Vào nội dung chính
PHÁP - COP21 - QUỐC TẾ

COP21 : Sát giờ ra thỏa thuận Paris, thế giới vẫn còn chia rẽ

Chỉ còn bốn ngày nữa là COP21 bế mạc. Hôm nay, 09/12/2015, là ngày quyết định cho các cuộc thương thảo kéo dài hơn một tuần qua để hội nghị khí hậu quốc tế ra được thỏa thuận cuối cùng mang tính « ràng buộc và áp dụng được », nhưng chia rẽ tiếp tục trong các phiên họp cuối cùng trước hạn chót trình văn kiện vào tối thứ Sáu (11/12).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Hội nghị COP21, Le Bourget (Pháp), ngày 09/12/2015.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Hội nghị COP21, Le Bourget (Pháp), ngày 09/12/2015. REUTERS/Stephane Mahe
Quảng cáo

Tờ Le Monde ghi nhận : « COP21 : Đếm ngược thời gian cho một thỏa thuận ». Đến lúc này, 195 nước tham gia hội nghị sau hơn một tuần thượng thảo vẫn vấp phải nhiều điểm, chưa tìm được một ngôn ngữ chung cho một thỏa thuận cuối cùng.

Theo Le Monde, từ hôm 07/12, hơn một trăm vị bộ trưởng môi trường, năng lượng và ngoại giao đã lần lượt lên diễn đàn để bày tỏ mong muốn, quyết tâm để thỏa thuận Paris được hoàn tất vào tối thứ Sáu 12/12 này. Thế nhưng những phát biểu, tuyên bố hùng hồn cũng chỉ « như là tấm bình phong che đi những bất đồng về lợi ích của 195 quốc gia tham gia ký Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu ( CCNUCC) ».

Những cuộc thương lượng thực sự diễn ra ở sau ánh đèn sân khấu của diễn đàn, trong khu vực được các nhân viên của Liên Hiệp Quốc bảo vệ kỹ lưỡng, báo chí không được có mặt. Ở đó các hoạt động ngoại giao đang diễn ra hết sức hối hả để thương lượng từng chương mục, từng câu từng chữ của bản thỏa thuận. Le Monde ghi nhận trong những ngày qua với nhịp độ làm việc rất tích cực của các chuyên gia, của các nhóm đàm phán tại COP21, các vấn đề trong thỏa thuận cũng đã có tiến triển nhưng ở mức độ rất chậm.

Thỏa thuận Paris nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều quan trọng là thỏa thuận phải mang tính ràng buộc sao cho đạt được mục tiêu con số trên. Thế nhưng, vấn đề ở chỗ là làm sao ràng buộc được 195 quốc gia một cách công bằng, khi mà sự khác biệt quá lớn giữa các nước về mặt phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính cũng như trình độ kinh tế xã hội của các nước giàu và nghèo.

Theo Libération, Công ước khí hậu Liên Hiệp Quốc không muốn lặp lại thất bại của nghị định thư Kyoto, thông qua năm 1997 nhưng đến năm 2005 mới có hiệu lực. Nghị định thư Kyoto cũng áp đặt các mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải với các nước phát triển và cũng có một cơ chế phạt. Thế nhưng, một số nước hoặc không phê chuẩn nghị định thư như Hoa Kỳ, hoặc rời bỏ như Canada và việc trừng phạt như vậy chỉ là hình thức.

Đến sát thời điểm quyết định để thỏa thuận Paris thành hình chiều hôm nay 09/12, nhật báo Les Echos ghi nhận « sự chia rẽ Bắc-Nam lại nổi lên ». Theo tờ báo, mặc dù phái đoàn Pháp, nước chủ nhà hội nghị, tỏ ra lạc quan về thỏa thuận nhưng « các bất đồng vẫn tồn tại trên một số điểm ». Nguồn tài chính hỗ trợ khí hậu cho các nước đang phát triển vẫn chia rẽ các nước đàm phán.

Đặc biệt trên con số 100 tỷ đô la mỗi năm từ nay đến năm 2020 mà các nước giàu hứa hẹn đóng góp để hỗ trợ các nước nghèo trong chương trình chống biến đổi khí hậu. Đến nay dù số tiền này vẫn chưa hy vọng được đóng góp đầy đủ thì các nước đang phát triển lại yêu cầu phải tăng thêm. Ngoài ra, nhiều nước đòi hạ chỉ tiêu kiềm chế nhiệt độ hâm nóng trái đất xuống 1,5°C. Về chỉ tiêu này, các cường quốc sản xuất dầu mỏ, than và xi măng phản đối.

