Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Nước Pháp đã sẵn sàng cho Euro 2016

Đăng ngày:

Từ ngày 10/6 đến 10/7/2016, tại Pháp sẽ diễn ra cuộc tranh tài Vô địch bóng đá châu Âu lần thứ 15, Euro 2016 là giải đấu đầu tiên được mở rộng từ 16 lên 24 đội tham gia. Đến lúc này, trước ngày khai cuộc với trận đầu tiên giữa nước chủ nhà Pháp và Rumani, chỉ còn chưa đầy 100 ngày. Mọi công việc chuẩn bị để đón ngày hội bóng đá châu Âu đã sẵn sàng.

Sân vận động Décines, thành phố Lyon, mới được khánh thành ngày 09/012016 để đón giải Euro 2016 được tổ chức tại Pháp từ ngày 10/06 đến 10/07/2016.
Sân vận động Décines, thành phố Lyon, mới được khánh thành ngày 09/012016 để đón giải Euro 2016 được tổ chức tại Pháp từ ngày 10/06 đến 10/07/2016. REUTERS/Robert Pratta
Quảng cáo

Trong số 10 sân vận động chuẩn bị cho các trận cầu ở Euro 2016, bốn sân được xây mới tại Bordeaux, Lille, Lyon và Nice; 5 sân được nâng cấp. Tất cả các công trình trên cũng như công tác hậu cần đón tiếp đều đã hoàn tất đúng tiến độ dự kiến.

Hai triệu tấm vé xem 51 trận đấu đã được bán hết. Một triệu vé đã được bán rộng rãi cho công chúng từ ngày 10/6 đến 10/7/2015 với giá từ 25 đến 895 euro. Một triệu vé khác được dành bán cho cổ động viên của 24 đội tuyển quốc gia cũng đã phân phối hết từ tháng 12 năm ngoái. Mặc dù vậy, các nhà tổ chức ghi nhận nhu cầu có vé xem Euro 2016 nhiều gấp 8 lần so với khả năng cung cấp của nhà tổ chức. Đây là một thành công thực sự.

Các trận đấu của Euro 2016 sẽ được phân bổ khá đều cho các thành phố tổ chức. Hai trận bán kết được tổ chức tại Lyon và Marseille, trận chung kết sẽ diễn ra tại Stade de France, Saint-Denis ngoại ô Paris.

1,7 tỷ euro đã được chi cho các công trình liên quan đến các sân vận động của Euro 2016, trong đó ngân sách chính phủ Pháp bỏ ra 152 triệu. Mối quan tâm chính của các nhà tổ chức hiện nay chỉ còn tập trung vào vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sự kiện trước các đe dọa khủng bố.

Bên cạnh việc chuẩn bị cho một Euro 2016 thành công cả về mặt thể thao và chất lượng các trận đấu, vấn đề an ninh sự kiện bóng đá quan trọng này trở nên quan trọng hơn bao giờ, đặc biệt là từ sau loạt vụ khủng bố ở Paris hồi tháng 11 năm 2015. Chủ tịch Ủy ban tổ chức giải Jacques Lambert mới đây cho biết, các biện pháp an ninh sẽ được chuẩn bị ở mức tối ưu. Sẽ có 100 nghìn người thuộc lực lượng an ninh chuyên nghiệp được huy động bảo vệ 51 trận đấu trong vòng 31 ngày của giải.

Các phương tiện an ninh đặc biệt cũng sẽ được triển khai trong các khu vực vẫn gọi là « fan zone » để bảo đảm toàn cho các cổ động viên tụ tập bên ngoài sân vận động hay các điểm đặt màn ảnh lớn truyền trực tiếp trận đấu.

Từ đầu năm 2013, Ban chấp hành Liên Đoàn Bóng Đá Châu Âu UEFA đã chốt danh sách 10 sân vận động đón các trận đấu. Hôm nay, chúng ta cùng làm một vòng quanh các sân vận động sẽ đón các trận cầu nảy lửa sắp tới tại Euro 2016 :

Sân vận động Stade de France, Paris

Đây là sân vận động lớn nhất nước Pháp có sức chứa 80 nghìn khán giả được xây dựng để chuẩn bị cho Cúp Bóng đá Thế giới năm 1998 và ngay trong năm đó, Stade de France đã chứng kiến đội chủ nhà đăng quang ngôi vô địch thế giới. Từ đó đến nay, Stade de France đã đón tiếp những sự kiện thể thao, văn hóa âm nhạc lớn và những trận cầu quan trọng của Pháp. Các thiết kế xây dựng của sân đến nay vẫn còn hiện đại không cần phải nâng cấp cải tạo gì thêm.

