Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

« Alice ở xứ sở thần tiên » : Truyện cho trẻ con hay là cho người lớn?

Đăng ngày:

Năm 2015, tập truyện « Những cuộc phiêu lưu của Alice ở xứ sở thần tiên » tròn 150 tuổi. Tiểu thuyết do nhà văn người Anh Lewis Carroll sáng tác chính thức ra mắt công chúng ngày 04/07/1865. Trước đó hơn nửa năm, tức vào ngày 26/11/1864, « Alice ở xứ sở thần tiên » lại là một món quà Giáng sinh đặc biệt mà nhà văn dành tặng riêng cho cô bé Alice « thật » ngoài đời. Trong nhãn quan nhiều nhà phân tích, đây lại là một tập truyện dành cho người lớn nhiều hơn do liên quan đến ba vấn đề : Tình dục, Sự nổi loạn và các chất gây ảo giác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. Wikimedia
Quảng cáo

Quốc tế mừng 150 năm tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên

Mừng Alice ở xứ sở thần tiên được 150 tuổi, một số quốc gia đông người hâm mộ đã có nhiều hoạt động văn hóa. Nước Pháp đã dành cho Alice một vị trí đặc biệt trong dịp Hội chợ Sách Thiếu nhi Montreuil năm 2015. Nhật Bản nhân lễ kỷ niệm cho tái hiện nhân vật dưới nét vẽ truyện tranh manga, với một cô bé Alice có đôi mắt to tròn, màu sắc sinh động, bắt mắt để thu hút các độc giả nhí.

Nhưng có lẽ rộn rịp nhất là tại Anh Quốc, quê hương của Alice. Thông tín viên Lê Hải tại Luân Đôn đã có dịp gặp gỡ trao đổi với hai em Kathy và Emily và tường thuật lại các chương trình văn hóa liên quan đến Alice ở xứ sở thần tiên:

« Hàng năm, Bảo tàng chuyện kể - Story Museum ở Oxford đều tổ chức Ngày Alice, vào đầu tháng Bảy, để kỷ niệm ngày nhà văn Charles Dodgson ngồi trên chiếc thuyền bơi dọc sông Thames và kể chuyện cho cô bé Alice Liddel, mà sau này xuất bản thành tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở thần tiên. Nếu đến Oxford không đúng vào ngày này, du khách vẫn có thể thuê du thuyền để nghe người hướng dẫn kể lại câu chuyện năm xưa và cả gia đình cùng thưởng thức ».

« Ở Brighton có khách sạn tên là Ngôi nhà trong Xứ sở thần tiên - Wonderland House. Khách đến đây có thể ngủ trong những căn phòng nổi tiếng như là Alice’s room, The Queen of Heart’s room, hay là The Tweedles Bedroom, và ăn sáng trên chiếc bàn Enchanted Table. Bên cạnh là khu nhà xây theo nội dung của câu chuyện tiếp theo - The Looking Glass Cottage, nằm cách không xa bờ biển tuyệt đẹp miền nam nước Anh ».

Theo anh Lê Hải, « Luân Đôn luôn là tâm điểm của mọi hoạt động văn học Anh. Mùa Giáng Sinh năm nay Thư viện quốc gia British Library vừa khai mạc lễ hội đặc biệt kỷ niệm 150 năm ngày xuất bản tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng - Những cuộc phiêu lưu của Alice vào Xứ sở thần tiên.

Các bậc phụ huynh lũ lượt đem con tới thư viện không chỉ để xem bản thảo viết tay của tác phẩm này, mà còn nghiên cứu sự thay đổi của cốt truyện theo thời gian, và chuyển thể sang truyện ngắn, kịch bản phim, hay nhạc kịch, và cả những vở diễn ở trường học.

Không chỉ trẻ em ở độ tuổi cấp một ở Anh biết đến tác phẩm này trong chương trình môn văn ở trường, mà rất nhiều du khách cũng bị cuốn hút qua bộ phim Hollywood nổi tiếng gần đây. Ở London có hàng chục địa điểm dành sẵn cho họ: từ các vở diễn trong nhà hát cho đến cửa hàng được bài trí theo những câu chuyện của Lewis Carroll, và vô số tiệm sách ở khắp nơi ».

