Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Truyền thông Pháp có nên đăng danh tính của những tên khủng bố ?

Ngoài mối bận tâm của nhật báo Les Echos liên quan đến « Những tín hiệu khởi sắc cho các doanh nghiệp hàng đầu của Pháp » trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, « khủng bố » là chủ đề chính trên trang nhất nhiều nhật báo Pháp sáng ngày 29/07/2016.

Anh ninh trước cửa nhà thờ sau vụ sát hại cha xứ tại Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen.
Anh ninh trước cửa nhà thờ sau vụ sát hại cha xứ tại Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen. REUTERS/Pascal Rossignol
Quảng cáo

Le Monde chú ý đến sự « đối đầu chính trị trong việc tăng cường các biện pháp trấn áp khủng bố ». Làm thế nào bảo vệ người dân trước các vụ tấn công khủng bố mà không làm thụt lùi Nhà nước Pháp quyền ? Tranh luận đã dấy lên sau vụ tấn công một nhà thờ gần Rouen hôm thứ Ba 26/07.

Trước các vụ tấn công khủng bố và nhất là vụ sát hại cha xứ nhà thờ, từ Cracovie (Ba Lan), đức giáo hoàng Phanxico có lời kêu gọi giới trẻ « đừng sợ hãi ». Le Figaro cho biết, Ngài kêu gọi các bạn trẻ hãy tiếp tục sống, bất chấp tất cả, không được khép mình trong một giai đoạn đầy biến động mà ngài cho rằng các bạn trẻ « nên tập quen dần ».

Can đảm, nhưng cũng phải vị tha. « Hãy vượt qua cơn phẫn nộ » là hàng tít lớn trên nhật báo công giáo La Croix. Những tín đồ công giáo được kêu gọi một ngày nhịn ăn và cầu nguyện, một lời mời gọi chống lại sự hận thù.

Trước tình trạng các vụ khủng bố nối tiếp nhau xảy ra, đã có nhiều cuộc tranh luận của giới truyền thông, liên quan đến việc xử lý thông tin. Báo Libération và Le Monde ra hôm nay đều có bài đề cập đến chủ đề này. Libération đặt ra câu hỏi : « Những kẻ khủng bố : Liệu có nên chỉ mặt gọi tên ? », còn Le Monde chạy tựa : « Truyền thông đối mặt với việc xử lý thông tin liên quan đến khủng bố ».

Có nên đăng hình của kẻ khủng bố... ?

Libération điểm qua phản ứng của một số đơn vị truyền thông lớn tại Pháp. Theo bài báo, việc xử lý thông tin liên quan đến những kẻ khủng bố của giới truyền thông, nếu làm không khéo sẽ có nguy cơ biến thành việc biểu dương những kẻ hồi giáo cực đoan hoặc vô tình reo rắc thêm nỗi sợ hãi cho người dân, tức là làm đúng như điều mà tổ chức nhà nước hồi giáo cực đoan mong muốn.

Liên quan đến việc cho đăng tải tấm hình của những kẻ khủng bố, hôm thứ tư, 27/07/2016, một số hãng thông tấn lớn của Pháp như Le Monde, BFM-TV, Europe 1 và France Medias Monde (bao gồm RFI, France 24 và Monte Carlo Doualiya), đã nói « Không » với việc này.

Lý giải cho quyết định này, ông Jérôme Fenoglio, giám đốc của nhật báo Le Monde nói : « Từ sau vụ khủng bố tại Nice, chúng tôi không cho đăng ảnh của kẻ giết người để tránh hiệu ứng mang tính biểu dương tên này sau khi hắn chết ». Còn giám đốc ban biên tập của BFM-TV, ông Hervé Béroud, thì khẳng định rằng : « Chúng tôi muốn tránh đặt những tên khủng bố ngang hàng với các nạn nhân mà chúng tôi cho đăng ảnh ».

… còn danh tính của họ ?

Tuy nhiên, cả Le Monde và BFM-TV lại đồng tình với việc nêu tên tác giả vụ khủng bố. Vẫn ông giám đốc của BFM-TV cho rằng « họ tên là yếu tố chứa đựng thông tin cũng như là quá trình mà tên khủng bố đã trải qua ». Trong khi đó, đài phát thanh Europe 1 lại chọn không cho đăng danh tính của kẻ khủng bố. Còn France Médias Monde thì sẽ « vô cùng hạn chế » trong việc nhắc đến tên của những kẻ này.

