Vào nội dung chính
PHÁP - SỨC KHỎE

L’OBS: Hãy nói “Sự thật về bệnh ung thư vú”

Hãy nói “Sự thật về căn bệnh ung thư vú” là lời báo động của nhà nghiên cứu độc tính học, André Cicolella, tác giả quyển sách “Ung thư vú. Phải chấm dứt dịch bệnh này”. Trả lời phỏng vấn tuần san L’Obs số ra ngày 08-14/09/2016, ông chỉ trích chính quyền các nước phát triển đã hoàn toàn đánh giá thấp các yếu tố môi trường (các loại chất hóa học, ô nhiễm…) trong việc bùng nổ căn bệnh hiểm nghèo này.

Dải ru-băng hồng, biểu tượng cho ý thức về bệnh ung thư vú.
Dải ru-băng hồng, biểu tượng cho ý thức về bệnh ung thư vú. Pixabay
Quảng cáo

Đầu tiên, André Cicolella đã đưa ra các con số thống kê đáng quan ngại. Trong giai đoạn 1975-2000, tính trên toàn thế giới, số người mắc phải căn bệnh tai ác này đã tăng lên gấp đôi. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho 465.000 phụ nữ trong năm 2013. Và tỷ lệ này sẽ còn tăng lên gấp hai lần từ đây cho đến năm 2030.
Điều đáng lo nhất là căn bệnh này giờ cũng tác động đến những phụ nữ trẻ trong độ tuổi 30-44. Năm 2012, 22% phụ nữ Pháp dưới 50 tuổi bị ung thư vú. Những phụ nữ trẻ này lại mắc các dạng ung thư ác tính, bình thường hiếm khi gặp.

Nhà khoa học đã chỉ trích chính phủ các nước tiên tiến và Tổ chức Ý tế Thế giới đã không quan tâm đúng mức đến căn bệnh ung thư này. Các cơ quan chức năng về y tế chỉ cảnh báo người dân về tác hại của việc hút thuốc lá, uống rượu, làm việc đêm hay quá tải… Nhưng lại không đề cập gì đến các chất hóa học tồn tại trong môi trường: phtalate, bisphenol, paraben, PCB, các hợp chất perrfluoré…

Các độc chất trên được các ngành công nghiệp sử dụng rộng rãi. Người tiêu dùng có thể tìm thấy chúng trong các loại túi nhựa, thuốc trừ sâu nông nghiệp, thuốc giặt đồ, các loại mỹ phẩm, các chất phụ gia thực phẩm, thiết bị điện tử…

Tất cả những chất này, phụ nữ đã bị hấp thụ ngay từ trong bụng mẹ, lúc còn ở dạng bào thai. Đó cũng là những tác nhân làm rối loại hệ thống nội tiết tố con người. Cho dù có nhiều chất đã bị cấm sử dụng từ nhiều năm nay, nhưng tác hại của chúng vẫn còn tồn đọng dai dẳng trong lòng đất cho đến ngày nay.

Ông cho rằng ung thư vú bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, nhất là với sự xuất hiện của túi nhựa và các loại thuốc trừ sâu. Có thể nói đó là căn bệnh của những nước giầu, có nền công nghiệp phát triển. Nay thì căn bệnh này bắt đầu nở rộ tại các nước kém và đang phát triển như tại Algeri hay Mali…

Bên cạnh phần phỏng vấn ông andré Cicolella, bài giải mã của L’Obs giải thích cho độc giả hiểu các tác nhân nào có nguy cơ gây ra bệnh ung thư vú. Theo tuần san, các loại thuốc ngừa thai, thuốc điều chỉnh nội tiết tố về mãn kinh, di truyền là những tác nhân rủi ro gây bệnh.

