Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Trung tâm văn hóa Pompidou - Paris : « Sai lầm thế kỷ » và biểu tượng văn hóa

Đăng ngày:

Trung tâm văn hóa Pompidou được đặt theo tên tổng thống Pháp Georges Pompidou, người lãnh đạo nước Pháp giai đoạn 1969-1974. Tổng thống Georges Pompidou vốn là một người say mê nghệ thuật đương đại. Trong văn phòng của ông ở điện Elysée có rất nhiều đồ trang trí theo phong cách hiện đại. Vào năm 1969, tổng thống Georges Pompidou quyết định cho xây dựng một trung tâm đa văn hóa, trong đó có một bảo tàng nghệ thuật đương đại.

Trung tâm Văn Hóa Pompidou - Paris.
Trung tâm Văn Hóa Pompidou - Paris. DR
Quảng cáo

Georges Pompidou thời đó tin rằng nghệ thuật hiện đại và đương đại có thể chạm tới công chúng và bảo tàng đa văn hóa sẽ giúp « kinh đô ánh sáng » khôi phục lại vị thế nổi bật trên thế giới, vị thế mà Paris đã để lọt vào tay thành phố New York của Mỹ sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai.

Tổng thống Pompidou đã cho tổ chức một cuộc thi thiết kế quốc tế, thu hút 681 kiến trúc sư tới từ 49 nước. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi thiết kế với quy mô tầm cỡ như vậy được tổ chức tại Pháp. Và cuối cùng, ban giám khảo quốc tế đã chọn bản thiết kế của ba kiến trúc sư trẻ chưa có tiếng tăm : Réno Piano, Richard Rogers và Gianfranco Franchini.

Trung tâm văn hóa Georges Pompidou được tổng thống Valéry Giscard d’Estaing khánh thành vào năm 1977, ba năm sau khi tổng thống Georges Pompidou qua đời. Vào thời kỳ đầu, trung tâm văn hóa Georges Pompidou thường được gọi là Beaubourg vì trung tâm nằm trong khu phố Beaubourg của Paris.

Những đường ống nhiều màu sắc chạy dọc ngang mặt ngoài Trung tâm văn hóa Pompidou.
Những đường ống nhiều màu sắc chạy dọc ngang mặt ngoài Trung tâm văn hóa Pompidou. DR

Một « sai lầm thế kỷ »

Tuy nhiên, lối kiến trúc hiện đại của tòa nhà khiến Trung tâm văn hóa Pompidou bị « ghét bỏ », « ghẻ lạnh ».

Người Paris vốn quen với vẻ đẹp kiều diễm, hoa lệ của các công trình kiến trúc - lịch sử lâu đời thấy Beaubourg thật « chướng mắt ». Đó là bởi vì mặt ngoài của tòa nhà bằng thép và kính chằng chịt đường ống to và dài giống các đường ống dẫn dầu, dẫn khí ga. Cũng chính vì thế mà trong suốt nhiều năm, người ta đặt biệt danh cho trung tâm văn hóa Pompidou là « Nhà máy lọc dầu » hay « Nhà máy sản xuất khí ga ».

Đối với người dân Paris, Beaubourg trông giống như một nhà máy công nghiệp hơn là một trung tâm văn hóa. Người Paris vốn tự hào với Nhà thờ Đức Bà Notre Dame de Paris đã hài hước, mỉa mai gọi trung tâm Pompidou là « Notre Dame des Tuyaux » - « Đức Bà Của Các Đường Ống ».

Nhưg không mấy ai biết rằng các kiến trúc sư thiết kế như vậy để tiết kiệm được nhiều không gian bên trong tòa nhà. Các đường ống được chia theo màu sắc. Đường ống màu xanh lá cây là đường ống dẫn nước. Đường ống màu xanh da trời là hệ thống điều hòa không khí. Đường ống màu vàng chứa đường dây điện. Hệ thống làm mát nằm trong đường ống màu trắng. Còn màu đỏ dành cho cầu thang bộ và cầu thang máy, biểu tượng cho sự kết nối và giao tiếp.

Nhiều người « ghét cay, ghét đắng » lối kiến trúc hiện đại này, coi đó là « vụ tai tiếng Beaubourg ». Beaubourg còn bị chỉ trích nặng nề là « một sai lầm thế kỷ ». Thậm chí, khi tổng thống Georges Pompidou qua đời, vị tổng thống kế nhiệm là Valéry Giscard d’Estaing đã muốn dừng dự án xây dựng Beaubourg. May mắn cho Beaubourg là Jacques Chirac, khi đó là thủ tướng Pháp và sau này cũng trở thành tổng thống, đã quyết giữ gìn di sản của tổng thống Georges Pompidou.

Đây cũng là may mắn của nước Pháp nói riêng và của người yêu nghệ thuật đương đại nói chung trên thế giới. Bởi vì, sau 40 năm tồn tại, vượt qua mọi chê bai, chỉ trích, từ cái mà người ta gọi là « cái mụn cóc xấu xí », « con quái vật gớm ghiếc » hay « một sai lầm thế kỷ », giờ đây Trung tâm văn hóa Beaubourg đã trở thành một trong những biểu tượng của nghệ thuật đương đại trên toàn thế giới, là trung tâm văn hóa lớn nhất châu Âu và là một trong những công trình thu hút nhiều du khách nhất Paris hoa lệ, chỉ sau tháp Eiffel và nhà thờ Đức Bà Paris.

