Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Lễ Giáng sinh và mê tín trong dân gian Pháp

Đăng ngày:

Bói củ hành xem mưa có thuận, gió có hòa. Hoa nở đúng thời khắc nửa đêm là điềm lành. Bói lá ô-liu xem trai gái trong làng có bén duyên nhau. Giáng sinh là đêm của những phép lạ, là thời khắc hai thế giới âm dương giao hòa, là phút thiêng liêng, là dịp con trẻ được nghe chuyện đời xưa về lòng nhân ái.

Hang đá kể chuyện Chúa hài đồng. Ảnh chụp tại làng Luceram, vùng Alpes Côtes d'Azur
Hang đá kể chuyện Chúa hài đồng. Ảnh chụp tại làng Luceram, vùng Alpes Côtes d'Azur Reuters
Quảng cáo

Ngày xửa ngày xưa khi, khi Noel chưa đồng nghĩa với bữa tiệc thịnh soạn trong gia đình bên cây thông xanh và những gói quà lộng lẫy, dân quê ở mỗi vùng, miền trên đất Pháp đều có những tập tục riêng về mùa Vọng, mùa Giáng sinh, về vị khách mà trẻ thơ mong đợi suốt cả năm.

"Ông Già" hay "Bà Tiên" Noel ?

Với trẻ nhỏ ở vùng Franche Comté, gần sát biên giới Thụy Sĩ, Ông Già Noel mang quà đến cho chúng không phải là một ông lão râu tóc bạc phơ, bụng phệ, trong bộ quần áo và mũ đỏ, mà lại là bà tiên Arie. Người thì cho rằng Arie là một cô tiên bé nhỏ, dịu dàng, trên đầu có chiếc vương miện được đính bằng những hạt sương ban mai. Kẻ lại truyền nhau rằng Arie mang hình hài một bà lão xấu xí, lưng gù, răng nhọn như dao. Có nơi dân làng đồn đại là nàng Arie có phép hóa thân thành một con rắn.

Không đồng ý về hình dạng của bà tiên Arie, nhưng dân cư vùng Franche Comté lại đồng tình trên một điểm : bà tiên dù xấu hay đẹp này cưỡi lừa đi phát quà cho trẻ nhỏ, nhưng quà của nàng tiên Arie thường là một cái bánh, là hạt dẻ, hay một món đồ chơi bằng gỗ, sản phẩm của núi rừng. Còn những đứa bé hư, khi thức giấc chỉ thấy một chút tro trong chiếc guốc của mình. Cô cậu học trò nào lười biếng thì bị cô tiên Arie tặng cho một chiếc mũ lừa !

Xích lên miền bắc, ở vùng Alsace, Ông Già Noel là vị thánh Nicolas đi phát quà vào đêm ngày mồng 6 tháng 12 tức là ngày lễ vía của Ngài. Thánh Nicolas không mặc bộ đồ đỏ, bụng không to như hình ảnh Ông Già Noel mà chúng ta biết đến ngày nay. Sách vở thường vẽ vị thánh này với vóc hình mảnh khảnh.

Như với bà tiên Arie, con vật trung thành nhất của thánh Nicolas là chú lừa có lớp lông màu xám rất đẹp. Vì vậy ở Alsace, mỗi nhà thường để sẵn một quả táo giành tặng thánh Nicolas và một củ cà-rốt cho con lừa của Ngài.

Cây thông xanh, niềm tự hào của vùng Alsace.
Cây thông xanh, niềm tự hào của vùng Alsace. Reuters

12 ngày của các vị Thần Tháng

Vùng Alsace thời xưa, nông dân xem đêm Thánh còn là thời khắc chia tay năm cũ và chuẩn bị đón mừng một năm mới. Người Việt chúng ta có thói quen kiêng cữ đầu năm thế nào, thì người dân quê Alsace cũng có những tập tục hao hao như vậy.

Họ tin rằng giai đoạn từ 25 tháng 12 cho đến ngày mồng 6 tháng Giêng là 12 ngày của các vị Thần Tháng. Mỗi một ngày là biểu tượng cho một tháng trong năm. Đêm 24 rạng sáng 25 tháng 12 là “lễ Giao Thừa”. Trong “12 ngày thiêng” đó, dân vùng Alsace tuyệt đối không được dệt cửi vì thoi nhọn không báo trước điềm lành.

Cũng nông dân trong vùng có thói quen bổ củ hành thành 12 múi đều nhau, mỗi phần tượng trưng cho một tháng trong năm, bỏ một ít muối to hạt lên mỗi phần. Chủ nhà đợi đến lúc nửa đêm về sáng, xem muối khô hay ướt thế nào để biết trước mưa ít hay nhiều trong từng tháng, dựa trên “quẻ bói” ấy mà trồng rau quả, ngũ cốc cho thích hợp.

Ở Việt Nam trước Tết nguyên đán, ta đốn cành mai, cành đào và hãm để hoa nở vào ba ngày Tết lấy hên. Người dân vùng Alsace cũng có tập tục đó, nhưng họ đốn cành của những loại cây ăn quả. Nếu hoa nở đúng lúc Chúa chào đời, đấy là điềm báo trước một năm sung túc.

Để cây lê cây táo sai quả, chẳng nhà nào quên khi đi lễ nửa đêm về họ phải ra đồng, rung cây cho thật mạnh như để nhắc nhở vị thần trú ngụ trên cây, đừng quên cho chủ nhà nhiều bông trái.

Lại cũng dân cư ở Alsace trong đêm giá lạnh đi vào rừng tìm những bông hoa dại, nở trong đêm Thánh, vì mọi người tin rằng, những bông hoa ấy là quà tặng thiên thần ban cho loài người.

