Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Thỏa thuận khí hậu COP 21 nên mang tính ‘‘ràng buộc’’ ?

Đăng ngày:

Thương lượng giữa 195 quốc gia tại Thượng đỉnh Khí hậu COP 21 đang diễn ra tại Trung tâm Bourget, ngoại ô Paris. Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào Thượng đỉnh, với mong đợi thỏa thuận được đưa ra cuối tuần tới sẽ tạo được một nền tảng để toàn thể cộng đồng quốc tế cùng chung sức cho mục tiêu hạn chế nhiệt độ Trái đất ít nhất không tăng quá 2°C, vào cuối thế kỷ XXI này so với thời tiền công nghiệp. Một thỏa thuận nào sẽ được coi là thành công ? Liệu đây sẽ là một thỏa thuận mang tính « ràng buộc » ? Sự « ràng buộc » sẽ mang tính pháp lý hay đạo lý ?

Biểu tình vì khí hậu tại Ottawa, thủ đô Canada, ngày 29/11/2015. Khẩu hiệu trong ảnh : "Các giải pháp cho khí hậu và lẽ công bằng cho vấn đề khí hậu. 100% là có thể được".
Biểu tình vì khí hậu tại Ottawa, thủ đô Canada, ngày 29/11/2015. Khẩu hiệu trong ảnh : "Các giải pháp cho khí hậu và lẽ công bằng cho vấn đề khí hậu. 100% là có thể được". REUTERS/Chris Wattie
Quảng cáo

Cộng đồng quốc tế đang tiến rất gần đến một thỏa thuận về khí hậu với sự tham gia của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, điều chưa có tiền lệ. Cho đến nay, đã có hơn 180 quốc gia đưa ra cam kết đóng góp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo các số liệu riêng, mức đóng góp được coi là phù hợp với khả năng của bản thân. Một vấn đề lớn được đặt ra trong các thương thuyết là : Liệu có hình thức trừng phạt nào dành cho các quốc gia không thực hiện các cam kết với cộng đồng quốc tế ?

Bất đồng Mỹ và Pháp nổi lên hồi giữa tháng 11/2015 vừa qua, sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry về việc, đối với Washington, Thỏa thuận COP 21 sẽ không thể là « một văn bản pháp lý mang tính cưỡng chế ». Trong khi đó, đối với Tổng thống Pháp, hoặc sẽ có một thỏa thuận « mang tính ràng buộc », hoặc sẽ không có thỏa thuận (theo một số nhà quan sát, trên thực tế, chính phủ Mỹ không phủ nhận tính cần thiết của một thỏa thuận có tính ràng buộc, mà chỉ không muốn đây là một văn bản pháp lý kiểu hiệp định [treaty], bởi như vậy sẽ bắt buộc phải trình qua Quốc hội - người viết).

Lối vào trung tâm hội nghị COP21, Le Bourget, ngoại ô Paris, France, 29/11/2015. REUTERS/Stephane
Lối vào trung tâm hội nghị COP21, Le Bourget, ngoại ô Paris, France, 29/11/2015. REUTERS/Stephane

 Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát, vốn không ủng hộ quan điểm của Tổng thống Obama, hôm thứ Ba, 01/12 – tức một ngày sau khi khai mạc Thượng đỉnh – đã bỏ phiếu bác bỏ qui định của Barack Obama, lần đầu tiên ấn định giới hạn khí thải CO2 của các nhà máy nhiệt điện Mỹ. Mặc dù không có hiệu lực thi hành, do chắc chắn sẽ bị Tổng thống phủ quyết, cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng nói trên cho thấy các trở lực đối với chủ trương hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Tổng thống Obama ngay tại nước Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về khí thải CO2. 

« Ràng buộc » là có thể và cần thiết

Vấn đề ràng buộc hay không ràng buộc liên quan đến cùng một lúc các lĩnh vực pháp lý, đạo lý, cũng như chính trị. Đàm phán tại COP 21 là một thực tế hết sức phức tạp bởi sự tham gia của toàn thể cộng đồng quốc tế, một thỏa thuận cuối cùng đòi hỏi phải được sự nhất trí của 100% thành viên, trong khi đó, lập trường của các bên nhiều khi hết sức khác biệt, thậm chí đối kháng trên nhiều điểm, nhất là giữa các nhóm quốc gia dễ bị tổn thương nhất, với một số cường quốc công nghiệp, hay quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, chưa kể đến lập trường đặc biệt của những nước đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ.  

