Vào nội dung chính
PHÁP - HOA KỲ

Vì sao Paris dọa "chận" Hiệp ước Thương Mại Xuyên Đại Tây Dương ?

Đàm phán TTIP : Pháp dọa Mỹ, tổng thống François Hollande chuẩn bị tái cử, Châu Âu thua trí Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Trung Quốc thô bạo phá nhà dân, quần đùi và tỷ phú tranh ghế đô trưởng Luân Đôn, ai sẽ thắng ai ?, là những thời sự được báo chí Pháp ngày 04/05/2016 chú ý.

German Chancellor Angela Merkel sits with U.S. President Barack Obama, British Prime Minister David Cameron, Italian Prime Minister Matteo Renzi and French President Francois Hollande before their meeting in Schloss Herrenhausen in Hanover, Germany April 2
German Chancellor Angela Merkel sits with U.S. President Barack Obama, British Prime Minister David Cameron, Italian Prime Minister Matteo Renzi and French President Francois Hollande before their meeting in Schloss Herrenhausen in Hanover, Germany April 2 REUTERS/Michael Kappeler/Pool
Quảng cáo

Tổng thống Pháp bắt đầu vận động tái tranh cử. Đó là nhận định của báo chí Pháp dù tả hay hữu. Libération chạy tựa : "Hollande đến ngã tư quẹo trái". Cùng nhận định này, Le Figaro cho rằng tình thế đã nghiêm trọng, các biện pháp xoa dịu cử tri phe tả khó làm gió đổi chiều. Tuy nhiên, một tuyên bố của tổng thống Pháp cách nay hai hôm đang làm tốn nhiều giấy mực là « Paris sẵn sàng chận Hiệp định Thương mại Xuyên Đại Tây Dương » mà châu Âu và Hoa Kỳ đang thương thuyết, sau khi tổ chức Greenpeace công tố tài liệu mật đàm với nội dung bất lợi cho châu Âu.

Paris tỏ thái độ cứng rắn với lý do phía Mỹ không nhượng bộ trên các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của Pháp, đặc biệt là về nông nghiệp, phải ghi rõ vùng sản xuất và mở cửa thị trường Hoa Kỳ cho sản phẩm của Pháp. Tài liệu do Green Peace nắm được và công bố rơi đúng lúc. Tổng thống Pháp lập tức tuyên bố là ở giai đoạn này, Pháp nói « không » với TTIP. Nhật báo đối lập Le Figaro nhận định : François Hollande chụp cơ hội tốt để « giải hoà » với các đảng bảo vệ môi trường từ lâu nay chống TTIP và nhất là để chiều theo phần đông công luận lo ngại các chuẩn mực xã hội và môi trường thiên nhiên của Pháp sẽ bị hạ thấp khi mở rộng cửa buôn bán với anh đồng minh Hoa Kỳ.

Nói cho cùng, phản ứng cứng cỏi của tổng thống Pháp chỉ để phục vụ nhu cầu chính trị quốc nội, theo Le Figaro. Vì Bruxelles đã được 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu ủy nhiệm đàm phán và cho dù bị ít nhiều công luận trong nước phản đối, chính phủ ba nước lớn là Đức, Anh, Ý muốn đạt được TTIP.

Theo phân tích của nhà báo Anne Cheyvialle, điều Pháp lo ngại nhất là nếu không đưa được những chuẩn mực của châu Âu bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường vào trong Hiệp định Thương mại với Mỹ, mà còn bị Mỹ áp đặt ngược trở lại thì rất tai hại cho sức khỏe người dân châu Âu. Và để cho Trung Quốc mặc tình thao túng.

Tuy cũng có cùng quan điểm với Le Figaro, nhật báo Công giáo La Croix , trong bài « TTIP và những giả vờ » lưu ý « đòn chính trị » của chủ nhân điện Elysée. Chúng ta phải hiểu như thế nào về lời tuyên bố « ở giai đoạn đàm phán này, Pháp nói không với TTIP ». Vì Pháp không hài lòng hay nước Pháp nói không ? Thật ra, đây là chiến thuật quen thuộc của ông François Hollande lúc nào cũng muốn thắng dù tình huống biến chuyển ra sao. Ông không muốn mang tiếng là kẻ thọc gậy bánh xe cuộc đàm phán quốc tế, vì như thế sẽ làm nước Pháp bị cô lập.

Ông đưa ra một thông điệp tiêu cực để chinh phục cảm tình dân Pháp rất hoài nghi kinh tế toàn cầu hóa. Và như vậy, ông vừa đuợc lên điểm trong công luận Pháp, vừa không làm mất lòng các đối tác quốc tế. Vì theo ý kiến chung, còn lâu lắm mới đạt được thỏa hiệp chung cuộc cho nên lúc này không phải là lúc nói thật « Oui ou Non ».

Nói tóm lại, vì chiến lược ra tranh cử lần hai nên tổng thống Pháp nhấn mạnh đến những điều đã làm loan báo một loạt biện pháp mới mang tính xã hội như giảm thuế cho người có thu nhập thấp, tăng tiền lương tháng và tiền thưởng cuối năm cho giáo viên tiểu học ngang với giáo sư Collège, trung học cấp một ( ở Việt Nam gọi là trung học cơ sở ). Nhưng các biện pháp « xã hội » xuất phát từ lời hứa của ứng cử viên François Hollande năm 2012 cũng được Libération rà soát không khoan nhượng, để xem vào thời điểm ông dọn đường tái tranh cử lời hứa nào đã được thực hiện, chưa thực hiện hoặc thực hiện được phân nửa. Cho dù còn nhiều lời hứa chưa thực hiện, François Hollande, đã đến ngã tư và ông sẽ quẹo trái.

