Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - MỸ - QUỐC TẾ

Tổng thống Pháp : Thỏa thuận Paris về Khí hậu là « không thể đảo ngược »

Một tuần lễ sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp François Hollande dành cho đài RFI, France 24 và TV5Monde một cuộc phỏng vấn dài về các vấn đề chính trị quốc tế, trong đó cuộc chiến chống biến đổi Khí hậu là một trọng tâm. Phỏng vấn được thực hiện hôm qua, 14/11/2016, tại Marrakech, nơi đang diễn ra thượng đỉnh Khí hậu COP22 (*). Sau đây là phần trích đoạn cuộc phỏng vấn.

Tổng thống Pháp François Hollande
Tổng thống Pháp François Hollande Ảnh : Reuters/Charles Platiau
Quảng cáo

Việc ứng cử viên dân túy - có quan điểm phủ nhận thực trạng Trái đất bị hâm nóng do hoạt động của con người – đắc cử tổng thống Mỹ khiến không khí lo ngại bao trùm. Câu hỏi lơ lửng trong đầu rất nhiều người hiện nay là : Liệu Hoa Kỳ có rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về Khí hậu ?

Cách nay một năm, tại Paris, nhân loại đã đạt được một thỏa thuận được đánh giá là « lịch sử », nhằm mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2°C so với thời tiền công nghiệp. Đây là lần đầu tiên mà toàn thể cộng đồng thế giới, với 195 quốc gia thành viên và Liên Hiệp Châu Âu, đạt đồng thuận về một vấn đề mang tính sống còn đối với vận mệnh của nhân loại. Thỏa thuận Paris đã đạt được trong gang tấc, nhờ muôn vàn nỗ lực của các chính trị gia, nhà thương thuyết, giới bảo vệ môi trường.

Tổng thống Pháp François Hollande nhấn mạnh :

« … Thỏa thuận Paris, đó là một thỏa thuận mà tôi hết sức mong muốn. Quí vị hãy nhớ lại bối cảnh, với những gì đã diễn ra vào ngày 13/11 năm ngoái (với loạt khủng bố tại Paris và vùng phụ cận). Tất cả các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã tham dự. Cộng đồng nhân loại phải đưa ra một quyết định cho tương lai của Hành tinh, cho Khí hậu, hạn chế việc Trái đất bị hâm nóng.

Thỏa thuận tại Paris là không thể đảo ngược được. Đây là điều mà tôi muốn khẳng định rất rõ ràng ở đây, tại Marrakech này ».

Tổng thống Pháp giải thích thêm :

« Thỏa thuận Paris là không thể đảo ngược được về phương diện pháp lý. Hoa Kỳ đã ký kết thỏa thuận này. Nếu Hoa Kỳ muốn ra khỏi thỏa thuận, có những thủ tục phải làm, và những việc này sẽ kéo dài, thậm chí rất dài. Hoa Kỳ có thể quyết định không tôn trọng các cam kết. Điều này sẽ bất lợi cho Hành tinh, bởi Hoa Kỳ là một trong những quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính đứng đầu thế giới.

Nhưng trước hết điều này sẽ rất bất lợi cho chính Hoa Kỳ. Về mặt Khí hậu, Hành tinh này không thể chia theo các đường biên giới, các hàng rào dây thép gai. Khi có vấn đề về khí hậu, tất cả mọi người đều liên đới.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi sang mô hình năng lượng tái tạo, thậm chí là chuyển đổi theo hướng bảo vệ sinh thái. Rất nhiều tổ chức đã tham gia, rất nhiều sáng kiến công dân tại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là một liên bang, có nghĩa có các nhà nước tiểu bang như California, Michigan… Chính quyền những tiểu bang ấy đã đi theo lập trường của thỏa thuận về Khí hậu.

Rút khỏi Thỏa thuận Paris, Hoa Kỳ sẽ thiệt nhiều

Tôi hy vọng rằng Donald Trump sẽ đưa ra những quyết định không nhất thiết phải giống với những quan điểm của ông ấy trong thời gian tranh cử. Nếu ông Trump đưa ra những quyết định đi ngược lại với các lợi ích của Hành tinh, ông ấy sẽ có nguy cơ chuốc lấy hậu quả.

Tôi biết rằng Donald Trump có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, nhưng nếu Hoa Kỳ không thể tiếp tục trao đổi với thế giới như hiện nay, thì nạn nhân đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp Hoa Kỳ… Trong thời gian tranh cử, Donald Trump đã có những tuyên bố nhằm chinh phục cử tri, nhưng bây giờ là những quyết định riêng của ông ấy với tư cách là nguyên thủ.