Nếu ẩn cả danh tính và hình của kẻ khủng bố ?

Ông Alexis Brézet, giám đốc ban biên tập của nhật báo Le Figaro thì nhận định : « Đó là cả một vấn đề liên quan đến mức độ, sự thận trọng và mục đích của việc làm ». Giám đốc phụ trách thông tin của hãng truyền hình Pháp France Télévisions, ông Michel Field, trong một lá thư điện tử gửi cho nhân viên đã nhắc đến cụm từ « các hậu quả tai hại ».

Thông tín viên Wassim Nasr của France 24, chuyên gia về Hồi Giáo cực đoan thì đoan chắc rằng : « Nếu chúng ta không cho đăng ảnh hoặc danh tính của tác giả các vụ khủng bố thì đồng nghĩa với việc mở thêm ra cho chúng một cánh cửa nữa ». Vẫn theo ông này, « nếu cho rằng bọn khủng bố hành động để được truyền thông cho đăng ảnh thì rõ ràng là chỉ tập trung đến khía cạnh tâm lý ; điều đó cũng thú vị nhưng trên hết, khi những kẻ Hồi Giáo cực đoan tiến hành những hành động mang tính chính trị, đó là nhân danh của một tổ chức : tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo cực đoan ».

Thông tín viên David Thomson của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, một người am hiểu về Hồi Giáo cực đoan, cũng bày tỏ một số e ngại, mà theo đó quá trình truy danh anh hùng (những kẻ khủng bố) được diễn ra ngay bên trong thế giới của phe Hồi Giáo cực đoan. Khi trả lời nhật báo Libération, David Thompson khẳng định rằng giới truyền thông có thể khiến khuếch đại thêm việc làm này nhưng điều cốt lõi không nằm ở chỗ đó. Anh Thompson cũng cho hay rằng phe Hồi giáo cực đoan vô cùng tán thưởng các tấm hình cho thấy « sự yếu thế » của giới quyền lực tại các quốc gia Tây Âu, chẳng hạn như những tấm hình của cảnh sát đang nhỏ lệ.

Thời gian gần đây, ý tưởng « ẩn danh » các kẻ khủng bố đã được đề cập đến. Một lời kêu gọi được truyền bá rộng rãi trên mạng đã thu nhận được hơn 70.000 chữ kí đồng tình với việc làm này. Chuyên gia tâm lý Fethi Benslama khi trả lời nhật báo Le Monde đã đặt ra câu hỏi : « Tại sao không đặt ra một hiệp ước, theo đó giới truyền thông cam kết chỉ để các chữ cái đầu khi nhắc đến tên của những kẻ khủng bố, hay không cho đăng hình, cũng không đưa các chi tiết về tiểu sử của những kẻ này, những yếu tố cho phép xác định danh tính của chúng ? ».

Trường hợp của France 2 và TF1

Trong khi đó, nghị sĩ Hervé Mariton cùng 41 thành viên thuộc đảng cánh hữu đã yêu cầu Cơ quan Nghe Nhìn Pháp - CSA-  có biện pháp trừng phạt kênh truyền hình France 2 và TF1. Đối với trường hợp của kênh France 2, kênh này đã cho phát đoạn phim một nhân chứng đứng quay lại cảnh tượng những người thân của mình bị thiệt mạng tại Nice.

Đối với trường hợp của kênh truyền hình TF1, kênh này đã cho đăng ảnh tự chụp của tên lái xe Hồi Giáo cực đoan đã dùng xe tải lao vào đám đông ở Nice. Việc đăng tải ảnh này bị coi như một ví dụ cho việc biểu dương cho hành động của hắn.

Rất có thể CSA sẽ áp dụng hình thức phạt đối với France 2. Ngoài ra, cơ quan này cũng dự kiến soạn thảo thêm điều khoản liên quan đến cách mà giới truyền thông xử lý thông tin của khủng bố.

Còn thông tin và hình ảnh liên quan đến tâm trạng sau vụ khủng bố ?