Tại Trung Quốc, nhà dân cũng bị đập phá

Chính sách đô thị hóa ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước đông dân nhất địa cầu, gây ra những hệ quả quái dị. Le Monde dành một trang với hình ảnh minh họa « sự thất bại của đô thị hóa tùy tiện ». Dự kiến phải thỏa mãn nhu cầu nhà ở cho 500.000 dân thành thị mới, giới bất động sản xây cất tràn lan những « làng đô thị mới » trên đất canh tác của nông dân ở ngoại ô New Delhi. Nhưng người có tiền không nhiều, chính quyền địa phương không có. Hệ quả là khu Greater Noida, với 150.000 căn hộ, xây xong chỉ bán được có 4000.

Phố mới mà như sa mạc. Số chủ nhân hiếm hoi hồi họ « cố thủ » trong nhà vì sợ cướp. Thời tiết nóng đến gần 50°C, người ta phải « trồng » cây cọ và cỏ bằng plastic cho « mát mắt ». Một hệ quả khác còn nghiêm trọng hơn là khi mua đất của nông dân, giới chủ thầu hứa là dịch vụ trong khu đô thị mới sẽ tạo nhiều công ăn việc làm thay thế nghề trồng trọt. Thế nhưng, một nông dân cho biết ông có ba đứa con mà hai đứa vẫn còn thất nghiệp. Nếu « đô thị » không cho chúng tôi việc làm thì sẽ rất thất vọng.

Sự thất vọng của nông dân Ấn Độ có lẽ không thấm là bao so với lòng phẫn nộ của người dân Trung Quôc, nạn nhân của chính sách đô thị hóa thô bạo của chính quyền. Trong bài « Ở Trung Quốc, người ta phá nhà của dân », Libération mô tả đảo Hải Nam, với khung cảnh thơ mộng hàng dừa xanh, bờ cát trắng, cũng là nơi đang xảy ra một thảm kịch của chính sách đô thị hóa.

Để xây một khu đô thị, chính quyền Hải Khẩu huy động một lực lượng gọi là « nhân viên của cơ quan đô thị hóa, công an võ trang và lính cứu hỏa », tổng cộng 1200 người, với xe ủi đất bao vây và đập phá 104 ngôi nhà của dân, bị cho là xây dựng bất hợp pháp (?). Cảnh đàn áp thô bạo, đàn bà và trẻ con bị đánh bằng gậy được một nhân chứng thu được và đưa lên mạng xã hội gây ra một làn sóng phản đối . Để xoa dịu dư luận, 7 « nhân viên » đô thị hóa bị bắt và một « thủ trưởng » bị sa thải.

Theo Libération, từ những năm gần đây, hàng chục ngàn nông dân Trung Quốc đã bị quan chức chính quyền tước đoạt tài sản sau đó móc ngoặt bán lại cho chủ thầu địa ốc với giá cao. Vụ đàn áp này tới tai Liên Hiệp Quốc. Theo nhật báo cánh tả Pháp, Chủ Nhật (01/5) vừa qua, Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt nạn phá nhà của dân oan. Thị trưởng Hải Khẩu, thủ phủ đảo Hải Nam, và một số đảng viên đã « xin lỗi » và thông báo cách chức viên huyện ủy. Một số báo chí chính thức đã tự đưa « đoạn phim kinh hoàng » lên YouTube.

Đô trưởng Luân Đôn tương lai sẽ là người Hồi giáo ?

Với tựa « Trận chiến Luân Đôn », Le Monde cho biết « ứng cử viên Sadiq Khan, dân biểu, con của một di dân Pakistan tài xế xe bus hồi hưu , sẽ thắng cuộc bầu cử đô trưởng vào ngày thứ năm 05/5 ». Tất cả các kết quả thăm dò ý kiến đều cho thấy ứng cử viên của Công đảng Anh sẽ đánh bại đối thủ bảo thủ, Zac Goldsmith, mà cha là tỷ phú. Những vấn đề cốt lõi cho đời sống người dân như thiếu nhà cửa và tình trạng phương tiện công cộng quá tải bị xếp vào hàng thứ yếu vì không khí kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Nhật báo La Croix chơi chữ : Cuộc song đấu đầy màu sắc giành toà đô chính Luân Đôn.

Cho dù bị đối thủ lên án « làm kẻ chống lưng cho Hồi giáo cực đoan », dân biểu Sadiq Khan vẫn chiếm thượng phong trong công luận thủ đô Anh Quốc, mà theo Le Figaro, là miền đất hứa của di dân và giới lắm bạc nhiều tiền.

Hôm nay, cũng là ngày Ủy ban châu Âu thông báo về khả năng bỏ visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một quyết định khó khăn. La Croix giải thích là do thỏa thuận giữa châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3/2016 vừa qua về di dân và thuyền nhân, trong bối cảnh hàng triệu người Trung Đông và châu Phi tràn vào châu lục này mà Bruxelles bị chế độ Ankara, mang tai tiếng độc đoán và vi phạm nhân quyền, trói tay trói chân. Nếu Bruxelles chấp thuận thì tổng thống Erdogan sẽ làm cho công luận quên đi tình trạng phá sản của chính sách đối nội tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.