Để soi sáng vấn đề này, chương trình Thảo luận của RFI hôm 01/12/2015, có cuộc phỏng vấn ông Jean-Marc Germain, nghị sĩ đảng Xã hội tỉnh Hauts-de-Seine, thư ký quốc gia của đảng phụ trách ban « toàn cầu hóa, điều chỉnh và hợp tác », thành viên Ủy ban đối ngoại Quốc hội (do nhà báo Anne Soetemondt thực hiện).

Sau đây là nhận định của ông Jean-Marc Germain : « Một thỏa thuận mang tính cưỡng chế là có thể, bởi vì đây là một sứ mạng mà toàn thể cộng đồng quốc tế đã đề ra tại Thượng đỉnh Durban, Nam Phi (COP 17). Theo đó, khía cạnh mang tính cưỡng chế về pháp lý sẽ phải được thông qua tại COP 21. Khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy là điều có thể, vấn đề cụ thể đặt ra là : Nội dung nào sẽ được đưa vào bên trong tính chất cưỡng chế này ? ».

Trong trả lời phỏng vấn báo La Tribune ngày 02/12/2015 (bài "COP21 : Thế nào là một ‘‘thỏa thuận mang tính ràng buộc’’ ?, do nhà báo Giulietta Gamberini thực hiện), nhà luật học Pháp Sandrine Makjean-Dubois – chuyên gia luật quốc tế về môi trường và biến đổi khí hậu, nhận định : Một thỏa thuận mang tính « ràng buộc về pháp lý », ít nhất trên một số phương diện, là điều mà các bên thương lượng đang nỗ lực hướng tới, các phương án trong dự thảo văn bản thỏa thuận tại Bonn, cuối tháng 10 vừa qua, phản ánh các lập trường khác nhau về một « thỏa thuận khung ». Trong những ngày tới, cộng đồng quốc tế sẽ phải ra quyết định, theo chuyên gia Sandrine Makjean-Dubois, « nếu trong các đàm phán tại Paris, không có được một thỏa thuận như vậy, (…) điều đó có nghĩa là chúng ta phải đối mặt với một thất bại ».

Ràng buộc trước hết là « thẩm định dữ liệu », « kiểm tra thực hiện »

Theo ông Pierre Cannet, phụ trách chương trình Khí hậu và năng lượng của chi nhánh Pháp của Quỹ Thiên nhiên Thế giới WWF – người cũng tham gia cuộc tọa đàm nói trên, tính ràng buộc của Thỏa thuận COP 21 sẽ không phải là duy nhất, các bên tham gia có khả năng tìm được đồng thuận ở các mức độ ràng buộc khác nhau, từ thấp đến cao. Điều mà nhà hoạt động môi trường Pierre Cannet nhấn mạnh là khía cạnh kiểm tra thực hiện các cam kết quốc gia.
 
Theo ông, « hiện tại, các hứa hẹn được các quốc gia đưa ra đang còn ở tình trạng mong muốn. Chúng ta đã có một loạt đề nghị cam kết đóng góp của các nước, bây giờ là lúc các cam kết này phải được đưa vào Thỏa thuận, và quá trình thực hiện phải được kiểm tra. Thực chất của việc này là các dữ liệu, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và thẩm định chúng. Hiện tại, các đàm phán về vấn đề minh bạch nhấn mạnh đến công đoạn thẩm định đã dẫn đến một số mâu thuẫn căng thẳng, liên quan đến một vấn đề nhạy cảm. Đó là làm thế nào để chính quyền một nước có thể chấp nhận để cho một số quốc gia khác, hoặc một định chế quốc tế vào nước mình để thẩm định các dữ liệu, kiểm tra việc thực hiện ».  

