Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nghệ thuật Hòa Bình : Bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp

Đăng ngày:

Nghệ thuật tiến hành chiến tranh không được làm quên đi nghệ thuật tái lập hòa bình. Vào lúc thế giới đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, xung đột quân sự, nước Pháp có cách riêng của mình để bày tỏ mong muốn hòa bình và đề cao kinh nghiệm ngoại giao. Từ giữa tháng 10/2016 cho đến giữa tháng Giêng 2017, tại Petit Palais, Paris, bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp, kết hợp với Tòa thị chính Paris, tổ chức triển lãm : « Nghệ thuật hòa bình : Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp ».

Không gian triển lãm "Nghệ thuật Hòa Bình" tại Petit Palais, Paris.
Không gian triển lãm "Nghệ thuật Hòa Bình" tại Petit Palais, Paris. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Lần đầu tiên, khoảng 40 hiệp định và hơn 60 tài liệu trong kho lưu trữ văn kiện ngoại giao được trưng bày, tiêu biểu nhất cho lịch sử quan hệ quốc tế của nước Pháp. Bên cạnh các tài liệu này là những bức tranh, ảnh, tượng điêu khắc, đồ dùng hoặc các đồ mỹ thuật quý hiếm, những thước phim tài liệu cho phép nắm bắt được bối cảnh lịch sử, hiểu được nội dung của các văn bản ngoại giao, quá trình đàm phán…

Các tài liệu lưu trữ đặc biệt ví dụ như hiệp ước Arras (năm 1435), được ký giữa Charles đệ thất và Philippe le Bon, đi kèm với những bức tranh minh họa. Ví dụ, bức tranh của Sebastiano Ricci (1659-1734), vẽ cảnh giáo hoàng Phaolô III, vào năm 1538, đã đạt được một sự hòa giải ngắn ngủi giữa François đệ nhất và Charles Quint.

Bức họa của Sebastiano Ricci (1659-1734): Giáo hoàng Phaolô III và sự hòa giải ngắn ngủi giữa François I và Charles Quint.
Bức họa của Sebastiano Ricci (1659-1734): Giáo hoàng Phaolô III và sự hòa giải ngắn ngủi giữa François I và Charles Quint. RFI / Tiếng Việt

Triển lãm có gian trưng bày một số hiệp ước mà nước Pháp phê chuẩn. Các tài liệu lưu trữ này đều in đậm dòng chữ to « Xin chào tất cả những ai đọc những tài liệu này ». Đây là mẫu câu mà các vua Pháp đã dùng. Khi chuyển sang chính thể Cộng Hòa, các tổng thống Pháp cũng dùng lại, được coi như một bảo đảm của Nhà nước chủ quyền đối với các hiệp ước mà các bộ trưởng, các nhà đàm phán đã ký kết. Cho đến tận năm 2011, theo quyết định của tổng thống Nicolas Sarkozy, câu nói trên được đơn giản hóa với dòng chữ : « Tổng thống nước Cộng Hòa Pháp, chiểu theo điều 52 Hiến Pháp, phê chuẩn ».

Bên cạnh câu viết trên, để bảo đảm « sự hợp lệ », các văn bản ngoại giao còn thường được gắn dấu si. Ấn tượng nhất là bản tuyên bố của giới quý tộc Ba Lan về việc bầu Henri de Valois, làm vua Ba Lan. Văn bản làm tại Kamien, ngày 23/05/1573, có tới 120 dấu gắn si đính kèm.

Đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên bên trong « Liên bang Ba Lan-Litva » bao gồm một phần lãnh thổ các nước Ba Lan, Litva hiện nay. Hơn 40 000 thành viên trong giới quý tộc Ba Lan tham gia cuộc bầu cử và lựa chọn Henri de Valois làm vua. Cuộc bầu cử được tổ chức vì vua Sigismond II (thuộc triều đại Jagellon) băng hà, nhưng không có con kế ngôi và do thiếu vắng các ứng viên nghiêm túc, đáp ứng các đòi hỏi của giới quý tộc. Sau cuộc bầu cử, giới quý tộc lập văn bản thừa nhận vua Henri de Valois, và các dấu gắn si là bằng chứng của việc công nhận văn bản này.