Stade de France là sân sẽ diễn ra các trận khai mạc (Pháp-Rumani) và ba trận đấu bảng (Ai Len-Thụy Điển, Đức-Ba Lan và Iceland-Áo). Ngoài ra, một trận vòng 1/8, một trận tứ kết và chung kết cũng sẽ diễn ra tại Stade de France.

Sân vận động Parc des Princes (Sân Công viên các Hoàng tử), Paris

Cũng nằm bên cửa ngõ Paris có Sân Parc des Princes. Sân vận động có sức chứa 45 nghìn người là sân nhà của câu lạc bộ Paris-Saint-Germain được coi là một chảo lửa của các cổ động viên Paris. Sân vừa được sửa sang trong vòng 2 năm.

Đây là sân vận động có mặt cỏ tốt và hiện đại nhất châu Âu. Nơi đây sẽ diễn ra 5 trận vòng bảng : Thổ Nhĩ Kỳ-Croatia, Rumani-Thụy Sĩ, Bồ Đào Nha-Áo, Bắc Ai Len-Đức cùng một trận của vòng 1/8.

Sân Vélodrome, Marseille

Xuống miền nam nước Pháp, tới trung tâm bóng đá lớn của Pháp Marseille, nơi xuất thân rất nhiều ngôi sao sân cỏ của Pháp. Thành phố có sân vận động Vélodrome nổi tiếng về mức độ hiện đại và đẹp cũng như là sức nóng cuồng nhiệt của các cổ động viên bóng đá ở thành phố bên bờ Địa Trung Hải này.

Sân Vélodrome có sức chứa 67 nghìn người này sẽ phục vụ 4 trận đấu bảng (Anh-Nga, Pháp-Albani, Iceland-Hungary, Ukraina-Hungary), một trận tứ kết và một trận bán kết.

Được xây dựng từ năm 1937, sân Vélodrome được nâng cấp với giá thành 268 triệu euro và công trình đã được bàn giao từ tháng 10/2014. Đây là sân lớn thứ 2 của Pháp phục vụ Euro 2016.

Sân vận động Nice

Từ Marseilles, men theo bờ Địa Trung Hải, ngược lên phía bắc một chút là thành phố Nice. Sân vận động Nice, có sức chứa 35 nghìn chỗ, được khánh thành năm 2013. Sân sẽ đón 3 trận vòng bảng : Ba Lan-Bắc Ai Len, Tây Ban Nha-Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển-Bỉ và một trận vòng 1/8.

Điểm đặc biệt của sân là được xây theo mô hình bảo vệ môi trường với hệ thống thu hồi nước mưa dùng để tưới cỏ và một hệ thống 7.000 m2 tấm pin mặt trời.

Sân Saint-Etienne

Tiếp tục lên phía bắc đến với Saint-Etienne. Thành phố này có sân vận động Goeffroy-Guichar đã đi vào phục vụ từ năm 1931. Tất nhiên để có đủ tiêu chuẩn cho Euro 2016, sân đã được nâng cấp và các hạng mục đã hoàn tất từ tháng 12 năm 2014.

Đây là một trong những sân vận động lịch sử của bóng đá Pháp bởi ghi dấu ấn thời hoàng kim của câu lạc bộ Saint-Etienne danh tiếng trong thập niên 1970. Tại Euro 2016, sân vận động có 42 nghìn chỗ ngồi sẽ đón 4 trận vòng bảng : Bồ Đào Nha-Iceland, CH Séc-Croatia, Slovakia-Anh và một trận vòng 1/8.

Sân Décines-Charpieu, Lyon

Đây là sân vận động của câu lạc bộ Olympique Lyon được xây mới hoàn toàn và mới khánh thành hôm 9 tháng Giêng 2016. Sân có sức chứa 59 nghìn khán giả, sẽ là nơi diễn ra 4 trận đấu bảng : Bỉ-Ý, Ukraina- Bắc Ailen, Rumani – Albani, Hungary – Bồ Đào Nha, một trận 1/8 và một trận bán kết. Sân nằm cách trung tâm thành phố Lyon 16 km.

Sân Stadium, Toulouse

Với sức chứa 33 nghìn chỗ, Stadium sẽ đón 3 trận đấu bảng : Tây ban Nha-CH Séc, Ý-Thụy Điển, Nga-Wales và một trậng vòng 1/8. Khánh thành từ năm 1937, sân Stadium nằm trên một hòn đảo giữa hai nhánh sông Garrone trong lòng thành phố Toulouse. Sân được cải tạo nâng cấp từ năm 2013 và đã hoàn thành bàn giao từ tháng Giêng năm 2016.

