Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Paris, thành phố sứ giả vì khí hậu

Đăng ngày:

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu COP21 tại Paris (30/11-11/12/2015) là dịp để thành phố thể hiện là một chủ nhà hiếu khách. Trong khi lãnh đạo và phái đoàn của 195 nước họp bàn tại Le Bourget, thì Paris tổ chức nhiều hoạt động quần chúng để đánh động ý thức của người dân trước hiện trạng biến đổi khí hậu và kêu gọi cùng thực hiện những giải pháp phát triển bền vững.  

Tour Eiffel  COP21
Tour Eiffel COP21 Thu Hang
Quảng cáo

Nhân sự kiện này, rất nhiều công trình nổi tiếng như Tháp Eiffel, đại lộ Champs- Elysées, Đại Điện (le Grand Palais), Tòa thị chính Paris hay khu triển lãm Khoa học Cités des Sciences trở thành những sứ giả vì môi trường và khí hậu.

Nhìn từ quảng trường Trocadéo, từ tối ngày 29/11, Tháp Eiffel rũ bỏ lớp áo mầu vàng đồng như thường lệ, thay vào đó một màu xanh mướt của những thân cây “ảo” được trồng từ ứng dụng “1 Heart 1 Tree - Một trái tim một cây xanh” nhân Hội nghị COP21.

Người dân Paris và khách du lịch tỏ ra thích thú ngắm nhìn trang phục mới của “Bà đầm sắt” với những thông điệp như “100% Safe”, “100% Together”, “100% Live”, “100% Nature”. Kèm với một cây trồng “ảo” là những cái tên lần lượt xuất hiện trên tháp trong vòng 8 đến 45 giây từ trung tâm kỹ thuật nằm ngay cạnh đài phun nước đối diện với Tháp Eiffel.

Người tham gia có thể đăng ký “trồng” cây với nhiều lựa chọn trên website của “1 Heart 1 Tree”, từ 10 euro (1 cây) đến 7.000 euro (1.000 cây). Theo thống kê đến hết ngày 04/12, đã có 51.880 cây sẽ được trồng trong bẩy dự án tái tạo rừng ở các nước Úc, Brazil, Senegal, Ấn Độ, Pháp, Peru hay nước Bờ Biển Ngà.

Người tham gia trồng rừng nhận được hình cây ảo với tên của họ được chiếu lên Tháp Eiffel, tiếp theo là một chứng chỉ và một hồ sơ Google Earth về khu vực trồng cây của họ. Cuối cùng, họ sẽ nhận được một bản báo cáo về dự án trồng rừng để mỗi người có thể tiếp tục theo dõi cây mình trồng, cũng như tiến triển của dự án mà họ đóng góp.

Nghệ sĩ Naziha Mestaoui, nhà thiết kế chương trình “1 Heart 1 Tree”, giải thích : « Đây là một thí nghiệm chưa từng có, qua đó bạn có thể trồng một cây ảo ba chiều trên Tháp Eiffel. Ứng dụng 1heart1tree trên điện thoại thông minh sẽ giúp bạn tạo nên một cây ánh sáng, lớn dần theo nhịp đập trái tim của bạn, và sẽ hiện lên trên Tháp Eiffel cùng với dòng tên của bạn. Mỗi một cây ảo sẽ trở thành một cây thật trong chương trình tái tạo rừng trên thế giới. Chúng tôi muốn biến Tháp Eiffel thành một cánh rừng bằng ánh sáng ảo ba chiều nhân Hội nghị về Khí hậu COP21 ».

Tác phẩm nghệ thuật và kỹ thuật số này được khai trương với sự có mặt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, tù trưởng da đỏ Raoni, nhà hoạt động vì môi trường người Pháp Nicolas Hulot và nghệ sĩ Marion Cotillard.

Chung tay sản xuất năng lượng sạch

Sau khi cởi chiếc áo xanh rừng đại ngàn vào đêm thứ Sáu 04/12, Tháp Eiffel trở lại với ánh sáng quen thuộc, song được trang hoàng rực rỡ hơn bằng những ánh đèn hiện đại, từ ngày 06 đến ngày 12/12, nhờ năng lượng từ sức người trong chương trình “Human Energy” do nghệ sĩ người Pháp Yann Toma thiết kết.

Human Energy” là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kêu gọi sự tham gia của quần chúng với quy mô lớn chưa từng có để khẳng định tính cấp bách trước thực trạng biến đổi khí hậu. Trong vòng một tuần, ngôi làng "Human Energy" cũng được dựng ngay dưới chân Tháp Eiffel để mọi người cùng tham gia sản xuất năng lượng bằng những hoạt động mang tính chất giải trí, như nhảy múa, đạp xe, chạy bộ, chơi đùa hay đơn giản là vặn mình.

