Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Quốc kỳ và quốc ca Pháp, biểu tượng đoàn kết sau loạt khủng bố

Đăng ngày:

Còn bàng hoàng sau loạt khủng bố ngày 13/11, song người dân Pháp không buông tay trước nỗi kinh hoàng mà những kẻ khủng bố thánh chiến muốn gieo rắc. Chỉ hai ngày sau sự kiện đau buồn, rất nhiều người vẫn tới thưởng thức cà phê, gặp gỡ bạn bè tại các quán bar-cà phê hay nhà hàng gần những khu vực bị khủng bố ở quận 10 và 11, Paris.

Những cây nến với màu cờ Pháp được đặt trước đại sứ quán Pháp ở Seoul tối thứ Bảy 14/11/2015.
Những cây nến với màu cờ Pháp được đặt trước đại sứ quán Pháp ở Seoul tối thứ Bảy 14/11/2015. REUTERS/KIM HONG-JI
Quảng cáo

Họ muốn đưa ra thông điệp : « Không hề sợ những kẻ ác! » (Même pas peur des méchants!). Đi ăn-uống ở ngoài phố « bỗng chốc trở thành một giá trị phổ quát », như lời nhận xét trên đài Europe 1 của nhà xã hội học François de Singly, giảng viên tại đại học Paris Descartes (Paris V) hay « tượng trưng cho sự hoà đồng xã hội, không lệ thuộc vào tôn giáo, gia đình hay nhà nước », theo ý kiến của bà Sandra Laugier, giảng viên triết học tại đại học Panthéon Sorbonne (Paris I) trong buổi phỏng vấn với AFP.

Cùng với những hành động rất đời thường đó, quốc kỳ và quốc ca Pháp cũng trở thành những biểu tượng của tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và khẳng định những giá trị « tự do, bình đẳng, bác ái » của nền Cộng hoà. Những giá trị này được nhìn thấy rõ tại những nơi xảy ra khủng bố để tưởng niệm 130 nạn nhân.

Sau phút mặc niệm vào lúc 12 giờ trưa ngày 16/11, quốc ca Pháp được ngân vang khắp nơi. Tiếp theo là lời kêu gọi treo quốc kỳ vào ngày quốc tang của Tổng thống François Hollande, được chính thức tổ chức tại sân điện Invalides ngày 27/11. Ông cho rằng mỗi người dân Pháp vẫn có thể tham gia sự kiện này bằng cách treo lá cờ xanh-trắng-đỏ tại nơi ở của mình.

Tại một đất nước nơi mà người dân không có thói quen treo quốc kỳ như Pháp, ngay cả vào những dịp lễ tết đặc biệt, trừ các trận đấu bóng, thì lời kêu gọi của Tổng thống lại nhận được sự hưởng ứng khá tích cực, từ mọi tầng lớp, từ mọi đảng phái chính trị.

Bà Sandra Laugier nhận xét : « Giống như câu nói « Yes, we can! » của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay khẩu hiệu « Je suis Charlie » (Tôi là Charlie) sau loạt khủng bố hồi tháng Giêng năm 2015, lá cờ xanh-trắng-đỏ trở thành một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết. Và sức mạnh của biểu tượng này đã vượt ra khỏi biên giới Pháp và trở thành một hiện tượng đặc biệt trên thế giới ».

Mầu cờ Pháp, cũng như những khẩu hiệu như « Je suis Paris », ngập tràn trên các trang mạng xã hội. Ngay sáng 14/11, trang Facebook đã đề xuất người sử dụng trang mạng xã hội thay đổi ảnh đại diện với lá cờ Pháp. Sau đó, rất nhiều công trình nổi tiếng trên thế giới đã thắp sáng mầu xanh-trắng-đỏ để thể hiện tình đoàn kết với Paris : tháp One World Trade Center tại New York, nhà hát Opera ở Sydney, tượng Chúa Kitô Cứu thế tại Rio, cổng Brandenbourg tại Berlin và nhiều nơi khác.