Tuy nhiên, tờ báo khuyến khích các bà mẹ nên cho con bú, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Về cách dự phòng, bình thường phụ nữ từ độ tuổi 50 cho đến 74 tuổi, nên chụp nhũ ảnh và tấm soát ung thư vú mỗi năm. Nhưng theo bác sĩ Bernard Hédon, nếu có điều bất thường hay như có tiền sử trong gia đình, các cô có thể tiến hành các khám nghiệm ngay khi còn trẻ, có thể ngay từ lúc 30 tuổi.

Làm thế nào Daech được trang bị vũ khí hóa học ?

Vào khoảng cuối tháng 8/2016, Liên Hiệp Quốc công bố kết quả điều tra kết luận cả Damas lẫn Daech đều sử dụng vũ khí hóa học. Câu hỏi đặt ra « Làm thế nào Daech có được các loại vũ khí độc hại này ? ». Theo điều tra riêng của tờ Foreign Policy, chính các chiến binh thánh chiến của phong trào Hồi giáo cực đoan Al-Nosra đã giao nộp các loại vũ khí chết người mà họ chiếm được từ quân đội của ông Bachar Al-Assad cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tuần san Courrier International trong số báo ra ngày 08/09/2016 lược dịch lại bài viết này.

Mọi việc bắt đầu vào một ngày cuối năm 2012. Quân thánh chiến lúc đó tiến hành bao vây trại lính của tiểu đoàn 111 của chính quyền Damas, hay còn gọi là căn cứ Cheik Souleimane. Trận đánh do Mặt trận Al-Nosra chỉ huy là chính, nhưng có sự hỗ trợ từ các nhóm thánh chiến khác chủ yếu đến từ các đơn vị quân nổi dậy Libya.

Đối với quân thánh chiến, khu căn cứ này là một mỏ vàng: cả một kho vũ khí gồm súng trường, các loại đạn pháo và phương tiện quân sự. Sau một ngày giao tranh dữ dội, họ đã kiểm soát hoàn bộ khu căn cứ tiểu đoàn 111. Ngoài việc thu được cả một kho vũ khí rộng lớn, quân thánh chiến còn bất ngờ tìm được các loại chất hóa học – nhất là các thùng phuy chứa đầy chất clo, khí ga sarin và ga mù tạt.

Theo lời kể của nhân vật Abou Ahmad (biệt danh của một chiến binh Daech với tờ Foreign Policy), sau khi chiếm được khu căn cứ, các bên chia nhau chiến lợi phẩm là súng ống và đạn dược, riêng Mặt trận Al-Nosra lấy các loại vũ khí hóa học. Mười chiếc xe tải nhỏ do Al-Nosra, lúc bấy giờ là một nhánh của Al-Qaida chở 15 chiếc thùng phuy khí clo và ga sarin đi về một nơi không ai biết đến. Nhưng anh ta lại không thấy một chiếc xe nào vận chuyển hơi cay mù tạt ra khỏi trại.

Ba tháng sau, vào ngày 19/03/2013, quân đội Damas và các nhóm quân nổi dậy đánh nhau tại địa phương Khan Al-Assal, vốn trung thành với chính quyền Bachar al-Assad, gần với Aleppo. Chính quyền Syria và các phe đối lập tố cáo sử dụng vũ khí hóa học và đổ tội cho nhau đã tấn công đầu tiên bằng loại vũ khí độc hại này.

Thế nhưng, kể từ tháng 4/2013, căng thẳng giữa Al-Nosra và tổ chức Nhà nước Hồi giáo gia tăng. Mặt trận Al-Nosra ngày càng mất nhiều phiến quân. Những người này sau đó đã gia nhập hàng ngũ Daech. Tháng 8/2013, quân khủng bố Daech đã hai lần sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công chống lại quân đội Syria. Abou Ahmad tự hỏi: Phải chăng các loại vũ khí hóa học đó đến từ kho vũ khí mà các đồng đội của anh ta đã phát hiện ra vào ngày chiếm đánh khu căn cứ tiểu đoàn 111?