Phép lạ của khúc củi gỗ

Với người Pháp, từ xưa đến nay, biểu tượng của lễ Noel luôn là một khúc củi gỗ. Ngày nay, “Bûche de Noel” là ổ bánh ngọt có hình khúc gỗ để cả nhà thưởng thức trong bữa tiệc nửa đêm hay trong bữa cơm họp mặt gia đình trưa ngày 25. Với người đời xưa “Bûche de Noel” thực sự là một khúc gỗ vừa quý, vừa thiêng.

Ở vùng Berry, miền tây, dân cư có thói quen giữ ngọn lửa hồng ít nhất là trong ba ngày từ đêm 24 trở đi, thậm chí có nơi đốt một khúc gỗ lớn từ nửa đêm Thánh cho đến tận ngày mồng 1 Tết dương lịch. Do vậy khúc củi phải là gỗ cây sồi hay cây du thật to, nhiều người khiêng mới được. Trước khi châm lửa, người cao tuổi nhất trong nhà vẩy nước thánh vào khúc gỗ. Tro được giữ lại để rải ra đồng cầu may. Những mẩu than còn lại được giữ ở trong nhà, dân quê tin rằng, than từ khúc gỗ thiêng đốt trong đêm Thánh là bùa hộ mạng : ra làm đồng mang theo một miếng than từ khúc “Bûche de Noel” không bao giờ sợ bị sét đánh.

Với người miền núi trong vùng Pyrénées sát biên giới Tây Ban Nha, khúc củi gỗ của đêm Giáng Sinh là nguồn đem lại ánh sáng mặt trời, biểu tượng của sự sống. Mỗi gia đình gửi gấm khúc củi gỗ những lời nguyện cầu để thấu tới tai Thượng Đế. Vì vậy gia chủ luôn đọc kinh, cầu nguyện, vẩy nước thánh và trang trí khúc củi thật đẹp trước khi châm lửa.

Dân miền núi trên đảo Corse, trong vùng Địa Trung Hải, có thói quen nhìn đống tro tàn xem Hải vương và Sơn vương có thuận hòa với nhau trong năm cho người dân đỡ cơ cực.

Làng cổ Locronan vùng Bretagne thắp đèn chờ đón Giáng sinh.
Làng cổ Locronan vùng Bretagne thắp đèn chờ đón Giáng sinh. Reuters

Thế giới âm-dương giao hòa

Nói về mê tín, cho đến rất gần đây, dân quê vùng Bretagne, tây bắc nước Pháp vẫn tin rằng đêm 24 tối trời, là thời khắc duy nhất trong năm mà những bà phù thủy có thể đốt đuốc, nhảy múa thâu đêm. Vì là đêm dài nhất trong năm, ma quỷ thường hay rong chơi, trêu ghẹo người lành, vì vậy người dân vùng Bretagne có tập tục rước đuốc để trừ tà ma.

Một tập quán khác trong vùng, là lễ canh thức : đấy là thời khắc những kẻ hát rong gõ của từng nhà, xin một bát rượu, một miếng bánh đổi lấy những bài thi ca hay những câu chuyện cổ tích, hoang đường lý thú nhất. Không mấy ai xem thường những tay hát dạo đó bởi truyền thuyết cho rằng đấy thường là những vị thần thánh, dưới hình hài xấu xí thô kệch, gõ cửa từng nhà để đo lường lòng từ tâm, nhân ái của thế gian.

Ở rất xa bờ biển Bretagne là vùng Bourgogne trù phú, nổi tiếng với những ruộng nho thẳng cánh cò bay, những câu chuyện ít nhiều mang tính hoang đường, vẫn được truyền khẩu đến ngày nay. Nào là chuyện một gã say bị ma ám, nhảy xuống giếng bởi hắn nghe có tiếng rủ rê xuống đáy giếng uống rượu.

Ai đã có dịp tham quan Nonnenberg vùng Lorraine miền đông bắc nước Pháp, chắc hẳn đã được nghe qua câu chuyện ngày xửa ngày xưa, tại một cơ ngơi rất đẹp và trang nghiêm của các sơ. Đúng vào đêm Thánh, một đoàn kỵ mã đến gõ cửa tu viện, xin trọ một đêm. Vì hiếu khách, các sơ đem rượu, thịt ra thết đãi khách đường xa.

Các chàng kỵ mã đa tài, kẻ đàn người hát, Mẹ bề và các sơ mải vui, quên mất giờ cử hành Thánh lễ … Đến rạng sáng, những chàng kỵ mã trẻ đẹp đêm qua hiện nguyên hình là ma quỷ, là hiện thân của sự cám dỗ. Một tiếng sét lớn, nổ vang trời, cả cơ ngơi của các sơ thiêu rụi trước khi bị nhận chìm vào lòng đất.

Dân cư trong vùng kể rằng, từ đó đến nay, đêm Noel nào bóng các sơ cũng hiện về, họ nhảy múa cho đến khi kiệt sức. Ác quỷ thì nấp sau một tảng đá lớn để “ngắm nhìn” các sơ khiêu vũ. Lại cũng có người kể rằng, thỉnh thoảng, những đêm tối trời, người ta nghe có tiếng gõ cửa, ra mở, thì chẳng có ai. Dân làng chỉ trông thấy một đồng tiền vàng. Phải chăng đó là quà tặng của các sơ để những người ngoan đạo cầu nguyện, giúp họ được về bên Chúa.

Hang đá trên vách núi.
Hang đá trên vách núi. Reuters

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.