Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Graffiti, nghệ thuật gây sốc?

Đăng ngày:

Trong vòng hai cuối tuần tháng 9/2016, Bruxelles không ngừng được nhắc đến với những tác phẩm nghệ thuật đường phố (Street Art) táo bạo và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tức giận.

Họa sĩ graffiti Shuck 2 đang hoàn thiện tác phẩm nhân dịp khánh thành La Canopée tại Les Halles, Paris, ngày 09/04/2016.
Họa sĩ graffiti Shuck 2 đang hoàn thiện tác phẩm nhân dịp khánh thành La Canopée tại Les Halles, Paris, ngày 09/04/2016. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Sau một sáng ngủ dậy, bất kỳ ai đi qua quảng trường Barrière de Saint-Gilles, Bruxelles (Bỉ) đều giật mình khi nhìn thấy bức graffiti vẽ một bộ phận sinh dục nam trên tường một tòa nhà 4 tầng hướng ra quảng trường. Điều gây tranh cãi là bức bích họa khổ lớn này xuất hiện ngay trước cổng trường nữ sinh Công giáo (Institut des Filles de Marie).

Cho đến nay, thông tin về tác giả vẫn là một ẩn số, dù một số người đồn đoán đó là phong cách của Bonom, một trong những họa sĩ graffiti nổi tiếng nhất ở Bruxelles. Tuy nhiên, trên đài RTBF, họa sĩ người Pháp phủ nhận là tác giả và « không muốn bị lôi kéo vào chuyện này ».

Trong khi chờ thành phố Bruxelles cho xóa tác phẩm hơi « chướng tai gai mắt », thì chàng phóng viên điều tra Tintin tái xuất… với nụ hôn say đắm thuyền trưởng Haddock, hai nhân vật chính trong loạt truyện tranh nổi tiếng Những cuộc phiêu lưu của Tintin (Les aventures de Tintin). Thực ra, bức bích họa này đã xuất hiện từ nhiều tuần nay tại khu vực Bourse (Chứng khoán), nhưng mới được một người sử dụng Twitter đăng trên tài khoản riêng.

***

Bruxelles và Paris nằm trong số những thành phố châu Âu đón nhận khá sớm loại hình Nghệ thuật Đường phố (Street Art), vào khoảng những năm 1989-1990, sau hơn hai thập kỷ xuất hiện và phát triển trên đường phố New York (Mỹ). Trong giai đoạn này, graffiti thường bị gắn liền với hình ảnh những thanh niên ăn mặc kì quái, mũ trùm đầu, tay cầm bình sơn và liên tục chửi thề. Họ vẽ đầy lên tường những công trình công cộng, thành cầu, toa xe lửa… những lời bất mãn với chính quyền và xã hội, hay đơn giản chỉ là… viết nghệ danh của mình.

Họa sĩ Shuck 2, thuộc Trung Tâm Văn Hóa Hip Hop La Place (Centre culturel Hip Hop - La Place), giải thích với RFI Tiếng Việt tại Les Halles, nằm giữa lòng Paris, như sau :

« Tôi gọi đó là nghệ thuật sáng tạo mang dấu ấn riêng. Người nghệ sĩ tự quảng cáo tên tuổi của mình qua những « tag », được cho là « chữ ký » riêng. Những dấu ấn riêng này dần dần được phát triển thành hình họa. Tất cả đều liên quan đến kỹ thuật viết và in chữ. Điều quan trọng là phải viết chữ bằng phong cách riêng của người nghệ sĩ. Đó là một nghệ thuật viết chữ tự do ».

Với con mắt trong nghề, chỉ cần nhìn qua tác phẩm, người ta có thể nhận ra được tác giả nhờ nét vẽ chữ riêng hay phong cách đặc trưng của từng người. Dĩ nhiên, một số nghệ sĩ tiên phong luôn tạo ra những nguồn cảm hứng hay trào lưu nghệ thuật mà người khác sẽ bắt chước. Với họ, đó là một nhu cầu : họ luôn tìm cách chứng tỏ sự khác biệt với những nghệ sĩ khác.

Thế nhưng, với công chúng, rất khó nhận ra được phong cách của từng nghệ sĩ, đặc biệt là với graffiti, trái ngược với loại hình Street Art. Shuck 2 giải thích :

« Tôi phân biệt hai loại hình nghệ thuật. Graffiti dựa trên chữ viết, là nghệ thuật viết nên tên tuổi của mình. Còn Street Art, thì giống như một chiếc nồi lớn, người ta cho hết vào trong để làm thành món súp. Bất kỳ người nào vẽ ngoài đường phố được coi là một nghệ sĩ đường phố, cho dù đó là loại hình dán nhãn (sticker/collage) hay khuôn tô (stencil/ponchoir), khảm (mosaic/carrelage) hay dán thủy tinh (glass/verre)… Đây là các loại hình nghệ thuật đường phố.

