Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp : Tăng tốc rò rỉ chất xám

Mục xã hội của nhật báo Le Figaro ngày 17/05/2016 báo động tình trạng người Pháp ra hải ngoại sinh sống, đặc biệt là những người có bằng cấp cao, tăng mạnh. Bên cạnh đó, các vấn đề như visa nhập cảnh, thuế khóa và việc làm là những nguyên nhân chính gây nản lòng nhiều sinh viên ưu tú nước ngoài ở lại Pháp.

Hoa Kỳ vẫn là miền đất thu hút nhiều nhân tài nhất, trong đó lượng các nhà nghiên cứu về vật lý có năng lực rời châu Âu sang Mỹ để sinh sống và làm việc chiếm tỷ lệ cao nhất.
Hoa Kỳ vẫn là miền đất thu hút nhiều nhân tài nhất, trong đó lượng các nhà nghiên cứu về vật lý có năng lực rời châu Âu sang Mỹ để sinh sống và làm việc chiếm tỷ lệ cao nhất. AFP
Quảng cáo

Le Figaro đề tựa « Rò rỉ chất xám tại Pháp tăng tốc ». Đây là kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học, Cecilia Garcia-Penalosa và Etienne Wasmer, Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế và Xã Hội, một cơ quan tập hợp nhiều kinh tế gia cố vấn cho thủ tướng.

Theo quan sát của hai nhà khoa học, nước Pháp bị thâm hụt về số người nhập cư có bằng cấp đến từ những nước giàu có. Trên thực tế, số lao động ngoại quốc có tay nghề cao xác thực ở Pháp chủ yếu đến từ « những quốc gia mới trỗi dậy và đang phát triển ». Nhìn một cách tổng quát, nếu so sánh đầu ra và đầu vào, trong giai đoạn 2006-2011, số lượng người nhập cư có bằng cấp cao xác thực ở lại Pháp trong khoảng thời gian này đã bị giảm hẳn.

Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn là miền đất thu hút nhiều nhân tài nhất, mà ví dụ điển hình là lượng các nhà nghiên cứu về vật lý có năng lực rời châu Âu sang Mỹ để sinh sống và làm việc chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này đã mang lại cho Hoa Kỳ nhiều tác động tích cực từ dòng người nhập cư có chất lượng cao nếu nhìn vào chất lượng cải tiến khoa học và lượng các bằng sáng chế nộp hằng năm.

Hai tác giả lưu ý là người nhập cư chiếm tỷ lệ đông trong giới doanh nhân và công nghệ tiên tiến. Tính chất bổ sung giữa những người có tay nghề cao bản địa với những người nhập cư, « đặc biệt là những người đến từ các quốc gia giầu có » cho phép làm gia tăng Tổng sản phẩm nội địa GDP. Do đó, dù với một tỷ lệ nhỏ nhoi so với tổng dân số cả nước, lượng người lao động có tay nghề cao bỏ xứ ra đi cũng có « nguy cơ làm chậm lại một cách rất đáng kể khả năng sản xuất ».

Bàn về nguyên nhân, hai tác giả cho rằng, sở dĩ Pháp không thể giữ chân được các du học sinh ưu tú nước ngoài như Anh và Hà Lan, đó là do chính sách cấp visa cũng như môi trường cung cấp việc làm kém hấp dẫn. Các sinh viên ưu tú châu Âu thích ở lại Mỹ một khi hoàn thành luận án tiến sĩ là do họ có nhiều cơ hội được tuyển dụng trong một trường đại học danh giá.

Cuối cùng, nghiên cứu của hai bà ghi nhận là những người chuyên về « công nghệ tiên tiến » lại rất nhạy cảm với chính sách thuế khóa. Mức thuế lũy tiến về thuế thu nhập cũng đóng một vai trò trong việc chọn địa điểm. Trong trường hợp mức thuế lũy tiến ở mức 60% của một quốc gia nào có thể giảm được 10 điểm, quốc gia đó có thể giữ được 1% các nhà phát minh « siêu sao » tại chỗ và thu hút thêm ít nhất 26% các nhà phát minh « siêu sao » nước ngoài, báo cáo nhận định.

Sinh viên nước ngoài : Chấm dứt thời kỳ miễn học phí ?

Bên cạnh những khuyến nghị về chính sách cấp visa, thuế khóa và việc làm, Hội Đồng Phân Tích Kinh Tế Và Xã Hội còn cho rằng nên xem lại chính sách miễn học phí cho các sinh viên ngoài châu Âu, theo mô hình của Anh quốc. Theo đó phân biệt hai đối tượng sinh viên : Một đến từ một nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu và số khác đến từ ngoài châu Âu. Và đối tượng thứ hai này phải đóng học phí, với mức gần với giá thực tế.

Đề xuất này được nhiều cơ sở đào tạo danh tiếng và các trường đại học lớn ủng hộ từ nhiều năm nay, nhưng không nhận được phản hồi từ phía chính phủ. Mục tiêu không phải « đề xuất các chương trình đào tạo khác cho các sinh viên nước ngoài này mà yêu cầu họ phải tham gia đầy đủ vào chương trình hiện có mà không làm nặng gánh có người dân Pháp ».

Về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài, báo cáo của hai nhà khoa học đề xuất thành lập một cổng tiếp nhận duy nhất theo vùng để đón tiếp những sinh viên tài năng nước ngoài và đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ « thông hành tài năng » bằng một hướng dẫn đầy đủ về những hồ sơ tại các lãnh sự quán khi nộp hồ sơ xin visa dài hạn.

Trung Quốc : 50 năm sau, bóng ma Cách mạng Văn hóa còn lai vãng ?