Về phần hơi cay mù tạt, dường như Daech vẫn nắm trong tay chất độc hại này. Hai năm sau vụ tấn công trên, tờ New York Times ngày 06/10/2015 tiết lộ rằng vào ngày 21/08 cùng năm, tổ chức khủng bố này đã tung một chiến dịch quân sự bằng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy được gọi là “ôn hòa” tại Marea, một thành phố nhỏ phía bắc Syria. Bài viết nêu rõ là Daech đã sử dụng khí lưu huỳnh mù tạt. Lời khẳng định này sau đó đã được một quân thánh chiến khác, gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan xác nhận trên chính trang blog của anh ta.

Thổ Nhĩ Kỳ : « Thời kỳ thanh trừng »

Về thời sự quốc tế, tuần báo L’Obs có bài « Thời kỳ thanh trừng ». Khi tố cáo nhà đối lập Fethullah Gulen, hiện sinh sống tại Hoa Kỳ, là người âm mưu và tổ chức cuộc đảo chính bất thành ngày 15/07, tổng thổng Recep Erdogan đã tiến hành truy quét tận gốc rễ tất cả những mối liên hệ của giáo sĩ này và trên thực tế, chiến dịch này còn nhắm vào cả phe đối lập.

Tuần báo cho biết, kể từ sau cuộc đảo chính không thành làm hơn 300 người thiệt mạng, thì đã có tới khoảng 150 ngàn người là nạn nhân của các vụ thanh trừng, 41 ngàn bị bắt giữ, 22 ngàn bị tạm giam, 51 ngàn bị đình chỉ hoặc sa thải ra khỏi bộ máy hành chính Nhà nước trong số này có 2346 giảng viên đại học, hàng chục ngàn người trong các định chế Nhà nước, trong các tòa báo, hiệp hội, bị mất việc làm. Tội danh chính của họ : Bị cáo buộc là người của Fethullah Gulen hoặc là « kẻ đồng lõa » với giáo sĩ này.

Ngay từ năm 2013, ông Erdogan đã khó chịu về việc các thẩm phán và công tố viên, mà Ankara được cho là có cảm tình với giáo sĩ Gulen, đã cho phép nghe lén điện thoại của các cộng sự thân cận, mở một cuộc điều tra nhắm vào con trai của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan hiểu ra rằng ngay cả các đồng minh giữ những vị trí cao trong chính quyền có thể làm hại ông. Cuộc đảo chính hụt tạo cớ để tăng tốc chiến dịch, vốn đã được khởi động từ nhiều tháng trước, để thanh trừng những người bị nghi ngờ thân với giáo sĩ Gulen. Sau khi « quét dọn » trong hàng ngũ cảnh sát và tư pháp, ông Erdogan chuyển sang « làm sạch » quân đội. Điều này giải thích vì sao có nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội, lo sợ bị thanh trừng, đã tham gia cuộc đảo chính ngày 15/07.

Song song với việc bắt giữ người, chính quyền của tổng thống Erdogan còn ra lệnh đóng cửa nhiều trường học, từ tiểu học đến trung học, bị cáo buộc là thuộc mạng lưới của giáo sĩ Gulen. 14 trường đại học bị đóng cửa và tài sản của các cơ sở này bị tịch thu chỉ vài ngày trước thời điểm tựu trường.

Nhiều nhân chứng tố cáo cảnh sát, an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tra tấn, ngược đãi những người bị bắt. Khi đưa ra tòa xét xử thì luật sư không thể bào chữa cho các thân chủ vì các thẩm phán dựa vào những « bằng chứng bí mật », có nghĩa là các luật sư không thể biết được. Một chính trị gia thuộc phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo : kể từ ngày 15/07/2016, chưa bao giờ nền dân chủ tại nước này lại bị đe dọa đến như vậy.

