Vào nội dung chính
SINGAPORE - HOA KỲ

Singapore hy vọng Mỹ duy trì hiện diện tại châu Á

Trong cuộc hội đàm về quốc phòng tại Diễn đàn Quốc Phòng Reagan, tại California, với sự tham gia của đồng nhiệm Ahston Carter, nhiều bộ trưởng Quốc Phòng các nước và thành viên Quốc Hội Mỹ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện tại châu Á.

Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen (T) bắt tay thủ tướng Malaysia Najib Razak tại cuộc gặp ở Subang, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 04/11/2016
Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen (T) bắt tay thủ tướng Malaysia Najib Razak tại cuộc gặp ở Subang, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 04/11/2016 AFP
Quảng cáo

Theo mạng Channel News Asia, tại cuộc hội đàm diễn ra ngày hôm qua, 03/12/2016, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh, chính sách của Hoa Kỳ tại châu Á từ 70 năm nay đã mang lại nhiều thành công. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN là kết quả tốt đẹp của chính sách ngoại giao và quốc phòng của Washington. Tuy nhiên, thành công này cũng mang lại một loạt thách thức mới.

Lãnh đạo Quốc Phòng Singapore hy vọng, với tân chính quyền Trump, Hoa Kỳ sẽ không giảm sự hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương, và khẳng định Singapore sẽ tiếp tục cộng tác, để nước Mỹ tiếp tục là một thế lực bình ổn trong khu vực.

Về Trung Quốc, lãnh đạo quốc phòng Singapore nhấn mạnh, cũng như Hoa Kỳ, Singapore theo đuổi chính sách một Trung Quốc, và thái độ của Singapore là « rất thận trọng và trên thực tế mang tính xây dựng ».

Ông nhắc lại, Singapore đã góp phần thúc đẩy chính sách « một nước Trung Hoa », đóng góp nhiều cho quan hệ giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan, như tổ chức cuộc gặp giữa Uông Đạo Hàm (Wang Daohan) và Cô Chấn Phủ (Koo Chen-fu) năm 1993, cuộc gặp Đồng thuận 1992, cũng như cuộc gặp giữa tổng thống Đài Loan khóa trước Mã Anh Cửu và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái.

Trung Quốc chỉ thị cho Hồng Kông gây sức ép lên Singapore

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Singapore trong vụ hải quan Hồng Kông vào ngày 23/10 vừa qua, đã tạm giữ và khám xét chiếc tàu chở 9 quân xa và phương tiện quân sự của Singapore được sử dụng trong cuộc tập trận chung với Đài Loan.

Từ năm 1974, Singapore thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự tại Đài Loan, theo thỏa thuận với Đài Bắc, tại sao đột nhiên chính quyền Trung Quốc can thiệp vào chuyện này ? Theo giới quan sát, việc gây khó khăn nói trên là tín hiệu răn đe của Trung Quốc gửi đến Singapore, đồng minh trụ cột của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Nam Á.

Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông: 

« Chín chiếc xe bọc thép do Singapore sản xuất, bị giữ tại cảng Hồng Kông ngày 23/10, khi trên đường từ Đài Loan trở về Singapore. Quốc đảo này có một căn cứ quân sự gần như thường trực ở Đài Loan. Trong một thời gian dài căn cứ này đã được giữ bí mật. Từ hơn 40 năm nay, Singapore thường xuyên tiến hành huấn luyện quân sự tại đây, bởi quốc gia thành phố Đông Nam Á này rất thiếu không gian.

Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ chiến lược giữa Singapore và Đài Loan, hai đồng minh của Hoa Kỳ, với con mắt đầy ác cảm. Theo lệnh của Bắc Kinh, hải quan Hồng Kông đã tạm giữ các xe thiết giáp. Khi phái đoàn Singapore tới Hồng Kông để yêu cầu lấy lại xe, họ đã phải tiếp xúc với bộ Ngoại Giao Trung Quốc.

Về mặt chính thức, Trung Quốc khẳng định rằng giấy tờ vận chuyển các xe nói trên là không hợp lệ, tuy nhiên, lập luận này không thuyết phục. Singapore không phải là quốc gia cho vận chuyển các phương tiện quân sự mà không có giấy tờ cần thiết. Vả lại, việc vận chuyển này đã diễn ra từ 40 năm nay.

Vụ bắt giữ do chính quyền Trung Quốc chỉ đạo rất có thể là một động thái răn đe đối với Singapore nhằm quốc gia này phải chấm dứt các trao đổi quân sự với Đài Loan. Hành động này cũng nhằm cô lập đảo quốc này hơn nữa trên trường quốc tế, sau khi đảng có chủ trương đòi độc lập cho Đài Loan đắc cử, kể từ đầu năm nay ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.