Về điểm này, dân biểu Jean-Marc Germain nhận định : « Minh bạch có nghĩa là phải có một tổ chức quốc tế phụ trách việc đo lường, thẩm định lượng khí thải CO2, dựa trên các phương tiện của một quốc gia, nhưng đồng thời cả với các phương tiện riêng. Hiện tại, các số liệu, đo lường do tự mỗi nước thực hiện. Có thể thấy, nếu việc này chỉ do mỗi nước thực hiện, thì chúng ta sẽ không đi đến được mục tiêu ».

Áp lực từ công chúng mạnh hơn ràng buộc pháp lý

So sánh giữa ràng buộc về mặt pháp lý và ràng buộc về đạo lý/áp lực từ công luận, dân biểu Jean-Marc Germain nhận xét : « Khía cạnh thứ hai là sự minh bạch. Điều này thực sự có ý nghĩa khi 183 nước đã tự đưa ra các mục tiêu, cho dù mức cam kết này còn chưa đủ.
 
Đằng sau vấn đề này là vai trò của công luận. Chính vì thế, điều rất quan trọng là các tổ chức phi chính phủ hiện diện, hành động, tác động đến các nội dung của Thỏa thuận. Bởi công luận trên thế giới, gần như ở tất cả các nước, có thể không kể các nước vùng Vịnh, đều đỏi hỏi các kết quả trong cam kết giảm khí thải. Tại một quốc gia, mà có đến 75% dân cư ủng hộ việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nếu chính quyền không đạt được mục tiêu, họ sẽ bị cử tri trừng phạt (Theo một thăm dò dư luận của New York Times/CBS News, được công bố ngày 30/11/2015, 2/3 người Mỹ muốn có một thỏa thuận chống hâm nóng khí hậu mang tính ràng buộc - người viết).
 
Tại sao Trung Quốc lại có thiện chí trong thương lượng ? Tại vì ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh đã liên tục phá kỷ lục, và dân cư không thể chịu đựng nổi. Điều này tạo nên áp lực. Vấn đề không phải chỉ là chính phủ một nước tự nguyện chấp nhận sự minh bạch, hay xét cho cùng, người lãnh đạo sẽ phải xấu hổ, nếu không tôn trọng các cam kết. Cá nhân tôi không tin vào điều này.
 
Áp lực của công chúng là một cơ chế điều chỉnh rất mạnh, có thể mạnh hơn cả các cơ chế trừng phạt do một định chế quốc tế đưa ra. Hãy xem trường hợp Nghị định thư Kyoto, về mặt hình thức mức độ cưỡng chế pháp lý được đưa ra có thể là rất mạnh, theo kiểu, nếu bạn không đạt kết quả trong tương lai trước mắt, nghĩa vụ trong tương lai xa của bạn sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là hành động lẩn tránh hiện tại ».

Liên kết mới giữa xã hội dân sự và chính giới
 
Người phụ trách chi nhánh Pháp của Quỹ Thiên nhiên Thế giới WWF Pierre Cannetchia sẻ một quan sát mới của ông về một bình diện khác của vấn đề, sự liên kết giữa xã hội dân sự và chính giới. Một tương tác có một ý nghĩa rất hệ trọng với một thỏa thuận mang tính ràng buộc tại COP 21 :

« Trước hết cần ghi nhận là sự chuyển hóa và sự chuyển đổi diễn ra trên thực địa, nhờ xã hội dân sự. Trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa rồi, chúng ta có 750.000 người khắp nơi trên toàn thế giới có các hoạt động bày tỏ thái độ, hướng đến tương lai. Hàng trăm nghìn nhà tranh đấu này đã chuyển các yêu cầu, giải pháp cụ thể đến lãnh đạo các nước, yêu cầu phải thúc đẩy tiến trình này.
 
