Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Lucas Debargue, nhạc sĩ Pháp chinh phục Nga nhờ Tchaikovski

Đăng ngày:

Về hạng Tư trong kỳ thi âm nhạc quốc tế Tchaikovski 2015, thí sinh người Pháp Lucas Debargue, 24 tuổi, đã được kết nạp vào một trong những câu lạc bộ khép kín nhất, danh tiếng nhất của trường phái nhạc cổ điển Nga. Ít được khán giả Paris biết đến, nhưng Debargue đã được giới sành điệu Matxcơva tôn vinh như một nhạc sĩ dương cầm bậc thầy.

Nhạc sĩ Pháp, Lucas Debargue- Giải 4 Cuộc thi âm nhạc Tchaikovski 2015.
Nhạc sĩ Pháp, Lucas Debargue- Giải 4 Cuộc thi âm nhạc Tchaikovski 2015. worldpress.com
Quảng cáo

« Hai năm nữa, cậu ấy sẽ là nhạc sĩ dương cầm giỏi nhất thế giới ». Đó là lời khen tặng hiếm hoi một thành viên trong ban giám khảo đã dành cho thí sinh người Pháp sau ba vòng thi tuyển. Báo chí Matxcơva nói tới « hiện tượng Lucas Debargue » và mệnh danh Lucas là « Anh chàng người Pháp mà tất cả mọi người đều biết ». Lucas Debargue nhận giải nhất của toàn thể giới phê bình nhân cuộc thi quốc tế Tchaikovski lần thứ XV.

Một kỷ niệm khó quên và cũng là một vinh dự lớn đối với Lucas : dù không về hạng nhất nhưng Debargue được mời biểu diễn trong đêm nhạc Gala, kết thúc cuộc tranh tài.

Lucas Debargue là ai và vì sao nhạc sĩ dương cầm còn trẻ tuổi này đã dễ dàng chinh phục được những nhạc sĩ bậc thầy của trường phái cổ điển Nga ?

Hành trình đến Matxcơva

Lucas Debargue sinh năm 1990 và lớn lên ở vùng Picardie, miền bắc nước Pháp. So với các nhạc sĩ chuyên nghiệp, anh bước vào thế giới âm nhạc khá muộn màng. Mãi đến năm 11 tuổi mới bắt đầu học đàn piano. Nhưng nhờ có khiếu, Lucas đã nhanh chóng được tuyển vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Paris. Trong hành trình đến với âm nhạc, có lúc Debargue tưởng chừng đã bỏ rơi cây đàn. Nhưng anh chưa bao giờ sống xa âm nhạc, kể từ cuộc hội ngộ lần đầu với bản Concerto số 21 của Mozart, năm Lucas lên 9.

Lucas Debargue có biệt tài : chỉ cần nghe qua một lần một bản concerto hay sonate, anh có thể chơi lại gần giống như bản gốc mà không tận mắt trông thấy những nốt nhạc đen trắng lên nhảy múa trên các khuôn nhạc đã được các soạn giả vẽ ra.

Thế rồi định mệnh đẩy đưa, năm 20 tuổi, Lucas Debargue may mắn được gặp giáo sư Rena Shereshevskaya, người đã trông thấy ở cậu thanh niên cao lòng khòng này một « viên kim cương còn chưa được gọt giũa ». Bốn năm sau khi cộng tác với bà giáo người Nga Rena Shereshevskaya, Debargue đoạt giải dương cầm quốc tế đầu tiên Adilia Alieva vào năm 2014.

Bước từ bóng tối ra ánh sáng

Nhưng 2015 là một khúc quanh quan trọng trong sự nghiệp anh. Đầu tháng 06/2015 khi lên đường đến Matxcơva chắc chắn Lucas Debargue không thể hình dung ra những gì chờ đợi anh sau ba vòng thi tuyển của một trong những cuộc tranh tài uy tín nhất trong dòng nhạc cổ điển mang tên nhà soạn nhạc người Nga, Piotr Ilitch Tchaikovski.

Đầu tháng 07/2015 Debargue chia tay nước Nga, trở lại Pháp với giải thưởng hạng Tư của ban giám khảo, giải Nhất của giới Phê bình Âm Nhạc Matxcơva.

Ngoài hai phần thưởng cao quý đó, là những lời khen tặng mà nhiều nhạc sĩ bậc thầy trong làng âm nhạc Nga đã dành cho một thí sinh từ phương xa đến. Nhạc sĩ nổi tiếng người Nga, Boris Berezovski – giải Nhất dương cầm Concours Tchaikovski năm 1990- không ngớt lời xưng tụng Lucas, gọi anh là một « thiên tài ». Berezovski đã gửi tin nhắn đến tất cả những tên tuổi trong thế giới dương cầm để nói về « khám phá mới lạ » ông vừa chứng kiến trên sân khấu của Nhạc viện Matxcơva.

Một cây đại thụ trong thế giới âm nhạc Nga, giáo sư Dmitri Bashkirov, người từng là thầy của nhạc sĩ Đặng Thái Sơn, báo trước, chỉ hai năm nữa Lucas Debargue sẽ là « nhạc sĩ dương cầm giỏi nhất thế giới ». Hãn hữu hơn nữa là khi nhạc trưởng Valery Gergiev người điều khiển dàn nhạc của Nhạc viện Matxcơva trong cuộc thi Tchaikovski vừa qua, đã vỗ tay khen thưởng Lucas và mời anh biểu diễn trong chương trình đặc biệt của nhà hát Mariinsky, « thánh đường » nghệ thuật của thành phố cổ Saint Petersbourg.

