Vào nội dung chính
THỰC PHẨM SẠCH

Thực phẩm ‘‘sạch’’ đủ nuôi toàn thế giới ?

Cách nay mươi năm, thực phẩm « sạch » hay thực phẩm tự nhiên (người Pháp gọi là hàng « Bio ») thường được cho là chỉ dành cho một thiểu số trong xã hội, có điều kiện sống khá giả. Nhận thức về vấn đề này nay đã thay đổi rất nhiều. Tại nhiều quốc gia phát triển, thị phần thực phẩm được nuôi trồng theo phương thức tự nhiên đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu công phu trong thời gian gần đây đặt vấn đề : Liệu nông nghiệp « sạch » có thể trở thành nền nông nghiệp chủ đạo của thế kỷ 21, đủ sức nuôi 10 tỷ dân cư trên hành tinh ?

Nhãn mác một sản phẩm táo BIO
Nhãn mác một sản phẩm táo BIO Ảnh : Chính phủ Pháp
Quảng cáo

Bài « Hàng Bio có thể nuôi được thế giới ? », trên tạp chí Pháp « Khoa học và Tương lai » (Science et avenir, tháng 2/2016), giới thiệu kết quả nghiên cứu của một nhóm nhà nông học, đại học tiểu bang Washington (WSU) (1). Dựa trên việc tổng hợp, đối chiếu ít nhất 70 nghiên cứu trên quy mô toàn cầu trong thời gian gần đây, nghiên cứu của đại học WSU nhấn mạnh trước hết đến năng suất của thực phẩm sạch (organic).

Thứ nhất là năng suất của « nông nghiệp (thuận) tự nhiên » (nông nghiệp sinh thái) vẫn còn tương đối thấp so với « nông nghiệp chuyên canh » (hay "nông nghiệp quy ước"/"agriculture conventionnelle", tức nền nông nghiệp chủ đạo hiện hành, cơ giới hóa cao độ, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón), từ 8% đến 25%. Gạo, đậu nành (hay đậu tương), ngô nằm trong số các thực phẩm sạch có năng suất cao nhất, chỉ kém từ 6% đến 11%. Khoảng cách lớn nhất là lúa mì hay hoa quả, với chênh lệch năng suất xấp xỉ 30%. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều đồng thuận hơn trong việc các chủng loại cây trồng tự nhiên, nếu được chọn lọc tốt, có khả năng kháng cự tốt hơn với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong một kỷ nguyên mà các hệ quả của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu (2).

Về vấn đề này, nhà nông học Pháp Jacques Caplat có quan điểm triệt để hơn. Với cuốn sách phổ biến khoa học mới, ông khẳng định thực phẩm sạch có thể đủ chu cấp cho từ 9 tỷ đến 12 tỷ dân cư hành tinh (3).

Về chất lượng, theo WSU, 12 nghiên cứu so sánh các thực phẩm tự nhiên với thực phẩm quy ước, được công bố từ năm 2000, cho thấy ưu thế của thực phẩm sạch, ví dụ như về hàm lượng vitamin C, oméga 3 hay các chất chống ô-xy hóa… Thực phẩm sạch còn có ưu điểm là tránh cho người tiêu thụ các thuốc trừ sâu độc hại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu tổng hợp nói trên của WSU, tác động đến sức khỏe con người của thực phẩm có chứa các thành phần độc hại trong thuốc trừ sâu (ở các thực phẩm quy ước) còn chưa được chỉ ra rõ ràng.

Những lợi ích kinh tế và sức khỏe chưa tính hết của hàng "Bio"

Nhìn chung, các nhà khoa học Đại học Mỹ WSU ghi nhận 2 ưu thế không thể bác bỏ được của nông nghiệp sinh thái. Thứ nhất là bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, đất đai, ít thải ra các loại khí gây hiệu ứng nhà kính, thứ hai là, cùng với việc môi trường được bảo vệ, nông nghiệp sinh thái cũng mang lại một cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn cho người làm nông, đặc biệt do ít bị tiếp xúc với các thuốc trừ sâu độc hại.

Về mặt hiệu suất kinh tế, các tác giả WSU ghi nhận : Một nghiên cứu duy nhất hiện nay về 55 quốc gia, thuộc năm lục địa, và trải dài trong suốt gần nửa thế kỷ, cho thấy thực phẩm sạch mang lại doanh thu cao hơn từ 22% đến 35% so với thực phẩm quy ước cùng loại, với điều kiện người tiêu thụ chấp nhận mua đắt hơn. Tuy nhiên, thực phẩm sạch có xu hướng ngày càng rẻ hơn. Bên cạnh đó, nếu tính gộp cả các khoản tiết kiệm như ở không tác hại môi trường như thực phẩm quy ước, hàng « bio » tỏ ra ngày càng hiệu quả hơn về kinh tế.

