Vào nội dung chính
ĐỨC - TRUNG QUỐC

Đức ngăn Trung Quốc mua doanh nghiệp trọng điểm

Chỉ riêng trong nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ một số tiền tương đương với năm ngoái để mua doanh nghiệp Đức, trong đó có nhiều doanh nghiệp chiến lược. Lo ngại trước xu thế này, chính phủ Đức quyết định can thiệp. Báo Le Monde hôm nay, 26/10/2016, có bài « Khi Đức sợ Trung Quốc » mô tả thực trạng nói trên.

Logo của công ty Aixtron, tại thành phố Aachen, miền tây nước Đức
Logo của công ty Aixtron, tại thành phố Aachen, miền tây nước Đức REUTERS/Wolfgang Rattay
Quảng cáo

 Bài viết của Le Monde mở đầu với hình ảnh một nước Đức từng là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, mà Trung Quốc là một thị trường chủ yếu. Các mác xe hơi nổi tiếng của Đức tràn ngập thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, làn sóng ngược lại từ Trung Quốc đang khiến Berlin cảm thấy bị đe dọa. Hôm thứ Hai 24/10 vừa qua, chính phủ Đức đã ngăn chặn tập đoàn Trung Quốc Fujian Grand Chip Investment Fund (FGC) mua lại một cơ sở của công ty điện tử Aixtron.

Chính Berlin từng bật đèn xanh cho vụ mua bán này. Quốc vụ khanh đặc trách kinh tế và năng lượng Đức giải thích « đã nhận được những thông tin mới về tính chất an ninh của việc chuyển nhượng ».

Trong sáu tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua lại 37 doanh nghiệp Đức, với hơn 10 tỉ euro, nhiều nhất châu Âu. Đối tượng ưu tiên của các nhà đầu tư Trung Quốc không phải là xúc xích hay bia, mà là các doanh nghiệp tinh hoa nhất. Ví dụ như vụ mua lại nhà sản xuất robot Kuka, một trong các doanh nghiệp uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực này, khiến giới luật gia thương mại quốc tế phải sững sờ. Tập đoàn Midea đã bỏ ra 4,5 tỉ euro để thâm nhập được vào bộ phận ưu tú của nền công nghiệp Đức.

Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn "nhạy cảm", với bong bóng bất động sản, nợ xấu bùng phát, doanh nghiệp Nhà nước đình trệ. Rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc muốn chuyển tiền ra ngoài.

Về chủ đề này, La Croix có bài « Berlin muốn chặn cơn khát đầu tư Trung Quốc », đưa ra giải thích cụ thể hơn về lý do Đức ngăn chặn vụ mua bán này. Theo đó, công ty điện tử nổi tiếng Aixtron hoạt động trong lĩnh vực « công nghệ quốc phòng », và Aixtron là đối tác của cơ quan nghiên cứu và phát triển thuộc bộ Quốc Phòng Mỹ, theo tờ báo Đức Süddeutsch Zeitung.

Vẫn theo Le Monde, lý do nhà đầu tư Trung Quốc chuyển hướng sang châu Âu, vì Hoa Kỳ quyết định ngăn chặn mọi vụ đầu tư « quá tham vọng » của Trung Quốc, ví dụ như việc Washington cấm tập đoàn Philip bán một công ty cho tập đoàn tài chính Trung Quốc GO Scale. Theo Le Monde, với những can thiệp nói trên, chủ trương « toàn cầu hóa » tự do không còn là điều như người ta vẫn thường cổ vũ.

Môi trường kinh doanh : New Zealand đứng đầu

Trong lĩnh vực thương mại thế giới, Les Echos đặc biệt chú ý đến báo cáo « Doing Business » của Ngân Hàng Thế Giới, theo đó, New Zealand được xếp số một. Quốc gia nổi tiếng với đội tuyển bóng bầu dục All Blacks, nay đã vượt mặt Singapore, về việc tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh. Đứng vị trí thứ ba là Đan Mạch. Tại New Zealand, Đan Mạch hay Pháp, chỉ cần từ 0,5 đến 3,5 ngày là có thể khởi sự một hoạt động kinh doanh, trong khi tại Trung Quốc số ngày trung bình là 28,9.

