Vào nội dung chính
ĐIỆN ẢNH

Martin Scorsese : Kịch bản thâm thúy, thước phim tinh túy

Nếu phải chọn một biểu tượng duy nhất để tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của đạo diễn Martin Scorsese, thì có lẽ đó là ‘’kịch bản phân cảnh’’ đầu tiên mà cậu bé Marty (tên gọi thân mật của Martin) đã phác họa vào năm 11 tuổi. Thời còn nhỏ, ông mắc bệnh hen suyễn, vì thế lúc nào cũng phải ở trong nhà.

Leonardo DiCaprio và Jean Dujardin đều là fan của Martin Scorsese
Leonardo DiCaprio và Jean Dujardin đều là fan của Martin Scorsese REUTERS/Jacky Naegelen
Quảng cáo

Màn ảnh truyền hình là cánh cửa sổ duy nhất mở ra thế giới bên ngoài. Nằm trên giường bệnh, cậu bé được xem những bộ phim trắng đen đầu tiên. Niềm đam mê nghệ thuật thứ bảy tựa như một con vi trùng ăn sâu vào xương tủy của Martin Scorsese từ lúc nào không hay.

Mãi đến những ngày cuối tuần, Martin mới được bố mẹ dẫn đi xem xinê. Vì gia đình ông là người gốc Sicilia định cư tại New York, cho nên bố mẹ ông thường chọn xem phim Ý. Cũng từ đó mà Martin mới khám phá các bộ phim xã hội thuộc trường phái tân hiện thực (Neorealismo), đi ngược lại với dòng phim tình cảm giải trí gọi là ‘’điện thoại trắng’’ (Telefoni Bianchi).

Các bộ phim tân hiện thực của Ý cũng như phim Pháp thuộc phong trào Làn sóng mới (Nouvelle Vague) sau đó ảnh hưởng khá nhiều đến cung cách làm phim của đạo diễn Martin Scorsese, sau khi ông tốt nghiệp trường điện ảnh New York vào giữa những năm 1960.

‘’Kịch bản phân cảnh’’ đầu tiên năm 11 tuổi

‘’Kịch bản phân cảnh’’ đầu tiên mà Martin Scorsese đã phác họa năm ông mới 11 tuổi, có tựa đề là The EternalCity, một bộ phim lịch sử cổ trang mà ông sẽ chẳng bao giờ quay, nhưng ít ra cho thấy được hai điểm. Qua việc dùng một tấm bảng để vẽ lại cốt truyện (storyboard), và phân đoạn những cảnh quan trọng nhất để đem lại một cái nhìn tổng quát về diễn tiến câu chuyện, Martin Scorsese tuy còn rất trẻ, cho thấy ông đã ý thức rất rõ về ngôn ngữ hình ảnh, cách vẽ thể hiện nhãn quan và chứng tỏ là Martin biết đặt góc nhìn từ chỗ nào.

Một điều quan trọng khác nữa là những cái tên xuất hiện trên kịch bản phác họa đầu tiên này đều là những bạn học của ông thời thơ ấu. Sau này khi vào nghề, ông nổi tiếng là rất coi trọng tình bạn, trung thành với đoàn làm phim, kể cả diễn viên (Robert de Niro, Harvey Keitel, Joe Pesci, Leonardo DiCaprio ….) cũng như các nhân viên kỹ thuật làm việc trên cùng một dự án.

Có lẽ cũng vì thế mà ‘’kịch bản phân cảnh’’ The EternalCity trở thành một trong những hiện vật trưng bày quý hiếm (do ít được phổ biến) và quan trọng nhất nhân cuộc triển lãm tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française. Thủ đô Paris đã muốn vinh danh đạo diễn người Mỹ bậc thầy với một chương trình khá dày đặc từ trung tuần tháng Mười năm 2015 tới giữa tháng Hai năm 2016.

Song song với cuộc triển lãm tập hợp các tấm ảnh chụp, kịch bản viết tay, âm nhạc và trang phục nguyên gốc, áp phích bích chương, máy quay cầm tay hay dụng cụ phim trường (kết hợp bộ sưu tập của cá nhân ông với các món sưu tầm của nam diễn viên Robert De Niro và của nhà đạo diễn Paul Schrader), còn có thêm các buổi hội thảo theo chủ đề và nhất là chương trình chiếu phim của ông gồm 45 tác phẩm kể cả phim truyện và tài liệu. Hầu hết các bộ phim quan trọng nhất của Martin Scorsese đều nằm trong chương trình này …..

