Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

‘‘1000 đô thị’’ toàn cầu ra tay vì khí hậu

Đăng ngày:

Nhiệt độ Trái đất lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng trở nên phổ biến. Mô hình kinh tế công nghiệp cổ điển hoàn toàn bế tắc. Trên con đường tìm lối thoát của nhân loại, các đô thị - nơi cư trú của một nửa dân số thế giới - có vai trò trung tâm. Tuy nhiên, tiếng nói của các đô thị lại rất ít có trọng lượng trong thương lượng quốc tế về khí hậu. Trong bối cảnh đó, « Thượng đỉnh các Thị trưởng » về khí hậu tại Tòa thị chính Paris, đại diện cho 600 triệu cư dân thế giới, vừa diễn ra được coi là một nỗ lực đáng kể nhất từ trước đến nay, để tiếng nói của các đô thị được cộng đồng quốc tế lắng nghe.

Ảnh chụp chung của lãnh đạo các mạng lưới thị trưởng vì sinh thái toàn cầu với Tổng thống Pháp, 04/12/2015.
Ảnh chụp chung của lãnh đạo các mạng lưới thị trưởng vì sinh thái toàn cầu với Tổng thống Pháp, 04/12/2015. © Reuters
Quảng cáo

« Thượng đỉnh các Thị trưởng » thế giới diễn ra tại Tòa thị chính Paris, ngày 04/12/2015, theo sáng kiến của Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về khí hậu Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng New York. Đây là lần đầu tiên tập thể lãnh đạo các thành phố thế giới tổ chức một sự kiện trong khuôn khổ Thượng đỉnh Khí hậu (COP).

Thượng đỉnh các Thị trưởng có sự tham dự của một loạt các thành phố lớn, thuộc tất cả các châu lục, như Rio de Janeiro, Santiago của Chili, Milan, Athens, Luân Đôn, Bordeaux, Copenhagen, Berlin, Sydney, Seoul, Thượng Hải, Bắc Kinh, New Delhi, Bamako, Dakar, Johannesburg, Chicago, Los Angeles, Montréal, Vancouver…

Gần 1000 Thị trưởng và dân cử địa phương đã ra một bản tuyên bố chung, cam kết « chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo » và « giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2050 ». Lãnh đạo các thành phố trên toàn cầu tuyên bố sẵn sàng giảm 3,7 tỉ tấn khí thải CO2 quy đổi trước 2030. 3,7 tỉ tấn khí thải « tương đương với một phần ba số lượng khí thải chênh lệch giữa tổng số cam kết của các quốc gia tính cho đến nay, và lượng khí thải cần giảm – được cộng đồng khoa học khuyến cáo để nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C » (so với thời tiền công nghiệp).

Theo ông Edouardo Paes, Thị trưởng Rio de Jainero, Chủ tịch C40, mạng lưới bao gồm khoảng 80 đô thị lớn thế giới, « các Thị trưởng gắn bó với đời sống cụ thể, và có khả năng hành động mau lẹ hơn chính quyền trung ương », điểm khác biệt là họ thường tỏ ra có nhiều tham vọng hơn, và có những đột phá ngay cả khi bối cảnh chính trị quốc gia không thuận lợi (Le Monde, 04/12/2014).

Ông Jean-François Juillard, đại diện của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace Pháp, nhận xét : trong khi « Các nhà thương thuyết của Liên Hiệp Quốc vẫn còn chưa rõ về hướng đi, về mục tiêu, về thoả thuận Paris, thì việc các lãnh đạo chính trị khác sẵn sàng cho sự thay đổi này và tự nhận lấy vai trò dẫn dắt », là một điều tốt. Còn theo Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về các thành phố và biến đổi khí hậu Michael Bloomberg : « Thượng đỉnh này  sẽ giúp cho việc đóng góp của các thành phố và chính quyền địa phương được nhìn nhận nhiều hơn trong các thương thuyết » (tạp chí Environnment Magazine, 07/12/2015).