Nhà xã hội học François de Singly nhận xét rằng lá cờ ba mầu bỗng chốc « được thổi luồng khí mới ». Lá cờ được giương cao để ca ngợi « khát vọng sống » đối lập với hình ảnh « cái chết » mà đại diện là những kẻ khủng bố thánh chiến hay lá cờ đen của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Người Pháp không « mặn mà » với quốc kỳ

Trái ngược với nhiều quốc gia khác trên thế giới, dù yêu nước, người dân Pháp vẫn cảm thấy khó xử với biểu tượng của quốc gia, thường bị gắn là công cụ tuyên truyền cho giá trị của nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa dân tộc. Cụ thể là « từ những năm 1980, lá cờ ba mầu đi liền với những mong muốn trở lại quyền lực, với chủ nghĩa dân tộc hay sự thăng hoa của khuynh hướng cực hữu », theo như lời giải thích của nhà nghiên cứu Carole Reynaud-Paligot thuộc đại học Paris I.

Ngay năm 2004, trên website của tuần báo l’Obs, ông Joshua Adel, cố vấn chính trị khuynh tả, đã đặt câu hỏi « Phải chăng lá cờ xanh-trắng-đỏ chỉ được dành cho đảng Mặt trận Quốc gia (FN)? ». Ông nhận xét : « Các biểu tượng này được kế thừa từ thời Cách mạng Pháp và các nền Cộng hòa trước đây. Nhưng giờ đây, các biểu tượng đó lại được gắn liền với chủ nghĩa dân tộc bài ngoại cực hữu vốn có nguồn gốc từ phong trào phản kháng và từ chế độ Vichy ».

Thực vậy, lá cờ ba mầu gần như vắng bóng tại đảng khuynh tả như đảng Xanh (EELV) và Mặt trận cánh tả (Front de Gauche), hay luôn xuất hiện bên cạnh lá cờ của Liên Hiệp Châu Âu tại đảng Xã hội (Parti Socialiste). Đây cũng là trường hợp tại đảng Những người Cộng hòa (Les Républicains). Trong khi đó, đảng Mặt trận Dân tộc (Front National) sử dụng triệt để biểu tượng quốc gia này.

Trận thi đấu giao hữu Anh-Pháp tại sân vận động Wimbledon, ngày 17/11/2015.
Trận thi đấu giao hữu Anh-Pháp tại sân vận động Wimbledon, ngày 17/11/2015. Reuters

Ý nghĩa của quốc kỳ Pháp

Lá cờ được sinh ra từ cuộc Cách mạng Pháp, từ sự thống nhất của nước Pháp thông qua ba mầu : mầu trắng tượng trưng cho Hoàng đế bị kẹp ở giữa hai mầu xanh dương và đỏ tượng trưng cho Vệ binh Quốc gia Paris. Cổng thông tin điện tử của điện Elysée cũng nhấn mạnh là hiện vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của lá cờ vì tính xác thực của những giai thoại được truyền lại tới nay vẫn chưa thể kiểm chứng được.

Trước khi trở thành quốc kỳ, biểu tượng ba mầu xanh-trắng-đỏ là được gắn trên phù hiệu. Hầu tước La Fayette, kể lại trong cuốn Hồi ký (Mémoires) rằng, ba ngày sau khi phá ngục Bastille (14/07/1789), ông buộc vua Louis XVI tới toà thị chính Paris và đeo phù hiệu ba mầu : mầu trắng tượng trưng cho nền quân chủ, còn các mầu xanh và đỏ là mầu của thành phố Paris. Đây được coi là dấu hiệu của « sự kết hợp tôn nghiêm và vĩnh cửu giữa chế độ quân chủ và dân tộc ».

Vào mùa thu năm 1790, Quốc hội lập hiến quyết định mọi tầu chiến và tầu buôn của Pháp phải treo lá cờ với ba dải mầu theo chiều dọc : mầu đỏ ở cạnh cột buồm, mầu trắng ở giữa và dải mầu trắng phải rộng hơn một chút so với hai dải mầu còn lại, và cuối cùng là mầu xanh nước biển. Quy định cũng ghi rõ là phải treo cờ theo chiều dọc các băng mầu để tránh nhầm với quốc kỳ Hà Lan. Vì từ một thế kỷ, lá cờ của nước này cũng mang ba mầu xanh-trắng-đỏ, nhưng theo chiều ngang, đã tung bay khắp các vùng biển trên thế giới.