Nhãn quan táo bạo, tài năng độc đáo

Đạo diễn Martin Scorsese (và trong một chừng mực nào đó cũng như trường hợp của Clint Eastwood) có một uy tín đặc biệt ở Pháp, trong giới sành điệu nói riêng và trong công chúng nói chung. Trước hết vì ông có nhiều bản lĩnh, nắm rất vững các kỹ thuật quay phim để rồi dùng cái kỹ thuật ấy để làm nổi bật cho điều ông muốn kể. Cảnh quay liền một mạch (plan séquence) trong phim Goodfellas là một trong những đoạn phim đầy ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh.

Màn đấm bốc trong phim Raging Bull (1980) chỉ kéo dài có 8 phút nhưng lại mất 10 tuần lễ để hoàn chỉnh cảnh quay. Nơi Martin Scorsese, khán giả tìm thấy một lối dẫn dắt câu chuyện cuốn hút sống động, tài chỉ đạo diễn viên, các nhân vật trở nên liến thoắng nhờ có nhiều lời thoại, nhưng không đến mức mệt tai nói nhiều như trong dòng phim của Quentin Tarentino.

Martin Scorsese được xem như là bậc thầy, lớn lên trong cùng một thế hệ mà người Pháp gọi là "New Hollywood", bên cạnh các tên tuổi như Steven Spielberg, Francis Ford Coppola, Wiliiam Friedkin, Brian De Palma, và trong một chưng mực nào đó George Lucas. Điểm chung giữa các tên tuổi này là họ thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các hãng phim lớn, bảo vệ quan điểm độc lập để tránh cho tác phẩm của họ bị chi phối, cắt xén.

Sự thành công của các gương mặt này tuy không đồng đều, nhưng nó đánh dấu sức bật của thế hệ thành danh vào cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, thổi một luồng gió sáng tạo vào kỹ nghệ điện ảnh và đem lại những sắc thái độc đáo, khác hẳn với dòng phim do các tập đoàn phim ảnh sản xuất.

Tất nhiên có rất nhiều điều để nói về Martin Scorsese, một nhà làm phim có tâm hồn gắn liền với thành phố New York cũng như với cộng đồng người Ý do ông lớn lên trong khu phố Little Italy. Bề phải hay mặt trái, quang cảnh sinh hoạt ban ngày hay thế giới ngầm ban đêm, đường phố New York luôn luôn nuôi dưỡng trí tưởng tượng của Martin Scorsese.

Để thấu hiểu nguồn cảm hứng này, thì bên cạnh tác phẩm Taxi Driver, cành cọ vàng liên hoan Cannes năm 1976, có lẽ ta cũng nên xem lại bộ phim New York Stories (1988) qua đó ba đạo diễn bậc thầy là Francis Ford Coppola, Woody Allen và Martin Scorsese đối chiếu góc nhìn của họ về thành phố New York.

Bằng hữu, huyết tộc : Cốt nhục tình thâm

Nơi Martin Scorsese thật ra có cả hai luồng ảnh hưởng : văn hóa xã hội Mỹ và truyền thống gia đình Ý (Sicilia). Góc tối thành thị, cuộc sống băng đảng, bạo lực đường phố, mô hình "gia tộc" theo kiểu Ý, tất cả được hoà quyện lại trong tầm nhìn của ông, các bộ phim của Martin Scorsese vì thế mà có một lăng kính hoàn toàn khác biệt, không giống với bất kỳ nhà làm phim nào khác cùng một thế hệ.

Trong thể loại phim cao bồi, John Ford từng tạo cho mình một dấu ấn riêng biệt khi quay các anh hùng miền Viễn Tây. Một cách tương tự, trong thể loại phim gangster đường phố, Martin Scorsese sau khi hấp thụ những dòng phim kinh điển, lại tạo dựng những nét khác hẳn khi quay những mãnh đời thường bị cuốn trôi vào dòng xoáy cuộc đời, vòng lẩn quẩn của bạo lực.

 Phim của Martin Scorsese thường đan xen nhiều chủ đề, nhưng sợi chỉ đỏ quan trọng nhất vẫn là ‘’tình huynh đệ’’ lồng vào cái quan hệ huyết thống trong những gia đình bị ‘’nhiễu sóng’’, từ đó mà tạo ra những bối cảnh ngược đời phức tạp, quả báo trớ trêu.

