Vào nội dung chính
PHÁP - COP21

COP21 đề xuất sáng kiến bảo vệ đại dương

Đại dương, lần đầu tiên được chính thức đưa vào trong chương trình của Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu. Dù hấp thụ đến 25 % lượng khí thải carbon toàn cầu, đóng một vai trò then chốt trong cân bằng sinh thái, là nơi một nửa dân số trên hành tinh sinh sống, nhưng đại dương thường bị bỏ quên trong các hội nghị quốc tế về khí hậu. COP21 Paris đang khắc phục thiếu sót đó.

Bộ trưởng Môi trường Pháp Ségolène Royal khai mạc Diễn Đàn về Đại dương và Khí hậu - COP21, Le Bourget, ngày 03/12/2015 (@RFI/Tieng Viet)
Bộ trưởng Môi trường Pháp Ségolène Royal khai mạc Diễn Đàn về Đại dương và Khí hậu - COP21, Le Bourget, ngày 03/12/2015 (@RFI/Tieng Viet)
Quảng cáo

Phát biểu trong khuôn khổ « Tuần lễ hành động » một trong số những hoạt động của Hội nghị biến đổi khí hậu ở Le Bourget, ngoại ô Paris, hôm qua, 02/12/2015, Bộ trưởng Môi trường Pháp, bà Ségolène Royal, tuyên bố « Đại dương là một giải pháp chống biến đổi Khí hậu ».

Paris đã đưa ra một số cam kết cụ thể như yêu cầu cộng đồng quốc tế mở rộng hệ thống giám sát về lượng khí CO2 do tất cả các tàu thuyền thải ra trên biển, cấm sử dụng bao ny-lông đe dọa đa dạng sinh thái biển và ven biển. Paris mong muốn biện pháp này được áp dụng một cách rộng rãi. 

Ngoài ra trưa nay, Bộ trưởng Môi trường Pháp vừa khai mạc Diễn Đàn về Đại dương và Khí hậu trong khuôn viên Không gian "Thế hệ Khí hậu" – Générations Climats" mở cửa cho công chúng. Diễn đàn này là sáng kiến của tổ chức xã hội dân sự Plateforme Océan et Climat và được UNESCO hỗ trợ. 

Tham luận trong diễn đàn, các chuyên gia nêu lên vấn đề cơ bản : biển và đại dương chiếm ba phần tư diện tích của địa cầu ; đây là nguồn điều hòa không khí tự nhiên quan trọng nhất của nhân loại, hấp thụ hơn 90 % hơi nóng của trái đất do hiệu ứng lồng kích gây nên và đến 25% lượng khí thải CO2 của hành tinh. Chính nhờ có đại dương mà nhiệt độ của trái đất chưa bị nóng đến " quá độ ".

Nhưng liệu con người còn có thể trông cậy vào cái máy điều hòa nhiệt độ đó được bao lâu, khi biết rằng, để hấp thụ một lượng khí carbon ngày càng lớn, nước biển đã bị axit –hóa, có nghĩa là nồng độ pH bị giảm đi thấy rõ. Hậu quả thứ hai là do hấp thụ hơi nóng của trái đất, nước biển và lòng đại dương cũng bị nóng lên làm tan băng và tác động đi kèm là mực nước biển gia tăng, đe dọa đời sống của 50 % dân số trên địa cầu sống ở các vùng ven biển và hải đảo. 

Bên cạnh các cuộc hội thảo giữa các chuyên gia về đại dương, còn có nhiều không gian giải trí chiếu phim, triển lãm về môi trường biển. Đó là những nhịp cầu để đưa vấn đề bảo vệ đại dương đến với quảng đại quần chúng. Tại khu vực dành cho công chúng Không gian "Thế hệ Khí hậu" hôm nay có ít nhất 4 bộ phim tài liệu về đại dương, và nhiều phim ngắn, phim hoạt họa để giải thích với những khán giả tí hon hay với những ai ít có thời gian để tìm hiều về môi trường biển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.