Vào nội dung chính
XÃ HỘI

Pháp : Biểu tình phản đối dự luật lao động

Không chấp nhận một dự luật lao động mà họ xem là một « bước lùi » lịch sử, nhiều công đoàn và tổ chức sinh viên kêu gọi biểu tình hôm nay, 09/03/2016, trên toàn nước Pháp.

Sinh viên tại thành phố Nice (miền nam nước Pháp) xuống đường ngày 09/03/2016 phản đối dự luật Lao Động.
Sinh viên tại thành phố Nice (miền nam nước Pháp) xuống đường ngày 09/03/2016 phản đối dự luật Lao Động. REUTERS/Eric Gaillard
Quảng cáo

Mục tiêu của dự án cải tổ luật lao động mà chính phủ của tổng thống François Hollande đề nghị là nhằm tháo gỡ những rào cản đối việc tuyển dụng nhân công, để góp phần đẩy lùi nạn thất nghiệp, hiện chiếm tới 10% trên tổng số lao động và 24% trong giới trẻ Pháp.

Ông Hollande đã bày tỏ quyết tâm của ông là vừa bảo đảm « an toàn nghề nghiệp » cho giới trẻ, vừa bảo đảm « tính linh hoạt » cho hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng dự luật mang tên Bộ trưởng Lao động El Khomri có vẻ không thuyết phục được giới trẻ.

Tổ chức sinh viên hàng đầu ở Pháp là UNEF và tổ chức học sinh trung học FIDL đã quyết định tham gia vào lời kêu gọi biểu tình của nhiều công đoàn, trong đó có CGT. Công đoàn này đã yêu cầu chính phủ rút lại toàn bộ dự luật lao động.

Trước phong trào phản đối ngày càng mạnh, chính phủ Pháp đã tạm hoãn việc đệ trình dự luật lao động và trong tuần này đã gặp đại diện nhiều công đoàn để tiếp tục thương lượng.

Nhưng theo những ngời thân cận thủ tướng manuel Valls, chính phủ sẽ chỉ chấp nhận sửa đổi vài điểm, chứ không sửa toàn bộ dự luật này. Về phần chủ tịch của MEDEF, tổ chức của giới chủ, thì yêu cầu chính phủ không nên làm « thay đổi bản chất » của dự luật mà theo họ, sẽ thúc đẩy việc tuyển dụng nhân công.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận, có đến 70% dân Pháp chống dự án cải tổ luật lao động. Nhưng điều mà chính phủ cánh tả của tổng thống Hollande đặc biệt theo dõi hôm nay đó là mức độ tham gia biểu tình của giới trẻ ở Pháp, đúng 10 năm sau khi một cuộc xuống đường rầm rộ của tầng lớp thanh niên đã buộc thủ tướng cánh hữu lúc đó là Dominique de Villepin phải rút lại dự luật về Hợp đồng tuyển dụng đầu tiên (CPE).

Do trùng hợp thời điểm, hôm nay cũng là ngày đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc trong ngành đường sắt của Pháp, gây nhiều rối loạn trong phương tiện giao thông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.