Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Michel Delpech, một chút ngọt bùi gieo vào bể muối

Đăng ngày:

Mới đó mà đã đúng một năm ngày Michel Delpech qua đời. Căn bệnh ung thư hiểm nghèo đã không cho nam danh ca người Pháp cơ hội ăn mừng sinh nhật lần thứ 70 (ông sinh ngày 26 tháng Giêng). Hai thế hệ ca sĩ ở Pháp đã ghi âm và phát hành tuyển tập ‘‘J’étais un Ange’’ (Khi xưa ta thiên thần) hồi trung tuần tháng 11/2016 để tưởng niệm nghệ sĩ quá cố. Đây cũng là dịp cho Góc vườn Âm nhạc RFI nhìn lại vị trí của Michel Delpech trong làng nhạc Pháp.

Tạp Chí Âm Nhạc
Tạp Chí Âm Nhạc RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Sinh tại vùng Loir et Cher miền trung nước Pháp, nhưng lớn lên với gia đình ở vùng ngoại ô Paris, Michel Delpech bỏ học trước tú tài để đeo đuổi nghiệp hát. Tuy không tinh thông nhac lý, nhưng thời còn trẻ ông lại có cái tài đặt lời sát sườn với giai điệu, ca từ mộc mạc bình dị cho nên dễ lọt tai, vần điệu cần hát cho xuôi, có lẽ cũng vì thế mà càng trở nên gần gũi. Chất giọng của Michel Delpech trong sáng, không kiểu cách điệu bộ, một lối hát không chỉnh sửa, giọng ca ở phòng ghi âm y hệt như tiếng hát ở ngoài đời.

Những năm tháng đầu tiên trong nghiệp hát rất khó khăn, do hai đĩa nhạc đầu tay đều không ăn khách, cho nên Michel Delpech kiếm sống chủ yếu nhờ đi theo các đoàn nghệ sĩ, giúp việc ở hậu trường nhiều hơn là đứng trên sân khấu. Bài hát thứ ba tên là Chez Laurette mà ông ghi âm vào năm 1965 giúp lăng xê tên tuổi của Michel Delpech.

Bài hát này lại càng trở nên ăn khách khi được đưa vào vở ca nhạc kịch ‘’Copains Clopant’’ (có nghĩa là đám bạn hút thuốc, chơi từ chữ ‘’Clopin Clopant’’ có nghĩa là khập khiễng cà thọt).

Trong giai đoạn bùng nổ phong trào nhạc trẻ ở Pháp, Michel Delpech lại thành danh nhờ một tình khúc chứa chan hoài niệm, ngập tràn lưu luyến, có lẽ cũng vì thế mà ông chẳng bao giờ được xem như là một trong những thần tượng nhạc trẻ, cho dù nổi danh cùng thời với các danh ca Christophe (Aline /1965) cũng như Hervé Vilard (Capri C’est Fini /1965). Khác với giọng ca của Christophe chuyên nhắm vào phái nữ, tiếng hát của Michel Delpech qua những ‘‘ca khúc đời thường’’ lại dành cho mọi đối tượng.

Bài hát Chez Laurette là điểm khởi đầu cho một loạt ca khúc ăn khách. Trong vòng 15 năm liền, Michel Delpech ghi âm trên dưới 50 bản nhạc, hầu hết được phát hành dưới dạng đĩa đơn (đĩa nhựa 45 vòng). Ngược lại, ông ít khi nào thu âm một tập nhạc trọn bộ. Phần lớn 6 album mà ông ghi âm trong giai đoạn này giống như là những tuyển tập các ca khúc ăn khách (mặt A), cộng thêm với những bài hát phụ trội (ghi âm ở mặt B).

Trong suốt những năm 1970, Michel Delpech cùng với các người bạn đồng nghiệp là Claude François, Joe Dassin và Mike Brant trở thành nhóm ‘’Tứ Quý’’. Bốn con ách hầu như không có đối thủ trong phái nam (ngoại trừ Johnny Hallyday trong lãnh vực nhạc rock) luân phiên nhau giành lấy hạng đầu thị trường đĩa hát, ban đầu là tại Pháp và sau đó là tại châu Âu, do vào thời bấy giờ có phong trào ghi âm lại một bài hát ăn khách với nhiều thứ tiếng khác nhau (thường là phiên bản tiếng Ý, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha …..)

Họ cũng thường xuyên được mời biểu diễn trong cùng một show truyền hình (chương trình Những ca khúc số 1 của Maritie & Gilbert Carpentier). Vì thế cho nên về sau này ca sĩ Bénabar có viết một bài hát vinh danh thế hệ đàn anh. Trong bài hát này có câu : thập niên 70 có rất nhiều nghệ sĩ mang tên Michel.