Chỉ từ ngày 15/02/1794, quốc kỳ Pháp mới có hình dạng và thứ tự mầu sắc như hiện nay. Bản Công ước Quốc gia quy định quốc kỳ mang ba mầu xanh-trắng-đỏ chạy theo chiều dọc : mầu xanh nước biển sẽ nằm bên cạnh cột cờ, mầu trắng ở giữa và mầu đỏ tung bay trong gió. Theo những giai thoại được lưu lại thì chính họa sĩ Louis David là người lựa chọn trật tự mầu sắc cho lá cờ.

Sự sống còn của quốc kỳ Pháp từng bị đe doạ rất nhiều lần trong lịch sử. Trong những năm 1814 đến 1830, là cờ xanh-trắng-đỏ biến mất hoàn toàn vì nền quân chủ trở lại nắm quyền. Hay vào ngày 25/02/1848, khi tuyên bố nền Cộng hoà, những người nổi dậy muốn một lá cờ chỉ một mầu đỏ. Chính Alphonse de Prât de Lamartine (1790-1869), với tư cách là chính trị gia đã hô hào quần chúng và với tư cách là nhà thơ đã biết tìm những lời lẽ thuyết phục để cứu lá cờ ba mầu.

Ông nói : « Lá cờ đã đi vòng quanh thế giới với tên gọi, vinh quang và tự do của tổ quốc. Nếu các bạn giật mất lá cờ ba mầu khỏi tay tôi, thì nên hiểu rằng các bạn giật mất một nửa ngoại lực của nước Pháp, vì Châu Âu chỉ biết đến những thắng lợi của chúng ta qua lá cờ của nền Cộng hoà, của Vương quốc. Khi nhìn thấy lá cờ đỏ, Châu Âu chỉ thấy đó là lá cờ của một đảng phái. Cần phải giương cao quốc kỳ Pháp, lá cờ của những đội quân chiến thắng, lá cờ của khải hoàn. Nước Pháp và quốc kỳ ba mầu, là biểu tượng chung của một luồng tư tưởng, một uy tín và sự sợ hãi cho kẻ thù của chúng ta ».

La Marseillaise, bản quốc ca hiếu chiến ?

Cũng như quốc kỳ Pháp, bản quốc ca La Marseillaise liên tục được ngân vang, dù là ngẫu hứng, tại những địa điểm nơi 130 người bị thiệt mạng ngày 13/11, và trở thành một biểu tượng đoàn kết trước chủ nghĩa khủng bố.
Không chỉ các nghị sĩ Pháp nghiêm trang hát La Marseillaise sau bài diễn văn trong buổi họp Lưỡng viện tại lâu đài Versailles, mà trên khắp nước Pháp, từ trường học hay các trụ sở hành chính, bài quốc ca cũng được hát vang sau phút mặc niệm ngày thứ Hai 16/11, ba ngày sau loạt khủng bố.

Tại New York, ngay tối thứ Bẩy 14/11, Placio Domingo và dàn hợp xướng Metropolitain Opera cũng bắt đầu buổi biểu diễn bản nhạc kịch Tosca bằng La Marseillaise. Hay tại nhà hát Opéra Paris, trước buổi trình diễn mỗi tối, là một phút mặc niệm và sau đó là hàng nghìn khán giả cùng hát vang quốc ca.

Tờ New York Times (ngày 18/11/2015) nhận xét : « Từ sau loạt khủng bố tại Paris, quốc ca Pháp có mặt khắp nơi », được hát ở Nghị viện Châu Âu hay trên sân vận động Wembley nơi có tới 70.000 cổ động viên Anh-Pháp đồng thanh hát theo lời bài La Marseillaise hiện trên các màn hình khổng lồ trước trận thi đấu giao hữu.

Nhà sử học và xã hội học Anh Theodore Zeldin nhận xét La Marseillaise « đánh thức hy vọng, cứ như là một hát bài nào đó của ban nhạc Beatles ». Thế nhưng, cũng giống như quốc kỳ, người Pháp cũng tỏ ra dè dặt về ý nghĩa của bài quốc ca, thường bị chỉ trích đầy tính hiếu chiến, phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Theo một bài giải thích đăng trên website của Đài truyền hình Pháp (27/11/2015), thì ý nghĩa của La Marseillaise không như những gì người ta vẫn nghĩ và có bốn điều cần hiểu về quốc ca Pháp.