Chiếm lại Mossoul : Chiến dịch gian nan

Về thời sự quốc tế, chiến dịch giải phóng Mossoul tại Irak khỏi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, tiếp tục là một tiêu điểm. Le Monde cho biết cận cảnh cuộc chiến với bài « Cuộc tiến quân chậm của sư đoàn vàng hướng về Mossoul », (Sư đoàn vàng tức lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố).

Một đơn vị bao gồm 60 chiếc xe bọc thép Humvee đen của lực lượng này phải mất 6 giờ đồng hồ mới vượt qua được 10 cây số bình nguyên, bởi vừa đi, họ vừa phải kháng cự lại lực lượng thánh chiến, với nhiều tay bắn tỉa, rình rập từng bước chân của những người lính tuyến đầu. Căn cứ vào các vị trí tấn công của Daech mà các quân nhân Irak yêu cầu không quân can thiệp. Tình báo Irak thông tin quân thánh chiến có khả năng sử dụng phụ nữ và trẻ em làm bia đỡ đạn. Vừa chiến đấu, lực lượng đặc nhiệm đồng thời phải làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho thường dân.

Theo Le Figaro, « liên quân chuẩn bị cho một trận chiến ‘‘dài và khó khăn’’ chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Cuộc họp 13 bộ trưởng Quốc Phòng liên quân tại Paris hôm qua nhấn mạnh đến khả năng ngăn chặn việc phe thánh chiến « tản ra » khắp nơi, ngoài các địa bàn hiện tại ở Irak và Syria. Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp nhấn mạnh đến nguy cơ « một đế chế Hồi Giáo ảo », tồn tại ngay cả sau khi tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria bị tiêu diệt.

Năng lượng xanh tăng gấp rưỡi trong 5 năm tới

Tăng trưởng mạnh mẽ của năng lượng xanh trên toàn cầu là chủ đề lớn của báo Les Echos hôm nay, nhân dịp Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (AIE) công bố dự báo 5 năm tới. Theo đó, từ đây tới 2021, các năng lượng tái tạo sẽ tăng lên 42%, nhiều hơn 13% so với dự báo hồi năm ngoái.

Năm 2015 được coi là một năm bản lề của năng lượng tái tạo, với tổng công suất 153 GW lắp đặt mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, năng lượng tái tạo vượt quá 50% tổng công suất lắp đặt mới.

Theo AIE, việc gia tăng mạnh của các năng lượng tái tạo là do giá thành hạ xuống mạnh, và nỗ lực đầu tư của các quốc gia chủ chốt, như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Mêhicô. Giá thành vật tư cho điện mặt trời giảm đến 70% trong 5 năm 2010-2015, và dự báo sẽ còn giảm 25% trong 5 năm tới. Điện gió cũng tương tự.

Theo dự báo của AIE, trong 5 năm tới năng lượng tái tạo sẽ chiếm 28% năng lượng dùng để sản xuất điện, hơn 5% so với hiện nay. Trung Quốc là thị trường hàng đầu với tỉ lệ tăng trưởng gần 40%. Đến 2021, Trung Quốc sẽ chiếm đến một phần ba số công suất điện gió và mặt trời của toàn thế giới.

Các ngành năng lượng tái tạo đang tăng tốc để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng. Về thực tế này, La Croix có bài giới thiệu « Những mùa hè quá nóng với dân chăn nuôi Mông Cổ », cho biết tình trạng hạn hán và nóng ngày càng gia tăng tại các bình nguyên Mông Cổ. Mùa hè ở đây nhiệt độ lên tới 40°C, trong khi cách đây không lâu nhiệt độ cao nhất chỉ là 30°C.

Tranh cử Pháp : Tổng thống Hollande chỉ được 4% hâm mộ

Cuộc tranh cử tổng thống Pháp sáu tháng trước ngày bầu cử có lẽ là chủ đề hàng đầu của báo chí Pháp hôm nay, nhân dịp báo chí công bố kết quả thăm dò đợt thăm dò dư luận thứ 7 do Cevipof - Trung tâm nghiên cứu chính trị của Viện chính trị học Paris Sciences Po – chủ trì. Ứng cử viên sơ bộ của đảng đối lập Những người Cộng Hòa (LR) Alain Juppé được 41% ủng hộ, tăng 4 điểm so với cách nay một tháng ; đối thủ hàng đầu, cựu tổng thống Nicolas Sarkozy mất 3 điểm, còn 30%. Trong khi đó, đương kim tổng thống François Holland « tiếp tục đâm đầu xuống hố », khi ông chỉ còn được 4% cử tri hài lòng.

