Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Pháp lại đình công và biểu tình chống dự luật cải tổ lao động

Ngày 31/03/2016, hàng chục ngàn người xuống đường chống cải tổ luật lao động mang tên bộ trưởng El Khomri, ở khắp nơi trên đất Pháp. Nhiều vụ đụng độ xảy ra giữa các lực lượng cảnh sát với người biểu tình tại một vài thành phố lớn như Nantes hay Rennes. Công nhân viên, học sinh, sinh viên cũng bãi công, bãi khóa.

Học sinh trung học và sinh viên biểu tình chống dự luật cải tổ luật lao động mang tên El Khomri, tại Paris.
Học sinh trung học và sinh viên biểu tình chống dự luật cải tổ luật lao động mang tên El Khomri, tại Paris. REUTERS/Christian Hartmann
Quảng cáo

Trên toàn quốc có khoảng 200 cuộc tuần hành. Riêng tại Paris, theo các nguồn tin cảnh sát cho tới trưa nay có khoảng một chục người “đeo mặt nạ” trà trộn vào đoàn biểu tình để đập phá, gây rối loạn trật tự. Số này đã bị câu lưu.

Đoàn tuần hành tại Paris khởi hành lúc 13 giờ 30 chiều nay, từ quảng trường Italie để hướng về quảng trường Nation. Ngoài các công đoàn, giới học sinh sinh viên, nhiều dân biểu Pháp cũng tham gia. Nhân viên của các cơ quan dịch vụ công cộng như tập đoàn điện lực EDF, hãng hàng không Air France, các hệ thống giao thông công cộng … cũng bãi công, làm tê liệt nhiều hoạt động trên toàn quốc.

Đây là lần thứ tư, một phần dân Pháp xuống đường chống kế hoạch cải tổ luật lao động đã có từ năm 1910. Gần đây nhất là đợt tuần hành ngày 09/03/2016, với sự tham gia của 200 ngàn người theo thống kê của cảnh sát và hơn 450 ngàn theo các ban tổ chức.

Kế hoạch cải tổ luật lao động Pháp nhằm cởi trói cho thị trường lao động, cho phép giới chủ “linh hoạt hơn” trong việc tuyển dụng và sa thải nhân công. Mục tiêu sau cùng nhằm đẩy lui thất nghiệp. Phe chống đối coi đây là một sự “thụt lùi” về phương diện xã hội, về các quyền bảo vệ giới làm công ăn lương.

Cải tổ Hiến Pháp, tổng thống François Hollande lùi bước

Chính phủ Pháp đối mặt với cuộc biểu tình hôm nay một ngày sau khi tổng thống François Hollande chính thức thông báo rút lại kế hoạch cải tổ Hiến Pháp, để đưa vấn đề “tình trạng khẩn cấp” vào văn bản này. Kế hoạch cải tổ Hiến Pháp nói trên được đưa ra ngay sau khi Paris bị khủng bố tấn công hồi tháng 11/2015.

Sau bốn tháng thảo luận ráo riết, gây nhiều tranh cãi trong hàng ngũ các đảng phái chính trị và công luận, đặc biệt là điều khoản liên quan đến khả năng tước quốc tịch của những người bị khép vào tội khủng bố, cuối cùng tổng thống Hollande đã phải đóng lại một hồ sơ gây quá nhiều chia rẽ.

Phát biểu vào hôm qua, chủ nhân điện Elysée quy trách nhiệm cho phe đối lập, cho dù là dự án cải tổ này cũng gây chia rẽ sâu rộng ngay trong hàng ngũ cánh tả nói chung và của bản thân đảng Xã Hội cầm quyền nói riêng.

Các nhà quan sát coi sự lùi bước của tổng thống Pháp trước hết là thất bại cá nhân của ông François Hollande đang trong thế yếu, không thuyết phục được cả phe đối lập lẫn nội bộ của đa số cầm quyền.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.