Tuy nhiên, chúng ta không thể phó thác việc kiểm tra, thẩm định cho xã hội dân sự, những điều cần phải được làm trên bình diện quốc tế. Điều quan trọng là, chúng ta phải có được các quyết định về phương diện đánh giá, để làm sao cho tính minh bạch phải được thể hiện qua các quy định, qua các quyết định tại Paris. Không thể chỉ để cho thượng đỉnh Paris chỉ là nơi phát biểu quan điểm, vận động truyền thông, đưa ra các hứa hẹn đóng góp, Như vậy, mục tiêu là các nước phải cam kết hướng đến một sự theo dõi, thẩm định ở cấp toàn cầu, mang tính bó buộc. Cho đến nay, vẫn có cơ sở để hy vọng rằng, một kết quả như vậy sẽ được khẳng định tại Paris ».

Về điểm này, dân biểu Jean-Marc Germain cho biết quan điểm : « Có thể thấy một tính chất mới mẻ xuất hiện trong sự nối kết giữa xã hội của người dân và xã hội phía trên, giữa các công dân, những người tranh đấu với các nhà chính trị. Ở Pháp, chúng ta đã ra luật về chuyển đổi năng lượng. Luật này đã được thực hiện với sự tham gia mật thiết của các tồ chức bảo vệ môi trường. Chính các tổ chức này đưa ra các ý tưởng, cụ thể hóa chúng và đôi khi chỉ trích các bất cập. Có một sự năng động đã được hình thành theo hướng này ». Vẫn theo ông Jean-Marc Germain, « Điều thật ấn tượng ở đây khi có mặt tại chỗ (tại COP 21) là, tôi tin rằng chúng ta đang sáng tạo nên một cách thức làm chính trị mới, với ý nghĩa cao quý của từ này. Không đơn giản là để chọn người này hay người khác làm lãnh đạo, cứ mỗi 5 năm bầu lên một lần, ở mỗi nước chúng ta. Giờ đây người ta làm việc cùng nhau, cộng tác mật thiết. COP – Thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu được tổ chức hàng năm, và qua mỗi kỳ thượng đỉnh, nhiều quan hệ mới được tăng cường ».
 
Mệnh lệnh khẩn cấp

Rất nhiều hy vọng được đặt vào một thỏa thuận hạn chế biến đổi khí hậu mang tính ràng buộc, dự kiến sẽ được thông qua tại Paris. Ông Pierre Cannet, người phụ trách chi nhánh Pháp của Quỹ Thiên nhiên Thế giới WWF bày tỏ cảm nhận về tính chất khẩn trương mà các nhà đàm phán phải đối mặt qua hình ảnh trò chơi rubic :

«Tính chất bó buộc của Thỏa thuận phải chăng là điều kiện của sự thành công ? Thỏa thuận Paris là một khối rubic với rất nhiều bình diện khác nhau. Vấn đề cụ thể là mỗi bình diện này phải có khả năng vận hành nhanh chóng. Bởi thời gian không còn nhiều, bởi nếu trong vòng 5 năm nay 10 năm nữa, các khả năng hành động sẽ bị giới hạn rất nhiều. Nếu sức bật hiện nay được coi là tốt, chúng ta phải nỗ lực vượt qua nửa chặng đường còn lại. Phải làm sao cho mọi thứ diễn ra một cách khẩn trương nhất.

Biểu tình vì khí hậu tại Roma, 29/12/2015. REUTERS/Alessandro Bianchi
Biểu tình vì khí hậu tại Roma, 29/12/2015. REUTERS/Alessandro Bianchi


Chính vì vậy, chúng tôi đòi hỏi các biện pháp mới, cam kết mới phải được đưa ra sớm hơn nhiều so với hạn 2020, tức khi Thỏa thuận có hiệu lực. Các mục tiêu cần được xem xét lại vào năm 2018. Mà để điều chỉnh các mục tiêu theo hướng tăng lên, các nước phải bắt tay ngay vào việc kể từ năm 2016, với sự phối hợp mạnh mẽ hơn ».