Tổng thống Hollande đang bị cô lập hơn bao giờ hết. Theo tờ báo thiên tả Libération, trong hàng ngũ đảng Xã Hội, tỉ lệ 4% nói trên đối với ông Hollande không khiến ai ngạc nhiên. Cũng tờ báo này nêu nhận xét, với tỉ lệ 4%, rõ ràng phải đặt câu hỏi làm thế nào để cứu cho con tàu không bị đắm và đã đến lúc phải tìm giải pháp thay thế ông Hollande.

Libération dành toàn bộ ba trang đầu tờ báo để nói về thủ tướng Manuel Valls, được coi là phương án B, với hàng tựa trang nhất « Thủ tướng Valls nghĩ gì ? ». Hiện tại, Manuel Valls đang đứng trước thách thức, sẵn sàng làm ứng cử viên thay thế, nếu tổng thống Holladnde không tái cử, cho dù phải « chấm dứt sự nghiệp chính trị của mình ». Bởi ông Valls là ứng cử viên tổng thống được ít người ủng hộ nhất. Theo Libération, thủ tướng Valls có một điểm mạnh, nhưng đây cũng là điểm yếu của ông, đó là « tính cách quá quả quyết ». Điều này sẽ rất tốt, « nếu để điều hình chính phủ, nhưng rất bất lợi cho việc đoàn kết » mọi lực lượng xung quanh ứng cử viên tổng thống.

Trong khi đó, tờ báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Năm 2017 : Cử tri Pháp không muốn Hollande cũng như Valls ». Xã luận Le Figaro nhận xét, « Manuel Valls đã làm xấu hình ảnh của mình khi ngồi cùng thuyền với Hollande ».

Pháp : Định chế tổng thống bị giải thiêng

Chủ đề trang nhất của nhật báo La Croix cũng liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, nhưng dưới góc độ lịch sử. Tờ báo chạy tựa : « Các tổng thống tìm kiếm uy tín », với tiểu tựa « Các cải cách về định chế và phong cách của một số tổng thống gần đây nhất đã làm yếu đi uy thế của tổng thống, tuy nhiên người Pháp vẫn còn gắn bó với định chế này ».

Theo La Croix, tổng thống Valérie Giscard d’Estaing chính là người đầu tiên cắt đứt với truyền thống linh thiêng của định chế tổng thống Pháp, "khi tự mình lái xe, đến chơi nhà người dân hay mời những người làm nghề đổ rác" tới cùng ăn sáng tại phủ Tổng Thống. Tổng thống François Mitterand đã trở lại với phong cách thiêng hóa chức vụ tổng thống. Trong khi đó, hai đồng nhiệm gần nhất, là hai ông Sarkozy và Holande, mỗi người đều có những quan hệ rất khác thường với công chúng theo cách của mình. Nguyên tổng thống Sarkozy nổi tiếng với những lời lẽ gây tổn thương, còn ông Hollande muốn tỏ ra một « tổng thống bình thường » gần gũi với người Pháp. « Một ‘‘tổng thống bình thường’’ » cũng là tựa xã luận La Croix. Bài viết đặt câu hỏi : « việc gần gũi như vậy có phù hợp với chức vụ tổng thống hay không ? ».

Cũng La Croix có bài giới thiệu phong cách sống của nữ thủ tướng Đức Angela Merkel. Xuất thân từ một gia đình khiêm tốn ở Đông Đức, suốt đời mình, thủ tướng Đức có lối sống như một người dân bình thường. Bà Merkel, ở trong một căn hộ tại Berlin, đi nghỉ tại một căn nhà nhỏ ở ven biển Bantich, tự mua hàng như mọi người. Món chi xa xỉ nhất của bà được biết đến là đi xem nhạc kịch cùng với người chồng rất kín đáo, một nhà hóa học lượng tử.

"Trò chuyện với tổng thống Pháp" : Cuốn sách gây sửng sốt

Trong lúc tỉ lệ ủng hộ tổng thống Pháp đang xuống sát số không, một cuốn sách hết sức đáng ngạc nhiên về ông được công bố. « Conversations privées avec le président/Trò chuyện riêng với tổng thống », cuốn sách dày 660 trang, tập hợp hơn 60 buổi tâm sự, ghi âm, của ông François Hollande với hai nhà báo, được tổ chức liên tục hàng tháng từ năm 2012 đến nay.