Tuyên bố Paris của các Thị trưởng toàn cầu đã được chuyển giao cho Chủ tịch COP 21 đúng vào lúc các nhà đàm phán đang chuẩn bị bước vào tuần lễ đàm phán thứ hai, thời điểm có tính quyết định cho một thỏa thuận cuộc, với căng thẳng gia tăng giữa nhóm các nước đang phát triển với các nước công nghiệp phát triển gia tăng, do lập trường hết sức khác biệt trong nhiều vấn đề, như tài trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Đô thị : Trận chiến quyết định chống BĐKH

Tại sao đô thị lại được phó thác cho một vai trò như vậy ? Ông Jean Piere Elong M’Bassi, Tổng thư ký Châu Phi của CGLU – Mạng lưới các đô thị và đơn vị hành chính địa phương - giải thích :

« Các thành phố là nơi phát ra của 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – trong khi toàn bộ Châu Phi chỉ góp vào ít hơn 5%. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thắng hay thua là ở tại đô thị. Với việc thành lập mạng lưới đô thị thế giới CGLU năm 2004, các đô thị tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. (…) Chúng ta đừng quên rằng, sau Thế chiến Hai, chính các thành phố Pháp và Đức đã đi đầu trong việc hoà giải. Hai chính quyền Israel và Palestin không đối thoại, nhưng giữa các đô thị thì có. Nếu như một phần lớn hợp tác quốc tế diễn ra giữa các đô thị, thì thế giới sẽ yên bình hơn. Các quốc gia thường có một quan niệm mang tính địa chính trị quá mức. Trong khi đó quan hệ giữa các thành phố ở tầm mức con người, đó là quan hệ giữa những người tìm cách giải quyết vấn đề » (theo Courrier des maires et des élus locaux, số 295, tháng 11/2015).

Theo ông Ahmed Djoghlaf, giới chức cao cấp về môi trường của Liên Hiệp Quốc, đồng chủ tịch của nhóm làm việc ADP chuẩn bị cho dự thảo COP21, « chỉ chiếm 2% diện tích Trái đất, nhưng lại tiêu thụ đến 70% tài nguyên Trái đất và đồng thời thải ra 70% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, các đô thị phải chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc giảm khí thải » (Yonhap, 06/12/2015).

Nhà máy  nhiệt điện tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 28/01/2015.
Nhà máy nhiệt điện tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 28/01/2015. REUTERS/Kim Kyung-Hoon/

Tham gia tổ chức sự kiện Thượng đỉnh các thị trưởng tại Paris, bên cạnh CGLU – Mạng lưới các đô thị và đơn vị hành chính địa phương – và nhóm C40 (mạng lưới 80 đô thị lớn thế giới), còn có ICLEI, mạng lưới quốc tế các sáng kiến sinh thái địa phương, với khoảng 1200 thành viên trên thế giới. Chủ tịch ICLEI là Thị trưởng Seoul Park Won-soon. Seoul là thành phố vừa được Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) trao giải quán quân của cuộc thi Earth Hour City Challenge 2015, dành cho đô thị có một chiến lược tổng thể và mục tiêu lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thị trưởng Seoul cho biết : « Cách đây ba năm, chúng tôi đã khởi động sáng kiến giảm tiêu thụ năng lượng của Seoul tương đương với một nhà máy điện hạt nhân. Chúng tôi đã đạt mục tiêu sáu tháng sớm hơn dự kiến. Hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu giai đoạn thứ hai, tiết kiệm năng lượng tương đương với hai nhà máy điện hạt nhân nữa. Sở dĩ chúng tôi đạt được thành quả này là nhờ sự tham gia của 1,7 triệu công dân và doanh nghiệp » (bài RFI, 06/12/2015).

Thi đua zero cacbon

Giảm mạnh việc tiêu thụ năng lượng cacbon là mục tiêu chung của tất cả các Thị trưởng tham gia vào nỗ lực tập thể này. Thị trưởng Vancouver Gregor Robertson chia sẻ : « Các nhà ở của chúng tôi được xây dựng theo các chuẩn mực sinh thái nghiêm ngặt nhất trên toàn Bắc Mỹ. Chúng tôi muốn giảm được lượng khí thải đến 80% trước 2050. Bắt đầu từ năm 2050, chúng tôi sẽ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. Chúng tôi đang hướng mạnh về các mục tiêu này. Điều này rất có lợi cho nền kinh tế địa phương. Chính trong lĩnh vực phát triển bền vững mà chúng tôi tạo được nhiều công ăn việc làm nhất. Nhờ vậy, chúng tôi có được tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trong các đô thị Canada » (theo l'Observateur, của OCDE, tháng 11/2015). Vẫn theo Thị trưởng Vancouver, có rất nhiều lĩnh vực mà các Thị trưởng có thể chủ động thực hiện, từ quy hoạch đô thị, đến giao thông vận tải, hay sử dụng năng lượng. Tại Vancouver, riêng về giao thông, gần 50% việc đi lại được thực hiện không cần xe hơi. 

