Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Pháp : « Chia sẻ », linh hồn của Thế Vận Hội 2024

Đăng ngày:

Paris bước vào chặng cuối của cuộc đua đăng cai Thế Vận Hội 2024, với một khẩu hiệu mới « Made for Sharing » (« Venez partager ! ») – Hãy đến chia sẻ với chúng tôi ! Thông điệp « chia sẻ » mà nước Pháp muốn gửi đến những người yêu thể thao toàn thế giới mang ý nghĩa gì ? Paris có nhiều cơ may được chấp nhận đăng cai Thế Vận Hội mùa hè năm 2024 hay không ?

Paris nổi tiếng với các hoạt động thể thao đỉnh cao và đại chúng. Trong ảnh, hàng chục ngàn người tham gia cuộc chạy marathon mùa xuân 2014 (lần thứ 38), trên đại lộ Champs-Elysées, ngày 06/04/2014.
Paris nổi tiếng với các hoạt động thể thao đỉnh cao và đại chúng. Trong ảnh, hàng chục ngàn người tham gia cuộc chạy marathon mùa xuân 2014 (lần thứ 38), trên đại lộ Champs-Elysées, ngày 06/04/2014. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Trong lúc Los Angeles, một ứng cử viên nặng ký của Thế Vận Hội 2024, đặt trọng tâm vào ánh sáng Mặt trời, như thế mạnh của một thành phố biển, vốn có khí hậu ấm áp, thì Paris tập trung trước hết vào Thế Vận Hội, như một cơ hội hy hữu cho một xã hội đoàn kết hơn, phát triển bền vững hơn, sinh thái hơn và hướng đến các thế hệ mai sau. Theo một số nhà quan sát, đây có lẽ là một lần rất hiếm hoi, nếu không phải là « lần đầu tiên » trong lịch sử Thế Vận Hội, một ứng cử viên đăng cai lại đặt vấn đề quyền lợi cụ thể của đông đảo dân chúng vào trung tâm của dự án tổ chức Thế Vận Hội.

Trả lời báo giới trong buổi công bố phần chót hồ sơ ở Paris hôm thứ Sáu, 03/02, đồng chủ tịch Ủy ban đăng cai Thế Vận Hội Paris 2024, ông Tony Estanguet (ba lần vô địch đua thuyền canoe-kayac), nhận xét về ý nghĩa của phương châm « chia sẻ » và cơ may cho nước Pháp :

« Tôi cho rằng Paris có khả năng thành công 9 trên 10. Tại sao tôi nói là 9, bởi vì chúng ta chưa bao giờ mạnh đến như vậy trong quá trình tranh quyền đăng cai Thế Vận Hội. Chúng ta đã học được rất nhiều từ những lần ứng cử không thành công trước đây.

Tôi cho rằng chúng ta đến đăng cai Thế Vận Hội với một quan điểm rất mạnh, đáp ứng sự mong đợi của gia đình Olympic. Đó là sự chia sẻ. Chia sẻ là điều cốt lõi trong dự án của chúng ta.

Nữ vô địch nhảy xa Marie-Amelie Le Fur (Olympic người khuyết tật) là đồng chủ tịch Ủy ban các nhà điền kinh Pháp vận động cho hồ sơ 2024.
Nữ vô địch nhảy xa Marie-Amelie Le Fur (Olympic người khuyết tật) là đồng chủ tịch Ủy ban các nhà điền kinh Pháp vận động cho hồ sơ 2024. AFP/KARIM JAAFAR/AL-WATAN DOHA

Tôi đánh giá là 9/10, vì trong một cuộc đua tranh, cần phải nỗ lực đến phút cuối. Tôi cho rằng, sẽ phải là 10/10 vào ngày 13 tháng Chín tới tại Lima. Còn một vài tháng nữa để tiếp tục, để cố gắng, để mạnh hơn nữa » (1).