Kỷ niệm 50 năm ngày khởi động cuộc Cách Mạng Văn Hóa là đề tài thời sự châu Á chính trên hai nhật báo Le Figaro và La Croix. Dù 50 năm đã trôi qua, nhưng cuộc Cách Mạng Văn Hóa vẫn làm dấy lên nhiều mối lo sợ.

Những năm tháng đó, hàng ngàn thanh niên thành thị bị buộc xuống nông thôn để học « cải tạo », để học biết như thế nào là cuộc sống thật. « Cách Mạng Văn Hóa nhìn từ nông thôn », La Croix trích lời kể của ông Lão Tôn nhớ lại những « tiểu » trí thức thành thị đó đến làng của ông vào năm 1968 như thế nào, tối ngủ nằm xếp lớp trong chuồng ngựa trên những đụn rơm ra sao, và phải làm việc cật lực làm việc từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối. Ông còn nhớ lại : « Sau giờ làm việc, một trong số các lãnh đạo còn bắt họ đọc và tranh luận về đường lối của đảng, định hướng của Mao, những thành công của Trung Quốc ».

Thế nhưng, đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, đó chỉ là những « sai lầm », giai đoạn này chỉ là một sự « trệch hướng của cánh tả » ban đầu do Mao gây ra, nhưng sao đó bị những người phản cách mạng thao túng. Nếu như có ai đó kêu gọi đảng và giới trí thức phải có trách nhiệm « giải thích rõ » về chiến dịch này, ngay lập tức sẽ bị báo chính chính thống trong nước chỉ trích cho rằng việc làm này có nguy cơ « đe dọa đồng thuận chính trị đạt được và làm trỗi dậy những ý tưởng gây xáo trộn ».

Le Figaro nhận thấy lễ kỷ niệm năm nay diễn ra trong bối cảnh giới trí thức và những người cấp tiến quan ngại về những biện pháp mà ông Tập Cận Bình sử dụng để củng cố quyền lực và vĩnh cửu hóa sự thống trị của đảng.

Năm 2015, khi ông Tập tung chiến dịch bài tư tưởng phương Tây độc hại, nhiều blogger nổi tiếng lên tiếng mỉa mai cho rằng « Làn gió Cách Mạng Văn Hóa lại đang trỗi dậy ». Họ nhận thấy có « một điểm giống nhau giữa một Trung Quốc thời hiện đại với Trung Quốc thời Mao Trạch Đông ».

Dẫu sao, họ cũng lạc quan tin rằng, sự kiện lịch sử đen tối đó sẽ không có cơ hội tái diễn, vì dưới thời đại Internet, chính quyền « khó có thể mà thao túng người dân, bất chấp lệnh kiểm duyệt. Bản thân nhiều nhà lãnh đạo đảng Cộng sản cũng không muốn thấy một cuộc Cách Mạng Văn Hóa thứ hai… Vì họ e sợ mất đi quyền lực và tài sản tích tụ được », một sử gia viết.

Cách sống của cha cũng ảnh hưởng đến bào thai

Đây là lời cảnh báo do các nhà khoa học trường đại học Georgetown (Washington) công bố trên Journal of Stem Cells, được Le Figaro trích dẫn lại. Theo giải thích của Tiến sĩ Joanna Kitlinska, ngoài yếu tố ảnh hưởng từ môi trường mà người mẹ sinh sống, « cách sống và tuổi của người cha có thể ảnh hưởng lên những tế bào kiểm soát các chứng năng di truyền. Một người cha có thể tác động lên đứa con trực tiếp, nhưng cũng có thể là những hậu thế tương lai ».

Các tác giả đặc biệt lưu ý, ngay thời điểm thụ thai, ngoài vấn đề tuổi tác, các yếu tố môi trường khác như cách ăn uống, phơi nhiễm các chất độc hại như thuốc lá, chất phóng xạ, stress… nhất là việc tiêu thụ rượu có thể làm thay đổi thông tin di truyền do các tinh trùng truyền tải.

Trang nhất các báo Pháp

Thời sự nước Pháp là chủ đề chính trên trang nhất ba nhật báo, Les Echos, Le Figaro và Libération. Cả hai tờ Le Figaro và Les Echos đều quan tâm tới luật lao động El Khomri với nhiều cuộc biểu tình phản đối diễn ra trong hôm nay. Le Figaro đăng trên trang nhất : « Biểu tình, đình công, tổng thống Hollande bị tấn công trên mọi mặt ». Còn theo nhật báo kinh tế Les Echos, « Luật lao động : nghiệp đoàn CGT bị xu hướng cực đoan cám dỗ ». Với các cuộc đình công, phe phản đối luật El Khomri đang đi tìm luồng gió mới. Còn nhật báo Libération nhận định « Làn sóng tuần hành mới chống luật lao động ».

Trên trang nhất của tờ báo thiên tả này là chủ đề tình trạng giết mổ dã man gia súc dưới dòng tựa : « Các lò mổ : Chúng ta đều là đồng phạm tình trạng man rợ này ». Sau hàng loạt video gây sốc được hiệp hội bảo vệ động vật có tên L214 công chiếu, tờ báo thiên tả giành 5 trang đầu thuật lại lời làm chứng của một bác sĩ thú y về tình trạng giết mổ súc vật tại Pháp.

Còn trang nhất tờ La Croix dành đăng lại buổi phỏng vấn đặc biệt mà giáo hoàng Phanxicô dành riêng cho nhật báo công giáo. Bên cạnh chân dung của đức giáo hoàng là câu nói của ngài : « Chúng ta đều bình đẳng, như những người con của Chúa Trời hay với phẩm cách con người ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.