Văn bản thừa nhận Henri de Valois làm vua "Liên bang Ba Lan - Litva" và 120 dấu gắn si.
Văn bản thừa nhận Henri de Valois làm vua "Liên bang Ba Lan - Litva" và 120 dấu gắn si. RFI / Tiếng Việt

Bà Gaelle Rio, một trong những chuyên gia của viện bảo tàng Paris, được tuần san "M" báo Le Monde trích dẫn, cho biết : « Chúng tôi đã lựa chọn để trưng bầy các hiệp định tiêu biểu nhất, đồng thời, cũng là những văn bản đẹp nhất ».

Trong số những tài liệu quý, người xem có thể chiêm ngưỡng « sổ thế bạ » của Christophe Colomb, năm 1502. Đây là một trong số hai bản được lưu giữ. Tổng cộng chỉ có bốn bản sao được xác thực « công chứng » bao gồm những giấy tờ thừa nhận các ưu đãi mà Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha dành cho Christophe Colomb trước chuyến du hành cuối cùng của ông tới châu Mỹ. Trên các hàng chữ ghi bên bìa cuốn « sổ thế bạ », còn có hình mặt dường như là của Christophe Colomb cài lồng trong chữ E.

« Sổ thế bạ » của Christophe Colomb, năm 1502.
« Sổ thế bạ » của Christophe Colomb, năm 1502. RFI / Tiếng Việt

Một tài liệu độc đáo khác là bức thư của vua Xiêm (Thái Lan) Rama IV (Mongkut) gửi Napoléon III ngày 17/03/1861. Thư là một dải vàng mỏng, có khắc chữ. Đích thân hoàng đế Napoléon III và hoàng hậu Eugénie đã tiếp ba đại sứ Xiêm trình bức thư độc đáo này cùng nhiều tặng phẩm quý giá khác vào ngày 27/06/1861, tại lâu đài Fontainebleau. Theo ghi chú, rất nhiều tặng phẩm trao tặng cho hoàng tộc nhân buổi tiếp đãi sứ thần này đã được giữ lại trong « bảo tàng Trung Quốc » ở Fontainebleau được tu sửa vào năm 1863. Riêng bức thư « dải vàng » này là được giao về bộ Ngoại Giao lưu giữ.

Bức thư bằng "vàng" của vua Xiêm gởi hoàng đế Napoleon III năm 1861.
Bức thư bằng "vàng" của vua Xiêm gởi hoàng đế Napoleon III năm 1861. RFI / Tiếng Việt

Liên quan đến Việt Nam, kho lưu trữ tài liệu ngoại giao của Pháp cho trưng bày bản Hiệp định đình chiến tại Việt Nam. Đây là một trong ba văn bản được ký tại Geneve, Thụy Sĩ, nhằm chấm dứt chiến sự tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cam Bốt). Tài liệu được trưng bày là bản gốc tiếng Pháp và tiếng Việt, các trang được nối với nhau bằng sợi dây lụa xanh trắng, gắn vào trang bìa bằng dấu gắn si chữ ký của Cộng Hòa Pháp và dấu quốc huy của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tài liệu ghi ngày ký là 20/07/1954.

Thực ra, thời điểm chính thức ký các văn bản này muộn hơn một chút, và đây cũng là một thủ thuật của ngoại giao Pháp để giữ lời và thể diện cho trưởng phái đoàn đàm phán của Pháp. Bởi vì ngày 19/06/1954, thủ tướng Pháp Pierre Mendes France, mới nhậm chức, đã cam kết trước Quốc Hội là ông sẽ tái lập hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng, muộn nhất là vào ngày 20/07.

Thế nhưng, cho đến đêm ngày 20/07/1954, các cuộc thương lượng vẫn chưa kết thúc. Để cho chính phủ Pháp không bị đổ vào hồi kết cuộc đàm phán, cũng như tôn trọng hình thức công pháp quốc tế, tại phòng đàm phán Palais des Nations (nay là trụ sở Liên Hiệp Quốc) ở Geneve, người ta đã giữ nguyên hai chiếc kim đồng hồ ở số 12. Và hơn 2 giờ sáng ngày 21/07, thì hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Lào được đại diện chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký. Hiệp định đình chiến ở Cam Bốt được ký vào cuối buổi sáng ngày 21/07. Còn « Tuyên bố cuối cùng » thì đến chiều ngày 21/07 mới được hội nghị thông qua.

