Vào nội dung chính
NGƯỜI TRUNG QUỐC - PHÁP

Người Hoa sống tại Paris đang lo sợ

Sau vụ một người Hoa bị tấn công và thiệt mạng hồi đầu tháng 08/2016, cộng đồng Hoa Kiều ở khu Belleville – Paris và ở các thị xã ngoại ô Paris là Aubervilliers và La Courneuve ngày càng tức giận : họ cảm thấy không được ủng hộ và bảo vệ tại Pháp, mặc dù bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã hứa tăng cường cảnh sát và lắp đặt caméra giám sát ở Aubervilliers.

Cộng đồng người Hoa ở Aubervilliers (Pháp) tuần hành phản đối các vụ tấn công, cướp giật.
Cộng đồng người Hoa ở Aubervilliers (Pháp) tuần hành phản đối các vụ tấn công, cướp giật. BERTRAND GUAY / AFP
Quảng cáo

Nhật báo Libération ra ngày hôm nay có một bài nói về cuộc sống, sự hòa nhập, nỗi lo sợ, sự tức giận của người Hoa sống tại Paris và các vùng ngoại ô Paris và các giải pháp của cộng đồng này nhằm đối mặt với các vụ tấn công, cướp bóc ngày càng gia tăng nhằm vào họ. Bài viết có tiêu đề « Nỗi lo sợ của người Hoa tại Paris ».

Ông Olivier Vương, một trong những người đứng đầu Hiệp Hội Thanh Niên Người Hoa tại Pháp, đồng thời là đại biểu của đảng Xã Hội tại tòa thị chính quận 19 - thành phố Paris, giải thích là trong suy nghĩ và tưởng tượng của nhiều người sống tại Pháp, người Hoa thường mang theo người nhiều tiền mặt, và họ thường không báo cảnh sát khi bị cướp. Vì thế, những kẻ lưu manh thường rỉ tai nhau là rất dễ cướp của người Hoa.

Nhưng một người Hoa ở La Courneuve cho biết những người có tiền thường không sống ở những khu vực mất an ninh thế này. Suy nghĩ người Hoa nào cũng giàu có là do ảnh hưởng từ báo chí và phim ảnh.

Một người Hoa cho biết trong vòng 10 năm ở Pháp, anh đã bị tấn công, cướp bóc 3 lần. Con trai của ông Trương Thiệu Lâm, người đã thiệt mạng hồi đầu tháng 08/2016 sau khi bị tấn công, cũng đã bị cướp 4 lần từ năm 2004 tới nay. Năm ngoái ở La Courneuve, chỉ trong hai ngày nghỉ cuối tuần mà có tới 7 vụ cướp giật nhắm vào người Hoa, kể cả phụ nữ đang mang thai cũng bị tấn công.

Cộng đồng người Hoa ở thị xã Aubervilliers còn phàn nàn là nhà chức trách không quan tâm tới họ. Mỗi khi họ tới sở cảnh sát để kiện, cảnh sát thường yêu cầu họ chờ đợi rất lâu, thậm chí cảnh sát không giải quyết ngay mà yêu cầu họ quay lại vào ngày hôm sau. Vì thế, nếu có bị cướp, nhiều người không muốn đến trình báo cảnh sát.

Thị trưởng thị xã Aubervilliers thì lại giải thích rằng nhiều người sợ bị trục xuất về Trung Quốc vì họ không có giấy tờ, nhiều người Hoa không biết tiếng Pháp, nên họ không muốn đến trình báo vì họ sợ không ai nghe họ.

Để cải thiện tình trạng này, đầu năm nay, nhà chức trách đã tuyển dụng hai phiên dịch tiếng Trung. Kết quả là, con số các vụ trình báo cảnh sát đã tăng mạnh. Nếu cả năm 2015, thị xã Aubervilliers chỉ ghi nhận 35 vụ, thì con số này đã tăng lên tới 105 vụ, chỉ tính riêng từ tháng 01 đến 08/2016.

Đối mặt với tình trạng cướp bóc ngày càng gia tăng, cộng đồng người Hoa yêu cầu chính quyền Pháp tăng cường các biện pháp an ninh, bảo vệ họ. Sau hai buổi tuần hành ngày 14/08 và 21/08, họ sẽ tổ chức buổi tuần hành thứ ba tại Paris vào ngày 04/09. Họ yêu cầu tăng số lượng cảnh sát và lắp đặt thêm nhiều caméro giám sát trên đường phố để phụ nữ và trẻ em không còn phải sợ hãi mỗi khi đi một mình. Họ muốn một cuộc sống bình thường như những người Pháp khác.

