Vào nội dung chính
PHÁP - KHÍ HẬU

COP21 : Viễn cảnh quốc tế đạt được đồng thuận còn xa vời

Căng thẳng giữa các nước nghèo và các nền kinh tế phát triển gia tăng trên vấn đề tài trợ cho các nước kém phát triển đối phó với hiện tượng Trái đất bị hâm nóng. Sau bốn ngày đàm phán, dự thảo về thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện hãy còn khoảng 250 điểm then chốt bị bỏ ngỏ.

Một góc quang cảnh trước cổng vào khu Hội nghị về Khí hậu  2015 (COP21) tại Le Bourget, gần Paris (Ảnh chụp ngày  29/11/ 2015)
Một góc quang cảnh trước cổng vào khu Hội nghị về Khí hậu 2015 (COP21) tại Le Bourget, gần Paris (Ảnh chụp ngày 29/11/ 2015) REUTERS/Stephane Mahe
Quảng cáo

Trên nguyên tắc vào trưa mai, 05/12/2015 đại diện của 195 quốc gia đang có mặt tại Le Bourget sẽ phải trình lên Chủ tịch Hội nghị COP21, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, một bản dự thảo về thỏa thuận Paris, dày khoảng 50 trang. Đây là tài liệu cơ bản cho Bộ trưởng Môi trường các nước tham dự vào tuần tới để tiến tới một bản thông cáo chung và một thỏa thuận mang tính rằng buộc chống biến đổi khí hậu.

Vấn đề đặt ra là cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm được giải pháp để giữ nhiệt độ của trái đất tăng dưới ngưỡng 2°C. Hiện tại, với những cam kết của các bên, tới cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ của trái đất sẽ tăng lên thêm 2,7°C và một trong những hậu quả kèm theo là nhiều hòn đảo sẽ bị nhận chìm.

Bất đồng thứ nhì liên quan đến khả năng, 5 năm một lần, quốc tế được phép kiểm tra những cam kết mà mỗi quốc gia đã đề xuất. Một số các nguồn tin thông thạo cho rằng, điểm này đang gặp phải sự chống đối từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh đồng ý về « nguyên tắc » nhưng chủ trương các đợt thanh tra đó chỉ nên diễn ra 10 năm một lần.

Tuy nhiên, tranh cãi gay go nhất vẫn xoay quanh vấn đề tài chính, chủ đề trong ngày được thảo luận tại Le Bourget.

Đành rằng tất cả các quốc gia có mặt tại hội nghị COP21 Paris đều nhấn mạnh đến tính « cấp bách » của vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng ai sẽ tài trợ cho các quốc gia phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất ? Trong cuộc họp ngày 03/12/2015 của nhóm G77+Trung Quốc - bao gồm 134 nước kém phát triển và Trung Quốc- đại diện của phái đoàn Bolivia, Juan Hoffaister, tuyên bố « thông điệp mà các nền kinh tế công nghiệp phát triển gửi đến các nước nghèo là họ sẽ không làm gì cả » để giúp đỡ các nước nghèo giảm lượng thải khí CO2, từ bỏ năng lượng hóa thạch, phát triển các loại năng lượng sạch. Lời chỉ trích này trực tiếp nhắm vào Hoa Kỳ.

Nhóm G77+ Trung Quốc là những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những hiện tượng cực đoan. Theo thẩm định của Viện nghiên cứu về môi trường German Watch, Honduras, Miến Điện và Haiti là những nước phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng nhất. Trong 2 thập niên qua, đã xảy ra 15 000 hiện tượng cực đoan, 525 000 người thiệt mạng, thiệt hại vật chất ước tính lên tới gần 3 000 tỷ đô la. Vừa mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ cảnh cáo : nếu không giới hạn lượng thải khí CO2, đến năm 2080 trên toàn cầu sẽ có thêm 175 triệu người lâm vào cảnh đói kém.

Như để gia tăng thêm áp lực đòi quốc tế đạt được một thỏa thuận đầy cao vọng cho Trái đất khi khép lại Hội nghị COP21 vào ngày 11/12/2015, hôm nay, Thị trưởng và các dân biểu của đại diện cho 1000 thành phố trên thế giới tập hợp về thủ đô nước Pháp. Đây là một sáng kiến của Đô trưởng Paris Anne Hidalgo và đặc sứ Liên Hiệp Quốc trên hồ sơ biến đổi khí hậu, cựu Thị trưởng thành phố New York Maichael Bloomberg. Vì khí hậu, môi trường và trái đất, cũng có mặt tại Paris hôm nay, nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nam tài tử Robert Redford, Leonardo DiCaprio hay cựu Thống đốc bang California, Arnold Schwarzenegger.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.