Bên cạnh 2 ưu điểm nói trên, nhiều lợi thế khác của nông nghiệp tự nhiên cũng được nhấn mạnh, như tạo thêm nhiều việc làm (như do việc giảm bớt cơ khí hóa trong canh tác nông nghiệp) tạo điều kiện tăng cường quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ, giúp cho các vật nuôi có một đời sống tốt hơn…

Công trình của nhóm tác giả WSU kết luận : nông nghiệp canh tác theo lối tự nhiên sẽ có một vị trí hết sức quan trọng trong thế kỷ 21. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm, bên cạnh việc nhân loại chuyển hướng sang nông nghiệp Bio, cần phải hạn chế nạn lãng phí thực phẩm (ước tính lên tới 1/3 tổng sản lượng toàn cầu), cải thiện phương thức phân phối, hãm mức tăng dân số…

Nhà nông học Jacques Caplat đi xa hơn khi nhận định rằng, nông nghiệp tự nhiên hoàn toàn có thể thay thế được nông nghiệp chủ đạo hiện nay. Nhà nông học Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh tiết kiệm diện tích của nông nghiệp tự nhiên, đi liền với việc thay đổi thói quen tiêu thụ của xã hội. Một cơ sở nghiên cứu tại thành phố Rennes, miền tây nước Pháp, đưa ra một so sánh đáng chú ý. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm  theo nền nông nghiệp chủ đạo hiện nay, Rennes với hơn 200.000 dân phải cần đến một vành đai nông nghiệp bao quanh rộng tới 15 km. Trong khi đó, với lối tiêu thụ hàng Bio (ít thịt hơn), Rennes chỉ cần 8 km vành đai nông nghiệp.

Hàng Bio ngày càng hấp dẫn

Trên toàn thế giới, diện tích nông nghiệp tự nhiên tăng gấp rưỡi trong vòng một thập niên qua (5). Năm 2014, tổng diện tích nông nghiệp tự nhiên là 43,7 triệu hecta, tăng nửa triệu hecta so với 2013. Úc là quốc gia dành nhiều đất nhất cho nông nghiệp tự nhiên : 17,2 triệu hecta (chủ yếu cho chăn nuôi). Xét trên toàn thế giới, diện tích nông nghiệp sinh thái chỉ chiếm khoảng 1%, nhưng tại các quốc gia phát triển, như ở Liên Hiệp Châu Âu, tỷ lệ này là rất lớn. 5% đất nông nghiệp của châu Âu là cho nông nghiệp sạch, diện tích này ở một số nước như Áo (19,4%), Thụy Điển (16,2%), CH Séc (11%) hay Ý (10,8%) còn lớn hơn nhiều. Năm 2014, tổng doanh thu của thị trường thực phẩm sạch là hơn 60 tỷ đô la, Mỹ đứng đầu với 27 tỷ euro, tiếp theo đó là Đức (7,9 tỷ) và Pháp (4,8 tỷ).

Một gian giới thiệu về nông nghiệp tự nhiên, đi kèm với một quán ăn BIO nhỏ, Triển lãm Nông Nghiệp Paris, tháng 3/2016.
Một gian giới thiệu về nông nghiệp tự nhiên, đi kèm với một quán ăn BIO nhỏ, Triển lãm Nông Nghiệp Paris, tháng 3/2016. RFI/Trọng Thành

Riêng trong năm 2015, đất cho nông nghiệp tự nhiên tại Pháp tăng hơn 17%. Nhiều mặt hàng thực phẩm Bio tăng vọt như trứng (15%), sữa (12%)… Đồ Bio bán tại các siêu thị cũng tăng gần 10%. Hơn 70% căng tin nhà trường cung cấp các món ăn Bio. Tại Pháp, lĩnh vực thực phẩm tự nhiên sử dụng hơn 100.000 lao động, với thời gian toàn phần.

Ngày 09/05/2016, nước Pháp khánh thành một khu vực lớn dành cho hàng Bio tại Chợ Quốc Tế Rungis (vùng thủ đô Paris), chợ thực phẩm được xem như lớn nhất thế giới.