Hồ sơ đăng cai Thế Vận Hội Paris 2024 của giới vận động viên Pháp được chính quyền thủ đô hết sức hậu thuẫn. Sau buổi ra mắt phần chót hồ sơ hôm thứ Sáu, trả lời RFI tiếng Việt, thị trưởng Paris Anne Hidalgo nhấn mạnh đến mối liên hệ đặc biệt giữa các nỗ lực để giành quyền tổ chức Thế Vận Hội tại Pháp với tình trạng biến đổi khí hậu, thách thức hàng đầu của nhân loại hiện nay :

« Thế Vận Hội hoàn toàn tiếp nối tinh thần của thỏa thuận toàn cầu về khí hậu COP21. Năm 2024, tại Paris, chúng ta sẽ đi lại bằng các xe cộ sử dụng năng lượng sạch, với các phương tiện không người lái. Chúng ta sẽ có các gian thể thao, sử dụng công nghệ thu hồi năng lượng, từ sự chuyển động của khán giả, từ hoạt động của vận động viên. Chúng ta hoàn toàn bước vào kỷ nguyên của năng lượng tự nhiên, năng lượng tái tạo thay thế cho năng lượng hoá thạch. Thế Vận Hội đó là cách mà Paris trả lời cho thách thức biến đổi khí hậu ».

Paris đồng cảm với kế hoạch 2020 của Ủy Ban Thế Vận

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Figaro, được đăng tải đầu năm nay (2), thị trưởng Anne Hidalgo giãi bày cặn kẽ hơn về cơ duyên nào đã khiến Paris tìm được cảm hứng để dấn thân đăng cai tổ chức Thế Vận Hội, thêm một lần nữa, bất chấp những cái giá không nhỏ.

« Phong trào Olympic có một dự phóng rất mạnh hướng về tương lai. Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế ý thức được rằng Thế Vận Hội và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật là sự kiện thể thao hùng hậu nhất, đại chúng nhất, đoàn kết nhất trên quy mô hành tinh. Ủy Ban muốn làm cho sự kiện này trở thành hữu ích.

Năm 2014, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã xác định một chương trình hành động, chương trình năm 2020, trong đó ưu tiên phát triển bền vững, tính giản dị, tiết kiệm của các cuộc tranh tài, yêu cầu mở rộng Olympic cho đại chúng, là điều mà các ứng cử viên được yêu cầu đáp ứng.

Đây chính là cái làm tôi xúc động. Nó đồng thanh tương ứng với những gì mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện tại Paris, tại thành phố đã tổ chức thành công thượng đỉnh khí hậu COP21, kết thúc với một thỏa thuận chống lại biến đổi khí hậu mang tính quyết định. Có một quyết tâm dấn thân làm chuyển hóa thế giới, theo quan điểm nhân bản. Đó chính là những giá trị của tinh thần Olympic, đúng như chúng đã được tái lập, được soạn lại, đặc biệt do bá tước Pierre de Courbertin, đã trở thành di sản của đất nước chúng tôi….

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo giới thiệu biểu tượng Thế Vận Hội 2024, tháng 2/2016.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo giới thiệu biểu tượng Thế Vận Hội 2024, tháng 2/2016. AFP/François Guillot

Tôi muốn nói rằng đã có những sự hội tụ về các giá trị chung, giữa dự án của chúng tôi - ở qui mô của Paris, của một đô thị, của vùng thủ đô Ile-de-France - và quan điểm của Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế ».

Phải có lợi lâu dài cho dân địa phương

Sau một loạt kỳ Thế Vận Hội hết sức tốn kém, đặc biệt với Olympic Bắc Kinh, với chi phí gấp hơn 10 lần dự kiến (32 tỉ đô la) (3), trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, gánh nặng môi trường trở nên ngày càng quá tải với xã hội, đặc biệt với các nhóm dễ bị tổn thương, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã đi đến quyết định :  để hồ sơ đăng cai được chấp nhận là các công trình, một tiêu chuẩn hàng đầu là cơ sở hạ tầng của Thế Vận Hội phải để lại « di sản » (héritage), có nghĩa là phải tiếp tục được sử dụng cho đời sống của cư dân địa phương, sau khi các cuộc tranh tài khép lại.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo tâm sự : « Tính khiêm nhường của Thế Vận Hội đối với tôi là tiêu chuẩn. Không có chuyện phí phạm cho những công trình hoành tráng, tốn kém, nhưng vô tích sự. Chúng tôi chỉ còn thiếu một bể bơi và làng Olympic, mà trong tương lai sẽ trở thành một khu phố của tỉnh Seine-Saint-Denis, và chắc chắn một phần sẽ được dành cho các khu nhà ở xã hội, và một phần cho nhà ở tư, văn phòng…