« Alice ở xứ sở thần tiên » : Một câu chuyện không đầu không đuôi

Một thế kỷ rưỡi đã trôi qua, nhưng câu chuyện của Lewis Carroll vẫn thu hút sự đam mê hàng triệu độc giả trên thế giới, làm bay bổng bao trí tưởng tượng của trẻ thơ, đôi khi chính cả người lớn, là nguồn cảm hứng cho biết bao ca sĩ từ The Beatles cho đến Damon Albarn, từ Marilyn Manson đến cả Indochine... và cả cho điện ảnh nữa.

Có thể nói là thành công của Alice ở xứ sở thần tiên gần như vượt cả không gian lẫn thời gian. Bàn về công lao, công đầu đương nhiên phải thuộc về nhà văn Lewis Carroll. Đích thân ông chăm chút cho tập sách, từ việc chọn họa sĩ minh họa, chọn nhà in sách cho đến cả phần đóng bìa... Nói tóm lại, ông theo dõi sít sao từng công đoạn cho đến cả khâu phát hành.

Nhưng đối với giới nghiên cứu phân tích, chiếc chìa khóa của sự thành công có thể nói là toàn cầu này chính là bố cục độc đáo. Về mặt hình thức, đó là một câu truyện dành cho thiếu nhi, vì trong tác phẩm của Lewis Carroll tràn ngập các sinh vật tưởng tượng như đến từ một câu chuyện dành cho trẻ con. Một câu chuyện tưởng tượng hoàn toàn đặc biệt.

Mà tính đặc biệt đó đến cũng thật tình cờ. Vào ngày 04/07/1862, Charles Dodgson, tên thật của nhà văn Lewis Carroll, chèo thuyền dạo sông Thames cùng với Lorina (13 tuổi), Alice (10) và Edith Liddell (8), ba cô kiều nữ của ngài hiệu trưởng trường Christ Church College. Chính tại ngôi trường nổi tiếng vùng Oxford này, Lewis Carroll giảng dạy môn toán.

Cả ba cô bé, nhất là Alice trong một lúc chán nản đã nài nỉ nhà văn kể một câu chuyện phiêu lưu, nhưng với một yêu cầu đó phải là một câu chuyện "không đầu, không đuôi" (nonsense). Làm sao cưỡng lại đây? Thế là, Charles thực hiện, và bút danh Lewis vì thế mà ra đời.

Câu truyện kể về một nữ nhân vật chính tên Alice. Vì hiếu kỳ đuổi theo một con con Thỏ Trắng, vẻ vội vàng, vừa đi vừa lẩm bẩm một mình với chiếc đồng hồ, cô bé Alice rơi vào cái hang sâu hun hút rơi mãi rơi mãi mà vẫn không chạm được đến đáy.

Rồi tình cờ cô bé nhặt được chiếc chìa khóa vàng, cùng với một lọ thần dược có ghi hàng chữ "hãy uống tôi đi". Khi nốc lọ dung dịch có "mùi bánh mứt quả anh đào và gà tây hầm", cô bé bất thình lình bị thu nhỏ lại. Và như thế cuộc phiêu lưu của Alice được bắt đầu.

« Một câu chuyện có nhiều cách đọc »

Câu truyện của Lewis Carroll đặc biệt là vì độc giả có thể diễn giải ý nghĩa của nó dưới nhiều góc cạnh khác nhau, tùy theo từng quan điểm. Đấy là một câu chuyện hoang đường không đầu, không đuôi, không một trình tự lô-gic. Nhưng câu truyện lại ngập tràn những hình ảnh tưởng tượng và đượm đầy nét đẹp thẩm mỹ. Đấy là những gì một nhà thơ hay một người hay mơ mộng thích tìm đến. Giống như là những gì con mèo Cheshire trước khi biến mất còn cười nói là : « Ở đây tất cả mọi người đều điên khùng cả ! »

Đó cũng có thể là cái nhìn của một người nghiện thuốc. Đối với họ, cả hành trình mà Alice trải qua kể từ khi rớt xuống hang thỏ giống như là một cảm giác « ngây ngất » do phê thuốc. Mà hình ảnh cụ thể là cảnh chú sâu con đang phì phèo hút thuốc.

Còn nếu nghiêm túc hơn, câu truyện Alice ở Xứ sở thần tiên biểu hiện một hình thức nổi loạn chống lại luật lệ hà khắc, trói buộc người phụ nữ của xã hội Anh quốc dưới thời Nữ hoàng Victoria, theo như quan điểm của các nhà xã hội học.

