Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - TRÁI ĐẤT

Tại Paris, 195 nước thông qua thỏa thuận chống biến đổi khí hậu ‘‘lịch sử’’

Một thỏa thuận quốc tế chưa có tiền lệ nhằm chống hiện tượng hâm nóng khí hậu đang đe dọa hành tinh đã được đại diện 195 quốc gia thông qua tối ngày 12/12/2015, trong những tràng vỗ tay vang dội. Đây là thắng lợi của hai tuần lễ thương lượng gay go tại Paris, sau thất bại của các thượng đỉnh khí hậu những năm trước.

Thỏa thuận khí hậu được thông qua. Từ trái qua phải : Christiana Figueres,Thư ký điều hành Hiệp ước khung của LHQ về khí hậu, Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch COP 21-Ngoại trưởng Pháp Fabius, Tổng thống Pháp Hollande.
Thỏa thuận khí hậu được thông qua. Từ trái qua phải : Christiana Figueres,Thư ký điều hành Hiệp ước khung của LHQ về khí hậu, Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ, Chủ tịch COP 21-Ngoại trưởng Pháp Fabius, Tổng thống Pháp Hollande. Reuters/Stephane Mahe
Quảng cáo

Chủ tịch hội nghị COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius xúc động phát biểu : « Không thấy có phản đối nào, tôi tuyên bố hiệp định Paris về khí hậu đã được thông qua ». Những tràng pháo tay kéo dài nhiều phút, tiếp theo là những cái bắt tay mừng rỡ trong khán phòng, sáu năm sau thất bại của thượng đỉnh Copenhagen.

Ủy viên Châu Âu phụ trách vấn đề khí hậu Miguel Areas Canete phấn khởi nói : « Gần một tháng sau các vụ khủng bố đã làm 130 người thiệt mạng tại Paris, nước Pháp đã đoàn kết được thế giới xung quanh thỏa thuận toàn cầu quan trọng nhất từ trước đến nay về vấn đề biến đổi khí hậu ».

Các đoàn đại biểu đã tiến hành những cuộc thương lượng gay gắt, với mục đích giữ tình trạng trái đất nóng lên « từ 2°C trở xuống », và « tiếp tục các nỗ lực để hạn chế ở mức 1,5°C » so với thời kỳ tiền công nghiệp. Viện trợ cho các nước đang phát triển để đối phó với các đe dọa của biến đổi khí hậu, sẽ đạt mức 100 tỉ đô la hàng năm kể từ năm 2020, và đây sẽ chỉ được coi là « mức sàn » và mức đóng góp này được kêu gọi nâng lên trong những năm sau đó. Đây là một yêu sách các nước nghèo liên tục yêu cầu từ nhiều năm qua.

Thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2020, giúp nền kinh tế thế giới hướng về một mô hình thải khí carbone thấp. Cuộc cách mạng này được tiến hành qua việc loại bỏ dần các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa, khí đốt) hiện đang thống trị trên thế giới, để chuyển sang năng lượng tái tạo. Theo thỏa thuận, một cơ chế sẽ được thiết lập để xét lại mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2025.

Văn bản cũng tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia, trong đó các nước phát triển phải đóng góp nhiều hơn, do trách nhiệm lịch sử trong việc phát khí thải.

Như vậy mục tiêu đạt đến một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc được ấn định năm 2011 tại Durban (Nam Phi) nay đã trở thành sự thật , sau hai tuần lễ thương thảo tại trung tâm hội nghị Le Bourget, ngoại ô phía bắc Paris. Trong buổi khai mạc COP21, 150 nguyên thủ đã đến Paris để nói lên nhu cầu khẩn cấp phải hành động trước hiện tượng hâm nóng khí hậu.

Trong những giờ phút hồi hộp khi phải kéo dài thời gian kết thúc hội nghị, Chủ tịch COP21 Laurent Fabius đã kêu gọi các nước thông qua « một thỏa thuận lịch sử » trong một bài phát biểu đầy xúc cảm được ngắt quãng bởi những tiếng vỗ tay.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã hối thúc các đại diện toàn thế giới « hoàn tất công việc », nhằm chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu khiến nóng hạn, lụt lội, tan băng trở nên trầm trọng thêm. Tổng thống Pháp François Hollande cổ vũ cộng đồng quốc tế hãy tiến hành « một bước quyết định ». Về phía các tổ chức phi chính phủ, giám đốc Greenpeace Kumi Naidoo cho rằng đây là một « bước ngoặt » : năng lượng hóa thạch đã "bị bỏ lại bên lề lịch sử". 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.