Trong lăng kính của Martin Scorsese, ‘’tình huynh đệ’’ không chỉ đơn thuần là giữa anh em ruột thịt mà còn là giữa anh em kết nghĩa, nhà đạo diễn luôn nhìn vấn đề cùng lúc dưới nhiều góc độ, ‘’tình huynh đệ’’ tự hủy hoại do hàm chứa bên trong cả hành động phản bội lẫn thái độ thất hứa, quan hệ gắn bó mật thiết cũng luôn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố cám dỗ bên ngoài như ma túy, tiền bạc, tình dục …..

Chủ đề này manh nha từ bộ phim tốt nghiệp đầu tay là The Big Shave, để rồi phát huy mọi tiềm năng qua hai tác phẩm quan trọng là Mean Streets (qua hai nhân vật Charlie Cappa & Johnny Boy) và ba gã lưu manh trong phim Bằng Hữu / Goodfellas (Les Affranchis).

Nhân vật chính trong mắt của đạo diễn Scorsese, thường là những nhân vật phản anh hùng và thậm chí phản diện: họ thường dễ đi lầm đường, số phận bị lệch hướng, các gia đình gốc Ý nổi tiếng là sùng đạo, Martin Scorsese có lẽ từ nhỏ đã thấm nhuần những ý tưởng tôn giáo cho nên các nhân vật trong phim thường hay bị dằn vặt : mặc cảm tội lỗi hay hành động phạm pháp luôn đi đôi với sự cứu rỗi, sám hối, chuộc tội ….

Ký ức tuổi thơ, lương tâm con người

Ký ức tuổi thơ và kinh nghiệm từng trải đã in đậm lên các phim của Martin Scorsese một màu sắc khó phai nhoà. Những nhân vật như tài xế taxi, những tên trộm cắp, những kẻ lang thang không nhà, nhưng kẻ đâm thuê chém mướn, vì tự mình chọn lựa hay vì tình huống đẩy đưa mà trở nên hung tàn, bạo ngược. Nếu như Godfather (Bố Già /1972) tôn vinh hình tượng trùm mafia, thì bộ phim Goodfellas (Bằng Hữu /1990) trở nên kinh điển khi xoay quanh câu chuyện về ba tên lưu manh, tàn nhẫn hung bạo và đầy máu lạnh.

Do ông luôn soi rọi ống kính để truy tìm tận cùng các khía cạnh của thiện và ác, quan hệ con người vì thế mà trở nên phức tạp, nhân vật có chiều sâu nhờ có nhiều bộ mặt. Đặc điểm trong phim của Martin Scorsese là nhịp điệu và tốc độ, diễn tiến hầu như lúc nào cũng tăng tốc, như thể cơn lốc của số phận đẩy con người đến bên bờ vực thẳm, để rồi đẩy họ xuống ‘’địa ngục’’ điên cuồng, vượt ngoài tầm kiểm soát mà con người cũng khó thể nào mà cưỡng lại được.

Nếu tách rời các nhân vật ra ngoài bối cảnh câu chuyện, thì thế giới trong phim của Martin Scorsese có vẻ rất tàn nhẫn lạnh lùng. Thế nhưng, các bộ phim của Scorsese thường mang tính ngụ ngôn, một cách để cho ông đánh thức lương tâm của con người, một cách để nói rằng trong những giây phút đen tối và xấu xa nhất, vẫn chưa quá muộn để bắt đầu làm những điều hướng thiện, kẻ giết mướn buông dao đồ tể, cải tà quy chính …..

Qua chương trình dành riêng cho Martin Scorsese, Viện lưu trữ phim ảnh Pháp đã đề cao vai trò cũng như nỗ lực đóng góp của nhà đạo diễn này cho nền điện ảnh không chỉ riêng gì Mỹ mà là của thế giới. Martin Scorsese nhớ lại cái thời còn nhỏ, nghệ thuật thứ bảy tựa như con vi trùng ăn sâu vào xương tủy, nay đến tuổi về chiều, đến phiên ông thắp sáng ngọn lửa ký ức, để truyền đạt lại những kịch bản thâm thúy, những mẫu chuyện ly kỳ, những thước phim tinh túy ….

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.