Trước hết, La Marseillaise không phải là một bài hát phân biệt chủng tộc. Đoạn điệp khúc được cho là hiếu chiến và đẫm máu đã tiêu tốn không biết bao nhiêu giấy mực và gây rất nhiều hiểu lầm : « Hỡi các công dân, hãy cầm súng/Hãy dàn trận/Cùng tiến bước, tiến bước!/Rằng dòng máu ô uế/Tưới đẫm ruộng ta! » (Aux armes, citoyens/Formez vos bataillons/Marchons, marchons/Q'un sang impur/Abreuve nos sillons!).

Nhà sử học Patrice Guéniffey, chuyên về lịch sử Đế chế, giải thích trên nhật báo Le Figaro (14/05/2014) : « Dòng máu ô uế trong bài hát muốn nói đến máu của các nhà vua và các nhà quý tộc, chứ không phải là máu của người nước ngoài. Xã hội trong Chế độ cũ (Ancien Régime) là một xã hội tuân theo trật tự được hình thành từ những bất công về quyền lợi, thậm chí còn được căn cứ theo cấp bậc dòng máu ».

Còn nhà triết học Roger Pol Droit phân tích rõ hơn trên tờ Les Echos (24/11/2015) : « Khi tuyên bố mọi công dân có quyền bình đẳng, các nhà Cộng hoà muốn chống giai cấp thống trị, những người luôn cho rằng họ có dòng máu « trong sạch » hơn. Trong ngôn từ của những người Cộng hoà, « máu » là đạo đức và chính trị : máu của những người Cộng hoà « tinh khiết », có nghĩa là đức hạnh, trong khi đó, máu của những người theo quân chủ thì « ô uế », có nghĩa là trụy lạc ».

Tiếp theo, La Marseillaise là một bài hát ca ngợi tự do. Nhưng cần phải đọc hết sáu khổ của bài hát để hiểu rằng quốc ca Pháp mang tính giải phóng hơn người ta nghĩ. Ngoài ra, bài hát kêu gọi công bằng. Và cuối cùng, ở khổ năm là những lời kêu gọi đấu tranh chống giới bạo chúa, chứ không phải là những người lính, những con người đã hy sinh cuộc sống và thân mình để cứu đất nước.

Claude Joseph Rouget de Lisle hát quốc ca Pháp, tranh của Paul Adolphe Rajon (thế kỷ XIX).
Claude Joseph Rouget de Lisle hát quốc ca Pháp, tranh của Paul Adolphe Rajon (thế kỷ XIX). BnF

Từ hành khúc trở thành quốc ca Pháp

Một điều thú vị là La Marseillaise vô tình trở thành quốc ca Pháp. Năm 1792, nước Pháp và cuộc cách mạng rơi vào thế nguy kịch, trong khi đó quân đội Áo áp sát biên giới phía Đông sau lời tuyên chiến của vua Louis XVI. Những người lính Cách mạng tập trung tại Strasbourg (thành phố miền đông của Pháp) để đẩy lui kẻ thù. Thị trưởng Dietrich yêu cầu Claude Joseph Rouget de Lisle (1760-1836), một sĩ quan cầu đường 32 tuổi, soạn một bài hát để cổ vũ tinh thần người lính. Chỉ ngay trong đêm ngày 25 và 26/04/1792, vị sĩ quan trẻ hoàn thành bản « Hành khúc quân đội sông Rhin » (Chant de guerre pour l'armée du Rhin) ngay tại nhà Thị trưởng.

Có lẽ khúc quân hành đã bị rơi vào lãng quên nếu như nó không tới tận vùng Montpellier (miền Nam nước Pháp). Tại đây, bác sĩ François Mireur kiêm phụ trách điều phối tình nguyện viên từ miền nam lên Strasbourg, hát bài ca này trong một bữa tiệc. Các đội quân bắc tiến thấy hào hứng với nhịp điệu sôi nổi và hào hùng của bài hát nên đã hát vang suốt dọc đường tiến lên vùng Alsace.

Tiếp theo, các đội quân Marseille đã hát vang « Hành khúc quân đội sông Rhin » trong cuộc nổi dậy tại Tuileries ngày 10/08/1792. Ngày 14/07/1795, bản Công ước Quốc gia quyết định bài ca trở thành quốc ca pháp với tên gọi La Marseillaise. Bị bãi bỏ vào năm 1804, dưới giai đoạn Đế chế, bài ca lại trở thành quốc ca Pháp dưới thời Đệ Tam Cộng hòa vào năm 1879 và từ đó gắn liền với lịch sử của nền Cộng hòa Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.