Vào nội dung chính
PHÁP- VIỆT NAM

Thị trường Việt Nam, mục tiêu chính của chuyến công du tổng thống Pháp

Là nguyên thủ Pháp đầu tiên đến thăm Việt Nam từ 12 năm nay, sau Jacques Chirac vào tháng 10/2004, chuyến công du của tổng thống François Hollande trong hai ngày 06 và 07 tháng 9, mang màu sắc biểu tượng và chính trị. Hợp tác kinh tế mới là trọng tâm trong bối cảnh cán cân thương mại bất lợi cho Pháp.

Tổng thống Pháp François Hollang họp báo tại Hà Nội, ngày 06/09/2016.
Tổng thống Pháp François Hollang họp báo tại Hà Nội, ngày 06/09/2016. REUTERS
Quảng cáo

Theo giải thích của chủ nhân điện Elysée trước khi lên đường sang châu Á, qua Trung Quốc, Việt Nam và Lào, chuyến công du này nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với khu vực có sức tăng trưởng mạnh cũng như để trao đổi văn hóa và Pháp thoại.

Hôm nay, tại Hà Nội, trong cuộc hội kiến với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, tổng thống Pháp tuyên bố mục đích là qua chuyến công du này để hỗ trợ cho doanh nghiệp Pháp mở rộng đầu tư, xây dựng cơ sở và ký kết các hợp đồng thương mại trên thị trường Việt Nam.

Cũng theo phân tích của chính nguyên thủ Pháp, tuy lịch sử có nhiều « thăng trầm » nhưng quan hệ kinh tế,văn hóa và giáo dục bậc đại học luôn chặt chẽ.

Theo nhận định của AFP, tuy quan hệ kinh tế Pháp-Việt hanh thông nhưng cán cân trao đổi thương mại càng ngày càng bất lợi cho Pháp. Xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam gần như tăng gấp đôi, nhưng nhập siêu lên đến 2,6 tỷ euro trong năm 2015 so với 2,4 tỷ trong năm 2014.

Để « chỉnh sửa » cách biệt này, tháp tùng tổng thống François Hollande là một phái đoàn doanh nhân hùng hậu đại diện cho khoảng 40 tập đoàn và đại công ty Pháp, từ hàng không, xây dựng, năng lượng sạch và y tế. Quyết tâm này đã được cụ thể hóa.

Hai ông François Hollande và Trần Đại Quang chứng kiến nghi lễ ký kết ba thỏa thuận bán 40 máy bay Airbus tổng trị giá 6,5 tỷ euro cho Hàng không Việt Nam và hai công ty chuyên chở giá rẻ Vietjet và Jestar Pacific.

Tập đoàn xây dựng BTT và Vinci cũng ký thỏa thuận với công ty Xa lộ Cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation) trong việc quản lý và xây dựng đường giao thông trong bối cảnh hệ thống quốc lộ Việt Nam bị tai tiếng thiếu chất lượng.

Biển Đông và an ninh hàng hải

Trong lãnh vực chính trị, chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang cũng biểu lộ quyết tâm « thắt chặt quan hệ chính trị » và quốc phòng với Pháp. Hồi cuối tháng 8/2016, trong diễn văn đọc tại Singapore, lãnh đạo nhà nước Việt Nam kêu gọi quốc tế, nhất là Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, hợp tác duy trì hoà bình ở Biển Đông để ngăn chận lòng tham của Bắc Kinh. Thế nhưng, Paris phản ứng thận trọng, với lý do Liên Hiệp Châu Âu đang bị « chi phối vì tình hình ở nhiều khu vực khác ».

Nhân quyền

Paris trợ giúp nhiều cho Việt Nam cải thiện về mặt luật pháp kể từ chuyến viếng thăm của tổng thống François Mitterrand vào năm 1993, mở ra một chương mới trong quan hệ song phương và tạo điều kiện cho chế độ Hà Nội thóat khỏi cô lập.

Trong một bức thư ngỏ, ba tổ chức nhân quyền Pháp kêu gọi tổng thống Hollande nêu vấn đề nhân quyền khi gặp giới lãnh đạo Việt Nam và yêu cầu chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà họat động nhân quyền.

Trong những giờ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, vấn đề nhân quyền chỉ được tổng thống François Hollande đề cập một cách gián tiếp khi tuyên bố « rất quan tâm đến Nhà nước thượng tôn pháp luật » và « nhân dân Pháp cũng như Việt Nam luôn nhắc nhở những nguyên tắc về tự do và nhân quyền ».

 

 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.