Trong cuộc thi đua giữa hai nền nông nghiệp, một bên là nông nghiệp thâm canh cơ giới hóa cao (đã trở thành truyền thống), sử dụng khối lượng rất lớn phân bón, thuốc trừ sâu, một bên là nông nghiệp canh tác theo lối tự nhiên, thì nền nông nghiệp (thuận) tự nhiên - dù diện tích và thị phần còn nhỏ  - đã tỏ ra có sức bật lớn trong những năm gần đây, đặc biệt tại nhiều quốc gia phát triển, cũng như tại một số quốc gia đang trỗi dậy.

Nghịch lý trong "xứ sở thần tiên của Alice" 

Để so sánh hai nền nông nghiệp, nhà báo Stephane Foucart, phụ trách mảng khoa học của báo Le Monde, đưa ra một hình ảnh ví von hài hước. Nền nông nghiệp chủ đạo hiện nay giống với một hiện tượng kỳ lạ trong « xứ sở thần tiên » của Alice (chuyện kể của nhà văn Anh Lewis Caroll), nơi mà để có thể đứng nguyên tại chỗ, cần phải chuyển động không ngừng, như lời khuyên của nhân vật « Nữ Hoàng Đỏ ». Nền nông nghiệp thâm canh hiện nay cũng vậy : Rất nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu đổ vào, nhưng năng suất từ 20 năm qua vẫn giậm chân tại chỗ.

Bài viết của Le Monde được đăng tải vào lúc Thượng Viện Pháp bắt đầu xem xét dự luật về đa dạng sinh thái (ngày 10/03/2016), trong đó có công luận đặc biệt chú ý đến đề xuất cấm thuốc trừ sâu có chứa chất « Neonicotinoid » (gọi tắt là « neonic »), kẻ thù của loài ong (6). Dự luật này, đã được Hạ Viện thông qua, dự kiến cấm ngay các loại thuốc trên kể từ năm 2018. Nhiều người lo ngại về thay đổi nhanh chóng này, trong lúc nền nông nghiệp Pháp bị coi là chưa có các phương pháp thay thế, để đối phó với sâu bệnh.

Theo tập đoàn hóa-dược Bayer, thiếu thuốc trừ sâu, sản lượng nông nghiệp có thể giảm từ 15% đến 40%, tùy theo loại cây. Tuy nhiên, quan điểm này cũng bị nhiều người phản đối. Theo họ, ví dụ như ngay tại Đức, việc thuốc trừ sâu bị cấm đối với cây lương thực trong mùa đông, nhưng sản lượng không giảm. Đức vẫn tiếp tục là quốc gia xuất khẩu số hai châu Âu. Theo một nghiên cứu mới đây, được công bố trên tạp chí Science, việc bảo vệ và làm gia tăng số lượng các loài côn trùng thụ phấn, năng suất của cây trồng có thể tăng 20% so với trung bình.

Báo Libération có bài nhấn mạnh đến những nguy hại vô cùng lớn của thuốc trừ sâu đối với ong, loài động vật được tính là mang lợi từ 206 tỷ đến 506 tỷ euro cho nông nghiệp, hàng năm. Việc sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu với các độc tố - bị coi là ngày càng nguy hại hơn - khiến loài vật này, cùng nhiều sinh vật hữu ích khác, đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Triết lý, phối hợp với thiên nhiên thay vì chống lại thiên nhiên, có vẻ như ngày càng được nhiều người thấm thía.

Nhân loại trước ngã ba đường : Tiếp tục nền nông nghiệp lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, với vô số hiểm họa trước mắt và dài hạn, hoặc chuyển sang một nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, với nhiều lợi thế như trên.

----

(1) Nghiên cứu của hai nhà nghiên cứu John Reganold và Jonathan Wachter công bố trên Nature Plants, số 2/2016.

(2) Bài ‘‘1000 đô thị’’ toàn cầu ra tay vì khí hậu"

(3) Cuốn "Nông nghiệp sinh thái đủ sức nuôi nhân loại/ L'agriculture biologique pour nourrir l'humanité" (2012). 

(4) Bài "Lãng phí thực phẩm: Pháp thiệt hại mỗi năm từ 12-20 tỷ euro". 

(5) Theo số liệu Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Sinh Thái (FiBL) và Liên Đoàn Quốc Tế các Phong Trào Nông Nghiệp Sinh Thái (IFOMA), công bố đầu năm 2016.

(6) Bài "Sự diệt vong của ong và cuộc chiến chống thuốc trừ sâu" và "Cơ quan LHQ chỉ đích danh 5 thuốc trừ sâu gây ung thư".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.