Màn hình cho thấy nhiệt độ Trái đất, trung tâm hội nghị Le Bourget, gần Paris, France, 08/12/2015.
Màn hình cho thấy nhiệt độ Trái đất, trung tâm hội nghị Le Bourget, gần Paris, France, 08/12/2015. Reuters

Thị trưởng Stockholm Karin Wanngard cho biết : « Stockholm không những sẽ là một thành phố trung hoà về cacbon trước năm 2040, mà đồng thời còn đoạn tuyệt với năng lượng hoá thạch. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi phải nỗ lực để trở  nên hoàn hảo trong mọi lĩnh vực : hệ thống sưởi ấm đô thị phải hiệu quả hơn, các nhà ở mới hoặc được cải tạo phải hết sức ít tốn năng lượng. (…) Với tư cách là thành phố đi đầu thế giới về nền kinh tế xanh, Stockholm có nhiều kinh nghiệm hay để chia sẻ. Chúng tôi mong muốn và có khả năng trở thành những người tiên phong cho các giải pháp tương lai. (…) Tiến trình này mang lại cho chúng tôi các triển vọng thương mại quan trọng » (l'Observateur, của OCDE, tháng 11/2015). Stockholm khẳng định tiếp tục nỗ lực để dẫn đầu thế giới trên con đường phát triển nền kinh tế xanh.

Theo nhiều nhà quan sát, mục tiêu 100% năng lượng tái tạo sản xuất tại chỗ trước năm 2050 là một cam kết mạnh mẽ, có thể mang lại các tác động quan trọng đối với các đàm phán đang diễn ra tại COP 21, khi các phía cho đến nay vẫn từ chối đưa vào thỏa thuận mục tiêu 100% năng lượng tái tạo.

Khi thùng rác cũng nối mạng…

Copenhagen là một trong 17 đô thị thế giới, thành viên của Liên minh các đô thị không cacbon (Carbon Neutral Cities Alliance), nổi tiếng với các phương tiện của một nền kinh tế sinh thái, bền vững như điện gió, kỹ thuật thích ứng với lũ lụt, xây dựng đường xá ưu tiên cho xe đạp… Gần đây, Copenhagen phát triển mạnh các phương tiện tin học cho phép đô thị này trở thành một thành phố « thông minh ». Toàn bộ các trang thiết bị đô thị, từ đèn đường đến thùng rác, xe hơi, xe đạp đều sẽ được nối mạng (Le Monde, 13/11/2015).

Việc nối mạng xe đạp chẳng hạn cho phép người sử dụng biết được đoạn đường nào cần tránh vì ô nhiễm, và vào thời điểm nào thì không khí bị ô nhiễm nhiều hơn. Trong khi đó, các thùng rác có thể gửi thông tin về mức độ đầy vơi, để giúp tối ưu hóa hoạt động của các xe chở rác. Theo người phụ trách dự án Street Lab, làm việc cho một vùng thử nghiệm tại trung tâm thành phố, thì còn nhiều việc phải làm, để giảm giá thành dịch vụ. Một dự án khác đang được triển khai là hệ thống tắt bật tự động đèn đường, cho phép tiết kiệm đến 70% năng lượng. Thách thức chủ yếu của các dự án này, bên cạnh các vấn đề kỹ thuật phức tạp, là khả năng tiếp cận các « siêu dữ liệu » liên quan.

Photo : World Wildlife Federation France

Theo Marius Sylvestersen, người phụ trách Copenhagen Solutions Lab, một tổ chức được lập ra hồi năm ngoái để điều phối các hoạt động trong lĩnh vực này, rất khó truy cập các siêu dữ liệu nằm trong tay các công ty tư nhân, quản lý phần lớn các dịch vụ năng lượng, rác thải, nước hay nhà để xe. Một công việc quan trọng mà người xây dựng nền tảng cho thành phố thông minh tương lai Copenhagen phải làm là thuyết phục được các đối tác nhà nước và tư nhân chia sẻ các siêu dữ liệu.

Sinh thái là chia sẻ

Chia sẻ là tinh thần chính của một nền kinh tế sinh thái. Có mặt tại trung tâm hội nghị Le Bourget – nơi diễn ra COP 21 – vào ngày Hành động, 05/12, nhà báo Stéphane Lagarde của RFI thuật lại một số ấn tượng về tinh thần chia sẻ, nhưng trong một lĩnh vực khác :

« Robin Chase, người sáng lập của Zipcar, khởi nguồn của dịch vụ sử dụng chung xe hơi cách nay 13 năm có mặt tại phiên họp toàn thể. Người phụ nữ Mỹ tóc xám, với đôi mắt sáng ngời, tâm sự : ‘‘Khi tôi nghĩ về các thành phố lớn, tôi mong rằng cư dân các đô thị bắt đầu chia sẻ đường phố của mình. Các đường phố phải chứa đầy các phương tiện giao thông được chia sẻ : xe buýt, xe hơi chật người, với ít nhất là ba người’’.
 