Ngay trước khi quyết định đệ đơn đăng cai Thế Vận Hội, chúng tôi đã bắt đầu làm việc về một dự án metro mới, dự án đường sắt cho vùng Paris mở rộng. Dự án đã được khởi sự, và hy vọng Thế Vận Hội sẽ mang lại một lực đẩy kỳ diệu.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng khác là ''di sản'' phi vật thể. Thế Vận Hội, không chỉ là cơ sở hạ tầng, mà còn là các cơ hội tạo việc làm, phát triển thể thao ở nhà trường. Đấy chính là cái ''di sản'' hữu ích đầu tiên, không phải nhờ việc được đăng cai Thế Vận Hội, mà chỉ mới do quá trình tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai.

Hội đồng thành phố Paris đã thông qua một chương trình để hỗ trợ cuộc đua giành quyền đăng cai. Vùng thủ đô Paris cũng đang chuẩn bị một chương trình tương tự. Môi trường hoạt động thể thao tại các không gian công chính là những ''di sản'' của các chương trình này. Những con đường thể thao dọc sông Seine đã được nêu lên như một ví dụ rất tích cực về một thành phố đầy sức sống. Chúng tôi đang tạo lập một công viên lớn ở trung tâm Paris, dọc hai bờ sông Seine… »

Cơ hội cải thiện sức khỏe toàn dân

Olympic không chỉ là dịp tranh tài giữa các vận động viên đỉnh cao, thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ, mà còn là dịp thể thao, hoạt động thể chất trở thành tâm điểm của đời sống cộng đồng, một cơ hội để cải thiện sức khỏe toàn dân. Ý nghĩa lớn lao nhất của sự chia sẻ trong dự án Thế Vận Hội Paris chính là ở đây. Trả lời chương trình Khách mời buổi sáng của RFI, đồng chủ tịch Ủy ban đăng cai Thế Vận Hội Pháp Bernad Lapasset (cựu chủ tịch Liên đoàn bóng bầu dục thế giới) nhận xét :

« Năm ngoái tôi có một chuyến đi vòng quanh nước Pháp, gặp gỡ hầu hết thị trưởng các thành phố lớn, các chủ tịch hội đồng thành phố, chủ tịch vùng, gặp các nghị sĩ, các nhóm đảng phái trong nghị viện… Cần phải thông tin đến các nhà lãnh đạo chính trị ở mọi cấp. Các cuộc tranh tài Thế Vận Hội diễn ra tại Paris, nhưng không chỉ Paris, mà còn ở các vùng, và trên toàn nước Pháp. Có rất nhiều chuyện xung quanh việc đăng cai này.

Thực sự là chúng tôi đã mời tất cả mọi người Pháp nhập cuộc. Không phải ngẫu nhiên mà 75% dân Pháp ủng hộ việc đăng cai này.

Sân thi đấu bóng chuyền dự kiến gần tháp Eiffel. Ảnh minh họa
Sân thi đấu bóng chuyền dự kiến gần tháp Eiffel. Ảnh minh họa AFP

Có một khát vọng thể thao mạnh mẽ tại Pháp hiện nay. Việc ứng cử đã khuyến khích người Pháp tích cực hưởng ứng các sự kiện thể thao này, cho thấy sự đồng lòng nhất trí rất cao. Không phải chỉ trong chuyện đua tranh giành huy chương, mà vấn đề là thể thao thuộc về cái văn hóa cốt lõi của xã hội chúng ta. Việc con người có thể cùng nhau chung sống được trong xã hội một phần gắn liền với thể thao.

Thể thao là một phương tiện rất mạnh mẽ để đoàn kết mọi người, vốn có nhiều khác biệt. Bởi đằng sau thể thao, là y tế, là giáo dục, là văn hóa. Tóm lại, tất cả những gì làm nên nền tảng của xã hội tương lai ».

Trong chương trình « Thế Vận Hội và Thế Vận Hội cho người khuyết tật, phương tiện thúc đẩy chính sách công », của chính quyền thủ đô Paris, gồm 43 biện pháp, có nhiều biện pháp cải thiện các cơ sở hạ tầng cho hoạt động thể dục, thể thao tại những nơi công cộng, trường học, khu nhà tập thể, các không gian đô thị giúp con người gần gũi với thiên nhiên, duy trì nếp sống vận động tích cực hàng ngày.