Tại khu phố Belleville, quận 19 – Paris, nơi tập trung rất nhiều người Hoa, một đơn vị cảnh sát tuần tra các khu phố vào những giờ nhất định. Một hiệp hội những người kinh doanh ở Belleville cũng đã được thành lập, để liên lạc trực tiếp và thường xuyên với sở cảnh sát. Theo ông Richard Beraha, tác giả cuốn sách « Trung Quốc tại Paris, cuộc điều tra trong lòng một thế giới ít người biết tới » đánh giá là chính các biện pháp giáo dục và xã hội đã cải thiện an ninh ở Belleville.

Còn những người dân sống ở Belleville thì lại cho rằng, căng thẳng đã giám bớt vì cộng đồng người Hoa đã học cách sống chung với nạn cướp giật. Đa số không đeo trang sức nữa, khi đi trên phố, họ cũng không dám cầm điện thoại di động trên tay.

Nếu cộng đồng người Hoa ở Aubervilliers yêu cầu chính quyền tăng cường an ninh thì người Hoa ở thị xã La Courneuve lại đòi hỏi các biện pháp giáo dục dân chúng như ở Belleville. Và thay vì ngồi chờ đợi cảnh sát tăng cường tuần tra hay các biện pháp khác của nhà chức trách, cộng đồng người Hoa đã quyết định tập trung thành nhóm để những tên lưu manh phải dè chừng họ hơn. 

Người Hoa tại Pháp cũng lo ngại là các vụ cướp sẽ dẫn tới mâu thuẫn giữa các cộng đồng sắc tộc khác với cộng đồng người Hoa. Đối với nhiều người Hoa, phần lớn những kẻ tấn công, cướp bóc họ là dân nhập cư gốc Phi hoặc gốc Ả Rập.

Dân Mêhicô chỉ trích nặng nề chuyến thăm của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhật báo Le Figaro đặt câu hỏi tại sao ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã gọi Mêhicô là « đất nước của kẻ thù » và gọi người dân Mêhicô là « quân trộm cắp », « nghiện hút », « tội phạm » lại có thể thành khách mời của tổng thống nước này ? Và tại sao tổng thống Mêhicô Pena Nieto, người đã so sánh Donald Trump với Mussolini và Hitler lại đích thân mời ông Trump tới phủ tổng thống ở Los Pinos.

Trong bài viết có tựa « Ở Mêhicô, chuyến thăm của ứng viên tổng thống Mỹ bị chỉ trích nặng nề », Le Figaro trích lời nhà nghiên cứu chính trị Mêhicô Jorge Javier Remoro nói rằng : « Chúng tôi cứ tưởng đó chỉ là một trò đùa cợt ».

Chuyến thăm Mêhicô của ông Donald Trump đã làm xấu thêm danh tiếng của tổng thống Mêhicô, vốn đã bị chỉ trích nhiều về vụ mất tích của 43 sinh viên  hồi tháng 09/2014, các vụ tham nhũng, các vụ đấu đá vì lợi ích và cuộc đình công kéo dài không dứt của các giáo viên. Tổng thống Mêhicô đã làm mất lòng dân chúng. Giới trí thức Mêhicô đã chỉ trích ông, ban đầu là trên mạng xã hội Twitter, sau đó là trên báo chí.

Ông Enrique Krauze, nhà nghiên cứu lịch sử người Mêhicô đã dành những lời sau cho tổng thống : « Hãy khẳng định với chúng tôi là ông sẽ không xây bức tường bằng 11 triệu đô la của người Mêhicô ». Ông cũng kêu gọi ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump phải xin lỗi người dân Mêhicô.

Cựu tổng thống Mêhicô Vicente Fox, người thi thoảng đã thóa mạ ông Trump thì cũng viết trên Twitter là ông Trump không được chào đón ở Mêhicô. « Ông ta cần biết là 130 triệu người Mêhicô và 25 triệu người Mêhicô tại Mỹ  đều ruồng bỏ ông ta ». Thậm chí, cựu tổng thống Mêhicô Vicente Fox còn cho rằng ông Trump đã thua trong cuộc chạy đua và chuyến thăm Mêhicô lần này chẳng qua là chỉ để cứu vãn hình ảnh của ông này : « Ông ta đang trong tình trạng vô vọng, ông ta đang mất điểm trầm trọng trong các cuộc thăm dò ý kiến ».