Mặt tiền trung tâm Pompidou, Paris, đã gây nhiều tranh luận lúc mới xây.
Mặt tiền trung tâm Pompidou, Paris, đã gây nhiều tranh luận lúc mới xây. LOIC VENANCE / AFP

Biểu tượng văn hóa đương đại

Thực ra, ngay sau khi mở cửa đón khách, Trung tâm Văn hóa Pompidou đã gặt hái được thành công rực rỡ bất chấp những chê bai về kiến trúc bên ngoài. Chỉ trong năm hoạt động đầu tiên, trung tâm đã đón hơn 6 triệu lượt khách. Trong suốt hơn 40 năm, tổng cộng đã có hơn 100 triệu lượt khách tới thăm Beaubourg. Năm 2016, do ảnh hưởng của khủng bố, lượng du khách tới thăm các công trình ở Pháp nói chung và ở Paris nói riêng đều giảm mạnh, nhưng ông Serges Lasvignes, giám đốc Trung tâm văn hóa Pompidou cho biết Trung tâm văn hóa 8 tầng, rộng 10.000 m2 vẫn thu hút được 3,6 triệu lượt du khách, tăng 9% so với năm 2015.

Chương trình văn hóa chào mừng sinh nhật lần thứ 40 của Trung tâm Pompidou được tổ chức trong hai ngày cuối tuần 04-05/02/2017 đã thu hút được 85.000 du khách, cho dù diễn ra chỉ một ngày sau khi xảy ra một vụ tấn công khủng bố ở trước cửa bảo tàng Louvre - Paris. Điều nay đã phần nào cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của trung tâm văn hóa Pompidou.

Thành công của Trung tâm văn hóa Pompidou vang dội tới mức ban giám đốc đã thành lập một chi nhánh tại thành phố Metz của Pháp vào năm 2010, một chi nhánh tạm thời tại bảo tàng Malaga, Tây Ban Nha vào năm 2015. Hai chi nhánh khác tại Thượng Hải, Trung Quốc và Bruxelles, Bỉ dự kiến sẽ ra mắt công chúng lần lượt vào năm 2018, 2019.

Vậy, điều gì đã làm nên thành công cho Trung tâm văn hóa Pompidou ? Trả lời phỏng vấn của RFI, bà Brigitte Léal, phó giám đốc Trung tâm văn hóa Pompidou giới thiệu :

« Điểm đặc biệt của Trung tâm Pompidou là đó không chỉ là bảo tàng, mà còn có cả một thư viện lớn về tất cả các lĩnh vực văn hóa và một thư viện khác của riêng bảo tàng – một thư viện chuyên về lịch sử nghệ thuật các nhiều tài liệu lưu trữ, các bản thảo viết tay, các cuốn sách với hình minh họa. Đây là một kho tư liệu lớn. Và đương nhiên là còn có thêm 1 trung tâm âm nhạc đương đại, nhiều phòng chiếu phim, các khán phòng dành cho biểu diễn ca nhạc, múa đương đại. Pompidou là một trung tâm văn hóa đích thực, sống động, ngày nào cũng có buổi biểu diễn, trình diễn mới với sự phóng phú, đa dạng về văn hóa. Đây cũng là một không gian trao đổi, tranh luận rất cởi mở về các ý tưởng văn hóa đương đại, về sự tiến triển của thế giới. (…) Một điểm khác biệt khác là vào năm 1997, bảo tàng của Trung tâm văn hóa Pompidou là bảo tàng đầu tiên của Pháp tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa cho các em nhỏ, với phương pháp rất mới mẻ vào thời kỳ đó. Với các buổi trưng bày, với sự tham gia của các nghệ sĩ, các hoạt động cho trẻ em đã gây được tiếng vang. Và cách đây 5 năm, cũng lần đầu tiên, Pompidou có một không gian dành riêng cho lứa tuổi vị thành niên không chỉ về nghệ thuật đương đại mà còn là không gian để các em đang ở lứa tuổi « nổi loạn » được mặc sức sáng tạo, thiết kế theo phong cách hiện đại với công nghệ mới. (…) Nói tóm lại, trung tâm Pompidou không bỏ sót một khía cạnh nào về sáng tạo nghệ thuật đương đại ».

Thư viện của Trung tâm mở cửa cho mọi đối tượng, mọi tầng lớp xã hội. Và độc giả có quyền tiếp cận mọi tác phẩm trong bộ sưu tập khổng lồ gồm 300.000 tác phẩm của thư viện.

Trong suốt 40 năm, trung tâm Pompidou đã tổ chức 325 đợt triển lãm nghệ thuật đương đại. Đợt triển lãm của danh họa siêu thực người Tây Ban Nha Salvador Dalí đã thu hút được 840.000 du khách vào năm 1979-1980 và 790.000 du khách thăm quan vào năm 2012-2013. Những con số vô cùng ấn tượng! Được trưng bày tác phẩm tại trung tâm Pompidou là mơ ước của bất kỳ nghệ sĩ đương đại nào.

Sau 40 năm tồn tại, bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật đương đại của Trung tâm Pompidou đã tăng gấp 4 lần. Hiện bảo tàng có tổng cộng 120.000 hiện vật. Đây là một trong những bộ sưu tập đương đại đồ sộ nhất thế giới. Các hiện vật được trưng bày luân phiên. Bảo tàng Pompidou cũng là bảo tàng « hào phóng » nhất thế giới khi thường xuyên cho các bảo tàng lớn trên thế giới « mượn » hiện vật để trưng bày.

Tất cả những điều này đã giúp Trung tâm văn hóa Pompidou trở thành biểu tượng nghệ thuật hiện đại và đương đại không chỉ ở nước Pháp mà còn trên toàn thế giới. Mong ước của vị tổng thống Pháp Georges Pompidou khi xưa, cha đẻ của Trung tâm văn hóa Pompidou, nay đã thành hiện thực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.