Người phụ nữ thời ấy chỉ có thể thoát ra được sự nghiêm khắc đó bằng một giấc mơ mà thôi. Mà hình ảnh cô bé Alice thoát ra khỏi thế giới thần kỳ khi giật mình tỉnh giấc mới biết đó là một giấc mơ là một ví dụ điển hình.

« Alice » là một câu chuyện cho trẻ con hay cho người lớn ?

Nhưng cũng như bao nhiêu câu chuyện cổ tích khác tại phương Tây, Alice ở xứ sở thần tiên cũng lọt qua được cái nhìn chi tiết của các nhà phân tích tâm lý. Tờ nhật báo Libération (số ra ngày 03/12/2015) tóm lược quan điểm của chuyên gia phân tích tâm lý Christophe Bormans, có cho rằng Alice mê hoặc chúng ta là vì, cách đây 150 năm, Lewis Carroll đã viết cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết nhập môn bàn về tình dục, mà ở đây là phái nữ.

Cách mổ xẻ và phân tích vấn đề của Christophe Bormans cũng giống như nhà phân tâm học người Mỹ, Bruno Bettelheim, nổi tiếng với tác phẩm Psychanalyse des contes de fée (Tạm dịch là Phân tích tâm lý các câu truyện cổ tích). Phải chăng là tập truyện Alice ở xứ sở thần tiên là một tiểu thuyết nói về tình dục của đàn bà ? Bởi vì theo quan điểm của ông Christophe Bormans, câu chuyện "Alice" tập trung xoay quanh một vấn đề mấu chốt: Như thế nào là một bé gái? Làm thế nào trở thành một cô gái, nói thẳng ra một phụ nữ?

Qua việc nghiên cứu kỹ cấu trúc giấc mơ trong tác phẩm, Christophe Bormans, chứng minh được là câu truyện của Lewis Carroll mô tả những diễn biến tâm sinh lý của một bé gái trong giai đoạn chuyển tiếp từ một cô bé ngây thơ bước sang giai đoạn tuổi dậy thì.

Sự khởi đầu của giai đoạn chuyển tiếp đó được bắt đầu từ hình ảnh cô bé Alice ngây thơ (tượng trưng cho giai đoạn trước tuổi dậy thì) vì hiếu kỳ đuổi theo một con Thỏ Trắng (biểu tượng cho sự khao khát dục vọng). Một chú thỏ rất dễ nhận ra nhờ vào bộ lông trắng (đại diện cho phái nữ).

Đó là những giai đoạn mà các bé gái phải vượt qua trong tiềm thức. Cùng một lúc Alice cảm thấy vui thích khi khám phá ra những cảm giác ham muốn mới về tình dục nhưng đồng thời cũng cảm thấy lo sợ trước những phát hiện mới đó. Tác phẩm của Lewis Carroll đã lột tả được những giai đoạn phát triển trong vô thức mà một bé gái phải vượt qua để xử lý những cảm giác mới đó sao cho có thể đạt được một cuộc sống sinh lý của một người phụ nữ bình thường.

Vấn đề nguy hiểm đầu tiên mà Christophe Bormans muốn đề cập đến đó là sự quyến rũ. Khi hai anh em sinh đôi Tweedle-Dee và Tweedle-Dum kể lại câu chuyện con hải tượng mời các con hào biển không chút tự vệ đến dùng bữa chiều để rồi nuốt tươi nuốt sống cả bầy không lời cảnh báo, Alice đã không sợ hãi hỏi lại rằng: « Các ông nghĩ là ở tuổi nào thì tốt như thế? ».

Câu hỏi đó cũng hàm ý là sự quyến rũ, nhất là với một đối tác lớn tuổi hơn là một sự nguy hiểm, nhưng đó cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển giới tính: một cô gái trẻ bị cuốn hút bởi một người đàn ông khác tuổi hay xu hướng muốn thu hút sự chú ý của phái nam trong độ tuổi dậy thì.

Chính vì Alice ở xứ sở thần tiên có cốt truyện “đa tầng”, có nhiều cách đọc và nhiều cách hiểu, nên 150 năm sau ngày ra đời tác phẩm này vẫn có tiếng vọng cho đến tận ngày nay. Nhất là các xã hội Âu-Mỹ đã và đang tiếp tục nghiên cứu các lãnh vực “tâm lý, tình dục và giới tính học”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.