Kế hoạch biến sông Seine thành khu bơi lội của đại chúng, sau khi trở thành đường đua cho hai bộ môn thi đấu bơi 10 km và ba môn phối hợp (triathlon : chạy bộ, bơi, đua xe đạp), là một trong các biện pháp mang tính biểu tượng của hồ sơ đăng cai của Paris.

Bên cạnh một số dự án chính đã được thị trưởng Hidalgo nêu trên với báo Le Figaro, có thể kể thêm một loạt các biện pháp khác, như việc hàng loạt cơ sở thể dục, thể thao sẽ được thiết lập với mục tiêu để mỗi cư dân có nơi luyện tập không cách nơi ở quá 5 phút đi bộ ; chú trọng cải thiện môi trường bên trong các cơ sở tập luyện công cộng trong nhà đã có ; xây dựng thêm nhiều « tuyến đường thể thao » (parcours sportifs) đa chức năng, với hệ thống biển báo được nối mạng, phục vụ nhiều mục tiêu sử dụng, cho các vận động viên, cũng như người mới tập thể thao, người tập thể dục, thể hình ; phát triển nhiều hơn các tuyến đường đi xe đạp, đi bộ xuyên Paris, nối liền Paris với các vùng ngoại ô ; tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động thể thao lớn nơi công cộng ngoài trời (như chạy, đua xe đạp, đi bộ…) để thu hút và khuyến khích những ai chưa biết tham gia, và những ai đã biết có thể tham gia thường xuyên hơn với một hiệp hội hay câu lạc bộ...

Kế hoạch 43 biện pháp của thành phố Paris đặc biệt nhấn mạnh đến các nghiên cứu đánh giá về tác động sức khỏe (EIS – Evaluations d’impacts sur la santé) từ các dự án đô thị quan trọng, gắn liền việc đăng cai Thế Vận 2024 (4). Các đánh giá về tác động sức khỏe EIS cung cấp cơ sở để loại bỏ, và chỉ chấp nhận các dự án có lợi nhất cho sức khỏe dân cư.

***

Tham gia vào dự án đăng cai tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 có sự đóng góp rộng rãi của xã hội dân sự Pháp, từ giới vận động viên, chuyên gia, giới y tế, nhà nghiên cứu, doanh nhân... Thông điệp chính của giới vận động Pháp là : Thế Vận Hội không phải là độc quyền của giới thể thao đỉnh cao. Các cuộc tranh tài đỉnh cao có thể nói chính là chất xúc tác cho sự lên ngôi của tình yêu thể thao, lấy sức khỏe của người dân, môi trường trong sạch và sự thân thiện với thiên nhiên làm trung tâm. Thế Vận Hội là chia sẻ. Hiểu như vậy chính là trở về với cội nguồn của truyền thống Olympic.

Điểm tập luyện ngoài trời ngoại ô Paris, nằm trên một "tuyến đường thể thao".
Điểm tập luyện ngoài trời ngoại ô Paris, nằm trên một "tuyến đường thể thao". Ảnh : Youtube

----

(1) Theo một thăm dò của viện nghiên cứu dư luận CSA Research, được công bố ngày 03/02/2017, đơn đăng cai của Paris được đa số dân các nước đang trỗi dậy ủng hộ như Trung Quốc (81%) (chỉ 9% thích Los Angeles), Ấn Độ (71%), Brazil (64%). 42% người Anh chọn Paris, 35% chọn Los Angeles. Ngay dân Mỹ, cũng có 41% chọn Paris, 47% Los Angeles. Cuộc điều tra được tiến hành ở tám nước, với 4.000 người tham gia trả lời. 

(2) Thị trưởng Paris trả lời báo Le Figaro cùng với ông Guy Drut, vô địch chạy vượt rào 110 mét, hai lần phá kỷ lục thế giới, nguyên bộ trưởng Thể Thao. Bài « Hidalgo-Drut : ‘‘Về chủ đề Thế Vận Hội, đó là liên minh thần thánh’’ », đăng tải ngày 06/01/2017.

(3) Hay Thế Vận Hội mùa đông tại Sotchi, Nga, năm 2014, với chi phí ước tính 50 tỉ đô la.

(4) Như đã được làm với Thế Vận Hội 2012 Luân Đôn, theo chương trình 43 biện pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.