Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Pháp và mối quan hệ nguy hiểm với vùng Vịnh

Đăng ngày:

Như một mồi lửa tung ra ngày 20/10/2016 tại Pháp. Quyển sách Nos Très Chers Emirs, Những Vương Quốc Bạn Thân Của Chúng Ta, gây chấn động chính giới Pháp từ tả đến hữu và cực hữu. Nhiều chính trị gia hàng đầu cho đến dân biểu bị nêu tên có« những quan hệ nguy hiểm » với các vương quốc dầu hỏa vùng Vịnh trong bối cảnh công luận Pháp đặt câu hỏi: những đồng minh Qatar và Ả rập Xê Út có ủng hộ khủng bố hay không ?

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel bin Ahmed Al-Jubeir dự hội nghị về Syria tại Paris hôm 09/05/2016.
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel bin Ahmed Al-Jubeir dự hội nghị về Syria tại Paris hôm 09/05/2016. PHILIPPE LOPEZ / POOL / AFP
Quảng cáo

Để trả lời câu hỏi chính sách xem các vương quốc Ả Rập vùng Vịnh như Qatar là đồng minh cốt lõi hay Ả Rập Xê Út là người bạn thân thiết của Pháp có đáng hay không, hai nhà báo Pháp Christian Chesnot (France Inter) và Georges Malbrunot (Le Figaro) đã bỏ ra hai năm xuôi ngược các thủ đô vùng Vịnh. Tại Qatar, họ gặp người làm kinh tài cho thánh chiến đang sống tự do, tìm thấy tài liệu chứng minh Doha ủng hộ tài chính cho Al Qaida tại Syria. Tại Ả Rập Xê Út, dịch vụ hành hương cũng là nguồn tiền giúp thánh chiến. 273 trang sách cung cấp cho độc giả hàng ngàn chi tiết và giai thoại gây kinh ngạc.

Tai tiếng nổ ra vào lúc thay đổi đại sứ Qatar tại Paris vào năm 2013. Tân đại sứ Meshal al Thani từ chối làm mạnh thường quân rộng rãi như người tiền nhiệm. Từng đại diện cho Doha tại Washington và Bruxelles, ông than với các cộng sự viên là chưa thấy ở đâu « kỳ cục » như ở Pháp, có chính trị gia vòi tiền đại sứ đổi lấy ủng hộ ngoại giao.Lời tuyên bố này rất nghiêm trọng vì có nêu đích danh một số chính trị gia Pháp.

Được RFI đặt câu hỏi trong chương trình « Giải mật » ngày 19/11, Christian Chesnot, đồng tác giả « Nos Très Chers Emirs » cho biết cụ thể :

Christian Chesnot : Cần phải đặt hiện tượng này trong bối cảnh nhiệm kỳ năm năm của tổng thống Sarkozy từ 2007 đến 2012, quan hệ với Qatar thắm thiết như tuần trăng mật, như hai mà một. Đó là thời điểm Qatar mua câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain PSG và nhiều khách sạn sang trọng tại Pháp, đến mức gây ra làn sóng lo ngại ( bán hết tài sản cho các ông vua dầu hỏa).

Đại sứ Qatar tại Paris có trong tay một ngân sách dồi dào để làm hài lòng cả Paris kể cả tặng giải thưởng cho các đại học. Thái độ rộng lượng tạo ra những thói quen xấu. Nhiều chính trị gia Pháp  như ông Nicolas Bays ở Nord Pas-de-Calais được tặng quà là vé máy bay, giày, sửa nhà miễn phí …

Tai tiếng đáng kinh hãi nhất là chuyện bà Rachida Dati, cựu bộ trưởng tư pháp, thị trưởng quận 7, nơi có nhiều tư dinh các vị đại sứ Ả Rập. Bà quận trưởng này thẳng thừng yêu cầu đại sứ Qatar đóng góp 400.000 euro cho câu lạc bộ các đại sứ do bà thành lập. Nhưng thấy số tiền quá lớn so với chi phí ba dạ tiệc mỗi năm, đại sứ Qatar từ chối. Vấn đề là ngay hôm sau, trên đài phát thanh RMC, bà Rachida Dati tuyên bố Qatar là một nước không đáng tin cậy, tài chính không minh bạch, tài trợ cho khủng bố…

Đại sứ Qatar đã nổi đóa. Ông nói không thể hiểu được những người hôm trước còn cầu khẩn mình, hôm sau lại chỉ trích không tiếc lời.