Một cố vấn của ông Trump, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN, cũng đã khẳng định là ông Trump sang Mêhicô cũng chỉ để xuất hiện trên các bức ảnh, nhằm cho thấy hình ảnh một con người nghiêm túc, bên cạnh một lãnh đạo chính trị cao cấp.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, những lời chỉ trích của dân chúng Mêhicô không chỉ nhằm vào ông Donald Trump mà còn nhằm vào tổng thống Mêhicô. Họ trách tổng thống vì chính ông là người mời Donald Trump tới Mêhicô. Họ cũng trách là trong cuộc gặp gỡ, tổng thống Nieto đã không cứng rắn với ông Trump, đặc biệt về chủ đề bức tường dọc biên giới hai nước. 

Ông Miguel Barbosa, một nghi sĩ Đảng đối lập, đã viết trên Twitter như sau : «Đất nước Mêhicô cảm thấy bị tổn thương sâu sắc vì không được tổng thống bảo vệ một cách nghiêm túc ». Ý kiến về một « sai lầm lịch sử » đang lan tràn trên mạng Internet.

Còn tổng thống Mêhicô Pena Nieto, cảm thấy phật ý, đã lập tức thay  đổi thái độ. Nếu trước đó, ông đánh giá cuộc trao đổi với ông Trump là « tích cực và mang tính xây dựng », thì giờ tổng thống lại chỉ trích nặng nề ông Donald Trump : « Các đề xuất chính trị của ông ấy đe dọa nghiêm trọng tới Mêhicô và tôi không định khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì cả».  

50% các hộ gia đình tại Pháp không được gửi con đi nhà trẻ

Trong bài viết « Một nửa số hộ gia đình không được gửi con đi nhà trẻ », nhật báo Les Echos cho biết Pháp đã không hoàn thành chỉ tiêu về nhà trẻ đã đề ra cho năm 2017.

Theo Viện Quan Sát Quốc Gia Về Trẻ Nhỏ, chỉ có 68% số hộ gia đình có con nhỏ dưới 3 tuổi và tìm chỗ gửi con được đáp ứng nguyện vọng. Theo số liệu của Viện, 26% số gia đình không có nhu cầu gửi con bên ngoài. Số hộ gia đình muốn gửi con đi nhà trẻ chiếm 25%. Nhưng số chỗ trong các nhà trẻ lại rất hạn chế, chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu của các gia đình có nhu cầu gửi con đi nhà trẻ.

Mặc dù chính phủ đã ưu tiên xây mới thêm nhiều nhà trẻ và cải tạo, mở rộng thêm các nhà trẻ đã có nhưng vẫn không đạt được mục tiêu đã đề ra, vì các địa phương không có đủ khả năng tài chính.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, số đàn ông chấp nhận nghỉ việc ở nhà, hưởng trợ cấp để chăm con và để người vợ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp, có dấu hiệu tăng nhẹ.

Trang nhất các báo Pháp

Nhật báo Le Monde quan tâm tới kế hoạch trấn át nạn nhập cư trái phép của cưunsg viên Donald Trump và chạy tít trang nhất : « Mỹ : Donald Trump kiên định theo đường lối chống nhâp cư ». Theo Le Monde, đường lối của Donald Trump đã rõ ràng : buộc người nhập cư trái phép phải ra khỏi nước Mỹ và bắt Mêhicô phải trả tiền xây bức tường giữa biên giới hai nước.

Quan tâm tới tình hình chính trị trong nước, nhật báo công giáo La Croix chạy tựa trang nhất : « Liệu có nên bỏ trường Hành Chính Quốc Gia ? ». La Croix nhận định là đề xuất của chính trị gia cánh hữu Bruno Le Maire bỏ trường Hành Chính Quốc Gia Pháp sẽ ít có cơ hội thành hiện thực, nhưng nó gợi cho người ta suy nghĩ để cải cách trường này.  

Chú ý tới thị trường bất động sản tại Pháp, nhật báo Kinh tế Les Echos dành hồ sơ dài 6 trang cho đề tài này. Les Echos đặt câu hỏi « Thị trường bất động sản : Làm thế nào để tận dụng cơ hội ? » khi giá bất động sản không tăng, còn lãi xuất vay tiền mua nhà đang ở mức thấp nhất.

Quan tâm tới tình hình nhập cư ngay chính tại nước Pháp, nhật báo Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Nhập cư bất hợp pháp : số các trục xuất giảm mạnh ». Le Figaro cho biết, theo một tài liệu mật của Bộ Nội Vụ Pháp, con số các vụ trục xuất người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp tại Pháp đã giảm 20% trong vòng 6 tháng. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.