Sân Bordeaux

Cách Toulouse hơn 200 km về phía tây bắc là thành phố Bordeaux, địa danh gắn liền với tiếng tăm của rượu vang Pháp còn có câu lạc bộ Girondin de Bordeaux, từng có một thời vang bóng trong làng bóng tròn Pháp và châu Âu.

Để chuẩn bị cho Euro 2016, sân Bordeau được xây mới hoàn toàn, có sức chứa 42 nghìn người. Sân vừa khánh thành hồi đầu năm 2015. Bốn trận đấu bảng sẽ diễn ra tại đây gồm xứ Wales-Slovakia, Áo-Hung, Bỉ-Ai Len, Croatia-Tây Ban Nha và một trận tứ kết.

Sân Felix-Bollaert-Delelis, Lens

Ngược lên mạn bắc nước Pháp, đến với một trung tâm bóng đá là thành phố Lens, nơi có sân Felix-Bollaert-Delelis được chọn cho Euro 2016. Trong vòng 18 tháng sân đã được hiện đại hóa hoàn toàn và đã được bàn giao từ tháng 8 năm 2015 với chi phí thắt lưng buộc bụng 70 triệu euro.

Về lịch sử, sân được xây dựng từ năm 1933 mà nhân công chủ yếu là các thợ mỏ thất nghiệp. Tên gọi sân được ghép bởi tên của cựu giám đốc công ty mỏ Lens Felix Bollaert và cựu thị trưởng thành phố André Delelis. Trong Euro 2016, sân vận động đón 3 trận vòng bảng : Albani-Thụy Sĩ, Anh-Wales, CH Séc-Thổ Nhĩ Kỳ và một trận vòng 1/8.

Sân vận động Lille

Nằm ở cực bắc, sát biên giới với Bỉ là thành phố Lille. Sân vận động được chọn cho Euro 2016 là một sân hiện đại, mới được khánh thành tháng 8/2012, nằm ở ngoại ô thành phố Lille, có mái che cơ động và có 50 nghìn chỗ.

Chương trình thi đấu cho Euro gồm 4 trận đấu bảng : Đức-Ukraina, Nga-Slovakia, Thụy Sĩ-Pháp, Ý-Ai Len.

Nữ hoàng Sharapova của thể thao-kinh doanh bị cuốn vào doping

Trong tuần, một sự kiện đang làm xáo động làng quần vợt thế giới. Nữ hoàng thể thao - kinh doanh Maria Sharapova bị phát hiện dính doping sau khi kết quả kiểm tra hôm 26/02 của cô dương tính với hoạt chất meldonium. Ngày 08/03, tay vợt Nga đã tổ chức họp báo, chủ động thông báo đến dư luận và các fan hâm mộ.

Là một nhà vô địch có ngoại hình của ngôi sao làng giải trí, năm nay 28 tuổi, Sharapova là nữ vận động viên thể thao kiếm được nhiều tiền nhất trong năm 2015 với thu nhập gần 30 triệu đô la Mỹ. Trong đó hơn ¾ là tiền thu từ các hợp đồng quảng cáo. Tay vợt nữ người Nga này đang sở hữu một tài sản có trị giá khoảng 200 triệu đô la.

Ngay sau khi thú nhận đã dùng thuốc meldonium từ 10 năm qua và không hề biết thuốc bị cấm từ đầu năm, Sharapova đã bị các nhà tài trợ lớn như hãng thiết bị thể thao Nike, đồng hồ Tag Heuer, xe hơi Porsche quay lưng lại bằng cách tạm ngừng các hợp đồng quảng cáo hình ảnh.

Liên Đoàn Quần Vợt Quốc Tế ITF mới chỉ ra quyết định tạm đình chỉ thi đấu đối Maria Sharapova trong thời gian các cơ quan chức năng xem xét kết luận vụ việc. Tuy nhiên, sự nghiệp thể thao và làm ăn của ngôi sao quần vợt giàu có hàng đầu thế giới này đang bị đe dọa.

Chưa biết vụ việc có phát triển thành bê bối doping phá hỏng hình ảnh và sự nghiệp lớn của tay vợt Nga hay không, nhưng nhiều câu hỏi đã được dư luận thể thao đặt ra là phải chăng Maria Sharapova thực sự có ý đồ gian lận trong suốt 10 năm qua khi dùng thuốc meldonium theo như cô giải thích là để chữa bệnh.

Trả lời phỏng vấn của chương trình Mondial Sport của RFI Bác sĩ Jean Pierre de Mondenard, chuyên gia về y học thể thao và doping trong thể thao trước hết cho biết về meldonium là gì ?

