Vào nội dung chính
PARIS - COP21 - KHÍ HẬU

COP21 ra được dự thảo mới, hai ngày trước bế mạc

Hai ngày trước giờ bế mạc COP21, một dự thảo thỏa thuận mới đã được hoàn tất vào buổi chiều ngày 09/12/2015. Theo các chuyên gia, các bên đàm phán sẽ phải làm việc hết sức khẩn trương mới có thể hy vọng đạt được một thỏa thuận chung cuộc vào chiều thứ Sáu, 11/12.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP21, hy vọng đạt được một thỏa thuận chung vào ngày 10/12/2015.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP21, hy vọng đạt được một thỏa thuận chung vào ngày 10/12/2015. REUTERS/Stephane Mahe
Quảng cáo

Theo AFP, Chủ tịch COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, đã trình bản dự thảo vừa hoàn tất trước phiên họp toàn thể. Bản dự thảo dài 29 trang, so với 43 trang trước đó, là kết quả các nỗ lực của Ban Chủ tịch, làm việc suốt đêm qua, trên cơ sở báo cáo của các nhóm làm việc. Đây là dự thảo mới đầu tiên được hoàn tất, kể từ thứ Bảy tuần trước. Ba phần tư trong số các bất đồng trong văn bản trước đó đã được xóa bỏ.

Các thương thuyết sẽ tiếp tục ngay sau đó, vào tối và đêm nay. Mục tiêu của Chủ tịch COP21 là thỏa thuận chung cuộc sẽ được thông qua vào ngày thứ Sáu, 11/12, vào 17 giờ GMT. Bộ trưởng 195 nước sẽ xem xét văn bản này và đưa ra quyết định về nhiều điểm, hiện còn vẫn còn là những chủ đề bất đồng lớn.

Ả Rập Xê Út bị lên án cản trở đàm phán

Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thứ hai thế giới, đang bị chỉ đích danh là một cản trở chính cho một thỏa thuận hạn chế biến đổi khí hậu với tham vọng lớn. Theo chuyên gia về môi trường Pascal Canfin, thuộc viện World Resources Institute, Ả Rập Xê Út đã ngăn cản đồng thuận trên hầu hết các chủ đề.

Thành viên của tổ chức phi chính phủ Action Aid, Harjeet Singh, chỉ trích Ả Rập Xê Út « tìm mọi cách làm suy yếu thỏa thuận, nhằm để thỏa thuận này ít ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế của quốc gia mình ».

48 giờ quyết định

Theo Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Prakash Javadekar, quốc gia phát thải thứ tư thế giới, và cũng là một đối tác đàm phán chủ chốt, « 48 giờ sắp tới sẽ rất khó khăn ». Nhiều tổ chức phi chính phủ lo ngại, cho dù phương thức làm việc - với vai trò quan trọng của Pháp - cho đến nay được đánh giá cao, nhưng thỏa thuận rất có thể sẽ « không đủ tầm mức », trước các thách thức hết sức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, với việc nhiều chủ đề mang tính sống còn sẽ bị loại bỏ.

Hiện tại, theo nhiều nhà quan sát, còn rất nhiều điểm gây bất đồng gay gắt giữa các nước, đặc biệt là các vấn đề : Mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất - sẽ là 2°C hay 1,5°C? Làm thế nào bảo đảm tính minh bạch trong hành động của các quốc gia? Mức đóng góp tài chính nào cho các nước nghèo để đối phó với biến đổi khí hậu?...

Nhiều quốc gia đang trỗi dậy, trong đó có Ấn Độ, hôm qua, đã bày tỏ sự thất vọng trước ý định đóng góp ít của các nước phát triển. Trong khi đó, nhiều nước phát triển lại muốn các nước đang trỗi dậy khá giả rút hầu bao, đặc biệt là các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh, Hàn Quốc hay Brazil.

Thỏa thuận khí hậu COP21 tại Paris phải xác định được một khuôn khổ chung cho hành động của các nước trong 15 đến 20 năm tới. Thời gian có ý nghĩa quyết định với tương lai nhân loại. Thỏa thuận này được hy vọng sẽ mang lại một lực đẩy hết sức quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhằm giúp cho thế giới tránh được các hậu quả tồi tệ nhất do việc Trái Đất bị hâm nóng, do sử dụng các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu, khí đốt).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.