Cộng đồng người Hoa kháng cự

Tạp chí L’Obs tuần này có bài nói đến cuộc biểu tình của cộng đồng người Hoa ở Paris và vùng phụ cận sau vụ một người Hoa bị cướp và chết tại Aubervilliers ngày 07/08. Họ đòi chính quyền phải chú ý bảo đảm an ninh hơn. Đây không phải là lần đầu tiên người Hoa ở Pháp xuống đường biểu tình phản đối các vụ bạo động nhắm vào cộng đồng châu Á này. Trong các năm 2010 và 2011, người Hoa ở khu Belleville, quận 20 Paris đã xuống đường phản đối tình trạng mất an ninh.

Ông Olivier Wang, dân biểu thành phố, thuộc quận 19 Paris, cho L’Obs biết là vào năm 2011, không một ai muốn chấp nhận là có tệ nạn phân biệt chủng tộc kỳ thị châu Á, kể cả các tổ chức chống phân biệt chủng tộc tại Pháp. Bây giờ, đã có một sự thay đổi trong nhận thức. Theo phát ngôn viên Hiệp hội thanh niên Trung Quốc tại Pháp thì người ta thường nói là cộng đồng người Hoa kín tiếng, không thấy rõ. Đã đến lúc phải xóa bỏ những định kiến này.

Thế nhưng, ngay cả các tổ chức chống kỳ thị chủng tộc cũng rất vụng về trong việc xóa bỏ các định kiến về cộng đồng người Hoa. Ví dụ, để bác bỏ suy nghĩ cho rằng « người Hoa thì giàu », Phong trào chống kỳ thị chủng tộc và vì tình hữu nghị giữa các dân tộc MRAP lại giải thích là đa số người châu Á chỉ là nô lệ bị các đường dây mafia bóc lột.

Cánh hữu Pháp, khi « ca ngợi » người Hoa là cộng đồng « người nhập cư tốt », đã đẩy họ đối lập với những « người nhập cư xấu » thuộc các cộng đồng khác. Đảng Mặt trận Quốc gia, cực hữu tranh thủ lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ « những người lao động trung thực », nạn nhân của những kẻ mạt hạng. Thậm chí, một số phương tiện truyền thông cũng không cẩn thận khi dùng từ ngữ, chẳng hạn khi nói về Trung Quốc thì lại dùng từ « hiểm họa vàng ».

Theo đại diện Hiệp hội thanh niên Trung Quốc tại Pháp thì những định kiến này đã làm dấy lên những thù hằn, căng thẳng giữa các cộng đồng, trong khi tất cả những người này, bất kể nguồn gốc gì, đều sống cùng với nhau trong các khu phố. Người Hoa vẫn tiếp tục bị coi là người nước ngoài, trong khi họ là công dân Pháp.

Điều trớ trêu là cho đến tận bây giờ, khi một người Hoa bị tấn công, cướp bóc thì người ta bảo vì họ giàu có, và không một ai nói đến khía cạnh kỳ thị chủng tộc. Trong khi đó, một người Do Thái giàu có bị tấn công, cướp bóc, thì người ta tố cáo tính chất bài Do Thái của hành động phạm tội này.

Tuần báo L’Obs cho biết thêm tình hình ở La Courneuve, bên cạnh Aubervillier cũng tương tự. Do tình trạng mất an ninh, dân Do Thái bỏ đi. Người Hoa đến, và tại đây, hiện nay có tới 75% dân số là người Trung Quốc. Do bị chính quyền bỏ mặc, để đối phó với nạn bạo động, trộm cưới, cộng đồng người Hoa tự lập các nhóm canh gác, tuần tra. Chán ngán với tình cảnh này, một người Hoa ở La Courneuve tâm sự : Tôi muốn trở về Trung Quốc. Tôi chán ngán cảnh đi phải cúi đầu, lo sợ. Ở Trung Quốc, tôi sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Còn ở đây, tôi chỉ là công dân hạng hai. 

Trung Quốc: Công xưởng sản xuất công cụ an ninh – tra tấn hàng đầu

Thời sự châu Á gần như vắng bóng trên các tuần san. Riêng phóng viên tờ Le Point có dịp đến tham quan một nhà xưởng ở thị xã Tĩnh Giang và Vũ Hán, chuyên xuất khẩu các công cụ dùng trong lĩnh vực an ninh như còng tay, dù cui, gậy đinh… Tờ báo thốt lên: “Cửa hàng ưa thích của các nhà độc tài”.