Nguyên giám đốc điều hành bảo tàng Pouchkin tại Matxcơva Irina Antonova đích thân mời Lucas Debargue tham gia vào chương trình của Viện bảo tàng. Đây là một vinh dự chỉ dành riêng cho những nhạc sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Hào quang của Lucas chiếu sáng đến nỗi xuýt làm lu mờ tên tuổi của nhạc sĩ còn rất trẻ người Nga Dmitri Masleev, Huy chương Vàng giải thưởng Tchaikovski 2015.

Từ Matxcơva trở về, lịch lưu diễn của Lucas Debargue dày kín với những buổi trình diễn đưa chân anh đi từ Chilê đến Perou, từ Ý sang Nhật Bản và đương nhiên là với nhiều chặng quá cảnh trên quê hương nhạc sĩ Nikolaï Karlovitch Medtner. Ở vòng hai cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovski vào mùa hè vừa qua, Lucas Debargue đã chinh phục ban giám khảo với bản Sonate F minor của Medtner.

Theo một nhà phê bình của Pháp, thì Lucas am hiểu Medtner, thể hiện tài tình 14 bản sonate của ông hơn bất kỳ một nhạc sĩ người Nga nào. Lời khen tặng đó có thể là kém khách quan. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi đó là thầy dậy nhạc của Lucas Debargue hiện nay là giáo sư dương cầm nổi tiếng Rena Shereshvskaya. Với bà, Lucas thực sự đắm mình vào dòng nhạc Nga.

Bà cũng đã dậy cho Lucas thả hồn vào mỗi nốt nhạc trước khi động đến phím đàn. Chẳng vậy mà bản Valse của Tchaikovski anh biểu diễn trong cuộc thi vừa qua đã làm xiêu lòng những khán giả khó tính ở Matxcơva.

Ông thầy khó tính nhất của Nhạc viện Matxcơva, là giáo sư Serguei Dorenski đã đích thân chúc mừng thí sinh Debargue. Cũng trong dịp đến Nga thi đấu vừa qua, Lucas đã có cơ hội viếng thăm căn nhà của Tchaikovski ở Klin, cách Matxcơva 85 cây số. Khi nhìn thấy học trò của mình thả hồn trên chiếc dương cầm từng có vết tay của tác giả Hồ Thiên Nga thì giáo sư Rena Shereshvskaya đã bật khóc vì vui sướng.

Duyên nợ với nước Nga

Hai ngày trước khi Lucas Debargue lên đường sang Nga dự thi, bà ngoại của anh đã tiết lộ Lucas Debargue có một chút dòng máu Nga. Ông bà cố của Lucas chạy trốn Cuộc cách mạng Tháng Mười sang định cư tại Pháp. Đâu đó, chàng nhạc sĩ người Pháp này còn nhiều duyên nợ với nước Nga !

Được đưa ra trước ánh sáng đèn mầu sân khấu như vậy, nhưng Lucas Debargue không hề mất hướng. Chàng nghệ sĩ có vóc dáng vụng về này không bao giờ bước lên sân khấu với chiếc cà-vạt hay nơ ở cổ như những nhạc sĩ « cổ điển khác ». Lucas Debargue quan niệm rằng, những lời khen tặng, như gió thoảng qua. Chỉ có âm nhạc và cây đàn là những gì đọng lại mãi.

Vì vậy Lucas cho rằng, phần thưởng vật chất và tinh thần gặt hái được ở Matxcơva cho anh thêm nghị lực. Đặt chân đến kinh đô của làng nhạc cổ điển, Debargue không hề nghĩ là anh đi thi. Với bầu không khí của Nhạc viện Matxcơva, Lucas như ra khỏi một giấc ngủ mùa đông, như cảm thấy một khung trời tự do đang mở ra cho người ghệ sĩ.

Ở mỗi vòng thi, Lucas Debargue đều chơi hết mình, như thể đó là buổi trình diễn quan trọng nhất trong cả cuộc đời và sự nghiệp. Anh thả hồn vào vào từng nốt nhạc, như lời khuyên của bà giáo dậy đàn Rena Shereshevskaya … Nhưng đó là một tâm hồn tự do, không mặc cảm, không còn bị những tên tuổi quá lớn trong thế giới dương cầm ám ảnh.

Có lẽ cảm giác tự do đó đã giải phóng Debargue khỏi những áp lực quá lớn của một kỳ thi trọng đại. Lucas cũng đã tạm xua tan những dấu ấn quá đậm nét của các nhạc sĩ bậc thầy đi trước, những người từng thể hiện những bản nhạc của Liszt hay Chopin, Beethoven, Ravel đến mức trên cả hoàn hỏa … Vì không bị mặc cảm mà Lucas Debargue tự cho phép mình mang lại một vài nét mới lạ trong cách diễn đạt. Chưa thực sự hoàn chỉnh, nhưng Lucas Debargue đã có phong cách riêng của mình.

Với phong cánh riêng đó, Lucas Debargue đã liều lĩnh ngẫu hứng chơi nhạc jazz ngay trên sân khấu của nhà hát Saint Petersbourg sau buổi độc tấu dương cầm hôm 14/07/2015. Lucas không thuần túy là một nhạc sĩ dương cầm trong làng nhạc cổ điển. Anh còn là một tay chơi nhạc jazz và nhạc rock tài hoa và thường xuyên biểu diễn với các ban nhạc nghiệp dư tại các rạp hát nhỏ ở Paris.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.