Phương tiện được chia sẻ, dữ liệu được chia sẻ trên Internet… Cần phải chuyển từ một xã hội sở hữu sang một xã hội của sự hiện sinh. Triết lý nói trên (…) được biến thành các hành động cụ thể. Nhiều sáng kiến thúc đẩy giao thông sinh thái, như tháng không xe hơi tại thành phố Suwon, Hàn Quốc.
 
Ông Lee Jiwon, thuộc ICLEI, mạng lưới các thành phố phát triển bền vững cho biết : ‘‘Tại Hàn Quốc, nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhưng xe hơi vẫn là một biểu tượng cho sự giàu có. Chính vì thế mà người ta đã quyết định bỏ dùng xe hơi một tháng tại một thành phố. Với phương cách như vậy, quan niệm về thành phố và các phương tiện giao thông thay đổi’’.
 
Chia sẻ thành phố là một ý tưởng đang  lan toả. Từ sáng kiến tại Lima, tháng không xe hơi bắt đầu trở thành hiện thực tại Hàn Quốc, Nam Phi. Và sắp tới sẽ là Đài Loan ».

Để ai cũng có cơ hội

Đô thị nối mạng hay đô thị thông minh là một giải pháp không thể thiếu cho một thành phố tiết kiệm năng lượng, hiệu quả và năng động. Để có được một nền tảng như vậy, cần phải có sự tham gia rộng rãi của các cư dân. Nhiều lãnh đạo đô thị hiểu rằng, động lực của thay đổi phải đến từ sự đòi hỏi của công chúng, từ các nỗ lực của công chúng.

Trả lời phỏng vấn La Tribune (26/11/2015), Thị trưởng Paris Anne Hidalgo khẳng định : « Việc thiết lập các phương tiện mới giúp cho sự tham gia của các công dân vào đời sống tập thể là một trong các ưu tiên của nhiệm kỳ (của tôi). (…) Khoảng nửa tỷ euro sẽ được dành cho việc thực hiện các dự án trực tiếp do người Paris tưởng tượng và đề nghị. Trong hai năm đầu tiên biện pháp này đã được hưởng ứng mạnh. Sở dĩ như vậy là vì đây thực sự là một công cụ tản quyền, để mang lại cho mỗi công dân khả năng tác động trực tiếp đến thành phố của mình. Ngoài dự án này, chúng tôi cũng thiết lập sự minh bạch tại các đơn vị hành chính, với hiến chương ‘‘dữ liệu mở’’ (…) cho phép siết chặt quan hệ giữa các công dân Paris và các dân biểu địa phương của họ. Đồng thời chúng tôi cũng trực tiếp kêu gọi các cư dân tham gia đóng góp cho các dự án đô thị lớn ».

REUTERS/Enrique Castro-Mendivil

 
Về sự tham dự của các công dân để xây dựng một đô thị sinh thái, chị Eléonore Kubik (1), thành viên Pikpik, (một hiệp hội phổ biến các hiểu biết nhằm bảo vệ môi trường đô thị) cho biết :

« Tôi cho rằng có rất nhiều giải pháp chúng ta có thể mang lại cho khu vực đô thị, nơi cư trú của đa số dân cư trên hành tinh. Chính ở đây cần phải tiến hành các thay đổi quan trọng nhất bằng những cách nào nhanh nhất. 
 
Trên góc độ cá nhân, tôi cho rằng các sự kiện hợp tác quốc tế lớn là rất cần thiết, nhưng cũng cần nhớ rằng, bản thân mỗi người có trách nhiệm riêng, và hành động ở cấp độ của bản thân. Với bảy triệu cư dân của hành tinh, mỗi người dù chỉ đóng góp một phần nhỏ, nhưng là những hành động lặp đi lặp lại hàng ngày, kết quả nếu theo hướng tích cực sẽ là những điều kỳ diệu.
 
Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn cả chính là triết lý ấy. Bất luận thế nào, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm đối với Khí hậu, mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm với nhau. Và như vậy đây là lúc chúng ta phải cùng làm việc, và cùng nhau giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực đến hành tinh chung của chúng ta ».   

---
(1) Chị Eléonore Kubik tham gia giới thiệu các hoạt động của hiệp hội Pikpik (có nghĩa là "tiếng kêu của con ong") tại chương trình các giải pháp môi trường tại Grand Palais, Paris (từ 04-10/12/2015).  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.