Vào nội dung chính
PHÁP - BẦU CỬ

COP21 : Vì sao Hiệp định khí hậu Paris mang tính lịch sử ?

Hiệp định chống biển đổi khí hậu được toàn thể 195 nước tham gia đàm phán chấp thuận ngày 12/12/2015 trong niềm phấn khởi và được ca ngợi là lịch sử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tất các các chính phủ hợp tác với nhau bảo vệ môi trường và tương lai trái đất với một mục tiêu cao vọng.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống François Hollande
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Tổng thống François Hollande © Reuters
Quảng cáo

Có ít nhất ba điểm trọng yếu nhất trong hiệp định từ nay có thể gọi là Hiệp định Paris thay thế Nghị định thư Kyoto được thông qua năm 1997.

Thứ nhất là vào lúc mọi người lo ngại không đạt được chuẩn mực giới hạn 2°C thì mục tiêu cao vọng hơn 1,5°C được ghi vào thỏa thuận. Chiến thắng bất ngờ này nhờ vào đòi hỏi kiên định của các nước nghèo ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các quốc đảo Thái Binh Dương, rồi cuối cùng được Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ tán đồng, đẩy tới kết quả chung cuộc.

Điểm thứ hai là từ nay « toàn thế giới » cùng nhau hợp tác, chia sẻ trách nhiệm chung. Những nước giàu phải tài trợ 100 tỷ đô la hàng năm cho các nước đang phát triển để đối phó với hệ quả của biến đổi khí hậu và chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch. Ngân sách này sẽ được xem xét lại vào năm 2025.

Điểm thành công thứ ba là lần đầu tiên cuộc tranh đấu dài hơi của các tổ chức phi chính phủ, của phong trào xã hội công dân đã kích động giới chính trị phải có hành động, không thể viện lý do lợi ích kinh tế trước mắt để hy sinh tương lai của các thế hệ mai sau.

Tuy nhiên, cho dù nhấn mạnh đến sự thành công lịch sử của hội nghị COP21, giới khoa học và các tổ chức bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt và đòi phải có những nỗ lực bổ sung.

Theo nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc GIEC, để duy trì nhiệt độ khí quyển tăng không quá 2°C từ nay cho đến cuối thế kỷ thì lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không được quá 40 tỷ tấn. Thế nhưng, các cam kết của các nước cộng lại không thể xuống dưới 55 tỷ tấn mà thôi.

Do vậy theo hiệp hội môi trường Pháp Fondation Nicolas Hulot, nếu các nước ký kết hiệp định không xem xét lại mục tiêu cam kết tại Le Bourget vào năm năm tới đây, thì mục tiêu 1,5°C sẽ không bao giờ đạt được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.