Đối với một nhà quan sát chính trị, việc một tổng thống tự thuật lại, tự bày tỏ và phân tích những biến cố lớn nhỏ trong suốt gần 5 năm cầm quyền, ngay lúc mới diễn ra, quả là một tài liệu vô cùng hấp dẫn (khác hẳn với những cuốn hồi ký mà nhiều nhà chính trị để lại, sau khi đã từ giã chính trường). Tác phẩm này đi ngược lại tập quán vốn có trong xã hội Pháp, muốn đời sống của nguyên thủ quốc gia « phải được giữ trong vòng bí mật ». Qua những tâm sự của tổng thống, người ta thấy ông « cô đơn lạ lùng », gần như rất ít người thân cận ủng hộ ông tái cử. Le Monde đặt câu hỏi, phải chăng François Hollande muốn « tự sát về chính trị » ? Tại sao ông lại mạo hiểm như vậy, khi quyết định thực hiện cuốn sách lạ lùng này ?...

Le Monde nêu ba lý do của sự minh bạch khác thường ấy. Thứ nhất là, ông Hollande có lẽ đã rất bận tâm về dấu ấn  mà ông để lại cho hậu thế. Lý do thứ hai là « giáo sư Hollande » muốn khẳng định quan điểm của riêng ông về hoạt động chính trị. Đó là « một nỗ lực đầy lý trí, gần như là một nghệ thuật, nơi phối hợp của khả năng kiên định điều chỉnh những gì đối lập, với niềm sung sướng vượt qua các trở lực, cùng nỗi lo về tính hiệu quả của hành động ». Điều thứ ba và cũng là chủ yếu, đó là làm như vậy, ông Hollande đã thực hiện cái « quyền tự do nói lên sự thật » theo cách của mình, « dù có phải trả giá đắt ».

Cành cọ vàng 2016 kêu gọi một Nhà nước phúc lợi hiệu quả

Bộ phim “I, Daniel Blake/ Tôi, Daniel Blake”, vừa bắt đầu được công chiếu, gây nhiều chú ý. La Croix có bài ca ngợi đạo diễn “Ken Loach, với điện ảnh như một vũ khí chiến đấu”. Bộ phim đoạt Cành cọ vàng 2016 khiến người xem bàng hoàng về thân phận khổ ải và tình đoàn kết giữa những con người thuộc tầng lớp thấp cổ bé họng tại nước Anh. Có nhà bình luận ví phim với cuốn tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Victor Hugo.

Le Monde cho biết, nhân dịp  “Tôi, Daniel Blake” ra mắt tại Pháp, kênh truyền hình Arte chiếu phim tài liệu "Ken Loach, nhà điện ảnh nổi giận", thuật lại cuộc đời và nghề nghiệp của ông. Le Monde nhắc lại, vào năm 30 tuổi Ken Loach đã nổi tiếng với bộ phim “Cathy Come Home/Cathy, hãy về nhà”, thuật lại cuộc chiến của một người mẹ giành quyền nuôi con. Chính bộ phim lịch sử này đã buộc chính phủ cánh tả Anh năm 1966 phải chấp nhận công bố thực trạng về tình trạng khủng hoảng chỗ ở trầm trọng.

Về “Tôi, Daniel Blake”, báo kinh tế Les Echos có bài : “Thu nhập tối thiểu và Cành cọ vàng”, với nhận định : phim “được chiếu thật đúng lúc”. Vào tuần trước, Thượng Viện Pháp bắt đầu thảo luận về một báo cáo liên quan đến dự án xây dựng lại hệ thống phúc lợi xã hội hiện hành, đang quản lý một ngân sách 90 tỉ euro, vô cùng phức tạp, với khoảng 18.000 quy định. Theo Les Echos, tinh thần bộ phim của Ken Loach là kêu gọi cải tổ Nhà nước phúc lợi xã hội, điều từng làm nền tảng cho một xã hội dân chủ ; làm cho Nhà nước phúc lợi trở nên “đơn giản hơn, hiệu quả hơn”, sao cho ai cũng có “quyền được sống” và “phẩm giá được tôn trọng”. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.