Ngoài ra, bình ắc-quy khổng lồ nhờ sức người này còn quy tụ năng lượng phát sinh của 75 triệu người chơi thể thao khắp thế giới đăng ký trên ứng dụng “runtastic”, và năng lượng nhận thức được phát đi trong suốt thời gian họp thượng đỉnh về khí hậu. Ban tổ chức đưa ra con số mỗi ngày trung bình có 284 triệu calori được đốt cháy và 1 tỉ thông điệp tweet về COP21 được truyền tải trong vòng 7 ngày.

Người tham gia tải ứng dụng “runtastic”, sau đó chơi thể thao và tích năng lượng tiêu thụ thông qua ứng dụng này. Năng lượng thể chất và nhận thức được tích luỹ dưới dạng đơn vị “Năng lượng Nghệ thuật” và sẽ hiện lên trên chiếc đồng hồ điện tử được lắp ở dưới chân Tháp Eiffel. Khi đạt tới ngưỡng 999 triệu đơn vị “Năng lượng Nghệ thuật”, nguồn năng lượng biến thành một luồng sáng lớn rọi thẳng từ trên đỉnh xuống chân Tháp Eiffel. Ngoài ra, 24 đèn chiếu ở tầng ba của tháp được thắp sáng bằng năng lượng của những con người muốn hành động vì Trái Đất.

Nghệ sĩ Yann Toma, kiêm nhà quan sát tại Liên Hiệp Quốc, viết trên website Human Energy : « Tôi muốn cho thấy năng lực và trí óc của con người có thể trở thành một lời cam kết của mỗi công dân trong việc chống biến đổi khí hậu. Tháp Eiffel là một biểu tượng có sức quyến rũ trên toàn thế giới. Tôi muốn Tháp Eiffel toả sáng hơn nữa nhờ vào năng lực vận động và nhận thức trong suốt thời gian diễn ra hội nghị COP21. Nhờ đó, Tháp Eiffel trở thành biểu tượng cho lời cam kết chống biến đổi khí hậu của chúng ta ».

Tác phẩm ánh sáng này muốn truyền tải một thông điệp tích cực về biến đổi khí hậu : Chỉ cần những hành động cá nhân nhỏ, dù là vận động hay ý thức, nếu được quy tụ lại trong một dự án tập thể thì có thể tác động tốt tới khí hậu.

Lời kêu gọi cùng tham gia, cùng hành động cũng là thông điệp thông qua dự án thắp sáng khu chợ Noel trên đại lộ Champs-Elysées bằng những nguồn năng lượng tái tạo như pin mặt trời, phong điện hay năng lượng từ hoạt động của con người.

Được sự ủng hộ của Cơ quan Môi trường và Làm chủ Năng lượng (ADEME), Quỹ Nicolas Hulot và thành phố Paris, nhà kinh doanh đồ nội thất gia đình Ikea quyết tâm biến đại lộ đẹp nhất thế giới thành khu vực sản xuất năng lượng sạch với quy mô lớn. Một tuabin gió cao 20 mét và 440 tấm pin mặt trời được lắp ở giữa vòng xoay Champs-Elysées, cùng với Khải Hoàn Môn và vòng đu quay Grande Roue trên quảng trường Concorde tạo thành một trục thẳng.

Ikea cũng đã tính đến việc nguồn điện hỗn hợp này sẽ có những lúc bị ngừng do thời tiết mùa đông ở Paris không “hào phóng” ánh sáng mặt trời. Vì vậy, Ikea kết hợp với công ty Enercoop của Hà Lan, chuyên về năng lượng tái tạo, để cung cấp phần điện còn lại.

Bất kỳ ai đi qua khu vực này đều có thể tham gia sản xuất điện. Chỉ cần họ đi bộ trên khu sàn được lắp từ những tấm lát chuyển đổi những bước chân thành năng lượng điện, hay chỉ cần chơi xích đu, đạp xe trong khu vui chơi ngay bên cạnh. Mục đích của chiến dịch kéo dài từ ngày 28/11 đến ngày 06/12 là chứng minh rằng chỉ bằng những hành động đơn giản hàng ngày, chúng ta có thể cùng nhau tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động tới môi trường.

Ông Olivier Barail, Tổng giám đốc IKEA tại Pháp, giải thích : « Chúng tôi tin chắc là mỗi người có một vai trò trước tình hình biến đổi khí hậu. Các chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội, công dân, mọi người hãy cũng nhau chung tay để hội nghị COP21 đạt được thành công. Với tư cách là một doanh nghiệp, chúng tôi muốn chứng minh rằng hoàn toàn có thể đưa phát triển bền vững vào mô hình kinh doanh. Chúng tôi cũng mong tạo được cảm hứng và đưa ra các giải pháp để đưa ý thức bảo vệ môi trường vào trong cuộc sống hàng ngày ».