Trường hợp thượng nghị sĩ Nathalie Goulet (độc lập) còn đặc biệt hơn nữa. Bà này lúc đầu thân Iran, viết sách chống tổ chức du kích Moujahidine (cộng sản, đối lập võ trang, kẻ thù của chính quyền Hồi giáo Iran). Sau đó, bà bỏ Iran quay sang ủng hộ Ả rập Xê Út, tổ chức hội thảo đánh bóng Qatar. Nhưng khi bị đại sứ mới của Qatar từ chối tặng quà Giáng sinh thì bà tuyên bố « không ưa Qatar lắm ».

Tất cả những động thái « thân hữu » này chỉ vì mục đích quảng cáo cá nhân và vì tiền mà thôi.

RFI : Quyển sách Những Vương Quốc Bạn Thân Của Chúng Ta tạo ấn tượng là các nước dầu hỏa tung tiền để mua ủng hộ còn chính giới Pháp thì có nhiều người lợi dụng thời cơ khai thác đối tác như những con bò sữa. Phải chăng ai cũng bê bối hết ?

Christian Chesnot : Không. Ngoại trừ một thiểu số, may mắn thay không phải ai cũng bê bối. Dân biểu Maurice Leroy chẳng hạn, chủ tịch nhóm dân biểu thân hữu Pháp-Qatar là một người không thể chê trách vào đâu được. Chính ông đã thông báo với chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone những hành vi sai trái của đồng nghiệp đảng Xã hội Nicolas Bays thuộc đơn vị ở Bắc Pas-de-Calais.Mặt khác, nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ đã bày tỏ bất bình vì những con sâu làm nhơ danh giới chính trị Pháp.

Như trường hợp dân biểu Bruno Le Maire, ứng cử viên tranh sơ bộ bầu tổng thống trong phe hữu vừa rồi, bộ trưởng nông nghiệp trong chính phủ cánh hữu của tổng thống Sarkozy. Năm 2009, bộ trưởng Bruno Le Maire hướng dẫn cheik Hamad, lãnh đạo Qatar thăm Paris. Để cám ơn, cheik Hamad tặng ông một chiếc đồng hồ nạm kim cương trị giá 85.000 euro. Thay vì bỏ túi, tặng lại cho vợ hoặc bán lại lấy tiền, bộ trưởng Bruno Le Maire đưa món quà này vào tủ sắt của bộ nông nghiệp và sau đó sung vào tài sản quốc gia.

Trường hợp lãnh đạo đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia cũng từng được Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất « tiếp cận ». Chuyến đi của bà Marine Le Pen sang Ai Cập gặp tổng thống al- Sissi đều được Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, đồng minh và là nhà tài trợ của Cairo, chi trả hết phí tổn từ vé máy bay đến khách sạn.

So với Qatar thì Các Tiểu vương quốc Ả Rập giàu hơn, đầu tư vào nước Pháp nhiều hơn. Cũng khác với Qatar, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chống Hồi giáo chính trị, chống tố chức Huynh đệ Hồi giáo. Chủ trương của Marine Le Pen cũng thế.

Bước tiếp cận thứ hai diễn ra tại nhà riêng của gia đình Le Pen ở Montretout. Trong cuộc tiếp xúc mật này, phái viên của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đề nghị cho Mặt Trận Quốc Gia từ « một triệu euro hoặc hai triệu » để vận động tranh cử. Kinh ngạc vì đề nghị bất ngờ này, bà Marine Le Pen khoát tay từ chối, hẹn khi khác sẽ đề cập lại.

RFI : Câu hỏi đặt ra là tại sao hiện tượng « đôi bên cùng có lợi » này nổ bùng thời tổng thống Nicolas Sarkozy ?

Christian Chesnot : Vào thời điểm này, Qatar dám bỏ ra 50 tỷ euro để gọi là giúp phát triển các vùng ngoại ô của Pháp, nơi có một cộng đồng Hồi giáo cư ngụ và mang tiếng thiếu an ninh. Vụ này gây tai tiếng rất lớn khiến dự án phải dừng lại.

Nicolas Sarkozy là một người năng nổ, không mặc cảm. Khi vào Elysée (2007-2012) ông muốn tạo ra một xung lực mới cho ngoại giao Pháp, sang trang 12 năm Chirac. Tổng thống Chirac, qua người bạn cố tri là cố thủ tướng Liban, Rafiq Hariri, rất thân với Ả Rập Xê Út.