Michel Polnareff là một tài năng chuyên sáng tác giai điệu nhưng hơi ngông cuồng, Michel Jonasz thì thiên về nhạc blues và jazz, Michel Sardou thích gây tranh cãi với những bài hát mang tính khiêu khích, Michel Fugain thì lúc nào cũng tỏ ra vui nhộn yêu đời, đổi lại Michel Berger lúc nào cũng chín chắn nghiêm túc. Mỗi người một vẻ, nhưng dường như chỉ có Michel Delpech là thân thiện nhất với người nghe : những nhân vật mà ông mô tả trong ca khúc điển hình bà chủ quán cà phê Laurette là những khuôn mặt mà ta có thể bắt gặp ở ngoài đời ……

Một thập niên trước Jean Jacques Goldman, cũng như thế hệ đàn em là Bénabar, Vincent Delerm và Benjamin Biolay : các gương mặt tiêu biểu cho phong trào sáng tác mới, Michel Delpech đã chỉ đường dẫn lối cho cách dùng ca từ sao cho gần gũi với người nghe. Hai năm trước khi nước Pháp ban hành luật ly hôn (theo thỏa thuận đôi bên đồng tình chia tay), ông đã ghi âm bài Les Divorcés, mở ra cái viễn cảnh con cái sống luân phiên những ngày trong tuần với mẹ rồi những ngày cuối tuần với bố. Hiện tượng này giờ đây rất phổ biến ở Pháp, nhưng vào đầu thập niên 1970 thì các trường hợp như vậy có thể đếm trên đầu ngón tay.

Trong bài Ce Lundi-Là, Michel Delpech nói lên tâm trạng của một kẻ thất nghiệp, vừa mới bị sa thải nên không biết phải ăn nói với vợ con ra sao, khi vào ngày đầu tuần mà không tới sở làm. Một cách ngẫu nhiên, bài hát này khép lại 3O năm thịnh vượng sung túc (Les Trente Glorieuses) của xã hội Pháp. Về nội dung ý tứ, bài hát cho tới nay vẫn không già khi ta nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp nói riêng tại các nước Tây Âu nói chung.

Nhạc phẩm Tu me fais planer dùng hình tượng bay bổng phiêu diêu trong nghĩa đen để nói về chuyện chăn gối ái ân, nhưng trong nghĩa bóng lại nói về các chất kích thích gây ảo giác, bài Les Aveux nói về chuyện hậu trường của làng giải trí, qua đó người nghệ sĩ thú thật nỗi chán ngán tột cùng do lúc nào họ cũng phải nhập vai diễn tuồng, ngay cả những lúc họ cảm thấy cô đơn, yếu đuối.

Trong tủ nhạc của Michel Delpech có rất nhiều bài hát như vậy. Dù có muốn thay đổi cách mấy, nhưng ông vẫn không thoát ra khỏi cái hình ảnh của người nghệ sĩ lạc quan yêu đời mà người ta gán ghép cho ông. Michel Delpech vào nghề ca hát do bái phục các tác giả Charles Aznavour và Gilbert Bécaud phía Pháp, đồng thời ông ngưỡng mộ Paul Simon, Bob Dylan, The Beatles, Donovan cũng như Elton John mà anh cho là ít có ai sánh bằng về mặt sáng tác giai điệu.

Bài Wight is Wight mà ông đã ghi âm cho liên hoan nhạc rock trên hòn đảo cùng tên trước liên hoan WoodStock là một cách để ông lao mình thả trí tưởng tượng vào thế giới của nhạc rock, nhưng luật thị trường cũng như giám đốc các hãng đĩa vẫn nhắc nhở ông là một ca sĩ nhạc nhẹ, chứ không phải là nghệ sĩ nhạc rock.

Từ cuối những năm 1970 trở đi, Michel Delpech trải qua một thời kỳ sa sút do chứng trầm cảm, cũng như Michel Sardou ghi nhận, cuộc sống riêng tư của họ hoàn toàn thất bại, thành công sự nghiệp là điều khả quan duy nhất mà họ có thể bám víu. Trong suốt những thập niên kế tiếp, Michel Delpech tiếp tục ghi âm nhưng không còn thành công như trước (ngoại trừ ba bài hát vào giữa thập niên 1980).

Đĩa hát cuối cùng được ghi âm vào năm 2009, trước khi căn bệnh ung thư cổ họng bộc phát khiến ông bị tắt tiếng, Michel Delpech ghi âm bản nhạc La Fin du Chemin (Chặng cuối con đường) tựa như một bản di chúc. Ra đi quá sớm trước ngày ăn mừng sinh nhật 70 tuổi, Michel Delpech để lại khoảng 250 bài hát mà theo lời của người bạn đồng nghiệp Hervé Vilard, ông là một trong những nghệ sĩ có bộ vựng tập đẹp nhất của làng nhạc nhẹ thập niên 1970.

Tựa như những bức ảnh chụp lưu niệm, các bài hát của ông nắm bắt được những khoảnh khắc trong cuộc đời, lồng vào bối cảnh xã hội Pháp không ngừng biến đổi. Điều đó khiến cho rất nhiều người Pháp trong ít nhất là hai thế hệ có cảm tưởng là họ đã lớn lên với những bài hát của Michel Delpech.

Thành ra có ý kiến cho rằng nếu cuộc đời là một bộ phim truyện, thì các bài hát của Michel Delpech là dòng nhạc nền minh họa cho những khoảnh khắc nghẹn ngào chua cay, mặn đắng ngậm ngùi, thế nhưng tiếng nhạc của Michel Delpech cũng là giai điệu cho những giây phút hẹn hò, hạnh phúc yên vui. Âu đó cũng là một chút ngọt bùi gieo vào bể muối. 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.