COP 21 mở đầu cho một tiến trình mang tính ràng buộc

COP 21 đứng trước áp lực phải thành công. Thỏa thuận tại COP21 được hy vọng sẽ phải mang tính ràng buộc trên một số phương diện, để tạo lực đẩy cho các nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, tuy nhiên, dân biểu Jean-Marc Germain đề nghị đặt Thượng đỉnh này trong toàn bộ tiến trình thương thuyết khí hậu nói chung. Ủy viên đối ngoại Quốc hội Pháp nhấn mạnh đến tính chất « ràng buộc » của cả « một tiến trình », mà COP21 là một thời điểm rất quan trọng chứ không phải là duy nhất :

« Việc 183 quốc gia tự đề ra các mục tiêu giảm khí thải, được chi tiết hóa, là rất quan trọng. Việc xã hội dân sự đưa ra các cam kết : các tổ chức phi chính phủ, các cộng đồng dân cư, với các mục tiêu rất cụ thể. Ngoại trưởng Laurent Fabius có lúc đã dùng chữ Liên minh vì khí hậu để gọi chung các hiện tượng này. Tất cả những điều đó đã được nối kết một cách cụ thể.
 
Chúng ta đã có đạt được nhiều điều rất quan trọng, ngay khi COP 21 chưa kết thúc. Tuy nhiên, với các đóng góp hiện nay, nhiệt độ sẽ tăng lên mức 2,5°C, 2,6°C vào cuối thế kỷ. Cần phải bắt đầu từ những thành quả có được, để tạo ra một tiến trình mang tính bó buộc, với các điểm hẹn được tổ chức thường xuyên để tiếp tục tiến trình này.
 
Tôi lạc quan, vì các nỗ lực chính trị của các nguyên thủ. Khi Tổng thống Obama, khi Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga đến đây và nói rằng, nếu chúng ta có các quyết định tồi tại đây, thì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm với các thế hệ tương lai. Điều này khiến tôi tin tưởng. COP 21 là một bước rất quan trọng, nhưng các bước tiếp theo cũng quan trọng không kém. Pháp sẽ tiếp tục là chủ tịch COP 21 trong một năm nữa. Tôi trông đợi ở nước Pháp, đặc biệt là Chủ tịch COP 21 Laurent Fabius tiếp tục trong năm tới, bảo vệ được những gì sẽ được quyết định ở đây, và bảo đảm thành công cho giai đoạn thực thi đầu tiên ».

***

Trước nguy cơ Trái đất bị hâm nóng với tốc độ ngày càng nhanh chóng, cộng đồng quốc tế ngày càng thống nhất trước mục tiêu giới hạn và tiến đến giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, do các hoạt động của con người gây ra. Thượng đỉnh COP 21 được coi là một thời điểm đặc biệt hệ trọng, khi 195 quốc gia đứng trước áp lực phải tìm được một tiếng nói chung, với kết quả mong đợi là một thỏa thuận mang tính ràng buộc.

Theo chuyên gia về khí hậu Pháp Laurence Tubiana – đại diện của Chủ tịch COP 21 tại Thượng đỉnh Paris -, bất luận thế nào, chắc chắn sẽ không có một thỏa thuận mang tính cưỡng chế, đi kèm với các trừng phạt nhằm vào các quốc gia vi phạm (theo Francetvinfo, ngày 12/11/2015). Theo nhiều nhà quan sát, khả năng COP 21 sẽ đạt được đồng thuận về một « thỏa thuận mang tính lưỡng hợp », tức vừa có tính tự nguyện, vừa có tính ràng buộc pháp lý trên một số phương diện (un accord hybride), là khá cao.

Nhiều nhà quan sát nhấn mạnh, khía cạnh ràng buộc chủ yếu đối với các quốc gia là khâu thực hiện cam kết giảm khí thải phải được minh bạch, phải được kiểm tra, thẩm định. Nhiều chuyên gia khí hậu, nhà quan sát ghi nhận tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của xã hội dân sự toàn cầu buộc mỗi quốc gia phải đối diện với trách nhiệm của mình trước thực trạng Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng. Cho dù, COP 21 không đạt được một thỏa thuận mang tính ràng buộc, theo nhận định của nhiều chuyên gia luật, chính quyền các nước cũng sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều hơn với các vụ kiện tụng trong lĩnh vực luật môi trường, bởi chính các công dân của nước mình, hoặc của các quốc gia khác - các nạn nhân của biến đổi khí hậu, cũng như nhiều phản ứng khác của xã hội dân sự toàn cầu.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.