tiếng đồng hồ đầu rất tẻ nhạt ».

----

(1) Người Do Thái Maranno phải quy theo đạo Công Giáo vì bị ép buộc, nhưng trong tâm hồn vẫn tiếp tục là người Do Thái. Inrockuptiples cũng nhắc đến các đạo diễn thuộc dòng thiểu số, mà đạo diễn Martin Scorsese hiểu rõ, với những giằng xé giữa mong muốn được làm phim theo đúng khát khao và mệnh lệnh của Holywood. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.