Đây là một loại thuốc có nhiều hoạt tính, cơ quan chống doping quốc tế rất khó khăn trong việc xếp vào danh sách cấm. Thuốc được coi như là một chất điều tiết quá trình chuyển hóa, chủ yếu về năng lượng. Thuốc được một bác sĩ bào chế từ giữa những năm 1970. Đối tượng điều trị của thuốc là tim, đặc biệt là trị chứng đau thắt ngực, tức là khi các mạch máu tuần hoàn tim bị yếu do nhồi máu. Đó là mục tiêu chính của thuốc meldonium. Ban đầu, các bác sĩ nghiên cứu chỉ để hạn chế các hiệu ứng tiêu cực của cơn đau.

Meldonium có thể cải thiện khả năng của các vận viên thể thao thành tích cao ở điểm nào?

Trong các nghiên cứu mà tôi đã đọc thì thuốc có tác động đến sức bền, tức là tạo cho các hoạt động có hiệu suất thi đấu cao ở thời gian lâu hơn. Thuốc hỗ trợ phục hồi và giảm nhẹ các tác động tiêu cực do hoạt động cường độ cao. Sharrapova nói do cô có vấn đề về magnézium và vì gia đình cô có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Trong khi đó, meldonium không có tác dụng phòng chống tiểu đường. Theo tôi, tay vợt Nga này đã tóm lấy lập luận giải thích duy nhất cô có.

Meldonium đã xuất hiện trong giới thể thao trình độ cao và trong thể thao Nga từ đầu những năm 2000. Tại Pháp, trong một cuộc khám xét năm 2003, người ta đã tìm thấy meldonium ở các vận động viên bơi lội. Meldonium đã có mặt trong làng thể thao từ đầu những năm 2000.

Trong suốt năm 2015 chất này được xếp vào danh mục theo dõi. Tức là tất cả các liên đoàn thể thao đều biết được rằng meldonium là loại thuốc có vấn đề. Hết một năm 2015 để theo dõi đó, người ta đã ghi nhận trong các cuộc thi đấu thể thao lớn, việc sử dụng meldonium tràn lan khắp các vận động viên. Chính vì thế AMA, Cơ Quan Chống Doping Thế giới đã quyết định đưa loại thuốc này vào danh sách cấm.

Khi Sharapova bị kiểm tra dương tính với meldonium ngày 26/01/2016 tại giải Úc mở rộng, cô không thể không biết gì về thuốc meldonium vì cô đã dùng nó từ năm 2006 nhưng cô hoàn toàn không biết là sản phẩm này có thể bị phát hiện. Tóm lại, trường hợp của Sharapova đã gửi một thông điệp mạnh cho làng thể thao đông Âu về việc sử dụng meldonium. AMA vừa thông báo có 99 vận động viên bị kiểm tra dương tính với meldonium. Nạn dịch sử dụng thuốc sẽ phải ngừng ngay vì từ đầu tháng 03/2016 hầu như tất cả các vận động viên đều bị kiểm tra meldonium.

Liệu Sharapova có thể không biết sản phẩm này bị cấm? Theo ông, cô đã gian lận từ 10 năm nay hay mới chỉ từ đầu năm?

Cô sử dụng sản phẩm này từ năm 2006, có thể nói 99% khả năng cô đã sử dụng thuốc này vì mục đích thành tích thể thao. Cần phải nói là người Nga từ 50 năm nay đã góp phần một cách có hiệu quả vào việc cải thiện thành tích của các vận động viên bằng những cách thức không hoàn toàn hợp lệ chút nào.

Đúng là có gian lận, nhưng vấn đề khá phức tạp bởi vì những vận động viên này không khép kín trong một góc. Họ nói tôi dùng meldonium. Cô có nói đó là một sai sót chuyên môn, lẽ ra tôi phải kiểm tra. Nhưng mà cô sống ở Mỹ , được một bác sĩ Mỹ theo dõi sức khỏe. Một bác sĩ đi theo một vân động viên đỉnh cao thì phải biết kiểm tra xem liệu sản phẩm này có bị cấm hay không chứ. Ở đây có trách nhiệm lớn của bác sĩ.

Cần phải biết là một sản phẩm khi bị đưa vào danh sách cấm nó bị coi là một loại chất kích lực. Khi chưa bị cấm, nó được dùng vì mục đích chăm sóc khả năng thành tích chứ không phải để chữa bệnh. Trong trường hợp này, meldonium được coi là « dẫn chất kích lực ». Trong 10 năm đó phải có lúc cô phải biết việc mình làm là không bình thường chứ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.