Trong khi đó, tổng thống Sarkozy thấy giới lãnh đạo Qatar là những người nhanh nhẹn, nhất là Qatar đã giúp giải cứu các nữ y tá Bulgari (bị đại tá Kadhafi bắt làm con tin). Chính Qatar đã nộp tiền chuộc cho Libya. Nên nhớ Qatar là một nước nhỏ, chỉ có 2 triệu dân nhưng lại cực kỳ giàu. Doha cũng không có mặc cảm với tiền và sẵn sàng bỏ tiền ra mua chổ đứng trên trường quốc tế. Điều này rất hợp ý với tổng thống Sarkozy.

Qatar đầu tư rất nhiều vào nước Pháp từ văn hóa, giáo dục cho đến thể thao, điển hình là mua câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain PSG. Người Qatar thấy cộng đồng Hồi giáo tại Pháp đông nhất châu Âu. Qatar lại ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, thế thì tại sao không đầu tư xây dựng quan hệ tổ chức này. Do vậy, Qatar bỏ ra 50 tỷ euro lập « Quỹ phát triển » ngoại ô Pháp nhưng kế hoạch này bị chận lại giữa chừng vì đúng vào mùa bầu cử. Số tiền này hiện nay ký thác trong Quỹ tồn khoản (Caisse de dépôt) và đổi tên thành « Quỹ hỗ trợ vô địch thể thao tương lai ».

RFI : Khi cánh tả lên cầm quyền với tổng thống François Hollande. Pháp đã ký được nhiều hợp đồng bạc tỷ như bán máy bay Rafale ? Làm sao phân biệt đâu là biên giới giữa chiến lược tạo ảnh hưởng ngoại giao với hối lộ ?

Christian Chesnot : Chính phủ Pháp và các cơ quan tình báo Pháp làm như không nghe không thấy. Đừng quên rằng Qatar đầu tư rất nhiều vào nước Pháp và doanh nhân Pháp đầu tư vào Qatar, rồi những hợp đồng vũ khí như bán chiến đấu cơ Rafale, do vậy giới chính trị Pháp phải nhắm mắt làm ngơ.

Cũng phải nói rõ là tình hình không phải là hoàn toàn tồi tệ tuy nhiên các vương quốc dầu hỏa này có những hoạt động đáng lo như tài trợ cho các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria, ở châu Phi … Tổ chức thiện nguyện Qatar Charity được xem là cánh tay phục vụ quyền lực mềm của Doha hoạt động cứu trợ nạn nhân thiên tai nhưng bên cạnh đó là xây dựng giáo đường Hồi giáo, tuyên truyền và tiếp xúc với những thành phần cực đoan.

Qatar cũng can dự vào những vụ nộp tiền chuộc mạng con tin khá mờ ám. Tình báo Mỹ CIA và cảnh sát liên bang FBI nghi ngờ những món tiền chuộc con tin chạy vào túi các nhóm thánh chiến, khủng bố ở Syria, Yemen hay ở châu Phi. Qatar, một mặt ra tay cứu con tin vì lý do nhân đạo nhưng đằng sau lại có những thương lượng đáng ngờ. Người ta cảm thấy có một mối quan hệ trực tiếp giữa Doha và tổ chức Al Nostra, cánh tay nối dài của Al Qaida tại Syria .

Chính sách ngoại giao của Pháp khi ông Laurent Fabius làm bộ trưởng rất thân thiện với Ả Rập Xê Út vì ông ấy bị mờ mắt vì những dự án đầu tư của Riyad lên đến 50 tỷ euro. Bộ ngoại giao tổ chức các buổi họp hàng tuần về các dự án đầu tư và chỉ thị tránh chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền tại vương quốc theo hệ phái Su-ni này trong suốt bốn năm. Mặt khác, trong vụ hồ sơ hạt nhân của Iran, Pháp ủng hộ quan điểm của Ả rập Xê Út, chuyện này kéo theo chuyện kia và phải nói là Pháp nghiêng theo phe Su-ni trong vùng Vịnh chống phe Shi-a. Giờ đây tình hình đã thay đổi, Iran hội nhập trở lại chính trường khu vực.

Phải chăng đây là lúc cần phải cân bằng quan hệ với hai bên nhất là khi nước Pháp là nạn nhân của một loạt khủng bố đẩm máu ?. Bây giờ cũng là lúc phải đặt câu hỏi về những nguồn tài trợ cho Hồi giáo cực đoan, cho khủng bố. Chính sách của Pháp đối với các vương quốc vùng Vịnh đã đến lúc cần phải minh bạch và vấn đề này bắt đầu được nêu lên nhân cơ hội bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trên đây là một trích đoạn trong bài phỏng vấn nhà báo điều tra Christian Chesnot (France Inter), đồng tác giả quyển sách « Nos Très Chers Emirs », trong chương trình « Décriptage » ngày 19/11/2016 của RFI.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.