Nhưng vì graffiti liên quan đến chữ viết, nên những người làm loại hình này thật sự quan tâm đến chữ viết và hình dạng chữ viết. Vì thế, người trong cuộc có thể nhận ra được một graffiti đẹp hay xấu và nhận ra được phong cách của tác giả. Còn đối với công chúng, họ không hiểu được những đặc điểm này mà chỉ hiểu được điều dễ dàng nhất : đó là đọc được thông điệp của những dòng chữ đó. Vì vậy, graffiti chuyên biệt hơn và thường được coi là thuộc thế giới « ngầm » (underground). Do đó, người xem phải cố gắng vừa về mặt trí tuệ và văn hóa để quan tâm và phân biệt được sự khác biệt trong phong cách của các nghệ sĩ graffiti, hiện đang bùng nổ trên khắp thế giới nhờ internet ».

Từ nghệ thuật đường phố đến nghệ thuật đương đại

Thường người ta gắn hình ảnh graffiti với trào lưu Hip hop. Thực ra, hai loại hình nghệ thuật này không có cùng nguồn gốc nhưng đúng là nghệ thuật đường phố được lan truyền khắp thế giới nhờ dòng nhạc Hip hop.

« Graffiti không hẳn liên quan đến một trào lưu âm nhạc. Nhưng đúng là graffiti đến được nước Pháp nhờ dòng nhạc Hip hop. Nhưng nghệ thuật này không xuất hiện cùng với Hip hop dù đó là một phần của trào lưu này. Rất nhiều nghệ sĩ graffiti nổi tiếng không hề liên quan đến nhạc rap, hay Hip hop hoặc zouk ».

Trước khi trở thành một loại hình nghệ thuật, được trưng bày trong các triển lãm và đi vào nghệ thuật đương đại, graffiti mang tính phá hoại trong thời gian đầu phát triển. Chúng được vẽ vào buổi đêm và thường bị chỉ trích mạnh mẽ vì… bỗng dưng trên bức tường sơn trắng hoặc trên thành tầu điện ngầm hay tầu hỏa xuất hiện những dòng chữ đen loằng ngoằng gây mất mỹ quan và cảm giác mất vệ sinh. Họa sĩ Shuck 2 giải thích :

« Từ trước đến này vẫn là trò chơi « mèo đuổi chuột ». Nhưng chính điều này khiến trò chơi và sự cạnh tranh càng thêm hấp dẫn. Từ trước đến giờ lúc nào cũng có sức ép, giấy phạt và bây giờ là án tù. Nhưng bằng chứng là ở Paris vẫn còn rất nhiều tag và graffiti vẽ bậy.

Phong trào này có từ những năm 1989-1990. Tôi nhớ là hình như thời đó, ông bộ trưởng Pasqua muốn loại bỏ hết những tranh vẽ bậy bạ ở Paris, nhưng từ đó đến giờ, chính phủ vẫn chưa làm được. Hiện nay, cả Công ty Đường sắt Pháp (SNCF) hay Cơ quan Quản lý phương tiện công cộng Paris (RATP) đã làm rất nhiều để xóa những bức bích họa ở các nhà ga và trạm tầu điện ngầm nhưng graffiti vẫn tiếp tục. Dù sao Paris hiện nay sạch hơn nhiều so với những năm 1980. Tôi thấy là cách phản đối hiện nay có vẻ quá đáng, vì chính phủ có thể phạt tù những người vẽ graffiti ».

Đúng vậy, vẽ bậy graffiti hiện bị luật pháp liệt vào tội « phá hoại, làm hỏng hay cố tình làm hại tài sản của người khác ». Tác giả có thể bị phạt đến 1.500 euro, hoặc thậm chí 2 năm tù. Đây là mức phạt mang tính răn đe và trừng trị vì theo thẩm định năm 2001 của chính phủ Pháp, số tiền chi cho việc tẩy rửa và ngăn chặn graffiti lên đến vài chục triệu euro mỗi năm, trong đó riêng ngành đường sắt Pháp chi khoảng 5 triệu euro.

Một phần do luật mới nghiêm khắc hơn về vẽ bậy, một phần nhờ graffiti trở thành một loại hình nghệ thuật, một nghề nghiệp, nên nhiều họa sĩ sống bằng nghề này, như Shuck 2.

« Tôi bán những bức graffiti, hoặc vẽ tranh tường (fresque) theo yêu cầu. Thỉnh thoảng tôi cũng trang trí các căn hộ, nhưng tôi không thích lắm. Tôi có nhiều bạn bè vẽ rất đẹp và họ cảm thấy thoải mái khi vẽ, nên nhiều người nhận trang trí nội thất. Dù không được trả thù lao nhiều hơn, nhưng đây là công việc quanh năm. Họ là những nghệ sĩ, lúc đầu phần lớn vẽ tranh bậy, sau đó, họ tìm cách chuyên biệt hơn và chuyên môn hơn. Bây giờ họ tự chủ và tự do sống bằng nghệ thuật của mình ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.