Ông Nicolas Hulot, Quỹ vì môi trường mang tên ông, cho biết : « Tôi kêu gọi mọi người hãy nhìn vào thực tế của hiện trạng biến đổi khí hậu và tôi kêu gọi phá vỡ mọi quy tắc... IKEA đưa ra lời thách thức và biến thành một sự kiện mà bất cứ ai cũng có thể tham gia được. Hãy cùng nhau dám hành động, dám thay đổi thế giới ». Còn ông Bruno Lechevin, Chủ tịch ADEME, giải thích : « Quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra, các giải pháp để chống biến đổi khí hậu tồn tại và mỗi công dân có thể hành động theo khả năng của mình ».

Đi tìm giải pháp cứu “ngôi nhà chung đang bốc cháy

Cũng trên đại lộ đẹp nhất thế giới, vào tối thứ Bẩy 05/12, một nửa đại lộ cấm xe lưu thông để nhường chỗ cho buổi trình diễn dưới chân Khải Hoàn Môn của nghệ sĩ-nhà soạn nhạc Marc Cerrone và ca sĩ Beth Ditto (nhóm Gossip). Tác giả của ca khúc nổi tiếng Supernature tặng khán giả một buổi trình diễn âm thanh và hình ảnh ngoạn mục và làm sống lại thời huy hoàng của nhạc disco. Phát biểu trên đài RTL, nhạc sĩ Marc Cerrone muốn giành sự kiện âm nhạc này để vinh danh ngôi sao nổi tiếng nhất : “Trái Đất”.

Đại diện của 195 quốc gia đang thảo luận tại hội nghị COP21 để tìm giải pháp cứu “Ngôi nhà chung đang bốc cháy”, theo như lời phát biểu của Tổng thống François Hollande. Thủ đô Paris cũng tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, phù hợp với mọi lứa tuổi, để giải thích, chia sẻ và truyền tải một thông điệp chung về biến đổi khí hậu.

Ví dụ như tại “Giải pháp COP21”, được tổ chức ở Grand Palais (Đại Điện) từ ngày 04 đến 10/12, có rất nhiều hoạt động để giúp mọi người tìm ra chìa khoá của một cách sống có trách nhiệm hơn đối với khí hậu. Ngoài ra còn phải kể tới “Triển lãm Khí hậu 360°” tại Cité des Sciences, từ ngày 13/10/2015 đến ngày 20/03/2016, giành cho đối tượng trên 15 tuổi để điểm lại quá trình biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, những kinh nghiệm và phát kiến bảo vệ môi trường của người dân tại một số nước trên thế giới được giới thiệu trong hai cuộc triển lãm, một ở toà Thị chính Paris mang tên “Dấu ấn” (Empreinte) kéo dài từ ngày 28/11/2015 đến ngày 08/01/2016 và một cuộc triển lãm khác “Sinh ra ở nơi nào đó” (Nés quelque part) ở Trung tâm triển lãm La Villette (phía bắc Paris) từ 25/11 đến 30/12/2015.

Người xem có thể khám phá cuộc sống hàng ngày của người dân các nước Pháp, Hà Lan tới Mỹ, hay Cap-Vert và Burkina Faso, cho tới Bangladesh, Butan, Indonesia và các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất tại triển lãm “Dấu ấn”, hay các nước Niger, Maroc và Cam Bốt tại triển lãm “Sinh ra ở nơi nào đó”.

Tại mỗi châu lục, khách thăm quan gặp gỡ những con người bình thường (doanh nhân, nhân viên, sinh viên, nông dân, ngư dân... ) hành động vì môi trường : như họ thay dầu lửa bằng những nguồn năng lượng tái tạo, ưu tiên nông nghiệp tự nhiên, ngăn chặn chặt phá rừng và hạn chế thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Qua đó, các nhà tổ chức muốn nhấn mạnh rằng con người có thể sống trên hành tinh theo một cách khác, công bằng hơn, hài hoà hơn và lâu dài hơn.

Từ nhiều năm gần đây, Paris hoạt động tích cực trong các dự án phát triển bền vững. Các dự án và hoạt động vì môi trường mà thủ đô theo đuổi được trưng bày ngay trên quảng trường trước Toà thị chính. Tại đây, người dân Paris và du khách có thể tìm hiểu Kế hoạch Khí hậu Năng lượng của thành phố Paris (Plan Climat Energie de Paris), như hệ thống tưới cây ngầm tự động tiết kiệm nước, biến nước thải thành nguồn năng lượng cho hệ thống sưởi, sản xuất điện từ 50.000 m2 tấm pin mặt trời tại Paris... Ngoài ra, khách thăm quan còn có thể thử những chiếc xe đạp điện mới sắp được đưa vào hệ thống Velib’ (tạm dịch xe đạp tự phục vụ), trong khi đó hệ thống Autolib’ sử dụng 100% ô tô điện.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.