Báo động đỏ ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh

Trong khi cả thế giới đang tìm cách giảm phát thải gây ô nhiễm thì Bắc Kinh lại đưa ra một thí dụ sinh động về tình trạng ô nhiễm không khí do phát thải. Nhật báo La Croix có bài « Báo động đỏ ô nhiễm tại Bắc Kinh ». Theo tờ báo, hai năm sau khi cho triển khai hệ thống báo động tình trạng ô nhiễm không khí, từ hôm thứ Hai 07/12, Bắc Kinh lần đầu tiên nâng mức báo động lên cao nhất.

Chính quyền buộc phải áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp sau nhiều ngày thành phố chìm trong làn khói mù ô nhiễm mà nguyên nhân chủ yếu là từ phát thải công nghiệp. Người dân Bắc Kinh ra đường phải thở qua khẩu trang. Đây không phải là lần đầu tiên trong vòng hai năm qua ô nhiễm không khí ở thủ đô Trung Quốc đạt đỉnh điểm như thế này, tức là lượng phần tử ô nhiễm cao gấp 20 lần so với ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.

La Croix dẫn số liệu một nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh được phối hợp thực hiện với tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace hồi tháng Hai năm nay cho biết, ô nhiễm không khí là nguyên nhân dẫn đến 250 nghìn trường hợp chết sớm hàng năm ở 30 thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Theo thông tín viên của La Croix tại Bắc Kinh thì dù áp dụng các biện pháp khẩn cấp nhưng tình trạng ô nhiễm tại thủ đô của Trung Quốc cũng không giảm là bao nhiêu. Người dân chỉ còn biết trông chờ vào gió và mưa làm sạch bầu không khí của họ.

Các tổ chức phi chính phủ bảo vệ môi trường đánh giá phản ứng của chính quyền Bắc Kinh là tích cực, nhưng chỉ có các giải pháp lâu dài mới giảm được tình trạng ô nhiễm đã trở thành kinh niên ở thành phố này. Đó là giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho các nhà máy công nghiệp của nước này.

Cái chết bất thường trong tù của một tỷ phú trẻ Hứa Minh

Nhật báo Le Monde trở lại với vụ nhân vật Hứa Minh, tỷ phú được cho là thân cận với Bạc Hy Lai, đồng thời là một đầu mối quan trọng trong vụ án này vừa bị chết trong tù hôm 04/12 với nguyên nhân được thông báo : chết do bệnh tim. Phóng viên báo Le Monde tại Bắc Kinh nhận định « cái chết của tỷ phú Hứa Minh là một vụ mới trong vụ án Bạc Hy Lai ».

Năm 2005, Hứa Minh được xếp là một trong 10 tỷ phú giàu có nhất Trung Quốc. Đến năm 2013, tỷ phú trẻ này bỗng trở thành một trong những tác nhân chính trong vụ án Bạc Hy Lai, một hoàng tử đỏ nhưng là đối thủ chính trị của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cái chết trong tù của nhân vật đặc biệt này ở tuổi 44, trong khi không hề có tiền sử bệnh tim, đang gây nhiều thắc mắc trong dư luận ở Trung Quốc.

Trong vụ án Bạc Hy Lai, Hứa Minh là nhân chứng chủ chốt chống lại Bạc Hy Lai cũng như vợ ông bà Cốc Khai Lai trong một vụ án trước đó. Chính nhân vật tỷ phú này là người có quan hệ làm ăn mật thiết với gia đình họ Bạc trong một thời gian dài, từng được coi là "ngân hàng riêng" của nhà Bạc Hy Lai.

Theo tạp chí Tài Tân, tờ báo duy nhất loan tin về cái chết của Hứa Minh, thi thể của Hứa Minh đã nhanh chóng được chính quyền cho thiêu và sau đó trả tro cốt lại cho gia đình. Trước đó không hề có thông tin nào về việc xét xử hay kết án Hứa Minh.

Dường như nhân vật này dù ngồi tù nhưng cũng đã được chính quyền đối xử khá ưu ái vì đã hợp tác tốt trong vụ án Bạc Hy Lai. Trang tin của báo Tài Tân còn đưa tin Hứa Minh sắp được ra tù trong vài tháng tới. Theo Le Monde, cái chết bất ngờ của nhân vật này có thể sẽ khơi lại nhiều câu hỏi về vụ án Bạc Hy Lai, một vụ án gây rúng động chính trường Trung Quốc gần đây.