Tôi tin rằng phong trào hạn chế biến đổi Khí hậu đã khởi sự, nó sẽ không dừng lại. Phong trào đã khởi sự tại chính Hoa Kỳ và trên khắp thế giới. Về Trung Quốc, một trong các quốc gia phát khí thải đứng đầu thế giới, ba người chúng tôi - tổng thống Barack Obama, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi - đã có nhiều thảo luận, để làm sao cho Trung Quốc tham gia mạnh mẽ vào thỏa thuận này.

Các vị có cho rằng, liệu Trung Quốc sẽ chấp nhận từ bỏ các cam kết bởi vì Hoa Kỳ không đi tới cùng trong việc tôn trọng thỏa thuận Khí hậu ? Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc, đặc biệt là tại các thành phố là rất nghiêm trọng, chính Trung Quốc cũng thực sự muốn chống lại việc Trái đất bị hâm nóng ».

Khí hậu : Châu Âu sẽ làm nhiều hơn những gì đã cam kết

Riêng về phần đóng góp của Pháp và châu Âu, tổng thống Pháp cho biết :

« Tôi có thể nói với quí vị rằng nước Pháp và châu Âu sẽ đi xa hơn là các cam kết đã được đưa ra. Bởi nước Pháp có trách nhiệm riêng của mình. Người dân Hoa Kỳ có thể quyết định tương lai thông qua tân tổng thống của mình, nước Pháp cũng sẽ có cuộc bầu cử tổng thống.

Nước Pháp có khả năng tự đưa ra quyết định, về quốc phòng, về cuộc chiến chống biến đổi Khí hậu, về cuộc chiến chống khủng bố, về việc tham gia bảo vệ hòa bình tại châu Phi hay Trung Đông.

Riêng về các cam kết chống biến đổi Khí hậu, Pháp sẽ đi xa hơn trong chiến lược hướng đến một nền kinh tế không cacbon. Châu Âu cũng vậy, mà trước hết là Pháp và Đức ».

Cú điện thoại hòa dịu với Donald Trump

Trong cuộc phỏng vấn nói trên, tổng thống Pháp François Hollande nói về ý nghĩa cuộc điện đàm đầu tiên với tổng thống tân cử Mỹ :

« Cú điện thoại mà tôi trao đổi với ông ấy nhằm làm dịu lại không khí. Bản thân ông ấy cũng muốn đối thoại. Nước Pháp và Hoa Kỳ có một tình bạn lâu đời. Có rất nhiều chủ đề mà hai phía có quan điểm chung, dựa trên các lợi ích chung và các giá trị chung của nước Pháp, của châu Âu và Hoa Kỳ.

Tôi và ông Donald Trump đồng ý tiếp tục đối thoại. Các đối thoại sẽ được khởi sự một khi ông ấy chính thức nhậm chức, tức ngày 20/01/2017.

Có một điểm đồng thuận rất rõ ràng giữa chúng tôi, đó là cần phải tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố… ».

Trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI, France 24 và TV5Monde, tổng thống François Hollande cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục đối thoại với Nga, và « cần coi tổng thống Nga Vladimir Putin như một đối tác trong các lĩnh vực thuộc lợi ích chung », và « nếu các thỏa thuận Minsk về thiết lập hòa bình tại miền đông Ukraina được Matxcơva tôn trọng, thì các trừng phạt (kinh tế đối với Nga) sẽ được dỡ bỏ ».

Riêng về an ninh châu Âu, tổng thống Pháp một lần nữa thừa nhận trong lĩnh vực này « Liên Hiệp Châu Âu làm chưa đủ ». Ông François Hollande lưu ý : « Châu Âu cần phải tự bảo đảm an ninh của mình về cơ bản » và « không có một lục địa nào có thể bảo vệ được các công dân của mình, nếu không có một lực lượng quân sự riêng ».

Về cuộc bầu cử tổng thống Pháp sắp diễn ra, nguyên thủ François Hollande nhấn mạnh : « Nếu không đoàn kết lại, cánh tả sẽ lỡ hẹn » và « nếu bị phân hóa và chia rẽ, nước Pháp sẽ suy yếu ». 

-----

(*) Thượng đỉnh Khí hậu COP 22 là cách gọi tắt của Hội nghị các Bên tham gia vào Hiệp ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 22. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.