An Huy, thành phố có một triệu dân chuyên cung cấp các loại thiết bị điều hòa, thịt heo ướp sấy khô… và đặc biệt là các loại dùi cui, súng điện và các loại khiên chống bạo động. Ngành kinh doanh béo bở này do một cựu bộ trưởng An ninh, người gốc tại An Huy khởi xướng vào đầu thập niên 1990.

Trung Quốc bây giờ không chỉ là công xưởng thế giới để sản xuất đồ chơi cho lễ Noel hay những bông hồng nhựa nữa. Báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International công bố năm 2014 có lưu ý là với 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này, “Những năm gần đây, Trung Quốc đã củng cố vị thế quốc gia sản xuất và xuất khẩu vũ khí cũng như là cung ứng các nhu cầu ngày càng cao các loại công cụ trấn áp”

Hàng triệu trang thiết bị “an ninh” do Trung Quốc sản xuất đã được cung cấp cho nhiều quốc gia trên khắp hành tinh bất kể đó là chế độ nào : từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho đến Iran, cả quân đội Mỹ … hay như cảnh sát châu Âu.

Binh sĩ Đức Quốc Xã cũng sử dụng chất kích thích ?

Đây chính là giả thuyết do nhà báo Đức, ông Norman Ohler đưa ra trong tác phẩm “L’extase totale” (tạm dịch là ‘Đê mê’). Tuần san Le Point trong mục Văn hóa giới thiệu sơ lược về tác phẩm này.

Vào cùng thời điểm khủng bố gieo rắc chết chóc tại Bataclan, nước Pháp năm rồi phát hiện chất Captagon. Một loại thuốc phiện gây mất cảm giác. Người sử dụng không còn tha giác cũng như là lòng trắc ẩn. Bị kích thích và trở nên cực kỳ bạo lực: bộ đôi chết người này không phải điều mới mẻ trong Lịch sử như những gì ký giả người Đức kể lại trong quyển sách “Đê mê” của mình.

Tháng 4/1940, quân đội Đức Quốc Xã đã đặt 35 triệu viên thần dược, rồi phân phát cho các binh sĩ sẵn sàng lao mình vào trận địa Ardennes. Mục tiêu là gì? Chinh phục xã Sedan, tỉnh Ardennes trong vòng 72 giờ. Kết thúc chiến dịch không cần ngủ để tấn công chớp nhoáng người Pháp. Đó chính là điều kỳ diệu của Blitzkrieg, tên của viên thần dược.

Người dân Đức đã biết và tiêu thụ chất kích thích này từ năm 1937 dưới cái tên là Pervitin. Nhờ vào sự giúp đỡ của bác sĩ Hauschild, chất ma túy đá (méthamphétamine) này, đã nhà máy Temnler, nằm ở phía đông nam Berlin tổng hợp, và sau này được đưa nước Cộng hòa Dân chủ Đức sử dụng cho các vận động viên thể thao như là chất kích thích tăng lực.

Theo giả thuyết của Ohler, người dân Đức ủng hộ và đi theo chế độ quốc xã không chỉ vì hệ tư tưởng mà còn là do dưới tác động của hóa chất. Người dân nước này đã nhai chúng để giữ được cuộc cược thách thức năng suất lao động đang đè nặng lên họ.

Giới quân nhân cũng vậy, để có thể tiến hành các cuộc phản công như sét đánh đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao, không bị ức chế và không sợ nguy hiểm. Và cuối cùng, trên thượng tầng lãnh đạo, bắt đầu từ Hitler. Bác sĩ riêng của nhà độc tài này, ông Theodor Morell đã nhồi nhét Eukodal và nhiều chất vitamin khác để giúp Hitler có thể vững tay chèo.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.