Chính trường Pháp sôi sục giữa hai vòng bầu cử cấp vùng

Dư luận báo chí Pháp vẫn tiếp tục sôi sục trước vòng hai của cuộc bầu cử cấp vùng vào ngày 13/12 tới. Bầu cử là chủ đề choán hầu hết dung lượng của các báo Pháp ra hôm nay với cụm từ không thể thiếu « Mặt trận Quốc gia (FN) ». Tất cả là do đà thắng thế của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia ở vòng 1 của cuộc bầu cử và đang có cơ hội giành thắng lợi tại nhiều vùng trong vòng bầu cử quyết định vào Chủ nhật tới.

FN giờ không còn là đối trọng mà là đối thủ chính trên chính trường Pháp. Đảng cánh tả Xã hội (PS) đang cầm quyền bị thất thế lớn sau vòng đầu không có cơ hội giành thắng lợi ở đại đa số các vùng của nước Pháp. Nhận thấy thất bại, PS chuyển hướng kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho đảng đối lập Những người Cộng hòa (Les Républicains), rút danh sách ứng cử khỏi ba vùng quan trọng đã thua ở vòng 1. Mục đích : Bằng mọi giá không để đảng cực hữu lên nắm quyền, dù là ở cấp vùng.

Nhật báo thiên tả Libération đặt câu hỏi lớn trên trang nhất « Ta có thể bỏ phiếu cho họ được không? » . Họ ở đây là ba ứng viên của cánh hữu tại ba vùng được PS kêu gọi dồn phiếu để ngăn chặn thắng lợi của đảng cực hữu.

Với những cử tri của cánh tả nay phải quay sang bỏ phiếu cho đối thủ chính trị truyền thống là cánh hữu quả là một điều không dễ dàng gì. Trong bài xã luận mang tựa đề ngắn gọn « Cố gắng », Liberation nhận định « giữa hai cái xấu thì phải chọn cái nào ít xấu hơn ». Hiển nhiên đây là một sự lựa chọn không mấy dễ dàng của cử tri cũng như các nhà chính trị cánh tả.

Trong khi đó, cánh hữu được cánh tả kêu gọi cử tri dồn phiếu lại tỏ vẻ dửng dưng với những động thái của đảng Xã hội. Đảng đối lập Les Républicains nhân cơ hội này lên án đổ lỗi cho chính sách của đa số cầm quyền là nguyên nhân khiến đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia nổi lên thắng thế trên chính trường.

Còn nhật báo Công giáo La Croix thì nhận thấy thực tế kết quả vòng 1 cuộc bầu cử cấp vùng vừa qua càng cho thấy người dân Pháp mất lòng tin vào giới chính trị hiện nay. Họ đang mong muốn có được sự thay đổi thực sự. Cuộc bầu cử địa phương lần này của Pháp cho thấy không chỉ chính trị mà cả xã hội Pháp đang bị phân hóa sâu sắc.

Hồ sơ Nga-Ukraina bắt đầu nóng trở lại

Les Echos có bài nhận định : « Matxcơva muốn dồn Kiev vào chân tường đến vỡ nợ ». Tờ báo ghi nhận, sau nhiều tuần im ắng, hôm qua (8/12) Matxcơva và Kiev lại bắt đầu cuộc đọ sức mới nhưng lần này trên hồ sơ nợ nần của Ukraina.

Kremlin dọa sẽ tuyên bố Ukraina quỵt nợ nếu Kiev từ nay đến ngày 20/12/2015 không trả nợ Nga 3 tỷ đô la. Nếu bị tuyên bố «» nợ như vậy, Ukraina sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi vay tiền thị trường tài chính quốc tế, trong đó đặc biệt là Ukraina sẽ không nhận được các kế hoạch trợ giúp vay vốn từ Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Theo Les Echos, Matxcơva tăng áp lực với Kiev như vậy để tỏ thái độ với việc thỏa thuận Ukraina là thành viên liên kết của Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 31/12. Chính thỏa thuận này cách đây 2 năm là nguồn cơn làm bùng phát khủng hoảng Ukraina, dẫn đến cuộc nội chiến ly khai liên miên và bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập. Ngược lại, trong vài ngày tới, Bruxelles cũng sẽ phải xem xét việc gia hạn các trừng phạt Nga do vụ sáp nhập Crimée.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.