Thời gian vừa qua, các cuộc tranh luận xung quanh vấn đề có nên nêu danh tính và hình ảnh của kẻ khủng bố, một câu hỏi lớn hơn đã được đặt ra, đó là : « Khi đề cập đến các vụ khủng bố và các tâm trạng do vụ khủng bố này gây ra, các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình liệu có ưu tiên cho đăng tải nỗi sợ hãi ? ». Ông thẩm phán David Benichou khi trả lời đài France Inter đã nhận định rằng « chính giới truyền thông mang đến sức sống cho khủng bố ».

Vậy « Phải làm gì ? Không nhắc đến khủng bố nữa hay bình thường hóa sự việc ? Đó quả là một hiểm họa lớn ». Trên đây là nhận định của giám đốc biên tập của BFM-TV. Còn giám đốc phụ trách xuất bản của nhật báo Libération, ông Johan Hufnagel thì nhận định đây giống như « câu chuyện con gà mái và quả trứng ». Ông này cũng khẳng định rằng các quốc gia mà giới truyền thông còn yếu hoặc bị kiểm soát cũng không thể coi là được yên với những gì liên quan đến phe Hồi giáo cực đoan.

Dân chúng những nước này rất có thể sẽ chỉ trích việc các kênh truyền hình chậm trễ trong việc đăng tải trực tiếp thông tin của vụ khủng bố. Ông nhận định : « Giới truyền thông phải vượt được lên trên cảm xúc mà vẫn có thể đưa được thông tin liên quan đến sự việc, trong đó bao gồm cả cách thức đề cập ». Đây quả là một mục tiêu đầy tham vọng », bài báo kết luận.

Marseille trang bị caméra thông minh để chống khủng bố

Vẫn liên quan đến chủ đề khủng bố tại Pháp, nhật báo Le Figaro có bài : « Cuộc chiến chống khủng bố : Thành phố Marseille trang bị caméra thông minh ». Đây là trường hợp đầu tiên mà một thành phố của Pháp được trang bị loại caméra thông minh dạng này.

Bà Caroline Pozmentier phó thị trưởng thành phố Marseille giải thích : « Những caméra loại này có thể dùng để phát hiện các hành vi bất thường trong một đám đông, hay trên các chặng đường vắng người qua lại, hay sự xuất hiện của ai đó tại những nơi bị cấm, hoặc cho phép đọc biển số xe hoặc phân tích âm thanh ».

Tuy nhiên, cho đến nay, các caméra thông minh loại này không cho phép nhận dạng các đối tượng thuộc danh sách đen, bởi lẽ tại Pháp, việc nhận dạng khuôn mặt đến nay vẫn bị coi là bất hợp pháp.

Điện lực Pháp đầu tư vào lĩnh vực nguyên tử tại Anh

Trong mối hợp tác Pháp-Anh, nhật báo Le Figaro có bài viết đề cập đến việc ngày 28/07/2016, tập đoàn điện lực quốc gia Pháp EDF đã hợp thức hóa quyết định cuối cùng về đầu tư mà theo đó anh khổng lồ này sẽ cho xây dựng và khai thác hai lò phản ứng nguyên tử EPR tại quận Somerset của Anh. Khoản tiền đầu tư lên tới 18 tỉ bảng Anh, tức 22 tỉ euro, trong đó 1/3 số tiền này là do được tập đoàn Trung Quốc CGN cấp.

Obama lạc quan về tương lai của Mỹ

Mục điểm báo khép lại với thời sự nước Mỹ, nhật báo Le Monde có bài : « Bài học về sự lạc quan của tổng thống Mỹ Barack Obama », đi kèm là tấm hình ông đang nắm chặt tay nữ ứng viên cho chức tổng thống Hillary Clinton và nở nụ cười rạng ngời.

Bài báo thuật lại việc tổng thống Barack Obama có mặt tại đại hội của đảng Dân Chủ đã diễn ra vào 27/07/2016, và nhiệt liệt ủng hộ bà Hillary Clinton, đồng thời cũng trực tiếp tấn công đối thủ của bà là ông Donald Trump. Bài báo trích đăng lại một trong nhiều lời nhận định của ông Obama : « Châu Mỹ vốn đã lớn, đã mạnh. Sức mạnh và tầm vóc của chúng ta không hề phụ thuộc vào Donald Trump ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.