Bản Hiệp định đình chiến tại Việt Nam ký ngày 20/07/1954.
Bản Hiệp định đình chiến tại Việt Nam ký ngày 20/07/1954. RFI / Tiếng Việt

Phần tiếp theo của triển lãm là gian trưng bày các tài liệu liên quan đến những quy định và thủ tục lễ tân cần tuân thủ để tiến hành đàm phán hòa bình. Từ thế kỷ 16, các quốc vương hạn chế đi lại và dần dần giảm bớt các cuộc gặp gỡ cấp cao. Các khía cạnh kỹ thuật, pháp lý được chú trọng hơn. Từ thế kỷ 17 và 18 trở đi, việc đàm phán, thương lượng ngày càng mang tính chuyên nghiệp hơn. Chính vì thế, vào năm 1712, Colbert de Torcy (1665 – 1746), một trong những nhà ngoại giao có tài dưới thời vua Louis 14, đã có ý định thành lập trường đào tạo đầu tiên về ngành ngoại giao.

Nhiều cuốn sách quý được trưng bày, có thể là tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các trường đào tạo ngoại giao thời nay, như cuốn « Đại sứ và các nhiệm vụ », của nhà ngoại giao Hà Lan Abraham de Wicquefort (1606-1682), nhà xuất bản Pierre Marteau, ở Cologne, năm 1715. Hoặc cuốn « Một đại sứ hoàn hảo » của Juan Antonio de Vera Zuniga y Figueroa (1583 – 1658), nhà xuất bản Theodore Haak, năm 1709.

Sách tham khảo về "Cách thức đàm phán với các quốc vương" của ông François de Callières, nhà xuất bản Jean Nourse, năm 1750, tại Luân Đôn.
Sách tham khảo về "Cách thức đàm phán với các quốc vương" của ông François de Callières, nhà xuất bản Jean Nourse, năm 1750, tại Luân Đôn. RFI / Tiếng Việt

Theo lời giới thiệu, dưới hình thức đối thoại, tác giả đưa ra quan niệm của ông về một nhà thương thuyết. Sách lần đầu tiên được xuất bản năm 1620 tại Sevilla, Tây Ban Nha, và sau đó, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Cuốn sách trưng bầy tại triển lãm là của tướng Clarke, đại diện toàn quyền của Napoléon tại xứ Toscana, một vùng của nước Ý ngày nay.

Hay như cuốn « Cách thức đàm phán với các quốc vương. Lợi ích của các cuộc đàm phán, cách chọn đại sứ và đặc sứ, và các phẩm chất cần thiết để thành công trong công việc » của ông François de Callières (1645-1717), nhà xuất bản Jean Nourse, năm 1750, tại Luân Đôn. Theo ông Callières, nghề ngoại giao đòi hỏi một thiên hướng độc lập và phải có kiến thức về lịch sử, hiểu biết các định chế và biết nhiều ngoại ngữ.

Nói đến ngoại giao Pháp là phải nói đến châu Âu. Có lẽ hiếm khi công chúng được nhìn tận mắt Hiệp định thành lập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, được ký kết tại Roma, Ý, ngày 25/03/1957 và Hiệp định về Liên Hiệp Châu Âu, được ký tại Maastricht, ngày 07/02/1992. Tuy nhiên, độ dầy của hai văn kiện này gây sửng sốt, thậm chí choáng váng, từ 10 đến 15 cm.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông, một công ước không thể thiếu trong cuộc triển lãm này : « Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển », được ký kết tại vịnh Montego, ngày 10/12/1982. Công ước này đã được hầu hết các nước phê chuẩn ngoại trừ một số nước trong đó có Hoa Kỳ. Ở đây, người xem có thể thấy trang đầu của công ước được ghi bằng 6 thứ tiếng : Ả Rập, Hoa, Anh, Pháp, Nga, và Tây Ban Nha.

"Công ước Quốc tế về luật biển", ký ngày 10/12/1982.
"Công ước Quốc tế về luật biển", ký ngày 10/12/1982. RFI / Tiếng Việt

Cuộc triển lãm đạt được mục tiêu là làm cho người xem suy nghĩ, hiểu được ý tưởng mong muốn hòa bình của nước Pháp qua hàng thế kỷ và tìm thấy những yếu tố mang tính quyết định đối với ký ức tập thể và từng cá nhân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.